THUẬN NGHĨA
Sứ quán đã chấp nhận đơn xin về nước sớm của anh. Hộ chiếu, visa nhập cảnh và mọi thủ tục, cũng như vé máy bay đã chuẫn bị đầy đủ để khởi hành theo chuyến máy bay từ Praha về Nội Bài vào ngày 31 tháng 5. Đột nhiên anh nhận được điện tín từ Việt Nam gửi sang với một dòng ngắn ngủi “Tình hình bất ổn, thực hiện phương án tị nạn Tây Đức, thủ tục di chuyển có người trực tiếp đến giúp đỡ”.
3 ngày sau, một chủ đường dây chở người vượt biên đến gặp anh thông báo địa điểm và ngày giờ xuất phát sang Tây Đức. Họ nói chuyến đi đã được bảo kê, lệ phí đã thanh toán đầy đủ với chế độ bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngày xuất phát, chủ đường dây thương lượng với anh đưa thêm một người của họ theo cùng để khỏi phí một chuyến đi hợp pháp qua biên giới. Anh trả lời: “Chẳng sao đâu”
Chủ đường dây chở người đưa anh và cô gái quá giang đến trước cổng trại ty nạn là coi như hết trách nhiệm, họ gấp rút quay trở lại Tiệp. Cô gái hốt hoảng quay sang anh hỏi: “bây giờ bọn mình làm sao đây”. Anh tỉnh bơ trả lời: “Đi theo tôi, chẳng sao đâu”
Anh dắt cô gái đến trước phòng thường trực của trại tị nạn, xuất trình giấy tờ và đề đạt nguyện vọng xin tỵ nạn chính trị. Khi khai giấy tờ, nhân viên làm thủ tục chỉ cô gái và hỏi “Sie ist Ihr Frau” (Bà ta là vợ ông à). Muốn thủ tục làm cho nhanh anh trả lời đại “ja, Sie ist meine Frau” (vâng, cô ấy là vợ tôi) “. Họ cấp cho hai người tiêu chuẩn một cặp vợ chồng.
Phòng của 2 người chỉ có một cái giường. Mấy tối liền anh trải chăn xuống nền nhà nằm ngủ, nhường cho cô gái ngủ trên giường. Đêm thứ 3 cô gái thấy anh trằn trọc không ngủ được, hỏi vọng xuống: “Anh là trai tân à” . Anh không hiểu ý hỏi lại: “Cô hỏi gì tôi không hiểu”. Cô gái cười tỉnh khô nói: “là hỏi anh chưa ngủ với đàn bà lần nào à”. Anh đỏ mặt lý nhí trả lời “chưa”. Cô gái vùng ra khỏi chăn kéo anh lên giường….
Cô gái úp mặt vào ngực anh, thì thầm nói như nũng nịu: “đúng là anh nói thật, anh có ân hận không” anh thủng thẳng trả lời: “chẳng sao đâu, mà em tên gì nhỉ”. Cô gái vùng dậy ôm mặt khóc, khóc một cách nức nở nói: “Ngủ với người ta xong, mà giờ vẫn chưa biết tên”. Khóc chưa kịp xong đột nhiên cô lại cười ré lên :”anh đúng là thằng ngố”. Anh hiền lành chống chế: “tôi không ngố đâu, tôi là nghiên cứu sinh đấy”. Cô nằm xuống úp lại mặt vào ngực anh hổn hển: “Có những cái mà đến bác học cũng chỉ là một thằng ngố thôi ông nghiên cứu sinh khờ khạo ạ”. Anh nghe bên mạng sườn mình nhói buốt lên cùng với tiếng khúc khích của cô: “ngố ơi là ngố này….”
Hồ sơ tỵ nạn hoàn thiện, anh và cô cũng được phân đi định cư cùng một lúc. Nhưng vì trong hồ sơ khai chính thức họ đều khai là độc thân, nên họ bị phân về định cư hai vùng khác nhau. Một người ở cực bắc, một người ở cực nam của một tiểu bang cách nhau gần 300 cây số. Ngày chia tay đi định cư, cô cầm tay anh nói: “Những ngày qua thật vui, cảm ơn anh, cuộc đời này bầm dập lắm, hy vọng anh không còn ngố nữa, anh nhớ lời em dặn nhé, tất cả những phụ nữ bỏ sang đây tỵ nạn đều vì kinh tế, anh đừng có ngố mà tin vào một tình yêu có thật, sẽ bị lên bờ xuống ruộng vì khổ đấy”. Anh mỉm cười cầm tay cô lắc lắc: “Chẳng sao đâu, có duyên sẽ gặp lại mà”
4 tháng sau Sở bảo vệ bà mẹ trẻ em nơi tỉnh anh định cư gửi cho anh một thông tư, thông báo anh là “thủ phạm” của cái bụng bầu của một người đàn bà tên ấy…ngày sinh ấy… hiện đang định cư tỵ nạn ở chỗ ấy… Đúng sự thật hay không đúng sự thật có quyền trong vòng 4 tuần lễ thuê luật sư “kháng án”.
Không cần 4 tuần. 5 ngày sau sở ngoại kiều thể theo yêu cầu của anh, cấp cho anh một cái giấy phép được đi ra khỏi vùng và đi lại thăm viếng chăm sóc người đàn bà mang thai con anh.
Gặp lại anh, cô cầm tay anh đặt lên cái bụng lùm lùm của mình hỏi: “anh thích con gái đầu lòng, nhưng nó là con trai đấy”. Anh cười: “Chẳng sao đâu, con trai hay con gái cũng là con mình mà”. Từ đó tuần nào anh cũng đến thăm cô một vài ngày. Ngày cô ở cữ anh xin phép sở ngoại kiều được ở lại luôn chỗ cô để cho tiện chăm sóc mẹ con cô. Sở ngoại kiều chỉ cho phép anh vắng mặt tạm thời trong vòng 2 tháng.
Anh vẫn đi đi về về cho đến tháng thứ 6. Một lần anh vừa xuống tàu đang định đi nhanh vào chỗ cô, vì nóng ruột khi nghe mấy ngày trước cô báo tin thằng nhỏ bị sốt, thì có tiếng gọi giật lại: “Anh, em đây nè”. Anh quay lại giật mình hỏi: “Thằng bé đâu”. Cô cười: “Nó ngủ ở nhà ấy, em có chuyện này muốn nói với anh”. “Chuyện gì đấy, sao không đợi về nhà hẵng nói mà ra tận đây”.
Cô kéo anh ngồi xuống chiếc ghế trên sân ga thủ thỉ: “Anh đừng đến thăm em nữa nhé, có một anh Việt kiều hôm rồi chở em và thằng bé đi khám bệnh, thích em và thương thằng nhóc lắm, ảnh đang ở nhà chơi với cu tý đấy. Ảnh cầu hôn với em , em đã đồng ý”. Anh lặng buồn: “Em cẩn thận đấy, xem xét cho kỹ càng, kẻo bị mấy gã có vợ lừa đó nghe”. Cô nũng nịu: “anh yên tâm đi, em không ngố như anh đâu”. Anh đưa gói áo quần và hộp sữa mà anh đã mua cho cô, cô chối đây đẩy: “anh ấy đang ở nhà mà, cầm về ảnh biết thì sao, anh đừng buồn em nhé, lấy chồng có giấy tờ hẳn hoi, cuộc sống của em và thằng bé sớm ổn định hơn”. Anh nhẹ nhàng trả lời: “Chẳng sao đâu, miễn sao thỉnh thoảng cho anh ghé thăm cu tý là được”. Cô vuốt tóc anh “Ừa, để em sắp xếp cho ông ngố ạ”. Rồi cô vội vã ra về. Anh đứng lặng nhìn cô đi khuất về cuối đường. Anh mở nắp thùng rác trên sân ga bỏ gói áo quần vào đó, rồi buồn tênh nhảy lên tàu.
Anh không buồn nhiều, chỉ nơm nớp lo cho thằng bé. Thực ra anh không hề yêu cô, vì trong trái tim anh đã chôn chặt hình bóng một người với nỗi đau không bao giờ nguôi.
Ngày thằng bé được 11 tháng, cô nức nở gọi điện thoại cho anh nói: “Anh ơi, anh tính làm sao chứ cứ mỗi lần cu tý khóc đêm là anh ấy lấy gối bịt mồm thằng bé lại, có lần nó ngộp thở, tím tái cả mặt mày xém chết ngạt đấy”.
Anh gào lên như một con thú điên dại, nhảy vội lên tàu lao đến chỗ cô. Vừa vào đến nhà cô anh chẳng nói chẳng rằng đấm một quả thôi sơn vào mặt chồng cô. Rồi hối hả bồng thằng nhóc gọi tắc xi chạy về.
Để hoàn thành thủ tục nhận quyền nuôi dưỡng thằng bé, cũng như thủ tục kiện tụng vụ đánh người, anh mắc nợ tiền bồi thường và tiền luật sư hết 15000 DM. Mỗi tháng phải chuyển tiền vào trương mục của chồng cô 150 DM, và 50 DM chuyển cho luật sư cho đến khi hết 15 ngàn mới thôi.
Hôm ra tòa ký giấy chuyển nhượng quyền nuôi dưỡng con, cô hỏi anh: “Anh có buồn em không?”. Anh cười xòa: “hì hì…chẳng sao đâu, thằng bé ngoan lắm, anh rất vui vì được chính tay mình nuôi dưỡng nó, cảm ơn em”. Cô buồn buồn nói: “Anh đúng là một thằng ngố mà, một gã đàn ông khờ với một đứa con dại, làm sao mà lấy được vợ”. Anh cũng cười nói: “Chẳng sao đâu, thằng bé sẽ làm cho anh hết ngố, chứ không phải phụ nữ đâu”
Anh vừa đi học vừa đi làm thêm. Ban ngày anh đem cu tý đến gửi ở nhà mấy người Việt tỵ nạn khác, buổi sáng học xong là lao đến các quán Tàu, rửa bát, lau chùi quét dọn kiếm thêm tiền, khuya đón con về, cha con ôm nhau ngủ hạnh phúc lắm
Thỉnh thoảng cô có gọi điện hỏi thăm: “Anh thật vất vả, mà em không thể giúp gì được”. Anh vui vẻ động viên cô: “Chẳng sao đâu, thằng bé khỏe và ngoan lắm, bọn anh dư giả mà, em đừng lo”
Cô có thêm hai đứa con nữa với người chồng đó, rồi ly hôn. Tái giá với một ông chủ nhà hàng khác, có thêm đứa con nữa. Vì bận rộn với con cái và nhà hàng cô không có thời gian hỏi thăm thằng bé nữa, hàng năm chỉ gọi điện chúc mừng nhân ngày sinh nhật, và ngày lễ giáng sinh.
Có nhiều lần thằng bé hỏi anh về Mẹ, anh thường ấp úng trả lời và đánh trống lảng sang chuyện khác.
Một hôm anh đọc sách khuya rồi ngủ thiếp đi, quên tắt đèn. Thằng bé dậy tắt đèn dùm anh rồi ngồi xuống, kéo chăn đắp lại cho anh miệng thì thào „Pa pa, ich verstehe schon alles, du bist nicht nur.., du bist richtig gnau so meine Mutte” (Ba ơi, con hiểu tất cả rồi, ba không những là thế.., ba mới thực sự là Mẹ của con)
Lúc thằng bé 16 tuổi, sau ngày làm lễ trưởng thành, anh kể cho nó mọi chuyện. Sau đó vài tháng, nó đề nghị được về ở một thời gian với mẹ đẻ. Luật pháp nước Đức qui định trẻ em 16 tuổi đã có quyền tự quyết định nơi ăn chốn ở của mình. Anh không từ chối yêu cầu của nó: “Chẳng sao đâu, con cứ làm những gì con muốn”
4 tháng sau, một hôm đi làm về anh nghe trong nhà có mùi khét, vội vã mở cửa chạy nhanh vào, anh thấy nó đang đeo tạp dề lum khum nấu ăn trong bếp. Thấy anh nó nhe răng ra cười: “Pa pa, du muß eine Frau suchen, daf du nich immer Schnelnudeln essen. Das ist sehr ungesund” (Ba ạ, ba phải tìm một người vợ thôi, ba không thể ăn mì ăn liền mãi thế này được, có hại cho sức khoẻ lắm). Anh hỏi nó đã nghỉ hè đâu mà về vậy. Nó lặp lại câu nói cũ “Du bist richtig meine Mutte” (Ba mới thực sự là Mẹ của con).
Cách đây không lâu, cô gọi điện thoại cho anh, nói tình hình kinh tế khó khăn, quán xá làm ăn thua lỗ, có khả năng bị phá sản, muốn mượn anh một số tiền để trang trải nợ nần. Vì số tiền hơi nhiều, nên anh phải bàn bạc với nó. Nó im lặng không có ý kiến gì.
Nhân dịp cuối tuần có thêm mấy ngày lễ, anh tranh thủ đi giao tiền cho cô. Lúc chuẩn bị đi, tìm mãi không thấy chìa khoá xe. Anh lục tung cả nhà mà không thấy đâu. Nó thấy anh bồn chồn lo lắng không yên, nên thọc tay vào túi quần lôi chùm chìa khóa ra đưa cho anh và nói: “Pa Pa, diese Frau ist nicht gut, daft Sie nicht alles feinster von deinem emfendliche Herz zu nehmen” (Ba ạ, người đàn bà này không tốt, bà ta không được phép nhận những gì tốt đẹp từ trái tim nhạy cảm của ba)
Anh sững sờ nhìn nó và mất bình tĩnh giáng cho nó bạt tai, cái bạt tai đầu tiên trong đời mà nó nhận được, anh nóng nảy nói: „ Daf du nicht so sagen, Sie ist deine Mutte” (Con không được phép nói thế, vì đó là mẹ của con)
Nó không nói gì, chỉ rơm rớm nước mắt. Anh ân hận ôm nó vào lòng, vỗ vỗ vào vai an ủi nó: “Entschuldigung meiner Sohn, habe ich ein bißchen aufgeregt” (xin lỗi con trai, ba hơi xúc động). Nó cũng vỗ vỗ vào anh nói: “Pa Pa, chẳng sao đâu”
Anh trố mắt lên nhìn nó ngạc nhiên “Mein Gott, du kann schon sehr gut Vietnamesische sprechen” (Trời, con đã nói được rất sõi tiếng Việt nam rồi đấy)
Nó cười hăng hắc: “Pa pa, du bist richtig einer thằng ngố, diese Satz habe ich schon über hunderttausende mal gehören” (Ba ơi, ba đúng thật là một thằng ngố, câu nói này con đã nghe ba nói hơn trăm ngàn lần rồi). Nói xong nó nhìn anh thông cảm và nói tiếp: “Pa pa, chẳng sao đâu!, du kann alles machen, was deine Herz wollen” (Ba ạ, chẳng sao đâu, ba có thể làm tất cả những gì mà trái tim của ba muốn)
Anh nhìn nó hàm ơn: “Danke schön meine klein Sohn” (Cảm ơn con trai bé bỏng của ba).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét