Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

LÁ GAN NGHỊ SĨ - Tuanddk

Điều gì mà nhân dân quan tâm khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII khai mạc. Nhân sự cao cấp? Không. QH chưa khai mạc nhưng danh sách từ tứ trụ triều đình, mười mấy vị bộ trưởng đã được TTX vỉa hè loan tin từ trước, dù đây là câu chuyện “mật của mật”. Cứ theo thông lệ Việt Nam mình thì tin TTX vỉa hè trúng đến 99,99%. Không có gì khó hiểu khi QH thực chất chỉ quyết theo những gì Trung ương đã quyết, chẳng bao giờ sai được. Có ai đó muốn hỏi TƯ là ai thì xin xem lại điều 4 Hiến pháp.
Nhân sự là câu chuyện không thuộc về dân chúng. Ai, ở đâu cũng là câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng có hai vấn đề QH không thể không bàn đến, tất nhiên nếu còn tồn tại thực sự với nghĩa là cơ quan dân cử và các nghị sĩ là đại diện cho nhân dân. Đó là lạm phát và vấn đề chủ quyền biển đảo. Có lẽ Chính phủ giờ rất dễ văng tục khi có bất cứ ai đó nói tới bất cứ gì đó liên quan đến lạm phát. Chẳng hạn có bị chất vấn thì thế nào cũng “Nguyên nhân là câu chuyện khách quan. Phía trước là tương lai tươi sáng”. Sáng đến đâu chưa biết nhưng một thực tế không thể chối cãi là lạm phát 6 tháng đã gấp đôi chỉ tiêu. Những con số rất khó tiêu này lại cần phải được đặt trong bối cảnh là đã 6 năm qua, lạm phát liên tục ở mức 11-12%. Chỉ tiêu có ý nghĩa gì. Nghị quyết cuối cùng là để làm gì khi lạm phát biến tiền lương thành giấy vụn và các con số nghèo đói, bần cùng hoá ngày càng tăng lên. Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, trong bài trả lời PV DDK cách đây hai tuần đã khẳng định rằng: Lạm phát, nói cho cùng, không phải là vì nền kinh tế nhỏ bé, mà là do điều hành. Sẽ rất khó nghe nếu dùng từ bất lực. Nhưng thực tế là Chính phủ đã bất lực trước lạm phát. Một sự bất lực đã kéo dài trong suốt thời kỳ mãn dục 6 năm qua.
Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế khi hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các nghị quyết về một vùng biển cách họ nửa bán cầu thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là liệu Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự. Câu hỏi này đáng lẽ là thừa. Thừa nhưng lại là cần thiết khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền liên tục bác bỏ sự tồn tại trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng. Hôm qua, ông Vũ Mão, nguyên một quan chức cấp cao của QH cho rằng đưa vấn đề Biển Đông ra trước QH là việc làm “cần thiết”, “đúng đắn”, và “như vậy mới đảm bảo tính kịp thời”. Ông Mão cũng cho rằng: “Sản phẩm phải là một Nghị quyết”. Một nghị quyết để các nghị sĩ có thể ngẩng cao đầu. Một nghị quyết để nhân dân hiểu được trách nhiệm và thái độ của QH trước một vấn đề hệ trọng của đất nước.
Nhưng, vẫn phải viết ra một chữ nhưng, nhiều khả năng Chính phủ sẽ chỉ có một báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, liên quan đến tình hình biển Đông, để “các đại biểu tự nghiên cứu”.
Sẽ lại là một nụ cười đồng loã với lạm phát? Sẽ lại là sự trật tự trong im lặng với tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn? Điều này phụ thuộc vào lá gan của các nghị sĩ dù quyền miễn trừ đối với những phát biểu công khai trên nghị trường vẫn là bất biến. Một Quốc hội thực sự xưng là đại diện không thể lảng tránh những vấn đề người dân quan tâm.
Trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược hồi cuối tháng 5 đã xuất hiện hình ảnh của ông Huỳnh Tấn Mẫn. Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫn, một biểu tượng cho phong trào học sinh sinh viên dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, người 11 lần ra toà, 6 năm trong lao tù. Trong Hồi ký không tên của Lý Quý Chung (Chánh Trinh) dân biểu đối lập nghị viện Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin có nói đến cuộc trao đổi tù binh tại phi trường Lộc Ninh. Tù nhân sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, một người cộng sản, đã từ chối việc trao trả anh cho Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam với lý do anh không phải là người của Mặt trận. Từ chối tự do để tiếp tục ở lại, dù ngay sau đó bị đưa trở lại nhà giam, để đấu tranh cho hoà bình, cho dân tộc. Một con người như thế, giờ nếu “xuống đường” cũng chỉ là vì ông tiếp tục lý tưởng mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời.
Trong bài phỏng vấn ông Vũ Mão, có một câu hỏi về việc “người dân muốn về bày tỏ thái độ trước vấn đề chủ quyền ở biển Đông với các hình thức như thời gian gần đây”. Ông Mão nói thẳng quan điểm cá nhân: Các cấp lãnh đạo cần phải trân trọng lòng yêu nước của người dân. Cần phải có nơi để người dân bày tỏ.
Thiếu sót nhất trong bài phỏng vấn, được đăng tải trên tờ Dân Việt, một thiếu sót, dù biết nhưng không thể không chấp nhận, là một chữ “Nguyên”. Ông Mão trả lời với tư cách “Nguyên” Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.
Nguyên nhân là tại lá gan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét