Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Nỗi đau tiền bạc

Thùy Linh

Nhân một cậu học sinh lớp 11 chuyên Lý trường Amsterdam viết một bài luận về giá trị tiền bạc, có người hỏi mình: đã bao giờ mình phải trải qua những biến cố, những khó khăn về tài chính ảnh hưởng lớn tới các quyết định của cuộc đời hay chưa? Chợt nhớ câu chuỵên của mấy mươi năm trước…Cũng gián tiếp là chuỵên tiền bạc nhưng thay đổi nghề nghiệp của mình. Nhưng mình không dám chắc nếu không vì điều đó thì cuộc đời mình có khác giờ không? Mình có là con người khác không? Mình sẽ là kẻ đáng khinh hay vẫn giữ được mình như bây giờ? Mãi mãi vẫn là ẩn số? Cuộc đời luôn là những bí ẩn không ngờ? Tưởng vậy mà không phải vậy…Thực ra con người sẽ luôn hành động và bị duyên nghiệp chi phối.

Khi tốt nghiệp phổ thông, mình đăng kí thi một trường đại học khác. Đã được gọi nhập học. Nhưng khi đó mẹ mình rất yếu do bệnh tim. Bà sợ không qua khỏi khi mình còn đang đi học nên đã quyết định hộ mình nộp đơn vào học một trường khác với lí do: nếu chả may bà chết, bố mình đi bước nữa, không có điều kiện chăm sóc mình chu đáo thì đã có trường nơi mình nhập học có thể giúp mình hoàn thành việc học mà không cần có sự trợ giúp của ai. Lúc đó mình hồn nhiên, vô tư, chả nghĩ ngợi nhiều nên mẹ bảo gì làm nấy, cũng không vân vi vì sao mẹ lại khuyên vào học trường kia? Mãi sau này mình mới biết lí do. Nhưng mình không ân hận, cũng chả luyến tiếc trường đại học mà mình ghi danh. Cũng không trách giận mẹ chỉ vì nghĩ đến tiền mà mẹ bẻ ngoặt cuộc đời mình sang hướng khác. Cái duyên nghịêp của mình là phải vậy.

Cũng có vài lần lâm cảnh huống hết tiền đến mức nếu không vay được ai dù chỉ vài đồng sẽ bị đói khi đứng giữa thành phố Sài Gòn đông đúc nhiều bạn bè, họ hàng người quen…Cũng đã bị đói. Có lần không thể vay được tiền vì người ta không tin là mình sẽ trả được nợ.
Cũng vì tiền mà mình suýt để mất một tình yêu vì những người khác nghĩ rằng “cấm vận” sẽ khiến mình và người yêu rời nhau ra…Khá tê tái, đau đớn vì tình người lúc đó. Nhưng không hề oán trách họ.

Ai cũng có nguyên do để đồng ý hay từ chối. Bình tĩnh suy xét thì thấy chuyện tiền nong không bao giờ là “chuyện đùa” không chỉ với khách thơ mà với cả nhân loại. Rất nhiều người đã thay đổi cuộc đời, số phận vì tiền. Thế thì đồng tiền quan trọng quá đi chứ. Nhưng đồng tiền có thể can thịêp vào số phận, cuộc đời bạn chứ không thể mang đến hạnh phúc đích thực cho bạn. Còn hạnh phúc đó là gì thì lại là quan niệm của từng người. Đây chỉ là quan niệm của riêng mình.
Đến như kẻ độc tài Gadafi, từng tự coi là “vua của người Hồi giáo”, tiền bạc chất ngất, cung địên nguy nga, giầu sang đệ nhất thiên hạ cũng chết thê chết thảm trong một ống cống mà thôi. Mình đồ rằng suốt đời ông ta luôn sống trong thấp thỏm, lo âu, nghi ngờ, sợ hãi khốn khổ vì sợ người khác tiêu diệt mình, cướp đi ngai vàng cùng tiền bạc của ông ta. Bạn có dám đánh đổi sự thanh thản trong tâm hồn với cuộc sống thanh bần để đổi lấy cuộc sống của Gadafi không? 

Nhưng tiền ơi, không có mi nên bao kẻ phải chết trong nghèo đói, bệnh tật. Không có mi nên nhiều đứa trẻ không có tương lai. Không có mi nên nhiều gia đình tan nát nhà cửa, nhiều cô gái nhảy lầu tự tử, nhiều giá trị mang tính người bị giễu cợt, rất nhiều, rất nhiều cái tốt đẹp phải làm nô lệ cho những cái xấu xa…Có tiền người ta có giá trị sống, có giá trị làm người, có thể điều hành cả xã hội. Phẩm giá luôn kèm theo tiền theo con mắt người đương thời. Vậy nói sao với Trung Hiếu bây giờ?

Mình thương Hiếu, chia sẻ những gì Hiếu viết cho mẹ quan niệm đồng tiền. Thực ra Hiếu đâu ghét tiền? Người đầy đủ còn không ghét tiền huống hồ hoàn cảnh của Hiếu và gia đình càng không thể ghét. Em ghét cái đã đẩy mẹ em vào cảnh huống bi đát này mà đồng tiền là thứ có thể hòa giải em với xã hội và nhiều thứ khác. Cái ghét chỉ là sự chua chát, cay đắng cho tình cảnh của gia đình và mẹ mình. Bản thân đồng tiền không sạch, không bẩn. Chỉ có người sử dụng nó làm cho nó bẩn hay sạch.

Có thể bình thường Hiếu và nhiều người khác được giáo dục là phải biết điềm tĩnh trước đồng tiền để không đánh mất mình. Người đủ đầy, có quyền chức, giàu sang chất ngất, tiền đầy ngân hàng, biệt thự nhiều triệu đô mà còn hoa mắt, chóng mặt như say nắng vì tiền thì thử hỏi những người lâm vào cảnh huống khó khăn đến tuyệt vọng như Hiếu và người thân của em thì mấy ai giữ được thái độ điềm tĩnh đó? Người ta luôn nói, đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nhưng nhìn quanh xã hội chúng ta đang sống thì thấy con người đảo điên vì tiền, bán mình vì tiền, trơ trẽn vì tiền, độc ác vì tiền, xấu xa vì tiền, khốn khổ khốn nạn vì tiền…Trách gì khi Hiếu mới chỉ “ghét” tiền như vậy?

Sự chênh lệch giàu nghèo ở nước ta khiến những người có lương tri cảm thấy phẫn nộ, nghẹt thở, đau đớn. Những biệt thự cao cấp xây có bao giờ bị ế ẩm vì không có người mua? Những siêu xe tốt nhất, hịên đại nhất, mới nhất đều được đem về VN bán hết vèo. Các sao, VIP luôn thể hiện đẳng cấp là người sành điệu trong hưởng thụ chả kém cạnh gì những sao, VIP ở tây phương phát triển? Nhưng có vô vàn những đứa trẻ vùng cao sống trong những ngôi nhà tồi tàn, trống hoác cả khi gió đông lạnh về chỉ thèm có thêm miếng thịt vào mỗi bữa cơm ăn với chút muối và gói mì tôm làm canh. Rồi những đứa trẻ này lớn lên dạy bảo nó hãy điềm tĩnh vì tiền có được không? Nó có dám từ chối cầm đồng tiền người khác hối lộ cho mà nếu không lấy thì có người khác chờ chực cầm ngay không? Nó có dám từ chối cơ hội thay đổi chất lượng cuộc sống từ những đồng tiền bẩn khi nhìn ra xã hội đang chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, hưởng thụ đến mức điên đảo không?

Những người nghèo bấu víu vào đâu khi hết tiền ăn, học cho gia đình và con cái? Họ bấu víu vào đâu mỗi khi trở bệnh phải vào bệnh viện? Họ bấu víu vào đâu mỗi sáng thức dậy không biết hôm nay hay ngày mai có kiếm ra việc gì để dành giật được vài đồng bạc lẻ lo bữa ăn đạm bạc cho gia đình? Mình đồ rằng còn nhiều bài văn như của Hiếu, thậm chí còn tuyệt vọng và chua xót hơn nhiều. Mình cũng tin rằng có nhiều học sinh không viết ra thật những ý nghĩ của chúng, ý nghĩ ấy có thể gần như là tội ác miễn sao có tiền…

Tận cùng của sự tuyệt vọng là sự nổi lọan, sự tự sát, cái chết hay là cái gì? Mình cũng thấy tuyệt vọng vì không thể nói với Hiếu về lời hay lẽ phải, về giá trị đạo đức khi mẹ em và gia đình đang phải bòn rút từng đồng bạc lẻ để giành giật cuộc sống tính từng ngày cho người mẹ đau khổ của Hiếu…Nói gì với cậu học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải nhịn bụng đói đi học chỉ mong mẹ có thêm vài chục bạc đi xe ôm thay vì đi bộ sau mỗi buổi trị liệu? Không lẽ chỉ mình Hiếu có trách nhiệm gánh vác gia đình của em? Gia đình em có còn là “tế bào của xã hội” không nữa đây? Có bao nhiêu tế bào đau yếu, phẫn uất, tuyệt vọng đang chết dần chết mòn trong một xã hội vẫn đang được nhìn nhận là đang phát triển?

Mình sẽ rất mát lòng nếu có con trai như Hiếu. Nhưng quả thật mình không biết phải làm gì để con trai mình thoát được nỗi ám ảnh, đau đớn, bất lực như thế này? Người mẹ đó càng hy sinh vì chồng con thì càng gây cho Hiếu nỗi đau quá lớn khi không thể chia sẻ bớt cho mẹ nỗi bất hạnh. Có lẽ chỉ còn lối thoát duy nhất nhờ vào niềm tin tâm linh nếu được khơi gợi lên trong gia đình họ, trong những lời an ủi chứa chan giữa hai mẹ con, tin vào nhân quả, nghiệp báo mà mỗi người đều phải gánh. Khi quả (xấu, tốt) đã trổ thì chấp nhận và trả cho hết, kể cả cái chết…Có thể như vậy chăng? Mình cũng đang tuyệt vọng như Hiếu và gia đình em…

1 nhận xét:

  1. Đồng cảm với tác giả. Hy vọng mọi người chung tay giúp gia đình Hiếu, các cấp ngành liên quan rút ra bài học về chế độ xã hội cho người nghèo.

    Trả lờiXóa