Ông Trần Hữu Phát, chủ tịch hội đồng khoa học viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam kể: khi nghe một phó chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường “khoe” uỷ ban này được Quốc hội giao giám sát việc thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông đã bảo “Uỷ ban biết gì mà giám sát”.
Muốn giám sát, theo ông Phát, phải xây dựng năng lực cụ thể về pháp luật, kỹ thuật năng lượng nguyên tử. Nếu không, người ta nói “đây, có ý kiến của uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường rồi, chúng tôi thực hiện”, lỡ xảy ra chuyện gì ai chịu trách nhiệm? Ông nhận xét: “Hiện nay, nhận thức về việc đảm bảo an toàn cho điện hạt nhân còn rất mơ hồ, từ Quốc hội trở xuống, điều này cực kỳ nguy hiểm”.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam là đơn vị tổ chức hội nghị Khoa học và năng lượng hạt nhân toàn quốc hôm qua, 18/8 tại Ninh Thuận, địa phương được chọn để thực hiện dự án năng lượng điện hạt nhân đầu tiên của cả nước. Là người điều hành hội nghị, cũng với tư cách là một trong những người khởi xướng chương trình điện hạt nhân, ông Phát nói: “Chúng ta họp ở đây không chỉ để khẳng định việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là cần thiết, xây dựng và vận hành nhà máy thì dễ nhưng quan trọng (và khó) là phải đảm bảo việc này được thực hiện một cách tuyệt đối an toàn”.
Ông kêu gọi mọi người tham gia hội nghị có trách nhiệm góp ý để hoàn thiện khung pháp luật và bộ máy quản lý vì mục tiêu trên.
Luật Năng lượng nguyên tử đã được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008, trước khi thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào ngày 25/11/2009 hơn một năm. Thế nhưng, tại hội nghị nêu trên, tiến sĩ Lê Chí Dũng, phó cục trưởng cục An toàn bức xạ và hạt nhân (thuộc bộ Khoa học và công nghệ) cho biết bộ này đang chuẩn bị đề xuất sửa luật Năng lượng nguyên tử vào năm 2013. Ông Dũng cho biết, sau khi Việt Nam ban hành luật Năng lượng nguyên tử, cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước phát triển đã gửi những góp ý.
Theo hướng dẫn chung của IAEA về xây dựng luật về năng lượng nguyên tử nói chung cho các nước, nên thống nhất có một cơ quan pháp quy tiến hành các hoạt động pháp quy nhằm đảm bảo sự an toàn như quản lý khai báo, cấp phép, kiểm tra, cưỡng chế thi hành. Đồng thời, cơ quan này phải độc lập với các cơ quan tổ chức chịu trách nhiệm phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Nghị quyết của Quốc hội đặt điều kiện chỉ triển khai điện hạt nhân khi đảm bảo mọi tiêu chuẩn an toàn.
Trong khi đó ở Việt Nam, theo ông Dũng, riêng việc cấp phép liên quan đến nhà máy điện hạt nhân thì Thủ tướng phê duyệt địa điểm, bộ Khoa học và công nghệ cấp phép xây dựng, bộ Công thương cấp phép vận hành. Sự phân chia này, theo ông Dũng, là do khi xây dựng luật Năng lượng nguyên tử, chúng ta đã quá chú trọng sự phù hợp với các luật hiện có như luật về đầu tư, xây dựng, môi trường. Cá nhân ông cho rằng thống nhất đầu mối thì hiệu quả quản lý sẽ cao hơn.
Cũng theo ông Dũng, khi xem xét vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân thì không được bị sức ép của ai, cơ quan nào. Nếu cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn phụ thuộc vào việc phải phát triển điện hạt nhân thật nhanh hoặc bị thúc ép sẽ có thể bỏ qua quy trình về an toàn mà đáng ra phải thực hiện. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm. Đáng tiếc, theo như ông thấy, thì “sự tách bạch này đang gặp khó khăn”.
Bỏ qua khó khăn liên quan đến vấn đề có tính tổ chức này, nhiệm vụ quản lý rủi ro hạt nhân của cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang gặp sức ép rất lớn về thời gian, năng lực, phải “chạy đua” với tiến độ triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, mà theo nghị quyết của Quốc hội, sẽ khởi công vào năm 2014.
Theo tính toán của cục này, số thông tư, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn hạt nhân mà cục phải giúp bộ trưởng bộ mình xây dựng trong bốn, năm năm tới lên đến vài trăm, riêng trong năm 2011 – 2012 là 43 văn bản.
Trong khi đó, chỉ riêng thông tư 13 (ngày 20/5/2009) hướng dẫn đánh giá sơ bộ về an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư (để giúp Quốc hội ra quyết định về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận) cũng đã ngốn hết hai năm. Còn về nhân lực phục vụ cho việc này, dự kiến đến năm 2014, cục cần có 280 người, trong đó phải có 60 người được đào tạo ở nước ngoài, nhưng số này cũng chỉ giúp thẩm định được chừng 10 – 40% nội dung trong mỗi vấn đề cần thẩm định và cần có thời gian.
Ông Dũng nói, về nguyên tắc, văn bản yêu cầu, hướng dẫn về an toàn phải có trước khi các bước của dự án được triển khai chứ không phải đợi đến lúc phê duyệt rồi mới ban hành. Áp lực này rất lớn, cục sẽ cố gắng hết sức, nhiều tổ chức quốc tế, các đối tác tham gia dự án cũng đang giúp (nhưng các đối tác mà giúp ban hành văn bản quản lý rủi ro thì không thể đảm bảo tính độc lập – PV). Tuy nhiên, theo ông, nếu không thể xây dựng kịp cơ sở pháp lý nói chung (quản lý rủi ro nói riêng) đầy đủ cho một hoạt động nào đó thì hoạt động đó nên hoãn lại, đối với điện hạt nhân cũng vậy.
Nghị quyết của Quốc hội đặt điều kiện chỉ triển khai điện hạt nhân khi đảm bảo mọi tiêu chuẩn an toàn. Phát biểu với báo chí trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói chỉ khi báo cáo nghiên cứu khả thi đánh giá là an toàn, chúng ta mới triển khai dự án điện hạt nhân. Hiện chưa có đầy đủ cơ sở – văn bản pháp lý quản lý chuyện an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân thì không biết nghiên cứu khả thi sẽ nghiên cứu trên cơ sở nào? Tiến trình này có chậm lại để chờ?
Một số thông tin khác cũng hỗ trợ cho khuyến nghị của nhiều người từ trước đến nay là nên hoãn việc xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên lại một thời gian để làm tốt công tác chuẩn bị. Ngay như chuyện địa điểm đặt nhà máy (khu vực Vĩnh Hải, Phước Dinh), tham luận “Một số vấn đề địa chất cần quan tâm” ở khu vực này nêu tác động của đứt gãy hoạt động có thể gồm việc gây động đất cường độ lớn phá huỷ công trình và dịch chuyển làm biến dạng, phá huỷ nền móng công trình. Vùng dự án ít có khả năng phát sinh động đất cao nhưng cần lưu ý đến dạng tác động thứ hai, và mối quan tâm lớn nhất chính là các đứt gãy ở lân cận các địa điểm dự kiến.
Hay chuyện nguồn nhân lực, không chỉ để phục vụ cho việc xây dựng, vận hành nhà máy mà còn đảm bảo an toàn cho nó, chính tiến sĩ Điền Quang Hiếu, đại diện ban dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, khi trình bày về tình hình thực hiện dự án cũng thừa nhận là khó khăn, một số trường đại học cao đẳng đã bắt đầu đào tạo chuyên ngành liên quan nhưng chính thầy cô giảng dạy lại thiếu kinh nghiệm.
Việc xây dựng lò phản ứng thế hệ thứ ba ở các nước đang phát triển không phải là không có thách thức, theo như tiêu đề của một tham luận khác.
Ngay cả khi câu chuyện an toàn được giải quyết về mặt pháp luật hay kỹ thuật, thì xác suất rủi ro vẫn có, nên quan trọng nhất là thái độ, ứng xử của người dân với vấn đề rủi ro và trước rủi ro như thế nào. Điều này không thể ngày một ngày hai có được mà cần thời gian để thẩm thấu thông qua việc nâng cao dân trí, đổi mới cách thức tổ chức xã hội. Nước Nhật, sau thảm hoạ động đất – sóng thần và hạt nhân vừa qua đã bình tĩnh, trật tự ứng phó. Vậy mà, bài học lớn mà ông Fumio Kudough, một chuyên gia về hạt nhân của Nhật, rút ra cho nước mình và truyền đạt lại cho Việt Nam, vẫn là xây dựng văn hoá về an toàn, ứng phó với rủi ro.
Trước cuộc tổng rà soát về điện hạt nhân trên thế giới sau thảm hoạ Fukushima, nếu đặt mình trong cuộc và quyết định vẫn bước tiếp, thì từ tiên đoán “chắc chắn những chuẩn mực an toàn mới trên thế giới sẽ cao hơn hẳn” của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng viện Năng lượng hạt nhân Đà Lạt, Việt Nam không thể ở ngoài cuộc chạy đua về an toàn này. Trước khi có một hình dung về chuẩn mực mới, rất cần một sự tạm dừng. Thái Lan đã quyết định dừng các dự án điện hạt nhân đến sau năm 2030.
Nguồn SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét