Nguồn: Thùy Linh Blog
Quốc hội đang bàn về việc sửa đổi Hiến pháp. Nhiều ý kiến đề nghị để dân bàn, dân quyết việc có nên sửa đổi cũng như nội dung sửa đổi, chứ không chỉ để Quốc hội làm việc này. Vẫn là cách làm chung trên thế giới vì Hiến pháp, pháp luật của bất cứ nước nào cũng lấy con người làm trung tâm để tồn tại. Nhưng hiện tại khá nhiều điều luật của Hiến Pháp và pháp luật Việt Nam vẫn lấy ý muốn chủ quan của đảng cầm quyền, ý thức hệ để làm mục đích hình thành và xây dựng các điều luật.
Vậy, câu hỏi đặt ra, dân được bàn, được quyết ở những khía cạnh gì? Có khoanh vùng cấm địa mà người dân không được phép bàn tới hay không? Cách thu thập ý kiến của người dân lấy gì bảo đảm khách quan và đủ đại diện cho nhiều ý kiến khác nhau, kể cả ý kiến trái chiều mà chính quyền không muốn nghe? Liệu các ý kiến đề xuất, góp ý trái chiều có bị qui kết là “thế lực thù địch”, là “tuyên truyền chống phá nhà nước” hay “có ý định lật đổ chính quyền”?
Thực tế cho thấy, ngay việc tiếp xúc cử tri ở cơ sở cũng đã bị hạn chế thành phần cử tri tham gia, nhất là nơi có lãnh đạo chính quyền làm đại biểu. Những người “có vấn đề” với chính quyền tất nhiên không bao giờ được có mặt trong những buổi tiếp xúc như vậy, mặc dù họ chưa hề bị tước quyền công dân. Bởi lẽ ý kiến của họ luôn “nghịch nhĩ” với những gì chính quyền muốn nghe. Sự thật rất khó là mật ngọt, êm tai, thuận nhĩ. Nhưng người “có vấn đề” này liệu có được tham gia góp ý mà không bị thành kiến?