Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

NO VÀ ĐÓI, CON CÁ VÀ CHIẾC CẦN CÂU

Tô Văn Trường

Để dân đói, trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, và khả năng điều tiết và quản lý chính sách an sinh xã hội của Nhà nước chứ không phải Việt Nam thiếu gạo hay người Việt Nam không biết nhường cơm sẻ áo khi hoạn nạn!

Cách đây hơn ba chục năm, thế giới nhìn Việt Nam bằng con mắt thương hại vì là nước nghèo, xếp loại gần cuối bảng và đói thì triền miên, quanh năm vác rá đi xin cứu trợ. Thế rồi, như nhờ có chiếc đũa thần, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Thực ra, sự thần kỳ ấy cũng không khó giải thích, bởi đã có khoán 10, có những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Kim Ngọc bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Bây giờ, khi mà an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng thì mới thấy rằng cái việc dân Việt Nam no và còn dư dả lương thực cung cấp cho thế giới thật đáng tự hào. Không tự hào sao được khi tại nhiều diễn đàn trên thế giới, các đại diện có thẩm quyền của nước ta đã từng dõng dạc trấn an thế giới rằng :”Việt Nam nhận thức vai trò của mình trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”. Nghe mà sướng lỗ tai, mà nở từng khúc ruột. Bởi thế, cho nên vừa rồi thấy Thanh Hóa và một số địa phương khác kêu đói, hàng trăm nghìn người bị đói phải xin Trung ương và các tỉnh bạn cứu trợ, nhiều người không tin ở tai mình. Ngạc nhiên quá, bởi lâu nay tai chúng ta chỉ quen nghe những con số hàng triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm và mắt chúng ta đã quen nhìn trên màn hình TV những “mùa vàng trĩu hạt”. Và đó cũng là khởi đầu của câu chuyện rất đáng phải bàn no và đói.

Những người nghèo khổ

Trên thế giới, nhận thức về nghèo khổ từ giữa thế kỷ 20 đến nay, đã qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Nghèo khổ chỉ tính bằng suất ăn hàng ngày, dưới bao nhiêu calo thì là nghèo khổ. Giai đoạn hai: Xuất hiện chỉ số phát triển con người (HDI) gồm 3 chỉ số cơ bản là : GDP đầu người, số năm người dân được đi học ở trường, tuổi thọ trung bình của dân cư. Từ 3 chỉ số đó, người ta tính ra chừng 30 chỉ số chi tiết. Và từ HDI, người ta tính ra chỉ số nghèo. Giai đoạn thứ ba : Cuối thế kỷ 20, người ta mở một cuộc điều tra lớn, ở gần 100 nước, hỏi hàng vạn người đã được xếp là nghèo khổ, và chỉ hỏi một câu : “Điều gì làm ông, bà thấy rõ nhất, thấm thía nhất thân phận nghèo khổ của mình?”. Câu trả lời của số đông áp đảo không phải là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tiện nghi, thiếu điều kiện cho con đi học, thiếu khả năng chăm sóc sức khoẻ, phòng và chữa bệnh vv..., mà chính là : Thiếu đến không có tiếng nói (lack of voice) về thân phận mình và về công việc của cộng đồng. Kết quả điều tra nói trên rất đáng để chúng ta suy ngẫm.

Về sự nghèo khổ ở nước ta, của dân ta thể hiện ở nghèo khổ về kinh tế, công ăn việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống vật chất hiện nay của bản thân và gia đình, dự trữ cho những tai họa bất thường, tích lũy cho tương lai vv… Nghèo khổ về văn hoá, hưởng thụ đời sống văn minh. Nghèo khổ về dân chủ, công bằng.

Trong các nguyên nhân nghèo khổ, có nguyên nhân tham nhũng, nhất là những kẻ tham nhũng lớn, đã hình thành một tầng lớp giàu, rất giàu, phi pháp một cách trắng trợn, chiếm đoạt, đục khoét và vơ vét của dân, bần cùng hoá nhiều gia đình, nhiều xã, nhiều huyện, đào sâu khoảng cách giàu nghèo, tàn bạo gây ra sự nghèo khổ và làm cho sự nghèo khổ nặng nề, đau đớn thêm nhiều. Tham nhũng là nguyên nhân của mọi bất cập, nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là gì lại ít người nói hoặc ngại nói. Theo chúng tôi hiểu đó là mô hình tổ chức xã hội/hệ thống chính trị.

Ai là người bị đói?

Từ nhiều năm nay, chúng ta đã xác định được 62 huyện nghèo, hàng trăm xã nghèo, hầu hết ở vùng sâu, vùng xa, đó chính là những nơi nhân dân ta thiếu đói. Có những nguyên nhân "tình thế" như nhiều loại địch họa (thời chiến) và nhiều loại thiên tai (thời bình) xẩy ra hàng năm hoặc vài năm một lần, ở nhiều vùng khác nhau. Và có những nguyên nhân cơ bản khiến cho một số xã, huyện ở một số tỉnh thường xuyên bị thiếu đói. Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến người dân bị đói là (1) Điều kiện thiên nhiên địa phương khắc nghiệt, không thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, cho kinh tế nông thôn và phát triển công nghiệp; (2) Trình độ văn hóa, năng lực và kinh nghiệm canh tác của cư dân thấp; (3) Công cụ và phương tiện sản xuất thiếu thốn và lạc hậu, năng suất kém; (4) Những người thu nhập thấp, ít công việc làm ăn, sức khỏe yếu, bệnh tật, không đủ tiền để mua cái ăn ở mức cần thiết cho cuộc sống; (5) Di dân tự do, là người nghèo không có nguồn lực; (6) Trình độ quản lý, điều hành của các cơ quan chính quyền địa phương yếu, có khi có cả sự thiếu trách nhiệm và những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; (7) Vị trí của địa phương hẻo lánh, đường xá ít và xấu, giao thông vận chuyển khó khăn; (8) Nhiều địa phương, hạt thóc của người nông dân làm ra phải cõng nhiều thứ thuế và phí theo kiểu “phép vua thua lệ làng”; (9) Sự trợ giúp không đầy đủ, không kịp thời của cấp chính quyền Trung ương và các cơ quan Trung ương có trách nhiệm vv...

Sản xuất đảm bảo an ninh lương thực nhưng lại là tầng lớp thiệt thòi nhất.

Thời gian trôi rất nhanh, chỉ còn 9 năm nữa để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 khi nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tốc độ tăng trưởng nông-lâm-thuỷ sản phải đạt 3,5-4,0%/năm; Duy trì ít nhất 3,8 triệu ha đất lúa, tạo năng lực sản xuất, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia trước mắt và lâu dài; Lao động nông nghiệp được chuyển dịch còn 30% trong tổng lực lượng lao động, tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%. Đối tượng chủ yếu làm ra lương thực để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là người nông dân ở nước ta lại là thân phận chịu nhiều cái nhất: (1) Số lượng đông nhất; (2) Gánh vác nặng nhất; (3) Hy sinh lớn nhất; (4) Chịu đựng lâu nhất; (5) Còn cam chịu nhất; (6) Bị chiếm đoạt nhiều nhất; (7) Bị gò ép nghiệt ngã nhất; (8) Tha thứ rộng lượng nhất; (9) Yêu nước thiết thực nhất; (10) Ứng xử khôn khéo nhất; (11) Đáng được đền đáp nhất. Các vị tiền bối xếp nông dân Việt Nam, tuỳ vùng, vào 3 nhóm: a) Chịu khổ nhưng không chịu khó, b) Chịu khó nhưng không chịu khổ và c) chịu khó nhưng vẫn khổ. Nghĩa là nông dân không có nhóm sướng.

Dân quê cũng giống như người dân nghèo khổ ở nhiều nơi trên thế giới, họ đang bị bế tắc khi những công việc tay chân ở làng quê không còn đủ cho họ làm. Công việc trí óc thì cũng không có nhiều chỗ cho những người học thức, nên họ cũng rời gót ra đi. Tới đời họ, thì mảnh ruộng đã phân năm, xẻ bảy chia cho con cháu thì còn đâu đủ mà làm ra hạt gạo. Mà cũng không làm nổi vì tiền đâu mua thuốc trừ sâu và phân bón. Mà nếu không trừ sâu thì sâu bệnh do biến đổi khí hậu và do lạm dụng thuốc, lờn thuốc sẽ từ ruộng khác ùa vào ruộng của họ. “Đói ăn rau, đau uống thuốc” mà rau cũng chẳng biết trồng ở đâu, thế là dễ xảy ra bất ổn xã hội.

Một số giải pháp cần thiết

Ta hội nhập, kinh tế thị trường mà không chuẩn bị "lưới hứng", những nông dân bị mất đất do công nghiệp hoá, đô thị hoá thì dân nghèo đói là phải rồi. Về điểm nầy ta thua cả Myanma, Lào và Campuchia còn đang sản xuất lạc hậu, quảng canh, dân nghèo tuy vẫn nghèo nhưng bình thường là không đói, vì còn có đất để sản xuất.

Đói không chỉ nên tính bằng lương thực mà cần thay đổi tập quán ăn, nghĩa là chuyển từ “an ninh lương thực” sang “an ninh dinh dưỡng”. Như vậy, cần điều chỉnh cơ cấu khẩu phần thức ăn, thêm rau, thịt, cá. Nhưng thịt cá lấy từ đâu? Từ điều chỉnh cơ cấu sản xuất.

Đừng bắt tất cả các tỉnh từ to đến bé, từ đồng bằng đến miền núi, khi qui hoạch đều đặt bài toán an ninh lương thực. Hãy làm bài toán: làm gì để dân có tiền để mua lương thực và Nhà nước cân đối cung cầu để đảm bảo cung ứng lương thực phù hợp về lượng và về thời gian.

Tổ chức sản xuất dựa trên giá trị trên 1 đơn vị diện tích hay một đồng vốn đầu tư. Nhanh chóng chuyển dịch nông dân sản xuất nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, những ngành cần nhiều lao động. Tuy nhiên, cần chú ý vấn đề sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, phải công nghiệp hóa nông thôn cho đúng nghĩa, vừa phải cơ giới hóa nông nghiệp, vừa phải tạo ra nhiều loại hình dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, để người nông dân trực tiếp quản lý thị trường nông sản (các nhà kinh doanh khác chỉ làm khâu thương nghiệp – phân phối sản phẩm là chính). Có làm khâu chế biến nông sản người nông dân mới không bị bóc lột, mới giàu được. Nếu chỉ bán nguyên liệu thô, chẳng khác gì chuyện đât nước bán khoáng sản.

Giải bài toán về đất đai, từ dồn điền đổi thửa, tiến tới tích tụ ruộng đất, thực hiện tổ chức sản xuất sao cho quan hệ sản xuất thực sự phù hợp với lực lượng sản xuất và ngược lại. Nông sản cần có vùng tập trung, để áp dụng khoa học kỹ thuật, ổn định sản lượng và chất lượng.

Tuy sản xuất lúa gạo vẫn là quyết định cho an ninh lương thực, nhưng để bền vững, và nhất là để ứng phó với biến đổi khí hậu, thì phải đẩy mạnh nhiều lọai cây lương thực ngòai lúa, nhất là cây ăn củ như khoai lang, khoai tây, khoai bông, khoai sọ kể cả cây rừng lương thực, như cây xa kê ở Nam bộ, cây hạt dẻ, cây hồ đào, cây mít ăn hạt ở miền núi. Tăng đầu tư cho những nghiên cứu thích ứng với hạn, như tạo chọn giống, cho kỹ thuật tưới tiêu thích hợp. Người nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu thì thế giới cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ Việt Nam trong việc sản xuất lúa gạo.

Chú trọng chính sách ngân hàng, tín dụng cho nông dân nghèo tiếp cận đồng vốn dễ dàng, không biến thái Ngân hàng như những tiệm cầm đồ, muốn vay tiền phải cầm sổ đỏ. Tăng cường công tác khuyến nông, dạy nghề, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp một cách phù hợp, hiệu quả nhất. Hãy giúp cho người dân "một chiếc cần câu" tốt và phương pháp câu cá.

Chính phủ cần đầu tư nhanh để phát triển 2 lĩnh vực mà ngành nông nghiệp còn quá yếu: Đó là cơ giới hóa trong sản xuất & công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng của mặt hàng nông sản.

Về nông thôn, theo chúng tôi hiểu thì vấn đề đúng chưa phải là "tam nông", chỉ hạn chế trong nông nghiệp, mà là "kinh tế nông thôn", "xã hội nông thôn", "cư dân nông thôn". Trên thế giới, ở nhiều nước và ngày càng nhiều nước, nông nghiệp (trồng trọt. chăn nuôi, nghề rừng, nghề cá) là bộ phận quan trọng của kinh tế nông thôn, nhưng không phải là bộ phận quan trọng nhất. Bộ phận quan trọng nhất của kinh tế nông thôn, mang lại giàu có cho nông thôn và cho từng gia đình cư dân nông thôn, thay đổi sâu xa bộ mặt và đời sống nông thôn, góp phần đáng giá nhất cho đất nước, là phần kinh tế nông thôn phi nông nghiệp. Trong thu nhập của một gia đình cư dân nông thôn, phần từ kinh tế nông thôn phi nông nghiệp thường gấp đôi phần từ nông nghiệp. Trong mỗi gia đình cư dân nông thôn, đều có người làm nông nghiệp, có người làm kinh tế nông thôn phi nông nghiệp.

Hãy cho người dân cái chữ để họ có thể tự lực kiếm miếng cơm, manh áo. Đừng thu học phí mà ngược lại phải phát tập vở cho họ, như ngày xưa Bác Hồ đã từng làm. Ngày ấy, Việt Nam nghèo thế mà còn làm được, không lẽ bây giờ không làm được? Miễn phí cấp tiểu học là làm đúng theo quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta đang thu tiền học sinh tiểu học là hoàn toàn sai, còn thua cả nước Kenya, một nước rất nghèo ở Châu Phi đã dám miễn các loại phí cho cấp tiểu học và không hạn chế tuổi học, hạnh phúc đến nỗi một ông già 80 tuổi lần đầu được đi học cùng với các em bé, cảm động đến rơi nước mắt.

An sinh xã hội là một vấn đề lớn của quốc gia. Các sắc thuế khi khai thác tài nguyên khoáng sản như dầu khí, than đá vv…nên công khai các khoản thu nộp ngân sách hàng năm bao nhiêu và dành phần thích đáng chia sẻ cho người lao động thu nhập thấp cũng như dành cho cứu trợ xã hội. Việt Nam xuất khẩu 6 triệu tấn gạo mà còn gần 1 triệu hộ thay phiên nhau đói trong năm thì thật tệ hại.

Một bài tính thô thiển: 90 triệu dân tức khoảng 20 triệu hộ và có khoảng 5% hộ đói nghèo thường xuyên cần trợ cấp gạo 1kg gạo/tháng/hộ cho 6 tháng/năm tức khoảng 1 triệu hộ cần nhận 6 triệu kg gạo/năm hay 6000 tấn gạo (khoảng 60 tỉ VND nếu mua gạo 10,000VND/kg) tức chỉ chiếm 1/1000 so với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hàng năm. Nếu phải tăng 30 lần, mỗi hộ nhận 30 kg gạo/tháng trong 6 tháng của 1 năm thì cũng chỉ chiếm 3% lượng gạo xuất khẩu (trong khi tỉ lệ hao hụt sau thu hoạch còn cao hơn nhiều so với mức 3% này). Số tiền đầu tư cứu trợ này chưa tới 100 triệu USD /năm, chưa tới 2,5% doanh số xuất khẩu dầu thô hàng năm (nếu tính hơn 4 tỉ USD) hay thất thoát 4 tỉ USD của Vinashin vừa qua.

Mọi việc thành công hay thất bại trong công tác quản lý phần lớn do công tác cán bộ. Có vị lãnh đạo kể cho tôi nghe 1 câu chuyện vui, người thật, việc thật ở 1 tỉnh ở phía Nam. Có huyện trong tỉnh tiến hành cho toàn huyện thực hiện xong mổ tim dị tật bẩm sinh cho trẻ em nghèo miễn phí và xoá xong nhà tạm bợ là nhờ được dân tin tưởng , nhiêt tình hưởng ứng. Có người dân đưa cho Bí thư huyện ủy hai cây vàng 4 số 9 nói rằng : "Tôi tin anh. Một cây vàng cho chương trình mổ tim, một cây cho xoá nhà tạm. Khỏi ghi tên khen thưởng, khỏi làm biên nhận". Đã chưa! Đó là huyện nghèo trong 4 huyện nghèo nhất của tỉnh nhưng nhiệm kỳ Đảng khoá vừa rồi vươn lên thu thuế nhất tỉnh, chỉ sau thành phố và thị xã. Dân là vậy đó, Đảng cũng có huyện Đảng bộ và một Bí thư huyện ủy như thế đó! Hy vọng lãnh đạo nhiệm kỳ mới, có nhiều vị Bí thư huyện ủy được dân tin, dân kính, dân yêu như câu chuyện kể ở trên.

Thay cho lời kết

Về lý, Việt Nam gần tròn 20 năm xuất khẩu gạo không thể có chuyện đói. Nhưng trong thực tế tình trạng đói vẫn xảy ra thì thật ngộ nghĩnh và cười ra nước mắt! Thế cho nên Tổ chức nông lương thế giới (FAO) phải chia ra hai loại "An ninh lương thực quốc gia” và “an ninh lương thực cấp hộ gia đình".

Nguyên nhân vẫn còn nhiều người dân bị đói do công tác lưu thông kém, khoán cho tư thương. Bài toán cung cầu không được xử lý nghiêm túc. Qui hoạch duy ý chí chạy theo thị trường. Tâm lý ỷ lại, bao cấp do lịch sử để lại ở cả cấp quản lý và nông dân. Trợ cấp là nguồn thu đáng kể của địa phương cho nên cần điều chỉnh chính sách cho thích hợp. An ninh lương thực quốc gia không còn thuần tùy hiểu theo cách lấy tổng sản lượng lương thực quốc gia chia cho đầu người. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là tất cả người dân phải có khả năng tiếp cận với số lương thực theo khẩu phần cần thiết.

Sự việc thiếu đói ở Thanh Hóa và các tỉnh vừa qua đòi hỏi thay đổi nhận thức tác động đồng bộ người tham gia chuỗi giá trị lương thực làm ra, thu mua, bảo quản chế biến và tiêu thụ lương thực. Để dân đói, trước hết là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, và khả năng điều tiết và quản lý chính sách an sinh xã hội của Chính phủ và Nhà nước chứ không phải Việt Nam thiếu gạo hay người Việt Nam không biết nhường cơm sẻ áo khi hoạn nạn! Thật phản cảm khi mà tỉnh, huyện nào nghèo, nhất là miền núi và có nơi đói nữa nhưng trụ sở cơ quan hoành tráng nhất, xe sang, xe "xịn". Có nơi 24 vạn dân đang bị đói mà lại "tổ chức diễn tập chống dân bạo loạn" thì phải nói là chủ động phòng xa và cũng hết sức biện chứng!

Từ chuyện Thái Bình làm được cánh đồng 5 tấn cách đây 40 năm, đến chuyện sau 40 năm Thanh Hóa và một số tỉnh vẫn kêu đói có bao nhiêu điều cần bàn! Cũng từ chuyện ông Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú ngày nào đến chuyện ông Bí thư huyện ủy của 1 tỉnh phía Nam hôm nay cũng có bao nhiêu điều cần nói. Bởi lẽ no, đói là chuyện mà mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia đều phải quan tâm trước hết. Nhưng có lẽ từ chuyện no đói ấy, điều mà người viết bài này ngộ ra và tâm đắc nhất lại chính là cái triết lý sống đơn giản mà sâu xa của cha ông ta đã dạy: ”Cho người con cá không bằng giúp người cái cần câu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét