(Tổng hợp các nguồn tin và ý kiến từ lúc khởi động đến nay)
Đại Nghĩa sưu tầm
Bauxite ở Tây Nguyên Việt Nam là một khối tài sản vô giá của tổ tiên để lại cho con cháu nếu biết gìn giữ và khai thác đúng giá trị của nó thì là tài sản hiếm quý, ví bằng ngược lại thì nó là một tai họa khôn lường. Do vậy mà ngày nay toàn dân cả nước đang lên cơn sốt vì bauxite, nhà cầm quyền VN thì một mực cho nước ngoài nhất là Trung Quốc khai thác, còn toàn dân Việt Nam thì bảo “ngừng”.
Sau đây là ý kiến của một chuyên gia Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) – Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn:
“Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Chính phủ VN đã từng đề xuất đưa dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên của khối hợp tác COMECON. Các nước thành viên của COMECON, đặc biệt là Liên Xô, khi đó rất cần bô-xít cho nhu cầu công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, Hội đồng COMECON đã quyết định không triển khai dự án, thay vào đó, đã tích cực giúp Việt Nam triển khai các dự án cao su, cà phê và chè.
“Các chuyên gia khi đó nhận định: nếu triển khai các dự án bô-xít, về môi trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước của vùng Tây Nguyên, không đủ nước để phát triển được cây công nghiệp cao su, chè và cà phê. Về sinh thái, sẽ ảnh hưởng xấu đến khí hậu của toàn vùng miền Nam Trung Bộ và Campuchia, hạn hán sẽ kéo dài, lũ lụt sẽ thường xuyên xảy ra hơn” (TuanVietnamnet online ngày 24-10-2008).
1- Quyết định của đảng CSVN
Thế nhưng đảng CSVN đã bất chấp mọi lời khuyên can, họ cương quyết giao việc khai thác cho Trung Quốc, một nước rất cần bauxite, nhưng họ rất lo ngại tác hại nhiều mặt của việc khai thác bauxite ở nước họ nên sang VN để khai thác:
“Bản tin của Bộ Ngoại giao VN thì nói, hồi giữa năm ngoái, TBT đảng CSVN, ông Nông Đức Mạnh, sang thăm Trung quốc, cũng khẳng định hai nước“tăng cường hợp tác trong các dự án” trong đó có dự án khai thác bauxite tại Đắc Nông” (RFA online ngày 11-2-2009)
Tiếp sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quả quyết bất chấp mọi ý kiến khuyên can nhất là lời can ngăn của Đại tướng Võ nguyên Giáp:
“Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là
“chủ trương lớn của đảng và nhà nước”, cho dù dự án này gặp phản đối từ nhiều phía.
“Website chính phủ Việt Nam cho biết ông Dũng đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo đầu năm diễn ra hôm thứ Tư 4-2-2009 tại Hà nội” (BBC online ngày 6-2-2009).
Bộ Chính trị đảng CSVN xác định lời tuyên bố của TBT Nông Đức Mạnh và TT Nguyễn Tấn Dũng:
“Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của đảng CSVN, vừa ra thông báo kết luận về việc khai thác bauxite, trong đó khẳng định đây là “chủ trương nhất quán”của đảng” (BBC online ngày 26-4-2009).
Mặc dù nhiều nhân sĩ đã kiến nghị dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên nhưng ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam vẫn khẳng định:
“Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, chúng tôi chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai. Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào” (?) (Dân trí online ngày 25-10-2010).
Và ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh trong phiên họp Quốc hội ngày 22-10-2010 đề nghị Chính phủ cam kết về sự an toàn của việc khai thác bauxite:
“Phát biểu ở tổ ĐB Thanh Hóa, ông Bình cho hay ông tán thành chủ trương khai thác, nhưng ông đề nghị Chính phủ “cam kết với Quốc hội, với nhân dân về sự an toàn, đặc biệt là xử lí bùn đỏ” (Vietnamnet online ngày 22-10-2010).
Tôi cho đây là một cách ra điều kiện ấu trĩ, không nói rằng đây chỉ là lý do mớm đường cho Chính phủ cố lỳ, vì có ông nào, bà nào có đủ tư cách đứng ra chịu trách nhiệm một khi bùn đỏ tràn ra như ở Hungary, lúc bấy giờ thầy đổ bóng, bóng đổ thầy hoặc đưa mấy con tép riu ra làm kiểm điểm nội bộ, thế là xong?!
Đáp lại lời ông Lê Quang Bình, ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường trả lời báo điện tử Saigon tiếp thị câu hỏi: “Chúng ta đã lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra để ứng phó, thưa ông?”.
“Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Hội đồng chuyên gia và cả chuyên gia nước ngoài cũng đã tính đến những phương án xấu nhất để tính đến biện pháp khắc phục. Từ trước đến nay chúng ta đã tính đến hệ số an toàn cao nhất, như động đất 7 độ Richter. Về công nghệ cũng được khẳng định. Song không ai có thể lường trước những tình huống xấu nhất” (Saigon tiếp thị online ngày 22-10-2010).
2- Tác hại đến môi trường
Báo điện tử Tuổi trẻ viết bài về bauxite như một lời cảnh cáo chân thành cũng là lời kêu gào thống thiết “Tây Nguyên sẽ chết vì khai thác bauxite”, bài viết:
“Khai thác quặng bôxit chế biến thành alumina để luyện nhôm là một quy trình tiêu tốn lượng nước và điện khổng lồ, đồng thời phát thải một lượng khí thải nhà kính và bùn đỏ có sức hủy diệt môi trường rất ghê gớm. Giáo sư Đào công Tiến – nguyên Hiệu Trưởng đại học Kinh tế TP HCM - cảnh báo:“ Nguồn nước của Tây Nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bôxit, chắc chắn Tây Nguyên sẽ chết vì thiếu nước”…
“Hiện nay không có cách nào khác là chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây Nguyên và với vị trí thượng nguồn của các con sông lớn, những bãi bùn đỏ sẽ thành những“núi bom bẩn” nếu xảy ra thiên tai, lũ quét gây tràn vỡ. Khi đó không chỉ các tỉnh Tây Nguyên mà người dân các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ sẽ lãnh đủ hậu quả”- ông Sơn khẳng định” (* Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn) - (Tuổi trẻ online ngày 23-10-2008).
“Tiến sĩ Phạm Duy Hiển thì cảnh báo rằng, phá môi trường Tây Nguyên sẽ gây thiệt hại không chỉ cho Tây Nguyên: “Tây Nguyên được ví như mái nhà Đông Dương nên phải thận trọng. Phá môi trường vùng như Tây Nguyên thì sẽ gây ra những thiên tai lớn không chỉ Tây Nguyên mà còn những vùng dưới nữa” (RFA online ngày 11-2-2009).
“Giáo sư tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận: Thực chất bùn đỏ là một hỗn hợp, gồm các oxit kim loại không hòa tan trong dung dịch xút (NaOH) ở công đoạn hòa tách trong dây chuyền công nghệ Bayer…
“Các hồ chứa bùn đỏ ở dự án Tân Rai và Nhân Cơ tuy đã được chọn ở thung lũng có diện tích hứng nước nhỏ, nhưngnếu mưa lớn bất thường, lũ từ các thung lũng khác tràn sang mà vận hành thoát nước không kịp, nước sẽ đẩy bùn đỏ tràn khỏi hồ chứa và phát tán ra môi trường…
“Theo quy luật xác suất thì dù kiên cố tới đâu, không loại trừ khả năng vỡ bờ bao của bùn đỏ khi có mưa to bất thường ở Tây Nguyên, đặc biệt trong giai đoạn thay đổi khí hậu hiện nay” (Saigon tiếp thị online ngày 13-10-2010).
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, hiện là Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng trực thuộc TKV phát biểu:
“Nếu tiếp tục cho phát triển các dự án bauxite như cách làm hiện nay, về lâu dài cái giá phải trả của Việt Nam là không phát triển được cây công nghiệp trên vùng Tây Nguyên do thiếu nước ngọt, thổ nhưỡng đất bazan thay đổi và có nguy cơ làm mất và ô nhiễm nguồn nước ngọt để phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng hạ lưu như Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ chí Minh” (RFA online ngày 25-3-2009).
Các nhà tài trợ đã lưu ý Việt Nam về tác hại của việc khai thác bauxite:
“Nhân Hội nghị giữa kỳ mở ra trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba 8-9 tháng 6-2009 tại Dak Lak, các quốc gia và định chế tài trợ cho Việt Nam đã công khai lên tiếng kêu gọi chính quyền Hà Nội thận trọng trong việc thực hiện kế hoạch khai thác bauxite trên vùng Tây Nguyên. Đối với các nhà tài trợ, kế hoạch này có nguy cơ tác hại nặng nề đến môi trường và đời sống cư dân trong khu vực” (RFI online ngày 10-6-2009).
Khi người ta muốn làm thì cứ làm, bất chấp lời can ngăn của những người có chuyên môn và nhiều tâm huyết, qua quá trình khai thác bauxite nay đã xảy ra sự cố “bất ngờ ngoài dự đoán” gây hậu quả nghiêm trọng. Giáo sư Lê Huy Bá,Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghệ TP HCM trình bày một số thông tin liên quan chất xút được sử dụng cho công nghệ xử lý ướt mà Nhà máy alumin Tân Rai ứng dụng như sau:
“Xút gây bào mòn da con người và động vật. Hầu hết các sinh vật không thể sống được trong điều kiện xút cao như thế. Khi xút vào trong nước và đi vào trong cơ thể sẽ huỷ hoại hết; như khi đi vào đường ruột sẽ phá vỡ các tế bào ruột non, hít thở vào làm viêm mũi…Nói chung xút là chất cực độc, xếp vào loại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống…
“Ông Bùi Công Liên, Phó giám đốc Công ty TNHH Trà giống Cao Nguyên cho biết từ hồi cuối tháng Bảy vừa qua, nguồn nước từ nhà máy Tân Rai có mùi hắc, sủi bọt và có độ nhờn đã đổ vào hồ chứa nước của công ty. Nguồn nước bất thường này khiến cho cá trong hồ chết, cũng như nước hồ không thể sử dụng để tưới chè và cà phê của công ty như trước nữa” (RFA online ngày 9-10-2011).
Nhà văn Nguyên Ngọc xét đến khía cạnh văn hóa vì ông là người am hiểu văn hóa Tây Nguyên nên tỏ ra đặc biệt quan ngại:
“Xung quanh dự án bauxite tại Tây Nguyên, hiện có rất nhiều lo lắng trong xã hội. Lo lắng về nhiều mặt, kể cả kinh tế, về mặt môi trường, xã hội, an ninh quốc phòng, v.v. Tôi thì tôi lo lắng về mặt văn hóa xã hội ở Tây Nguyên. Đây là một vùng văn hóa rất đặc sắc và độc đáo. Tây Nguyên trước hết là rừng. Văn hóa Tây Nguyên có thể nói là văn hóa rừng, là tinh hoa của sự gắn bó của con người với tự nhiên. Tự nhiên ở đây là rừng,“ rừng của làng”…
“Một xã hội, một dân tộc mà văn hóa bị tan đi, thì xã hội không thể ổn định, và thậm chí các dân tộc không thể tồn tại” (RFA online ngày 11-2-2009).
3- Hậu quả của các nước khai thác bauxite
- Trung Quốc là một quốc gia rất cần bauxite, do đó mà họ đã từng khai thác các mỏ quặng trong nước của họ và họ đã bị những tác hại nghiêm trọng và chính nhân dân của họ cũng đã phản đối mãnh liệt. Trung Quốc đã thấy được tác hại của môi trường ở xứ họ và họ đã đưa tai họa ấy cho nhân dân ta.
“Vấn đề đặt ra ở đây chính là hệ sinh thái xung quanh những nơi khai thác quặng mỏ, đặc biệt là mỏ bôxít ở nước này, đã bị huỷ hại nghiêm trọng. Theo Chinanews, nhiệt độ quanh khu vực quặng mỏ ở Thái Nguyên (Sơn Tây),Tịnh tây (Quảng Tây) đã tăng cao một cách bất thường kể từ khi những mỏ khai thác bôxít được dựng lên ở đây. Nguồn nước xung quanh các khu vực này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của hàng triệu người dân…
“Nhật báo Quảng Tây cho biết vụ ô nhiễm do khai thác bôxít gần đây nhất là ở mỏ bôxít Tịnh Tây. Chỉ mới khai thác hơn một năm nhưng mỏ này đã làm nguồn nước xung quanh khu vực nhiễm màu đỏ quạch khiến người dân trong khu vực không thể sử dụng được nguồn nước để sinh hoạt, kéo theo là những chứng bệnh lạ…
“China Daily cho biết từ năm 2005 đến nay, Cục Bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc đã xử lý hàng chục ngàn vụ gây ô nhiễm môi trường trong đó đóng cửa hơn 100 mỏ khai thác bôxít trên khắp đất nước…
“Chính vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn, nên ngay từ năm 2006 chính phủ Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm đổ bộ khai thác bôxít ở nước ngoài theo kế hoạch“quốc tế hóa chiến lược kinh doanh” cho các doanh nghiệp” (TuanVietnamnet online ngày 15-12-2008).
“Truyền thông Trung Quốc cho hay hơn 1.000 người đã tụ tập, chặn đường và ném đá vào cảnh sát để phản đối tình trạng ô nhiễm từ một nhá máy khai thác bauxite và alumina ở phía Nam nước này…Chính phủ Trung Quốc vốn ngày càng lo ngại những phản ứng tức giận của công chúng về các vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm.
“Một tuyên bố của Chính phủ được tờ China Daily trích dẫn nói:“Hầu như toàn bộ cư dân làng Linh Hoàng tham gia vào việc chặn đường tới huyện Tĩnh Tây chiều hôm thứ Ba, và một số dân làng ném đá vào cảnh sát” (BBConline ngày 15-7-2010).
- Ấn Độ, một quốc gia khai thác bauxite cũng đã thấy được hiểm họa của nó như thế nào và người lãnh đạo của người ta “biết nghe” như thế nào.
“Năm 2004, tại Ấn Độ đã diễn ra phong trào chống các công ty khai thác bôxit sau khi Chính phủ Ấn Độ, nước có trữ lượng bôxít lớn thứ sáu thế giới, cấp giấy phép cho 13 công ty đa quốc gia vào khai thác quặng bôxit tại bang Orissa. Các dự án khai khoáng đã ảnh hưởng tới 60.000 cư dân sinh sống trong vùng. Một diện tích đất nông nghiệp gần 1.000 ha đã hoàn toàn bị huỷ hoại” (TuanVietnamnet online ngày 15-12-2008).
“Những dự án đầu tư lớn luôn có sức hấp dẫn với những nước đang phát triển như Ấn Độ, nhưng hôm 21-10 vừa qua,Bộ trưởng Môi trường nước này đã từ chối dự án 8,5 tỉ USD của Tập đoàn Anh Vedanta Resources để phát triển khu công nghiệp khoáng sản liên hợp bauxite alumina ở bang Orissa…
“Quyết định đình chỉ dự án bauxite của Vedanta là chưa có tiền lệ ở Ấn Độ. Lâu nay, các tập đoàn lớn luôn thao túng chính quyền. Ông Jairam Ramesh được xem là vị Bộ trưởng Môi trường đầu tiên làm đúng trọng trách của mình”(VNR500 online ngày 2-11-2010).
- Australia, vì tuân theo luật bảo vệ môi trường mà phải huỷ bỏ một dự án khai thác bauxite trị giá hàng tỷ đô la:
“Bất chấp cả việc phải huỷ một dự án khai thác bauxite khổng lồ trị giá hàng tỷ USD, chính quyền bang Queensland, Australia vẫn quyết định đưa lưu vực sông Wenlock nơi triển khai dự án vào diện cần được bảo tồn sinh thái…
“Mặc dù quyết định của chính quyền bang sẽ phải đối mặt với những đơn kiện cũng như yêu cầu bồi thường từ phía công ty Cape Alumina, tuy nhiên, những người lãnh đạo của Queensland khẳng định đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn” (Vietnamnet online ngày 21-10-2010).
“Giám đốc điều hành Cape Alumina, Paul Messenger, cho hay, Queensland đã để mất 1,2 tỷ USD cho các hoạt động kinh tế và hàng trăm việc làm mới. Nhưng ông Walker khẳng định Queensland được lợi nhiều hơn” (VNR500online ngày 2-11-2010).
- Hungary, tai họa tràn bùn đỏ vì khai thác bauxite làm chấn động cả thế giới và nhất là các nước đang khai thác bauxite như Việt Nam. Bùn đỏ đã tràn đến sông Danube:
“Thủ tướng Hungary, Viktor Orban, mô tả vụ tràn bùn đỏ độc hại là một“thảm họa sinh thái nghiêm trọng” khi tới thăm khu làng bị thiệt hại là Kolontar vào hôm thứ Năm 7-10. Chuyến thăm của Thủ tướng Hungary diễn ra trong khi dòng bùn đỏ bị tràn từ nhà máy sản xuất nhôm đã tiến gần tới sông Danube, là một nguồn nước lớn ở châu Âu…
“Thủ tướng Hungary lo ngại:“Những gì tôi chứng kiến tại đây thật là kinh khủng” (BBC online ngày 7-10-2010).
“Cảnh sát Hungary hôm 11-10 đã bắt giữ ông Zoltan Bakonyi, lãnh đạo Công ty nhôm MAL Zrt. Phát ngôn viên Chính phủ Anna Nagy cho hay ông này bị giam giữ trong vòng 72 giờ. Trước đó, Thủ tướng Hungary cũng thông báo cảnh sát đã bắt giữ Tổng giám đốc công ty này. Trên website của công ty MAL, ông Balkonyi là lãnh đạo Công ty khi ông Martin Rummelein là Tổng giám đốc Công ty…
“Những người phải chịu trách nhiệm trong sự cố này phải bị bắt giam và tất cả những nguy cơ tiềm tàng tại các khu công nghiệp khác cần phải kiểm tra lại” (Saigon tiếp thị online ngày 12-10-2010).
Hậu quả của việc tràn bùn đỏ bauxite ở Hungary vượt ra khỏi khả năng khắc phục của nước này mà phải nhờ chuyên gia của các nước trợ giúp:
“Các chuyên gia từ Liên hiệp Âu châu bắt đầu làm việc tại Hungary để xử lý với vụ tràn bùn đỏ bauxite, vốn đã làm cho7 người thiệt mạng và phá huỷ nhiều vùng rộng lớn…
“Ngoài 7 người thiệt mạng còn có 150 người bị thương sau khi 700 ngàn mét khối bùn đỏ bauxite tràn ra từ hồ chứa gần Ajka ở Hungary hôm 4-10” (BBC online ngày 11-10-2010).
Tin mới nhất và cũng là tin quan trọng nhất là “Bùn đỏ ở Hungary có chứa chất phóng xạ”, một sự báo động khủng khiếp:
“Tờ Libération của Pháp trong bài viết “Bùn đỏ dưới kính hiễn vi của Ủy ban Nghiên cứu độc lập về phóng xạ”, cho biết, bùn đỏ trong sự cố vỡ bể chứa chất thải công nghiệp ở Hungary có chứa phóng xạ uranium 238 cao gấp ba lần độ phóng xạ trung bình của vỏ Trái Đất (40 bq/kg), và chất thorium 232 cao hơn 4 lần so với độ phóng xạ trung bình của vỏ Trái Đất” (VNR500 online ngày 2-11-2010).
4- Khai thác bauxite không có lợi
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh trong một bức thư gửi lãnh đạo Hà Nội đã nói rõ sự bất lợi của việc khai thác bauxite như sau:
“Chi phí vận tải và các khoản xây dựng vận hành rất lớn và bán alumin sẽ lỗ, như vậy chẳng khác nào ta đào tài nguyên của Tổ quốc cung cấp không công cho đối tác. Đã không được lợi lộc gì lại chuốc lấy tai họa” (Đối thoạionline ngày 12-10-2010).
Cùng một nhận định về việc khai thác bauxite không có lợi về mặt kinh tế, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ VN ở Thái Lan phân tích rõ lợi hại thế nào khi khai thác bauxite từ Tây Nguyên:
“Nói một cách khác, cứ giả định rằng toàn bộ kết cấu hạ tầng riêng cho vận tải đã có sẵn rồi (một điều không tưởng), song giá thành sản xuất alumina chắc chắn sẽ gây lỗ lớn, vì không chịu nổi cước phí vận tải do đoạn đường từ nơi sản xuất đến nơi xuất cảng quá dài (bao gồm cước phí lên núi chở nguyên liệu phục vụ sản xuất, và cước phí xuống núi cho xuất khẩu nguyên liệu sơ chế alumina). Tôi đã làm mọi con tính và chỉ được kết quả “lỗ” (Đối thoạionline ngày 7-10-2010).
Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam cùng góp ý trong việc khai thác bauxite bị lỗ ra sao:
“So sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án. Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội (opportunity cost) phải lấy lãi từ làm bôxít trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.
“ Qua tính toán của chúng tôi, dự án bô xít Tây Nguyên vừa lỗ nặng, vừa gây ô nhiễm đến môi trường cả trước mắt và lâu dài” (BauxiteViệt Nam online ngày 26-10-2010).
Ngay cả trong bản kiến nghị của những nhà trí thức, nhân sĩ yêu nước cũng xác nhận việc khai thác bauxite không đưa đến mối lợi kinh tế:
“Khả năng sinh lời trong khai tác bô-xít Tây Nguyên “không hiện thực, hầu như chắc chắn là lỗ”. Vấn đề vận tải và cảng cho việc sản xuất, xuất khẩu alumina hiện tại và trong vài năm tới “hoàn toàn bế tắc chưa thể giải quyết”. Nhà máy sản xuất alumina Tân Rai nếu làm xong, cũng có thể có nguy cơ phải nằm đắp chiếu một thời gian”(TuanVietnamnet online ngày 22-10-2010).
Trong một cuộc tranh luận về hiệu quả của việc khai thác bauxite do Vietnamnet tổ chức ngày 27-10-2010, thì:
“Ông Nguyễn Thành Sơn nhận định sang năm thôi, khi dự án cho sản phẩm là đã vỡ về hiệu quả kinh tế rồi”. Bởi theo lập luận của ông Sơn, giá alumin đã xuống bằng ½ giá mà TKV đưa ra. “Sang năm sẽ không quá 270 USD/tấn trong khi giá TKV dự kiến là trên 360 USD.
“ Đến năm 2013, khi cả nhà máy Nhân Cơ đi vào hoạt động, thì lượng dư thừa thế giới sẽ từ 1-1,5 triệu tấn như năm nay sẽ tăng lên 16 triệu tấn. Xét toàn cục, quan hệ cung cầu thì tới 2011 đã vỡ, không phải 50-50 nữa mà 0 ăn 10 thua” (Saigon tiếp thị online ngày 29-10-2010).
Vấn đề hiệu quả kinh tế của việc khai thác dự án bauxite ở Tây Nguyên một lần nữa được phân tích lại khi mới đây, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phải bỏ ra 4.000 tỷ đồng để nâng cấp quốc lộ 20 hư hại vì vận chuyển bauxite và những rò rỉ hóa chất ở dự án Tân Rai. Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhận định:
“Rõ ràng là hiệu quả của dự án bauxite ở Tây Nguyên là không có được theo như trình bày ban đầu, khi tập đoàn Than – Khoáng sản muốn làm và Bộ Công Thương ủng hộ. Trên thực tế cho thấy vấn đề rất lớn.
“Con đường vận chuyển bauxite đòi hỏi đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng để làm đường, 4.000 tỷ đồng đó thì bản thân Tập đoàn Than – Khoáng sản thừa nhận nếu như họ bỏ tiền làm đường thì dự án đó hoàn toàn không thể có lãi được và thua lỗ nặng” (RFA online ngày 1-10-2011).
5- An ninh quốc phòng
Việc khai thác bauxite không những có nguy hại về môi trường, về văn hóa, nhân sinh, ngoài ra còn nguy hiểm đến nền an ninh của quốc gia. Nhất là những dự án giao cho người Trung Quốc khai thác là mầm di họa đến vấn đề tồn vong của đất nước được hai vị Đại tá Nguyễn Huy Toàn và Đại tá Quách Hải Lượng, chuyên viên cao cấp Viện nghiên cứu Chiến lược nói rõ:
“Cha ông từ xa xưa đã nhận định vùng Tây Nguyên quan trọng tới mức nếu ai chiếm được Tây Nguyên thì coi như đã làm chủ được Việt Nam và Đông Dương. Sau này, người Pháp, người Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng “nóc nhà của Đông Dương”. Vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương, cho nên khi chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương” (TuanVietnamnetonline ngày 10-3-2009).
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an vạch rõ mưu đồ của Trung quốc trong kế hoạch chiếm vùng ngã ba Đông Dương này:
“Trung quốc vào Tây Nguyên là họ đã có điều kiện khống chế đối với cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hiện nay Trung Quốc đã thuê một vùng đất rộng lớn ở tỉnh Munbunkiri - sát biên giới tỉnh Dak Nông với thời gian 99 năm, và Trung Quốc đã là chủ các dự án kinh tế lớn ở tỉnh A-Ta-Pu – tỉnh cực Nam của Lào, giáp với Việt Nam và Campuchia (tại ngã ba Đông Dương). Đây là hậu họa khôn lường đối với an ninh quốc gia. Không rõ những người quyết định cho Trung Quốc vào Tây Nguyên có biết điều này không?” (Đối thoại online ngày 3-3-2009).
Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, trong bản báo cáo gửi Ủy viên Bộ Chính trị Trương Tấn Sang và Bí thư TƯ đảng Ngô Dụ để trả lời cáo buộc của Đảng ủy Tập đoàn TKV về việc “chống bô xít là mắc lừa phản động”:
“Tác giả viết ngay trong phần mở đầu bản báo cáo: “lựa chọn nhà thầu Trung Quốc là một sai lầm cố ý của TKV” và rằng tác giả “hoàn toàn đồng tình với đa số các ý kiến tại các cuộc tọa đàm cho rằng việc lựa chọn nhà thầu Trung Quốc vào Tây Nguyên là một nguy cơ lớn đối với an ninh quốc phòng.
“Tôi có thể khẳng định, nếu đấu thầu một cách minh bạch, đúng luật, và với tiêu chí là lợi ích tối đa lâu dài của đất nước, chứ không phải của chủ đầu tư, thì không thể có một nhà thầu Trung Quốc nào có thể thắng thầu trong bất cứ dự án bauxite nào” (RFA online ngày 25-3-2009).
6- Ý kiến nhân dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người lên tiếng đầu tiên và liên tiếp bằng ba lá thư yêu cầu nhà cầm quyền CSVN hãy ngừng ngay dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên nhưng đã như “đàn gảy tai trâu”:
“Trong bức thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề ngày 5-1-2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẩn thiết kêu gọi Chính phủ cho ngưng dự án khai thác bauxite ở vùng Tây Nguyên vì dự án này có nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ” (RFI online ngày 15-1-2009).
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ VN tại Bắc kinh (1974-1989) trong một bức thư gửi Chủ tịch và các Đại biểu Quốc hội ông viết:
“ Khai thác bô-xít, tàn phá môi trường sinh thái Tây Nguyên và môi trường sống của hàng triệu đồng bào, là đại hiểm họa đối với dân với nước, là tội lỗi. Các thế hệ mai sau sẽ nghĩ gì về thế hệ cầm quyền hiện nay…
“Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nước, tôi tha thiết mong Chủ tịch và các vị Đại biểu Quốc hội có quyết định sáng suốt, dừng ngay dự án bô-xít Tây Nguyên để tránh cho dân tộc một tai họa khôn lường” (Đối thoạionline ngày 24-4-2009).
Trong “Lời kêu gọi một tháng biểu tình tại gia để chống việc lấy Vàng dân tộc đổi Nhôm nước ngoài”, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống kiêm Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, viết:
“Nhân danh Hội đồng Lưỡng viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi kêu gọi người Việt Nam trong ngoài nước hãy tỏ thái độ trước nguy cơ hủy hoại màu xanh Tây Nguyên và đời sống của người Việt cũng như hàng chục dân tộc ít người trong việc khai thác quặng bô-xít không thông qua nghiên cứu khoa học và kinh tế, mà chỉ vụ vào sự lệ thuộc Bắc phương”.
Đài BBC đưa tin về “Một nhà trí thức vào cuộc”, người mà chế độ Hà Nội hết sức ái mộ:
“Một nhà toán học hàng đầu của Việt Nam đã viết thư yêu cầu Quốc hội Việt Nam xem xét lại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên…
“Theo nội dung của bức thư này, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã cho rằng sự thỏa thuận khai thác quặng bauxite giữa hai nước Việt-Trung được trao đổi giữa Hồ Cẩm Đào và Nông Đức Mạnh là một sự chênh lệch về lợi ích mà thiệt thòi lớn nghiêng về Việt Nam…
“Thư viết “Trong trường hợp của Việt Nam, ảnh hưởng quá mức của Trung Quốc có thể kéo thêm hệ quả nguy hiểm sau đây quan hệ hữu cơ vốn có của văn hóa Trung Quốc với văn hóa Việt Nam trở thành đô hộ văn hóa” (BBC online ngày 6-6-2009).
Ngoài những cá nhân gửi thư phản kháng nêu trên còn không biết bao nhiêu người nữa cũng bức xúc không kém. Dưới đây là một kiến nghị tập thể. “Nhóm trí thức bauxite ra thư ngỏ thứ ba”:
“Nhóm trí thức Việt Nam gồm các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước chủ trương không tiếp tục dự án khai thác bauxite Tây Nguyên vừa ra kiến nghị mới nhất…
“Thư ngỏ kêu gọi đại biểu Quốc hội đưa chủ đề bauxite Tây Nguyên vào nghị trình hội họp và ra một nghị quyết toàn diện về khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tài liệu nhấn mạnh nhóm trí thức Việt Nam muốn ngưng toàn bộ dự án khai thác bauxite, cho dù đã ký hợp đồng với các đối tác như Úc, Nga, Trung quốc” (BBC online ngày 18-5-2009).
Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, những nhà trí thức Nhóm IDS cũ phối hợp với Nhóm Bauxite Việt Nam phát động gửi kiến nghị tạm dừng việc khai thác bauxite Tây Nguyên, trong đó có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nhiều nhân sĩ trí thức đã nhiệt liệt ký tên tham gia tính đến ngày 1-11-2010 thì đã được 2557 người ghi danh:
“Với tư cách” những người Việt Nam gắn bó với vận mệnh tồn vong của đất nước”, bà Nguyễn Thị Bình và các nhân sĩ trí thức đã gửi thư tới TBT Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
“Trong thư, bà Bình và các nhân sĩ trí thức “khẩn yêu cầu” Bộ Chính trị, BCH TƯ đảng, Quốc hội và chính phủ xem xét lại việc khai thác bô-xít Tây Nguyên…
“Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Trung Nam Bộ” (TuanVietnamnet online ngày 22-10-2010).
7- Kiến nghị về dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên
“ Kính gửi: - Ông Nông Đức Mạnh, TBT BCHTƯ đảng CSVN
- Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng chính phủ nước CHXHCNVN
“…khẩn thiết yêu cầu:
7.1- Quyết định cho ngừng ngay việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai/ Lâm Đồng…
7.2- Tạm huỷ dự án đang đàm phán tiếp với nước ngoài về nhà máy Nhân cơ ở Đắc Nông.
7.3- Tạm thời đình chỉ việc triển khai toàn bộ tổng dự án hiện thời về việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên…
7.4- Lập nhóm nghiên cứu độc lập…nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô-xít Tây Nguyên.
7.5- Những kết quả nghiên cứu lại một cách tổng thể vấn đề bô-xít Tây Nguyên của nhóm đặc nhiệm này sẽ được trình bày trước Quốc hội, đồng thời được đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước về đề tài kinh tế-xã hội vô cùng nhạy cảm này để quyết định…” (Bauxite Việt Nam online ngày 22-10-2010)
Nhà văn Nguyên Ngọc trả lời phỏng vấn của đài BBC về tính hợp pháp của dự án bauxite đang được nhà cầm quyền CSVN cho tiến hành là:
“Tôi cho rằng một cái chương trình mà chính ông Thủ tướng đã tuyên bố rằng đây là chủ trương lớn của đảng và của nhà nước, vậy thì vì sao mà không đưa ra truớc Quốc hội? Phải trình Quốc hội chứ. Tôi có đặt vấn đề về cái tính hợp pháp của quyết định này. Tôi cho như thế là không hợp pháp” (BBC online ngày 10-4-2009).
Tiến sĩ luật Cù huy Hà Vũ từ Hà nội cũng nộp đơn khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì đã ban hành quyết định cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên, vì theo ông, quyết định đó trái với luật bảo vệ môi trường, luật quốc phòng, luật bảo vệ di sản văn hóa. Và nó cũng đi ngược với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BBC online ngày 12-6-2009).
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường trao đổi với VnExpress sau sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary, đưa ra nhận định:
“Tôi cho rằng, trước hết cần đặt ra câu hỏi, không khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, Việt Nam có chết không? Câu trả lời là Không. Việt Nam chưa giàu về kinh tế nhưng cũng không nghèo đến mức phải bán vội bán vàng mọi thứ tài nguyên mới sống được. Khi còn là một quốc gia nghèo, việc khai thác khoáng sản thô để bán cứu đói cho người dân thì không có gì đáng trách. Nay chúng ta đã là một nước có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có vốn, tài chính quốc gia không quá hạn hẹp đến mức phải cư xử với bô xít như vậy” (VnEpress online ngày 24-1-2010).
Đ.N. 13/11/2011
Không ai lay chuyển nổi thì dân ta phải chịu thảm họa môi trường thôi.Hu hu...Sợ cho môi trường quá ta !
Trả lờiXóaSẽ còn rất nhiều thảm họa nảy sinh từ Bô xít chứ không chỉ riêng vấn đề về môi trường đâu , phải không em .
Trả lờiXóa@ Chị Thủy
Trả lờiXóaCó chi mà sợ hỡi chị, sống chung với bauxite mà chị.
@ Chị Lan
Vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Sẽ lỗ chổng vó, khi đó lại lấy tiền Dân ra mà bù lỗ, ví dụ làm đường vận chuyển tốn 4k tỷ. Chiện nhỏ chị nhỉ!!