Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Đắng lòng trường học vùng cao

(Dân trí) - Mặc dù là điểm trường chính nhưng tất cả các phòng học từ bậc mầm non đến cấp THCS đều là nhà tạm. Nơi ở cho học sinh nội trú là những túp lều lụp xụp còn khi nhắc đến cụm từ “nhà công vụ” thì giáo viên chỉ biết xót xa đắng lòng.


Đó là thực trạng trường lớp của xã Na Cô Sa, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Đây là một trong những xã nghèo nhất cả nước khi mà 4 yếu tố để phát triển đời sống kinh tế xã hội là “điện, đường, trường, trạm” vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn.

Từ thành phố Điện Biên, để đến được Na Cô Sa cần phải vượt hơn 150km đường đèo đến ngã ba xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé. Từ ngã ba này cần phải tiếp tục đi khoảng 26km đường đất dốc, nguy hiểm. Nếu là những ngày khô ráo thì cần phải mất gần 2 giờ đồng hồ, còn nếu trời mưa thì mất khoảng 8 hoặc 9 tiếng thậm chí là không thể đi được vì đường quá trơn.

Đón chúng tôi tại ngã ba xã Quảng Lâm, anh Trần Ngọc Kiên - phó phòng GD-ĐT huyện Mường Nhé nhắc nhở: “Hiện nay ở Na Cô Sa vẫn chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại cũng chưa đến được nên nhà báo cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết ở ngoài này trước khi chúng ta lên đường”.

Thầy Cường - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lâm, người tình nguyện cùng với anh Kiên đưa chúng tôi đến Na Cô Sa tâm sự: “Trước năm 2009, Na Cô Sa là một điểm trường phụ của xã Quảng Lâm. Ngày đó đường xá chưa được như bây giờ, thầy cô muốn vào trong đó phải đi bộ dưới lòng suối từ sáng sớm đến chiều tà mới đến nơi. Từ khi tách ra thành lập xã thì được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn nhưng vẫn còn gian truân lắm”.
Cũng theo thầy Cường, thì vào những ngày mưa nếu đường không quá trơn để đi được xe máy thầy cô ở Na Cô Sa phải chế thêm cho lốp xe thiết bị chống trượt bằng cách buộc xích hoặc dây cao su vào lốp.
Trong chuyến công tác lần này, rất may mắn cho chúng tôi khi mà những ngày qua ở huyện Mường Nhé không có mưa nên đường vào Na Cô Sa thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chặng đường đến UBND xã Na Cô Sa chỉ khoảng 18km nhưng chúng tôi cũng phải đi mất gần 2 tiếng đồng hồ. Sau khi gửi xe tại đây tiếp tục vượt khó 6km đường mòn nhỏ chúng tôi mới đến được điểm trường chính của Na Cô Sa.

Chồng chất khó khăn

Đứng trên bãi đất trống dốc ngược xuống, thầy Cường chỉ tay về phía những khu nhà lụp xụp thông báo: “Chúng ta đến nơi rồi. Đây là cơ sở chung của cả trường tiểu học và THCS Na Cô Sa”. Nhìn hướng thầy Cường chỉ mà chúng tôi giật mình bởi mặc dù đi thực tế ở các tỉnh vùng cao tương đối nhiều nhưng đây là lần đầu tiên được chứng kiến một điểm trường chính có cơ sở vật chất nghèo nàn đến vậy. Toàn bộ khu vực trường đều là những ngôi nhà tranh tre, nứa lá sơ sài. Mặc dù còn cách trường một khoảng đất trống nhưng không khó để có thể nhìn thấy rõ những hoạt động của cô và trò trong lớp.


Toàn bộ khuôn viên trường tiểu học và THCS Na Cô Sa nhìn từ trên cao.

Trường học được bố trí thành 3 khu nhà. Mỗi khu nhà được chia ra thành các phòng học nhỏ. Ngăn cách giữa các phòng chỉ là một tấm vách mỏng được làm từ tre, nứa. Thứ sang nhất trong mỗi phòng học là bảng viết và những bộ bàn ghế kiên cố do các dự án rót về.

1 nhận xét:

  1. Phải lên, nhìn thấy và cảm nhận, mới hay cuộc sống còn quá nhiều cách biệt.
    Vì thế mới cần phải chung tay làm 1 điều gì đó, cho những con người bé nhỏ, về cả thân phận lẫn ước mơ, ở nơi xa xôi đó.

    Trả lờiXóa