Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

“HƯỚNG DẪN…MÔN LỊCH SỬ”- MỘT CUỐN SÁCH LÀM MÉO MÓ LỊCH SỬ?

Trong bài viết “Từ chuyện hàng ngàn thí sinh thi môn sử được điểm 0” chúng tôi chỉ bàn tới vài câu mở đầu cuốn sách “Hướng dẫn… MÔN LỊCH SỬ” và gợi ý như một lời hứa rằng, “chúng ta sẽ cùng nhìn sâu vào toàn bộ nội dung của cuốn sách ấy, mới thấy hết nỗi đau của sử Việt…” 

Trừ mấy trang đầu và cuối, toàn bộ 410 trang sách “HƯỚNG DẪN…MÔN LỊCH SỬ”tập trung vào 2 phần chính: Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới, 325 trang.
 Phần I – Lịch sử Việt Nam (1919-1991) ngốn hết 198 trang (18-199).
Phần II – Lịch sử thế giới (từ 1917 đến nay) chiếm 127 trang (200-327)
Phần III – Bài thi mẫu của một số học sinh, chỉ 85 trang (328-411).
Xin miễn nói tới phần III cuốn sách, vì chỉ là những sao chép vụn vặt mấy bài thi mẫu và câu hỏi/đáp mẫu môn lịch sử. 

  Phần II cuốn sách “Hướng dẫn….MÔN LỊCH SỬ” 

Xin lược qua phần II trước khi bàn tới phần I. Gọi là phần “lịch sử thế giới,” nhưng chỉ nặng về lịch sử đảng CS quốc tế, chủ yếu tập trung vào các “thành quả” của đảng Cs Cộng sản trên thế giới, như: Cách mạng tháng mười Nga, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu, Trung cộng, Bắc Hàn (Bắc Triều Tiên) cùng các thắng lợi to lớn của nó trên mọi lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Đâu đâu Cộng sản cũng “thắng” và “lợi”, thắng lớn, lợi to.
Chẳng hạn, “sự phát triển của Liên Xô thể hiện sức mạnh, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, của nền văn minh xã hội chủ nghĩa..…Nguyên nhân của những thắng lợi đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Liên Xô theo chủ nghĩa Mác-Lênin…” (trang 141-142).
Hoặc “cùng với cách mạng Trung Quốc thắng lợi (1-10-1949), thắng lợi của các nước Đông Âu, trong đó có sự thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức (7-10-1949) đã làm cho chủ nghĩa xã hội vượt khỏi phạm vi một nước, trở thành hệ thống thế giới”(trang 244).
Hoặc nữa, hoàn thành các nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu có điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội, làm thất bại âm mưu của Mỹ và các nước đế quốc…” (trang 244).

Nhưng đến khi chủ nghĩa Cộng sản bị “sụp đổ nhanh chóng và bất ngờ” như cuốn sách nhìn nhận (trang 249) thì môn lịch sử của CSVN lại quay sang đổ lỗi sự thất bại là do “Goócbachốp tiến hành cải tổ một cách chắp vá, thiếu thận trọng, mơ hồ về quan điểm giai cấp” (trang 248) hoặc do “mô hình xơ cứng, lỗi thời, sai lầm, khuyết tật kéo dài, sai lầm cải tổ, ‘diễn biến hòa bình’ của chủ nghĩa đế quốc” (trang 249) và quan trọng hơn, là do “khuyết điểm chủ quan, duy ý chí của những người lãnh đạo, dẫn đến tách rời lí luận với thực tiễn.”(249).
Nhưng, dưới cái nhìn của “đỉnh cao trí tuệ,” sự thất bại ấy chỉ là sự “thoái trào tạm thời” (trang 250). Lời biện bạch này chỉ là sự gặm lại khúc xương ngụy biện mà nhóm biên soạn cuốn sách đã phô bày ở trang 12 và 13, chúng tôi có đề cập đến trong bài viết “Từ chuyện hàng ngàn thí sinh điểm 0 môn sử” hồi đầu tháng 9/2011. Cả bạn đọc lẫn chúng tôi cũng như học sinh sinh viên con em chúng ta không ai muốn ngửi lại khúc xương ấy nữa! 

 Phần I cuốn sách “Hướng dẫn….MÔN LỊCH SỬ”. 

Tất cả các sách Giáo khoa về môn Lịch sử đều cố tình cải biên những sự thật lịch sử ấy. Chẳng hạn, đề cập tới Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956), nơi trang 146-147, với đề mục “Hoàn thành cải cách ruộng đất”, các nhà biên soạn đỉnh cao xhcn tôn vinh CCRĐ là “cuộc cách mạng nông dân ở nông thôn, nhằm xóa bỏ chế độ bóc lột phong kiến, giải phóng nông dân khỏi ách áp bức, bóc lột của địa chủ… Là thắng lợi quan trọng… đưa nông dân lên địa vị người chủ về kinh tế.” Bóp méo lịch sử như vậy, làm sao con em học sinh nuốt trôi cái môn sử ?
Hiệp định Genève 1954 cũng vậy! Cuốn “Hướng dẫn… MÔN LỊCH SỬ “ ca ngợi Hiệp định Giơnevơ là “thắng lợi của nhân dân ta” (trang 133) mà “nguyên nhân thắng lợi là sự lãnh đạo sang suốt, đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh” (trang134). Người ta còn huênh hoang: “Phái đoàn Chính phủ ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến dự Hội nghị [Giơnevơ] với tư thế đại diện của một dân tộc đang chiến thắng” (trang 132).
Vậy mà chỉ sau đó mấy trang, các nhà biên soạn thông thái nhất nước lại kết tội “Việt Nam bị đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ chia cắt làm hai miền Nam – Bắc” (trang 135). Môn lịch sử Việt Nam bị hiếp dâm thô bạo đến như vậy sao?
Tại sao người ta lại cố tình bỏ qua chi tiết quan trọng là phía Quốc Gia Việt Nam cũng dự Hội nghị này và Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của Quốc gia Việt Nam đã thẳng thừng từ chối ký tên vào cái Hiệp định con đẻ của một âm mưu chia để trị giữa CSVN và thực dân Pháp qua bàn tay đạo diễn của Chu Ân Lai với phái đoàn Trung cộng gồm tới 200 tên?
Một viên chức CSVN đã chẳng có lần than thở về sự kiện người đàn anh Trung Cộng “chơi ép” đàn em CSVN trong Hội nghị này sao? Và phái đoàn CSVN tại Hội nghị đã ngoan ngoãn nghe theo, làm theo các chỉ dẫn của phái đoàn Trung cộng như thế nào?
Chưa hết! Cuốn sách “Hướng dân…Môn Lịch Sử” còn lặp lại lời kết án “chính quyền Diệm… âm mưu chia cắt Việt Nam, xây dựng Việt Nam thành ‘quốc gia’ riêng!”Trong khi đó, con em chúng ta có lẽ đã quá rõ cái âm mưu chia cắt ấy là của ai?
Lại nữa, trong mục “Thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968,”cuốn “Hướng dẫn… MÔN LỊCH SỬ” khoe khoang: “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã giáng cho địch những đòn bất ngờ, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về người và phương tiện chiến tranh (hơn 147.000 địch, trong đó 43.000 lính Mỹ và quân đồng minh của Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu)” (trang 165).
Rồi thời gian từ sau 1975 đến nay, tại sao môn lích sử không nói tới những vụ đổi tiền “vô sản hóa” toàn dân?
Những vụ gọi là cải tạo công thương nghiệp, cải tạo nông nghiệp, cải tạo văn hóa tư tưởng?
Đến nỗi học sinh học sử cũng bị lây nhiễm, rơi vào trạng thái ảo ảo mờ mờ như vậy, biểu lộ qua một số câu trả lời điển hình của các em về môn lịch sử sau đây:
- “Tưởng Giới Thạch là một tên Việt gian bán nước”.
- “Mỹ – Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập… Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy”.
- “Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp… Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975… nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp… Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”.
- “Quảng Bình, Quảng Trị, sông Hiền Lương ở đâu em không biết, em chỉ biết Mỹ đã dội bom B52 xuống Điện Biên Phủ, làm nên một Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu”.
- “Ngày 22/12/1975, sau khi gấp rút miền Nam Việt Nam thực dân Pháp phong kiến tay sai Mỹ đã hoàn toàn khâm phục trước lòng thương dân và sự đoàn kết của toàn thể đất nước chống thù trong giặc ngoài”.
- “Chúng ta đã đón tiếp quân đồng minh và quân Nhật với một tư cách rất công bằng và một tư thế rất oai nghiêm”.
- Năm 1945, chúng ta chủ trương giành chính quyền để với tư cách là một quốc gia độc lập sẽ tiếp đón quân đồng minh, điều này, trong sách giáo khoa đã rõ như ban ngày, vậy mà không ít thí sinh “liều mạng” viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Tổng bộ mặt trận Việt Minh họp thống nhất một quan điểm mở cửa biên giới để cho Nhật tràn vào”.
- “Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ (…) đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc”.
- “Năm 1946, ở Trung Quốc hình thành hai tầng lớp riêng biệt đó là cách mạng XHCN do Mao Trạch Đông lãnh đạo và dai cấp vô sản.
Những câu dẫn trên dễ bị gán là những “bịa đặt cực kỳ phản động” của các thế lực thù địch nhằm hủy hoại tinh thần học sử của con em Việt Nam.
Không! Những câu ấy là do báo điện tử Petrotimes ghi nhận trong bài viết dưới nhan đề “Những bài thi môn Sử ‘cười mà ra nước mắt”’ ngày 18/8/2011. Tổng biên tập của báo Petrotimes là một Công an chính nòi: Nguyễn Như Phong. Đại tá an ninh CSVN, nguyên là Phó tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, phụ trách chuyên đề An ninh thế giới.
Ngoài ra, ở phần phản hồi cho bài “TS Sử học phân trần về điểm thi ĐH vô cùng bi đát” ngày 27/07/2011 của trang web Giáo dục Việt Nam (GDVN), người ký tên “Nặc danh” phát biểu như sau:
Tôi từng cay đắng nhận điểm 4 Lịch sử khi thi tốt nghiệp phổ thông, trong khi các môn khác điểm rất khả quan, chỉ vì tôi kết luận trong bài làm là Chiến dịch Mậu thân 1968 là một thắng lợi chính trị, nhưng không thể phủ nhận nó là thảm họa quân sự, và là một sai lầm của Đảng ta.”
Nặc danh viết thêm: “Tôi tôn trọng những người nhận điểm 0 vì họ đã dám giữ chính kiến, và điểm 10 sử hiện nay chưa xứng đáng, vì như vậy họ chấm điểm học sinh như chấm một con vẹt. Học sinh Việt nam chỉ giỏi sử thật sự nếu sự thật và chính kiến khách quan được tôn trọng mà thôi.”
Bỏ qua lời lẽ của người “Nặc danh”, chúng ta thử nghe một nhân vật chính danh “nhà sử học” phát biểu. Ông ta tên là Hà Văn Thịnh, giảng viên Môn Sử Trường Đại Học Huế.
Ngày 20/5/2010, Mạc Việt Hồng của Đàn Chim Việt có một cuộc phỏng vấn với Hà Văn Thịnh. (Bài phỏng vấn này được đưa lên trang web của Đàn Chim Việt dưới nhan đề “Nhà sử học Hà VănThịnh nói về HCM”).
Ông Hà Văn Thịnh (trả lời cô Mạc Việt Hồng): “Tôi nói thật với chị, lịch sử VN hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ, đánh nhau 30 năm, vơi Pháp và Mỹ mà VN không thua trận nào là không thể chấp nhận được.
“Hay như Lê Văn Tám ấy, châm lửa rồi chạy. Làm sao mà chạy được, 5m là gục xuống liền. Hay Tô Vĩnh Diện, lấy thân chèn pháo. Quả pháo nặng hàng tấn, nó đè cho dập nát, chèn thế nào được. Nhiều vô cùng những chuyện như thế, chị ạ.
“Sự dối trá đó làm sinh viên không thích sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi đã viết trên báo Lao Động năm 2005, ‘Lịch sử theo trang sách học trò’, tôi vạch rõ. Dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó đau lòng lắm.”
Không biết, sau khi phát biểu như vậy, giảng viên Hà Văn Thịnh có còn được làm giảng viên môn sử ở Đại học Huế nữa không. Nếu còn, ông Thịnh sẽ giảng dạy làm sao để khỏi phải tiếp tục làm công việc “nói dối” mà ông đã cực lực lên án!
Chỉ biết một điều là ba hôm sau bài phỏng vấn, ngày 23/10/2010, người ta đọc thấy trên trang bauxite một thư của người xưng là HVT học trò của thầy Hà Văn Thịnh gửi cho thầy mình. Người học trò ấy bổ sung thêm ý thầy mình: Một khẩu pháo nặng hàng chục tấn, trôi từ trên cao ở độ dốc vài chục độ, ngay cả trâu cũng khó chèn lại chứ đừng nói là người. Còn nữa, lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chết ít nhất 5 triệu người mà lại không có trận nào ta thua, chẳng có trận nào ta sai thì làm sao thuyết phục nổi sinh viên, học sinh?… Nói thật với Thầy, đã không ít lần em xấu hổ vì cứ phải thao thao bất tuyệt về chuyện thiên tài quân sự của ta, ngu ngốc của kẻ thù.”
“Cậu học trò” tỏ ra bực dọc hơn: “Nhiều và nhiều lắm những câu chuyện ‘sử mà bất dụng’ bởi nó sai, nó khó được thực tế khoa học kiểm định. Vậy, tại sao cứ tiếp tục hết đời này đến đời khác phải làm chuyện dối lừa vòng quanh? Học sử như thế, ai mà học cho nổi? Cho dù Thầy có bực mình em cũng phải nói thẳng rằng chính Thầy và một số GS khác đã làm xói mòn lòng tin trong em, dẫn đến sự sụp đổ không thể nào cứu vãn nổi của em đối với khoa học lịch sử…”
Tác giả bức thư chưa hết hậm hực: “Thầy nói rằng, LVT [Lê Văn Tám] không có, nhưng công viên hay đường LVT nên để lại(?). Em cứ ngẫm nghĩ mà không biết giải pháp đó đã hợp lẽ phải chưa, bởi vẫn bị ám ảnh từ cái câu: một nửa sự thật vẫn không thể là sự thật. Thần tượng hư cấu vậy tại sao lại phải tiếp tục tôn vinh?”
Trong bài viết “Vì sao học sinh ghẻ lạnh với môn Lịch sử?” đăng trên một số trang web trong nước ngày 05/8/2011, tác giả Đặng Hữu Tuấn có nêu lên nhiều nguyên nhân để trả lời câu hỏi “vì sao”.
Trong các nguyên do, tác giả nêu lên tình trạng “quan điểm lịch sử thiếu khách quan.”Ông Tuấn viết: “Với việc coi môn Sử là một môn học phải phục vụ mục đích chính trị nên nội dung kiến thức được viết ra theo quan điểm một chiều, và do đó không cho phép giáo viên, học sinh có quan điểm khác.”
Ông Tuấn kêu gọi: “Đây là một điều cần phải xem xét lại! Bởi vì điều này sẽ hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của học sinh, biến học sinh thành cái máy dập khuôn theo những gì mà sách nói.”
Đặng Hữu Tuấn vạch rõ: “Lịch sử là khách quan, nhưng cách nhìn nhận của những tác giả viết SGK Lịch sử lại rất chủ quan. Thế là học sinh khi học, chỉ thấy ta đúng họ saita tốt họ xấuta thắng họ thuata sống họ chết…”
Rồi ông Tuấn kết luận: “Cho nên học sinh thường chỉ được biết và hiểu theo hướng một chiều hết sức phiến diện. Vẫn biết là khi dạy thì cần phải định hướng cho học sinh nhưng điều đó không có nghĩa là áp đặt hoàn toàn mang tính chất bắt buộc được.”
Chúng tôi tự hỏi những người có trách nhiệm với việc giáo dục có lắng tai nghe không hay cứ chó sủa mặc chó, đường ta đi ta đi...

