Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

ĐẾN VỚI HÁNG ĐỒNG

Lưu niệm với thầy trò Háng Đồng

Có lên đến đây mới thấy được nhiều điều còn xa lạ. Không giống hoàn toàn những gì đã được nghe và xem.

Tôi đã từng đi đến rất nhiều những ngôi trường – những địa phương miền núi nghèo khó, nhưng quả thật chỉ cách Hà Nội 250km đường bộ mà sao hoàn toàn xa lạ và gian khó đến vậy. Một hành trình và một trải nghiệm mới.
Chỉ một đêm đến đây với các thầy cô giáo đúng vẫn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Xin ghi lại vài dòng sơ bộ.
Háng Đồng là một xã mới được tách ra từ xã Tà Xùa thuộc huyện Bắc Yên – Sơn La cách nay 5 năm vậy nên khi hỏi thăm rất nhiều người đã không biết đến cái tên này. Trung tâm xã và điểm trường nằm trên cao độ 1500m so với mực nước biển. Dân số khoảng 2400 người, toàn bộ là dân tộc Mông, trong đó có trên 600 cháu trong độ tuổi từ mần non đến lớp 9 đang đến trường. Trường học mới thành lập nên cũng chưa chia được ba cấp mà vẫn gộp lại là trường PTCS và chưa đủ tiêu chuẩn để được thành lập trường bán trú. Toàn bộ ba cấp học có 53 giáo viên. (Cấp mần non đã tách ra được vài tháng). Toàn bộ học sinh học hai ca sáng chiều và ghép lớp vì không đủ phòng học. Các em bán trú hoàn toàn tự túc và chỉ có bán trú tại điểm trường chính, 5 điểm lẻ không có bán trú. Sinh hoạt thường nhật của các em là cơm gạo nương 2 bữa ăn với măng ớt.
Một ngôi nhà 100% gỗ PơMu
Tới đây, năm học 2013 – 2014 trường sẽ chuyển cấp THCS (lớp 6: 2; lớp 7: 2; lớp 8: 1; lớp 9: 1) đến vị trí mới là điểm trường Háng Đồng B cách trường sở bây giờ khoảng 1km đường đất. Tại đây, huyện đã cấp kinh phí và xây dựng sắp hoàn thành 1 khối nhà gỗ 4 gian làm lớp học.
Lại nói về tình hình xây dựng ở nơi đây. Vì chưa có đường giao thông cho các phương tiện cơ giới lưu thông nên toàn xã hiện chưa có một ngôi nhà xây gạch xi măng nào. Toàn bộ cơ sở vật chất trường sở cũng như trụ sở chính quyền và nhà dân đều được dựng bằng gỗ, có nhà hoàn toàn bằng gỗ PơMu từ cột đến mái (một loại gỗ hiếm và đắt đỏ trên thị trường). Sẽ có người bảo như vậy là hủy hoại môi trường, xin thưa, gỗ các loại đã nằm đâu đó trong rừng và kho bãi chứ chả còn cây nào đứng cả. Đoàn chúng tôi 5 người toàn bảo nhau: Chúng ta đang đi qua đèo “ông sư” – đỉnh núi “ông sư” – khe suối “ông sư” hết thảy, vì đồi núi đã “ông sư” tự bao giờ.
Mần non nơi này!
Cuối cùng xin kể về hành trình lên được Háng Đồng. Rời Hà Nội lúc 6h sáng, 5 người chúng tôi lên tới thị trấn Bắc Yên lúc 11h trưa qua quãng đường 190km. Tại Bắc Yên, đón tiếp chúng tôi có chị trưởng phòng Giáo Dục và anh bí thư huyện ủy. Các anh chị nói không thể có xe gì vượt qua được 50km đường còn lại, vậy là ngậm ngùi đồng ý lên xe Uoat của phòng Nông Nghiệp huyện cho mượn để đi đến đích. Từ thị trấn đi Tà Xùa 15km đường nhựa, còn lại 35km đường đất đang ủi (may mà mai có bí thư tỉnh đến Háng Đồng đấy) càng đi tôi càng vơi dần nỗi ngậm ngùi bởi chắc chắn rằng mình sẽ không đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để đưa đoàn đến nơi vì những con dốc nhầy nhụa, những cua gắt phải lấy lái hai đỏ, những khe suối đang thi công cầu dở dang …
Lớp học mới của năm học 2013-2014
Là vậy đấy, một hành trình kỳ thú của 5 người chúng tôi, quay về với bao nhiêu cảm xúc và những kế hoạch ấp ủ.
Xin cám ơn anh lái xe của phòng GD, xin cám ơn các anh chị đang công tác tại huyện Bắc Yên, xin cám ơn những nhà hảo tâm đã quan tâm đến chuyến đi và cám ơn những người đồng đội Nghiem Vietanh; Nguyễn Lân Thắng; Tung Dtt; Hoang Ha.
Hẹn gặp lại Háng Đồng trong một hành trình mà mình tự khám phá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét