Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

TỘI ÁC BỘC PHÁT: Không thể coi là hiện tượng đơn lẻ! - Bút Lông

Thông tin bắt được Lê Văn Luyện, thủ phạm gây ra vụ thảm sát gần hết một gia đình tại tiệm vàng Ngọc Bích (Bắc Giang), đã làm (nao) lòng hàng triệu người đang ngày đêm đón đợi giờ phút thủ phạm bị lôi ra ánh sáng. Trong hàng trăm phản hồi của người đọc về những thông tin cập nhật trên báo có không ít ý kiến bàn tới những cách thức trừng trị sao cho tên cướp sát nhân kia đau đớn nhất, chứng tỏ sự căm phẫn của người dân với tội ác đã vượt lằn ranh thông thường.

Nhưng khi lòng hận thù nguôi ngoai, những khối óc tỉnh táo không thể không nhìn nhận về một hiện tượng xã hội bắt đầu bộc phát: tội ác ghê rợn từ những tội phạm không chuyên nghiệp!

Bởi ngay buổi sáng hôm 30-8 cũng lại xảy ra một vụ án thương tâm không kém: Nguyễn Văn Quân, một kẻ làm thuê đã quay trở lại nhà chủ ở Bình Dương để trộm cắp, nhưng khi bị phát giác lại ra tay giết chết cô chủ và đứa nhỏ hai tuổi với cách thức hết sức tàn bạo. Giống như vụ cướp ở tiệm vàng Bắc Giang, kẻ giết người nghiệp dư này vẫn bình tĩnh cởi bỏ chiếc áo dính máu lại hiện trường, đi rửa tay chân cho hết dấu vết rồi vào phòng ngủ lục lọi tủ để lấy tài sản. Trong lúc đó y mới bị phát giác và bị bắt.

Hai vụ việc xảy ra ở hai miền khác nhau, nhưng lại giống nhau ở chỗ xảy ra cùng thời điểm, thủ phạm cùng không phải là tội phạm chuyên nghiệp, và đều ít nhiều quen biết gia đình nạn nhân. Có thể có những quan điểm khác, song những điểm chung nói trên xảy ra trong bối cảnh đời sống xã hội đang xáo trộn bởi giá cả tăng cao, tệ nạn xã hội hoành hành, lao động nông thôn mất nghề, mất ruộng phải phiêu bạt xứ người kiếm sống, đòi hỏi các chuyên gia tâm lý, các nhà nghiên cứu tội phạm phải thực sự vào cuộc.

Công việc sắp tới của cơ quan điều tra là thu thập đủ chứng cứ để đưa những kẻ thủ ác này ra tòa nhận hình phạt, song ngay từ bây giờ các cơ quan chức năng phải đặt ra yêu cầu khảo sát, nghiên cứu về đề tài đang nóng này. Trong đó mối liên hệ giữa các nguyên nhân khách quan, chủ quan với môi trường xã hội ra sao cần được làm rõ để có khuyến nghị, đề xuất kịp thời, bởi mỗi khi kinh tế chao đảo có hàng trăm người giàu lên nhưng lại có hàng chục vạn người nghèo đi…

Không thể xem những tội ác bộc phát như thế là hiện tượng đơn lẻ.

=======
PS: Từ (nao) lòng là do chủ Blog thay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét