guihuongchogio.vnweblogs
- Em ở xa có nhớ Tết Việt không?
- Hồi mới sang cũng nhớ quay nhớ quắt anh ạ.
Hồi mới sang, mình luộc gà, thổi xôi, nấu chè. Mâm ngũ quả có dưa hấu, chuối, cam, phật thủ. Căn hộ cao tầng, thiết bị báo cháy kêu như còi xe cảnh sát, ngay cả khi mình lỡ tay quá lửa mẻ lạc rang. Phút sang canh không thắp nhang, không bật sâm-banh. Các con sợ mẹ nghèo, không dám nhận cả tiền mừng tuổi.
Hồi mới sang, đêm giao thừa nghe cô ca sĩ hát “Hà nội ơi, một trái tim hồng”, mấy chị em rưng rưng nước mắt. Điện thoại đường dài nghẽn mạch. Cùng một building, nhà nọ sang nhà kia chúc tết cũng tha thướt áo dài.
***
- Em ở xa có nhớ Tết Việt không?
- Ăn tết “giả vờ” mãi thành quen anh ạ.
Tết “giả vờ” vì không có cành đào, chậu quất. Không có cảnh chen chân vào chùa xin lộc. Sứ quán tổ chức cho “đồng bào xa Tổ quốc” đón tết trước cả tuần. Bạn bè nâng ly chúc tụng, rồi lại đợi phút sang canh, í ới gọi nhau: “Chúc mừng năm mới”. Nhà ba người chẳng ai ưa đồ nếp, đĩa xôi đồ lên hấp xuống. Góc bánh chưng rán vàng cháy cạnh ngẩn ngơ.
Tết “giả vờ”, không gói giò đông vì mẹ con cùng ăn kiêng. Tết “giả vờ” đĩa hành nén được thay bằng củ kiệu. Tết “giả vờ” vẫn phải “đi cày”, phút giao thừa phía bờ đông, ngồi nhai cơm trước màn hình máy tính. Ăn mãi tết “giả vờ” bây giờ tưởng thật. Ngày hai ba đã thôi không còn mua hài cho ông Công ông Táo. Mùng bốn, mùng năm cũng khỏi hóa vàng. Lễ diễu hành đón năm mới nhằm đúng ngày chủ nhật.
***
- Em ở xa có nhớ Tết Việt không?
- Hoài niệm cứ mênh mông, chẳng biết bắt đầu từ đâu anh ạ.
Tết ở Việt Nam bắt đầu từ tháng chạp. Cửa hàng thợ máy chất ngất đầy vải vóc. Đồng nghiệp bảo nhau, địa chỉ tin cậy đặt mua miến dong, đặt bánh chưng, đặt làm giò chả… Đầu tháng giỗ bên nội, cuối tháng giỗ bên ngoại. Tất bật như thoi trên những chuyến xe. Chiều ba mươi, đưa các con về nhà ông bà nội làm cơm tất niên. Ông mổ gà, đồ xôi, nấu chè cho tất cả các “gia đình bé con” mang về cúng sang canh “cho tụi bây đỡ vất vả”. Quà biếu nhau phải đem đến từ trước tết. Xe máy phóng như bay, bấm chuông, trao túi quà, tất bật hẹn “ra giêng”. Ừ, chỉ vài tiếng đồn hồ nữa sẽ “ra giêng”. Mỗi phút chiều ba mươi quý hơn cả giờ đồng hồ “tháng dài ngày rộng”.
Tết ở mình là gặp nhau uống rượu. Tết là cúng cơm đủ ba mâm đăt lên bàn thờ mời các cụ mỗi ngày. Tết là “chạy xô” chúc tết nhau như kiểu “điểm danh”. Tết vui. Tết mệt nhoài. Tết… tiền đi ra khỏi cửa.
***
- Em ở xa có nhớ Tết Việt không?
“Đêm giao thừa không chờ đón pháo bông
Không ra phố lang thang - không lên chùa hái lộc
Bữa cơm tất niên nghe lòng mình chùng xuống
Khói hương cay, day dứt phía quê nhà.”