Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

TẤM CHÂN TÌNH

Đọc bài "Con mình và con người ta..." bên nhà anh lái gió, thấy buồn quá, buồn vì những hoàn cảnh đau thương còn nhiều đến vậy trên mảnh đất này. Làm phiền anh lái gió đưa đến thăm hai cháu bé con chị Liễu, cũng là chia sẻ chút chân tình tới vong hồn người đã mất.
Từ chợ Bưởi đến nhà chị Liễu chừng khoảng 45km theo hướng đường quốc lộ 6 đi Hòa Bình.

Trên đường, trước khi đến nhà hai em bé mồ côi mẹ, ghé qua nơi mà chị Liễu đã ra đi vĩnh viễn, nó là đây, nhà máy Vật Liệu Xây Dựng Đặc Biệt Giai Đức, một doanh nghiệp do bọn Trung Quốc làm chủ.





Và xa xa kia, nơi có chiếc xe tải đang bốc hàng, chính là nơi chị Liễu nằm xuống bởi những con người mất hết nhân tính, khi mà chị đang đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của người lao động, tăng khẩu phần ăn trưa:

Con đường về quê người phụ nữ xấu số, đường bê_tông xi_măng rất khang trang, đẹp đẽ. Một vùng quê hiền hòa thơ mộng, cây cầu có tên cầu Bến Cốc bắc qua con sông Bầu nên thơ, những nhịp dây vươn lên trời cao như ước mơ của con người nơi đây, họ muốn vươn lên với văn minh - hạnh phúc - ấm no!


Chị Liễu mất đi, để lại cho cuộc đời hai cháu bẻ thật kháu khỉnh, con gái đầu lòng năm nay lên lớp ba (3), cậu con trai thứ hai năm nay vào lớp một (1). Nhìn hai đứa trẻ xinh xắn đến vậy mà đã sớm mồ côi.
Hai chị em nhận quà của bác "Lái Gió" do "Tí Hớn" sẻ chia mà không thể dằn lòng, chưa bao giờ chúng được say mê đến vậy!


Cô con gái đến là giống mẹ.

Trước di ảnh của cô Liễu, không dám bấm máy, lo rằng như vậy sẽ kinh động đến vong linh cô ấy. Một người phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung và hiền dịu đến vậy mà đã oan ức ra đi, vĩnh biệt chồng dại con thơ khi mới 27 tuổi đời. Nhìn di ảnh của cô, không kìm nổi xúc động, bởi cô vừa đẹp người - đẹp nết. Cô là lao động chính trong nhà với năm (5) nhân khẩu.
Căn nhà cũ kỹ ba gian này là của vợ chồng cô, giờ đây chỉ còn hai đứa bé thơ dại.


Cây mít đầu nhà sai trĩu quả ngọt thơm, mà mùa này còn đâu bàn tay cô hái quả, mang miếng ngọt lành cho người chồng bệnh tật.

Căn bếp tềnh toàng, giếng nước mát trong đâu còn bàn tay cô chăm bẵm mỗi chiều cho hai con nhỏ.

Vườn rau đây, rồi sẽ lại cỏ mọc hoang tàn!

Chuồng trại tăng gia kia, đâu còn mái gà - đàn lợn để mỗi năm học mới mua cho con thêm cái bút tập vở.

Vì sao ư?
Vì cô đã oan ức ra đi, bỏ lại sau lưng một người chồng bị di chứng chiến tranh, chất độc màu da cam đã lấy đi của hai em nhỏ người nuôi nấng chăm sóc cuối cùng của một mái ấm. Chồng cô, cha của hai đứa bé đang phải sống bằng nguồn trợ cấp nhỏ nhoi hàng tháng.
Chưa hết, các cháu bé lại phải sống với bà nội, mà bà nội đã cao tuổi, lại thêm cô út cũng giống như chồng cô Liễu, chất độc da cam còn ảnh hưởng đến sức khỏe nặng nề hơn anh mình.



Khi chúng tôi đến thăm các cháu, gia đình nói là có Công đoàn nghành Giao thông Vận tải đã tặng hai cháu bé mồ côi hai bộ bàn học và một chiếc quạt điện. Vậy là từ nay món đồ quý giá nhất trong nhà đã có, hai bộ bàn ghế học tập của các cháu!


Chia tay ra về, nhìn hai đứa trẻ vẫn chơi những món đồ mới của "Tí Hớn" một cách say mê mà lòng không khỏi ngậm ngùi!

Chúng còn bé quá, chúng chưa biết được rằng nếu cái công ty kia mà trốn tránh trách nhiệm bảo trợ cho chúng thì rồi tương lai của chúng "hai em bé đẹp như tiên" sẽ ra sao?
Các bạn, nếu đọc được bài này của tôi hãy cùng trả lời giúp nhé!

2 nhận xét:

  1. Chị Liễu khổ cả một đời, sống khổ, khi một mình làm việc vất vả nuôi 1 chồng ốm đau, 2 con nhỏ dại, chưa kể mẹ già. Đến khi chết đi lại cũng tức tưởi, uất ức vì những bất công còn lại, sau cái chết thương tâm của chị.
    Đúng là thân phận một kiếp người.

    Trả lờiXóa
  2. hu hu em thương gia đình này quá anh ơi

    Trả lờiXóa