"......
Ấn chứng Thiền định (tu tập) |
Có 4 ấn chứng quan trọng của Đạo Phật: Thiền định (tu tập) - Xúc địa (tiếp xúc với cuộc đời) - Chuyển Pháp luân (giảng giáo pháp) - Vô úy (không sợ hãi). Bạn có thể nhìn và chiêm nghiệm 4 ấn chứng này ở nhiều pho tượng Phật với 4 tư thế thủ ấn ở “tứ động tâm” và chùa chiền khắp nơi.
Nhưng có lẽ nhiều nhất là tư thế Chuyển pháp luân và Xúc địa. Đó chính là tinh hoa của tinh thần nhập thế của Đạo Phật. Mối quan tâm của Đạo Phật là Cuộc đời và Con người. Hiện nay thế giới có xu hướng sản sinh ra những tập đoàn độc tài, lưu manh mà mục đích chỉ là lợi nhuận hay quyền lực, cũng có thể vì sự cuồng tín thức hệ nên họ đã tự cho mình quyền áp bức, bóc lột người khác, thậm chí tước đoạt mạng sống con người. Nhưng nếu lấy bạo lực để đáp trả bạo lực thì con người mãi chìm sâu vào hận thù, khổ đau. Đạo Phật cho rằng, vẫn cần phương tịên để khắc chế tội ác, nhưng muốn diệt trừ tận gốc chỉ có một lối thóat duy nhất là phải có một cuộc cách mạng chuyển hóa tâm thức của từng cá nhân. Không làm được điều này thì vĩnh viễn nhân loại không thể có một hạnh phúc bền vững và sâu sắc. Con người chỉ thực sự an lạc khi được thỏa mãn về tinh thần.
Ấn chứng Xúc địa |
Ấn chứng Chuyển Pháp luân |
Hơn mọi tôn giáo khác, Đạo Phật đặt con người vào vị trí trọng tâm của sự quán sát và chuyển hóa, giác ngộ chứ không phải là Thượng đế hay thần linh. Con người là trung tâm của xã hội lòai người. Xã hội ấy tiến bộ, phát triển hay không là tùy thuộc vào con người. Đức Phật và Đạo Phật không chủ trương làm cuộc cải cách bằng chính trị bạo lực, độc đoán. Ngài chỉ hướng dẫn loài người làm một cuộc cách mạng về tâm, bắt đầu từ mỗi cá nhân, từng ngôi nhà, tất cả nơi nào chúng sinh đang sống lầm lạc, vô minh và khổ đau. Cuộc cách mạng của Đức Phật vì thế không cần đến sự áp chế, độc đoán, mê lỵ, thần bí, cầu xin, nô lệ…Ngài hướng dẫn con người quay ngược cái nhìn vào bản thân họ qua những hơi thở nhẹ của thiền định. Khi con người quán chiếu bản thân, lắng dịu hết tham-sân-si thì sẽ chiến thắng những dục vọng đen tối, đem trải lòng thương yêu, từ bi, hỷ, xả với mọi người xung quanh, với xã hội…Tâm bình thế giới bình là vậy. Phải trải qua rất nhiều thế kỉ với những cuộc chiến tranh đẫm máu, tranh giành đấu đá vì sự tham lam vô độ, con người mới chợt nhận ra rằng, nền chính trị sẽ không có giá trị gì nếu không quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của con người với sự an toàn, hạnh phúc và tính nhân văn cao cả. Chỉ khi hướng về con người thì lúc đó xã hội mới bảo đảm có một nền hòa bình vững chắc.
Ấn chứng Vô úy |
Bạn sẽ băn khoăn hỏi, vậy Đạo Phật là gì? Là tôn giáo, triết học, luân lí, tâm lí, khoa học…? Học giả Hoàng Phong cho rằng: “Đạo Pháp dưới vài khía cạnh là tôn giáo nhưng đồng thời cũng vượt lên trên tôn giáo, ít nhất theo nghĩa của Tây phương về chữ này. Đạo Pháp mang nhiều sắc thái triết học nhưng không phải là triết học vì Đạo Pháp vượt lên trên triết học rất xa. Đạo Pháp được xây dựng trên nền tảng luân lý, nhưng không đơn thuần là luân lý vì Đạo Pháp vượt cao hơn luân lý thông thường. Đạo Pháp và khoa học gặp nhau trên nhiều lãnh vực, nhưng Đạo Pháp không phải là khoa học mà vượt lên trên khoa học rất xa”. Vậy Đạo Phật là gì? Tôi mượn lời Thiền sư Kôdô Sawaki: «Khi nhìn vào thế giới bằng con mắt của một vị Phật, tất cả sẽ là Phật...Tất cả chúng sinh dù có giác cảm hay vô tri tất cả đều là Con Đường: cỏ dại, cây cao, quê hương này, hành tinh này, tất cả đều là Phật. Thân xác của ta đang như thế này cũng là Phật...Khám phá bản chất đích thật của hiện thực có nghĩa là quán thấy tất cả vũ trụ bằng cái nhìn duy nhất. Khi nào thực hiện được cách nhìn ấy, ta sẽ hiểu được giáo lý của Đức Phật là gì?”. Còn Thiền sư nổi tiếng S.N.Goenka thì nói: “Tôi không quan tâm đến chữ ism (tức là chữ...giáo trong từ tôn giáo). Khi Đức Phật thuyết giảng Đạo Pháp, Ngài không hề nói đến chữ “ism” mà chỉ thuyết giảng về một cái mà mọi tầng lớp con người đều có thể hấp thụ được: đấy là nghệ thuật sống...Làm thế nào để trở thành một người tốt – đấy mới chính là điều quan trọng”.
Tháp Chuyển Pháp luân ở Vườn Nai |
Tôi hình dung cái ngày xa xưa cách đây 2600 năm, Đức Phật với hào quang tỏa rạng ngồi trên bãi cỏ xanh trong vườn Nai cùng 5 anh em Kiều Trần Như…Trên cao là bầu trời xanh, dưới đất là rừng cây xanh. Quanh Ngài là những chú nai chạy nhảy tung tăng, có chú nằm dài bên chân Ngài để nghe pháp…Câu chuyện của Ngài rất giản dị: cuộc đời vốn là khổ, có nguồn gốc của sự khổ ấy, phải dịêt khổ đó đi nếu muốn sống an lạc. Và quan trọng nhất là Ngài chỉ ra Con đường Bát chánh đạo để đi tới Giải thoát – Đạo lộ đó có tên là Trung đạo. Chỉ vậy thôi mà là Tất cả…Cả thế gian hữu hình, vô hình, cả thiên hà chúng ta đang sống và khắp Đại thiên thế giới vẫn là vậy…Một điều kì diệu là càng quán chiếu sự đau khổ thì con người càng thấy nhẹ lòng, buông thư.
Cách đây 2600 năm, Đức Phật đã dạy con người hướng về cuộc sống đạo đức và trí tuệ mà hiện nay lòai người đang loay hoay kiếm tìm qua tu tập, quán chiếu “16 hơi thở nhẹ”…Nếu nói rằng loài người tinh tấn thực tập 16 hơi thở nhẹ từng năm, từng tháng, và mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút thì sẽ thoát khỏi luân hồi sinh, già, bệnh, chết; sẽ hết sân hận, chiến tranh; hết đau khổ, nước mắt thì bạn có tin không? Bạn hoàn toàn tự do quyết định số phận mình bắt đầu từ kiếp sống này, giây phút này. Bạn tự do lựa chọn lối sống, cách hành xử, việc làm xấu tốt…Bởi bạn đang tự tạo Nghiệp cho mình và nó sẽ là hành trang của bạn mang theo trong chuyến đi. Hành trang ấy có thể thay đổi, thêm bớt cũng là chủ đích của bạn…Đạo Phật bảo đảm sự dân chủ để bạn lựa chọn và giúp bạn lựa chọn một cách minh triết. Bạn và tôi, không lẽ còn chần chừ tham gia một cuộc cách mạng êm ái như vậy sao? Chẳng lẽ bạn không muốn trở thành một người chân chính mà nhân loại đang chờ mong: Con Người Mới thấm đẫm Từ - Bi – Hỷ - Xả và tràn đầy tinh thần tự do của Trí – Dũng? Chỉ 16 hơi thở nhẹ đó thôi bạn sẽ quán tưởng được nguồn gốc đau khổ, vô minh. Và tới ngày bạn sẽ hiểu chính vô minh đã nuôi dưỡng chiến tranh, lòng căm thù, độc đoán, chuyên quyền và tất cả những gì đem lại khổ đau triền miên cho con người. Rồi có thể ngay kiếp này hay kiếp nào đó, bạn sẽ trải qua một thực chứng tuyệt vời nhất làm đảo lộn tất cả những gì bạn đã biết trước đó. Bạn sẽ tới một cái đích không có lối về. Bạn cũng không ước muốn quay lại…Bạn đã chạm tới Niết bàn. Bạn có muốn cùng tôi thực hịên chuyến đi không cần mua vé khứ hồi đó không? Hãy nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng hẹp hòi, tăm tối, những ham muốn ích kỉ khiến bạn bị trói buộc trong nhà tù vô hình nên bỏ lỡ sự chia sẻ, yêu thương những gì không gần gũi với bạn, mà đáng ra bạn có thể ôm trọn trái đất này, bầu trời này, ngọn cỏ lá cây này…Phật giáo có câu: “Trong vịêc học Đạo ta luôn gặp khó khăn ban đầu, còn trong việc đời các khó khăn đến vào lúc cuối”…Đạo Phật mở ra cho bạn sự khoan dung, cởi mở, vị tha và tự tin, đồng thời bạn cũng tìm thấy một khoa học tâm linh giúp bạn bình an trong tâm hồn…Đạo Phật chỉ hiến dâng mà không hề áp đặt bất cứ điều gì, cũng không tìm cách cải đạo bạn qua sự chia sẻ kinh nghiệm với thái độ cởi mở. Bạn có thể học hỏi ở Phật giáo mà không nhất thiết để trở thành Phật tử. Giáo pháp của Đức Phật giúp bạn hiểu sâu hơn con người bạn và cuộc đời bạn đang sống…Con người tâm linh là Phật tử không cần phải thay đổi suy nghĩ, tư duy, cách hành xử, niềm tin…để phù hợp với Con người xã hội mang nhiều trọng trách trong chính họ bất kể vì lí do gì.
Sẽ có ngày Vô ưu lại nở hoa... |
Vô ưu vốn là loài cây không ra hoa. Nhưng vào ngày Vô ưu bỗng đơm bông thơm ngát là ngày nhân loại được chào đón vị Đạo sư vô tiền khóang hậu đản sinh. Tôi mong ước sẽ có ngày Vô ưu lại nở hoa thêm lần nữa – ngày đó tôi có thêm bạn và nhân loại đều trở thành người con ưu tú của Đức Phật. Thế giới hòa bình, an lạc. Tâm linh chúng ta có một quê hương để trở về, ngưỡng vọng, yêu thương, nhớ nhung – đó là “Tứ động tâm”. Một quê hương mà ta có thể đặt trọn tâm hồn mình với cõi lòng thanh thản và tràn đầy cảm xúc. Chúng ta sẽ đồng hành trên cùng Con đường với Tình thương, lời Ái ngữ, sự sẻ chia tình Đạo hữu, Từ bi và Trí tuệ…Đó sẽ là những tình bạn chân chính và bền vững. Nào, tôi và bạn cùng cất bước lên đường chứ?
Mùa Phật Đản năm 2554
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét