Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

PHAN KHÔI – NGỌN THÔNG REO MÃI TRONG LÒNG DÂN TỘC

Theo vi.wikipedia.org
Phan Khôi (1887-1959) là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, về sau đứng trong trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.
Ông còn là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã chịu tai họa và chết trong lặng lẽ vào năm 1959.

Để chào mừng ngày báo chí VN 21/06, blog rác rưởi thanhvdgt1 xin đăng bài viết của chị Nguyễn tuyết Hạnh  - một người cháu của cụ Phan Khôi để cũng coi là được góp một lời chúc mừng!

PHAN KHÔI – NGỌN THÔNG REO MÃI TRONG LÒNG DÂN TỘC - Nguyễn.t.Hạnh

Nhân ngày nhà báo Việt Nam, mình xin có một đôi điều cảm nghĩ vê cụ Phan Khôi, một học giả, một nhà văn, nhà báo uyên bác, tài hoa dưới góc độ của một người cháu trong gia đình.

Mẹ chồng mình là con gái cụ Phan Khôi. Khi mình về làm dâu thì cụ đi về cõi Vĩnh hằng đã khá lâu rồi. Nhưng tài năng, nhân cách của cụ luôn làm mình kính phục. Những oan trái, bất công đối với cụ luôn làm mình đau xót. Qua sách báo, qua lời kể của mẹ và các cậu các dì thì cụ là một người cha, người ông đáng kính. Cụ yêu thương con cháu nhưng cực kì nghiêm khắc. Trong nghề nghiệp cụ là một người luôn đi đầu trong các phong trào cách tân như cắt tóc ngắn, đòi nữ quyền … Cụ cũng là người đầu tiên khởi xướng phong trào Thơ mới với bài "Tình già"* nổi tiếng. Trên văn đàn cụ nổi tiếng với vai trò “Ngự sử văn đàn”. Là một người thẳng thắn, khẳng khái cụ luôn sống đúng với những chuẩn mực mà cụ cho là đúng. Cụ sống và viết đúng như bút danh cụ đặt cho mình là Thông reo. Trong bài Văn chương và văn chương của nhà báo, cụ xác định rõ 3 chuẩn mực của Văn chương là Tín, Đạt, Mỹ.
Tín là tính chân thật, nói sự thật và có lý.
Đạt là viết sao cho thông, cho người ta hiểu đúng cái ý của mình, mình nghĩ sao thì viết vậy.
Đẹp là tính thẩm mỹ.
Cụ quan niệm Văn chương và nhất là Văn chương báo chí trước hết cần phải Tín và Đạt. Nếu có tính thẩm mỹ nữa thì mới là Văn chương hữu dụng. Nói và nghĩ sao thì cụ làm như thế. Văn của cụ “suông đuồng đuộc, sốp sồm sộp”. Cụ thẳng thắn phê bình Lãnh đạo văn nghệ. Cụ cho rằng Văn nghệ là phải được tự do sáng tác, miễn là sáng tác tác ấy thuộc về Nhân dân, thuộc về Dân tộc. Cụ phản đối cách lãnh đạo văn nghệ bằng mệnh lệnh, áp đặt, kìm hãm sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Vì như thế là tuyên truyền chứ không phải sáng tác. Cụ cho rằng “Trong vườn hoa phải có trăm loài hoa chứ không chỉ nẩy mầm mỗi loài cúc vạn thọ”.
Thế thôi mà cụ bị vu là phản động, bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn, bị cô lập. Cụ phải nhận biết bao thư từ chửi cụ. Cụ đã phải chua xót thốt lên với người con trai cả là nhà báo Phan Thao, khi ấy là Thư kí tòa soạn báo Nhân dân là: “Những người viết thư chửi thầy đều là công nhân, là nông dân, là bộ đội chữ nghĩa ít, có hiểu biết chi đâu, chỉ đọc báo và nghe tuyên truyền nhồi sọ, nên họ chửi. Thầy không tức gì họ. Thầy chỉ tự hỏi: cứ cái kiểu ngu dân này, mất dân chủ này, đàn áp tự do này, thì dân mình làm cách mạng, đi kháng chiến giành độc lập để làm gì?”.

Để kết bài này mình xin được trích lời phát biểu của người con trai út của cụ trong Tọa đầm kỉ niệm 120 năm ngày sinh Phan Khôi tại bảo tàng Lịch sử .
“Một trí thức trẻ mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt một thời trai tráng niên của mình lăn lộn trên văn đàn chỉ nhằm một mục đích cho hai tiếng Nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa nghệ thuật dầy hương sắc của Dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình”.

Trong một lần đi thăm mộ cụ ở nghĩa trang Bạc Hà – Quảng Nam, mình đã làm bài thơ:

THÔNG REO
Thông ngẩn cao đầu reo
Bài ca khí phách
Bão táp dập vùi
Thông vẫn vút cao
Thông ngạo nghễ cười
Vết chém., còn rỉ máu
Ứa nhựa đời mình
Thành hổ phách đời sau!

Tình già.
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;
Ðể đến rồi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nở?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đầt khách gặp nhau!
Ðôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi

3 nhận xét:

  1. Chị Zoe sẽ cảm động lắm đấy!
    Chắc hương hồn cụ đang mỉm cười ở chốn bình an nhất!

    Trả lờiXóa
  2. Cam on Hanh da co mot bai viet ve Ong dung vao ngay nha bao VN. Mong la cac nha bao VN cung luon giu duoc chuan muc Tin Dat My.Khong biet den bao gio Ong moi duoc xem la mot tam guong trong gioi bao chi ngay nay.

    Trả lờiXóa
  3. “Một trí thức trẻ mới ngoài 20 tuổi đã bị thực dân Pháp bắt bỏ tù 2 lần, một lần 18 tháng, một lần 3 năm chỉ vì theo chân Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh để hoạt động yêu nước. Một nhà báo suốt một thời trai tráng niên của mình lăn lộn trên văn đàn chỉ nhằm một mục đích cho hai tiếng Nhân dân. Một nhân sĩ bỏ lại phía sau để dấn thân cho cuộc kháng chiến 9 năm và cuối cùng, một học giả sức cùng lực kiệt vẫn gắng gượng đóng góp sức mình, mong có được một vườn hoa nghệ thuật dầy hương sắc của Dân tộc. Một người như vậy không bao giờ đi ngược lại quyền lợi của đồng bào mình”.
    ---
    Và ai cũng hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cụ để cụ được yên lòng nơi chín suối vì suốt đời đã cống hiến hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của nhân dân.

    Trả lờiXóa