Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

NGHĨ VỀ VỤ NGUYỄN CHÍ ĐỨC - Nhà Văn Nguyên Ngọc

Nguồn Nguyễn Xuân Diện Blog.

Nghĩ về vụ Nguyễn Đức Trí - Nguyên Ngọc

Ngày hôm qua, bên cạnh vụ tòa phúc thẩm Hà Nội y án đối với Cù Huy Hà Vũ – việc chắc chắn không chỉ trong 10 năm nữa (7 năm tù và 3 năm quản chế) mà còn rất lâu, rất lâu nữa chưa yên, không thể yên đâu; còn có một việc trông có vẻ nhỏ hơn nhiều nhưng theo một cách nào đó cũng quan trọng không kém: Việc ông giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh chính thức trả lời dư luận về vụ đàn áp biểu tình yêu nước ngày 17-7-2011, nói rõ ràng rằng không hề có đàn áp, chỉ giữ trật tự giao thông thôi, chính anh Nguyễn Chí Đức, người bị hại, cũng công nhận trước cơ quan điều tra “không bị ai đánh, chỉ có sự xô xát khi đưa anh Đức lên xe buýt”. Nghe rất hiền lành và ngon ơ!

Thì sáng nay, phóng viên Khánh An của đài RFA công bố toàn văn trả lời của anh Nguyễn Chí Đức. Anh Đức phẩn nộ nói: “Nội dung họ bảo tôi khẳng định không bị đánh là sai. Thực sự tôi đã nói là tôi bị đạp nhưng tôi không xác định ai là người đạp vào mặt tôi. Lúc ấy ở cạnh xe buýt, mình không biết ai đạp cả, bị đạp xong mình rất tá hỏa. Tôi đã nói thế rồi. Nhưng điều này mới quan trọng, lúc ấy làm việc với rất nhiều công an thành phố, viện kiểm sát và với cả giám đốc công ty tôi là bí thư đảng ủy thì tôi đã chỉ mặt tất cả những người công an ở đấy bảo là “Tôi làm việc này là vì Đảng…”.

Vậy lần này, thưa ông Nguyễn Đức Nhanh, ông trả lời thế nào với Nguyễn Chí Đức, với Khánh An của RFA, và với công luận đây?

Trong việc này còn có một điều rất đáng chú ý: Qua tất cả vụ việc, qua những ứng xử của Nguyễn Chí Đức từ khi tên anh được nhắc đến, ta có thể thấy rõ đó là một con người hết sức bình thường, rất an phận, không hề không muốn làm bất cứ điều gì để khác dù chỉ một chút những người chung quanh, một công dân lẫm lũi và tội nghiệp, ngay cả khi bị hại nặng nề cũng sẵn sàng cho qua, quên đi, “không muốn đi quá sự việc” như anh nhiều lần nói khi có người quan tâm đến anh và vụ của anh. Một người tuyệt đối trung thành và tin tưởng ở đảng, trong bất cứ tình huống nào, ngay cả lúc bị hại khi mình đấu tranh vì đảng, vì nước …, vâng một người như vậy đấy, chứ không phải một người anh hùng kiểu Cù Huy Hà Vũ mà Ngô Bảo Châu đã so sánh với những người anh hùng trong lịch sử; không, một người vô cùng nhỏ bé và vô danh, luôn muốn thu mình lại đến mức nhỏ bé nhất để sống yên thân …, con người tội nghiệp ấy bây giờ sau tuyên bố bỉnh thản của ông Nguyên Đức Nhanh, đã phải đau đớn nói rằng anh đã bị đẩy đến đường cùng.

Dài một chút nhưng tôi nghĩ ta nên chịu khó nghe lại lời Nguyễn Chí Đức nói với RFA: “Các bạn nên nhớ báo Hà Nội Mới là cơ quan ngôn luận của đảng ủy Hà Nội chứ không phải là một tờ báo bình thuờng, báo giải trí, báo Dân Trí hay VnExpress, những báo đấy đối với tôi không quan trọng nhưng báo Hà Nội Mới, chính nghĩa nó khác hẳn. Tôi rất buồn. Tôi nói chuyện với một anh công an thành phố, tôi nói với anh là “Các anh làm thế là các anh đẩy em vào đường cùng rồi. Nó làm mất danh dự của em. Cú đạp đối với em không có ý nghĩa gì cả, nhưng các anh làm thế là coi như tất cả họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp cơ quan họ đọc bài báo đấy thì họ nghĩ em là cái gì? Trong khi đó, sự thật vẫn là sự thật”.
Tôi đang rất phẫn nộ, rất buồn. Bố mẹ tôi đã rất phẫn nộ. Lúc đầu tôi giấu sự việc ấy để không cho ai biết. Bố mẹ tôi không biết, tại vì tôi biết bố mẹ tôi xem cái (video clip) đấy là rất phẫn nộ nên tôi giấu. Nhưng có 4 người công an, trong đó có công an phường, công an thành phố, đến nhà tôi thì bố mẹ tôi lúc đầu còn trách móc tôi là tại sao lớn rồi còn đi biểu tình, tại sao ra đấy làm gì cho người ta bắt bớ cho nó khổ mà chả giải quyết được gì cả. Nhưng sau khi bố mẹ tôi xem phóng sự đấy, bố mẹ tôi rất phẫn nộ và bố tôi nói luôn: “Đây là quân phát xít!”.

Thưa ông Nguyễn Đức Nhanh, bố mẹ Nguyễn Trí Đức gọi những người lính của ông như vậy đấy, ông trả lời sao?

Khi một Cù Huy Hà Vũ hay các nhân sĩ trí thức tên tuổi lên tiếng, tất phải rất suy nghĩ. Người xưa gọi đó là “Sĩ phu quay mặt”

Nhưng khi những người ở tận đáy xã hội, nhỏ bé nhất trong xã hội, suốt đời chỉ mong được yên phận như Nguyễn Trí Đức và bố mẹ anh đã thấy bị đẩy đến đường cùng, đã thấy xã hội này là không còn sống được đối với họ nữa, thì là chuyện khác hẳn rồi đấy. Là báo động đỏ!

Vụ Nguyễn Đức Trí không hề nhỏ đâu, đặc biệt sau tuyên bố phủi tay của ông Nguyễn Đức Nhanh. Có gì như là dấu hiệu của sự tận cùng.

**Hẳn là bạn đọc sẽ nghị nhà văn Nguyên Ngọc nhầm tên của Nguyễn Chí Đức thành Nguyễn Đức Trí. Tôi nghĩ ngợi mãi, sau mời hiểu ra Nguyên Ngọc không nhầm.
Nguyễn Đức Trí - Nguyễn Đức Nhanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét