Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

Cải cách hành chính Trước hết từ Bộ máy của Đảng - Nguyễn hữu Vinh

Cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chống tham nhũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng Cộng sản Việt Nam và nhà nước mà nó lãnh đạo đặt ra trong thời gian tới. Có vào được WTO, hội nhập nền kinh tế thế giới, lấy lại được lòng tin của nhân dân hay không chính một phần quan trọng là ở những nhiệm vụ này, nếu không muốn nói rằng nó quyết định sự sống còn của chế độ. Cả ba lĩnh vực này có mối liên hệ với nhau rất khăng khít, nhưng trong bài này chỉ xin bàn riêng về cải cách hành chính.

Nhưng khi bàn những giải pháp để cải cách hành chính thì dường như chúng ta chỉ mới lo về bộ máy nhà nước, mà “quên” không để ý tới một bộ máy bao trùm lên trên nó, đó là bộ máy của Đảng cầm quyền.

Nếu chỉ cải cách hành chính bộ máy nhà nước không thôi mà không cải cách hành chính bộ máy/hoạt động của Đảng thì chẳng khác nào trên một cỗ xe tam mã ì ạch, chỉ thay ngựa, sửa sang xe, mà lại không chỉnh đốn anh xà ích nhiều chứng tật.

Xin nêu ở đây 4 vấn đề quan trọng nhất trong cải cách hành chính Đảng:

1. Luật hóa sự lãnh đạo của Đảng

Trong mọi cấp của bộ máy chính quyền, tổ chức, đoàn thể… đều song song tồn tại hai “cỗ máy cái” – bộ máy Đảng (chi ủy, Đảng ủy…) và bộ máy hành chính. Mọi việc bàn định, ra quyết định quan trọng liên quan đến công việc đều phải qua cả hai hệ thống này, mà nhiều khi quyền tối hậu lại là “bên Đảng”. Khó có thể diễn tả hết sự vận hành của cái cỗ máy kép “tuy hai mà một, tuy một mà hai” này, nhiều lúc cái này thì chạy, mà cái kia kéo lại. Nó mờ mờ ảo ảo, hoặc rối tinh lên. Nếu ông thủ trưởng cũng kiêm luôn bí thư chi bộ / Đảng ủy thì lại hay sinh tệ độc đoán chuyên quyền, còn không thì cũng dễ có chuyện ông bí thư “cản mũi” ông thủ trưởng. Cũng không lạ khi có những lời than phiền rằng “Thủ tướng không có quyền cách chức Bộ trưởng”. Còn Bộ trưởng đôi khi cũng phải ngại chị lao công (vì có thể cùng sinh hoạt trong một chi bộ). Ngoài ra, các cấp từ huyện cho đến trung ương lại còn có nhiều ban của Đảng nữa. Ðiều đó trước hết tạo ra vô vàn cản trở bởi những ý kiến chủ quan, mục đích tư lợi, hay ít nhất là từ những quan điểm khác nhau giữa Đảng và tổ chức, chính quyền. Hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể thì được điều chỉnh bởi hệ thống văn bản pháp luật, còn hoạt động của bộ máy Đảng thì thường chỉ được “nhắc nhở” bằng các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy, không mang tính pháp quy, đương nhiên tính nghiêm minh không thể bằng pháp luật, song nhiều khi lại có sức mạnh hơn cả pháp luật. Không thiếu trường hợp bí thư tỉnh ủy, huyện ủy ra quyết định về đầu tư, phát triển kinh tế… thay cho chủ tịch ủy ban, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Chính sự lãnh đạo theo kiểu ôm đồm, chồng chéo như thế này lại làm suy yếu Đảng, từ mất uy tín, nảy sinh tệ nạn trong hàng ngũ đảng viên có chức quyền cho đến giảm hiệu quả công việc. Có nhiều cách, nhiều bước đi để giảm dần tình trạng phi lý này, nhưng trước mắt là trong Luật Công chức, Luật về Hội v.v. phải định rõ vai trò, quyền hạn… của các tổ chức Đảng ở đây, của các ban của Đảng các cấp đối với chính quyền, đoàn thể. Bước tiếp theo là ban hành Luật về tổ chức, hoạt động của Đảng CSVN.

2. Công khai ngân sách hoạt động của Đảng

Ðể duy trì hoạt động của bộ máy Đảng khổng lồ, đương nhiên phải có rất nhiều tiền. Vậy tiền này có phải duy nhất là từ nguồn đảng phí hay không? Chắc chắn không phải vậy, mà ngược lại từ ngân sách nhà nước là chủ yếu, tức là từ tiền đóng thuế của nhân dân – đại bộ phận không phải là đảng viên. Thế nhưng trong Luật Ngân sách (2002) và Nghị định 60/2003/NÐ-CP cũng chưa nêu rõ chi tiết của việc sử dụng nguồn ngân sách này cho hoạt động của Đảng. Ví dụ như Ðiều 10 của Luật Ngân sách chỉ nêu “Ngân sách Nhà nước đảm bảo cân đối chi phí hoạt động của Ðảng CSVN và các tổ chức chính trị-xã hội”. Các Ðiều 3, 16, 18 của NÐ60CP cũng không cụ thể. Ðặc biệt không có một điều khoản nào mang tính chế tài cho việc lạm dụng ngân sách nhà nước qua việc chi tiêu cho Đảng. Còn trên thực tế, những vụ án tham ô tài sản nhà nước xảy ra rất nhiều, song hầu như không thấy có trường hợp nào tham ô “tài sản của Đảng”.

Ðó chính là “kẽ hở” cần được xem xét. Người xưa nói “của đau con xót”, Đảng có nguồn kinh phí dồi dào từ bên ngoài, lại quản lý lỏng lẻo thì ắt nảy sinh lãng phí, kém hiệu quả, tiêu cực, cả mất uy tín và gây bất mãn từ người dân. Chúng ta cần một nền hành chính, tài chính minh bạch, chống tham ô lãng phí thì cũng không thể có một “cấm địa” nào. Tỉ lệ ngân sách cho các ngành từ giáo dục, … cho đến an ninh, quốc phòng đều được bàn bạc công khai. Vậy tại sao không làm được như vậy với ngân sách cho Đảng? Ðồng thời hãy sòng phẳng: nếu Đảng có công lãnh đạo nhà nước thì cũng phải được nhà nước (đại diện cho nhân dân) trả tiền, nhưng trả tiền ra sao cho xứng với cái công đó thì cũng phải rành rẽ, phải được Quốc hội bàn bạc, “mổ xẻ” nghiêm túc như với mọi chi tiêu ngân sách khác. Không thể để việc chi tiêu trong một quốc gia như trong một gia đình được (tức mối quan hệ Đảng – nhà nước – dân không thể như quan hệ cha – mẹ – con cái). Không những cần công khai hóa nguồn ngân sách này mà còn phải tiến tới giảm dần, hướng cho Đảng tìm nguồn vận động ngân sách khác. Nói rộng ra, đây cũng là sự đi đầu của Đảng để rồi với các tổ chức, đoàn thể quần chúng cũng phải giảm dần, tiến tới chấm dứt sự bao cấp về ngân sách đi liền với sự quản lý của cơ quan nhà nước “chủ quản”; trả lại những bản chất đích thực của một xã hội dân sự.

3. Tinh giản và nâng cao năng lực bộ máy Đảng

Biên chế của bộ máy Đảng các cấp cũng cồng kềnh, mà trình độ nói chung lại thấp, không những tốn kém ngân sách, hiệu quả công việc không rõ ràng mà còn mặc nhiên tạo một tâm lý trì trệ lây lan sang hệ thống chính quyền. Ðiển hình của sự kém hiệu quả của bộ máy Đảng trong nhiều năm nay là vai trò chống tiêu cực gần như không thấy, đảng viên có chức quyền tham nhũng, bị bắt, báo chí phanh phui rồi thì Đảng mới “có mặt”. Cất nhắc nhiều người lên vị trí rất cao trong khi dư luận quần chúng từ lâu đều biết đó là đảng viên biến chất. Vậy phải có những giải pháp “nâng cao tính chiến đấu” của nó, trong đó kết hợp vừa giảm biên chế, giảm dần các ban ở các cấp, vừa nâng cao trình độ văn hóa, khoa học, quản lý, cập nhật kiến thức xã hội, thời sự (cần được giành nhiều thời gian hơn là cho “lý luận chính trị” thì mới bắt kịp với thời cuộc), chế độ lương bổng thích đáng (cũng thí điểm “khoán lương” như bên chính quyền chẳng hạn)… Ngoài ra cũng không nên ngần ngại việc giao lưu học hỏi kinh nghiệm hoạt động của nhiều chính đảng khác ở các nước chứ không chỉ loanh quanh giữa vài đảng cộng sản với nhau. Tựa như một đội quân, khi không còn trong thời chiến tranh du kích nữa, mà là thời đại công nghệ cao, không thể ỉ vào số đông, mà phải tinh lọc và được huấn luyện, trang bị vũ khí khí tài tiên tiến, có thể tập trận được với quân đội các quốc gia.

4. Minh bạch cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng

Đảng kiểm soát quyền lực trong toàn hệ thống chính trị (lập pháp, hành pháp, tư pháp và tổ chức đoàn thể) bằng việc “tổ chức, cơ cấu” nhân sự cho mọi cuộc bầu cử. Trên thực tế, những điều kiện và tiêu chuẩn cho “cơ cấu” không mấy rõ ràng, nên thường phải dựa vào những giải pháp thiếu tính thực chất như “độ tuổi”, “bằng cấp”, “quá trình”, thậm chí cả những tin đồn được gọi là “dự luận”…, rồi gần đây nhất là giải pháp “luân chuyển”. Tình trạng này tồn tại cả nửa thế kỷ nay, không những chỉ với chính quyền, đoàn thể mà còn rất nặng nề ngay trong nội bộ tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở. Nó có vẻ thích hợp cho thời chiến. Nhưng nay, sau hơn 30 năm hòa bình rồi, đã dần dần nảy sinh rất nhiều những hệ quả tiêu cực, như bè phái, địa phương chủ nghĩa, chạy chọt chức quyền, không đưa được nhiều người thực tài, đạo đức vào đúng vị trí, tạo một tâm lý coi thường giá trị dân chủ qua tự do thông tin, ngôn luận, phổ thông đầu phiếu,… Vì vậy Đảng cần tìm ra những phương pháp mới vừa đảm bảo vẫn nắm được quyền lực của mình, nhưng cũng vừa thực sự tạo ra một hệ thống chính quyền, đoàn thể mạnh. Có nhiều biện pháp, nhưng có lẽ bước đầu và quan trọng nhất là công khai hóa việc “cơ cấu” này trong mọi vị trí. Công khai về tiêu chuẩn, danh sách, lý do được “cơ cấu”, thậm chí còn nên công khai cả ý kiến đánh giá của quần chúng, đảng viên (kể cả thư nặc danh liên quan một số vị trí nào đó), và mở rộng diện “cơ cấu” hơn, tuyệt đối không chấp nhận kiểu “một mình một ngựa”. Và đương nhiên, để những biện pháp này được thực hiện nghiêm túc thì cũng cần được đưa vào luật, có sự giám sát của chính quyền, tổ chức đoàn thể, công luận chứ không chỉ có trong điều lệ Đảng.

Cái mô hình tổ chức nhà nước có bộ máy Đảng gắn liền theo của chúng ta là hoàn toàn khác với đại đa số các nước trên thế giới, trong khi nền hành chính của ta lại quá trì trệ, đang phải cố gắng học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Vậy chuyện “học hỏi” sẽ chẳng ích gì nếu ta không có giải pháp rõ ràng để giảm thiểu những mặt tiêu cực, hạn chế của mô hình này.

Ngoài ra cũng còn nhiều biện pháp quan trọng khác nữa, như về quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ giữa Ðại hội toàn thể với Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; giữa các cơ quan này với bộ máy nhà nước; v.v.. Quan trọng nhất là những người có trách nhiệm nhất trong Đảng phải tự ý thức được (và có khả năng để thực hiện việc thay đổi mạnh mẽ) về bộ máy Đảng của mình: không phải to-nhiều-rộng thì mạnh, mà nhiều khi ngược lại.
Nguyễn Hữu Vinh
—-

Bài đã đăng trên tạp chí Nhà Quản lý tháng 04-2006 (của Liên hiệp các Hội KH&KTVN), mục Góp ý Ðại hội X của Đảng.

2 nhận xét:

  1. cải cách cái gì, lừa nhau tất tần tật. Đừng nghe nghững gì chúng nó nói. Nguỵ dân

    Trả lờiXóa
  2. @ Cỏ May:
    Bình tĩnh nào, hãy đi nghe và xem!

    Trả lờiXóa