Lê Thiên
(Ngày 05/10/2011 )

Nguồn: http://phamvietdao2.blogspot.com

2 nhận xét:

  1. Tôi thiết nghĩ rằng muốn giới trẻ bây giờ học tốt môn lịch sử đất nước bản thân các nhà biên tập phải lựa chọn chương trình học thật sih động. Giới trẻ bây giờ có câu "Dân ta phải học sử ta, nếu mà không biết thì tra Google. Bó tay với kiểu lịch sử này.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết rất đúng, ngay chính bản thân em đã từng học với 1 vị giáo sư mà mỗi lời giảng của thầy luôn có kèm câu "tui nói cho mấy anh mấy chị rõ, lịch sử là thế, mấy anh mấy chị thương tui thì đừng la lớn, tui bị cho vô hộp à". Bọn em học lịch sử mà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi nhiều cái thầy giảng nó hoàn toàn khác xa với những gì đã được học từ cấp phổ thông. Thậm chí có lần thầy còn bực bội "tôi chả hiểu các ông viết băng rôn hô hào cái gì, các em thử nghĩ xem, sau chiến tranh, hố bom còn nhiều hơn lá cây, mà mấy ổng viết khẩu hiệu là "đất nước ta đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" nghe phát bực, xong chiến tranh thì y như thương binh, đi còn hông nổi nữa là tiến nhanh, tiến vững chắc, mị dân quá". Thế đấy, bi giờ em đã gần 40, nghĩa là sau 20 năm, lịch sử VN vẫn mờ mịt. Rõ chán!

    Trả lờiXóa