Nguồn: FB Le Na Morgoun
Thư gửi các con phần 2: SỰ KIỆN TIẾP DIỄN SAU TẾT MẬU THÂN 1968 tới 1978.
Để tôn trọng tính khách quan, chúng ta chỉ nêu các vụ việc có liên quan tới biển đảo theo trình tự thời gian, không kèm bình luận.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Washington và Hà Nội bắt đầu tính toán cho tương lai của cuộc chiến Việt Nam. Việc thương thảo đã diễn ra rất phức tạp, một mặt, các bên chưa thật sự thấy cần nhượng bộ và mặt khác, Liên Xô và Trung Quốc muốn can thiệp vào đàm phán, đặc biệt là Trung Quốc không muốn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự đàm phán mà muốn tham gia vào quá trình đó, như Hiệp định Genève về đình chiến Đông Dương năm 1954.
- Thời gian đàm phán Hiệp định Paris kéo dài 5 năm, từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973. Các bên tham gia ban đầu chỉ có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ; sau mở thành hội nghị 4 bên, thêm Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (phe CS).
- Ngày 13/7/1971, tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng ở Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Tháng 01/1974, TTg Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố Hiệp Định Paris không còn giá trị bởi CS lợi dụng điều khoản ngừng bắn, trong năm 1973 đã tiến hành những trận đánh nhỏ để chiếm những vùng xa Sài Gòn.
- Từ ngày 17 tới ngày 20/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây quần đảo Hoàng Sa, đồng thời la làng vu cáo VNCH chiếm Nam Uy (Trường Sa) của TQ.
- Ngày 19/01/1974 VNCH đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trắng trợn các đảo của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
- Ngày 20/01/1974, Ngoại trưởng VNCH đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo An cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.
- Cùng ngày 20/01, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra bản Tuyên bố nêu rõ lập trường trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc tại Hoàng Sa: "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại. Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng".
- Ngày 05/02/1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VNCH tuyên bố bác bỏ bản Tuyên bố ngày 04/02/1974 của Bắc Kinh vu cáo quân đội VNCH "ngang nhiên cho tàu chiến xâm chiếm đảo Nam Uy (Trường Sa)".
- Ngày 14/02/1974, Chính phủ VNCH công bố SÁCH TRẮNG về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Cuối năm 1974 Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật 1974 Foreign Assistance Act, chấm dứt tất cả viện trợ quân sự, từ đây Hoa Kỳ không thể dùng không lực để trợ giúp VNCH trong khi CS vi phạm Hiệp Định Paris về ngừng chiến.
- Ngay lập tức CS tiến đánh và chiếm tỉnh Phước Long vào ngày 06/01/1975 và tỉnh Bình Long vào ngày 07/01/1975. Hoa Kỳ không có có phản ứng, ngày 08/01/1975 Hà Nội ra lệnh tổng tấn công toàn diện bắt đầu từ Vùng I và II Chiến Thuật…
- Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Schlesinger điều trần trước Quốc Hội vào ngày 14/01/1975 rằng Hoa Kỳ không giữ lời hứa với TTg Nguyễn Văn Thiệu. Bẩy ngày sau, Tổng Thống Gerald Ford, người thay thế ông Nixon từ chức vì vụ Watergate, tuyên bố rằng Hoa Kỳ không sẵn sàng tái tham chiến tại Việt Nam. Tại New Orleans vào ngày 23/4/1975, Ford tuyên bố chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
- Ngày 05/4/1975, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã triển khai kế hoạch chiếm quần đảo Trường Sa từ VNCH theo chủ trương của Bộ Chính trị. Lực lượng tham gia gồm có các tàu của đoàn vận tải quân sự 125, đoàn 126 đặc công, tiểu đoàn 471, đặc công quân khu 5 và tiểu đoàn 407 cùng lực lượng đặc công tỉnh Khánh Hoà, đánh đảo Song Tử Tây trước để làm bàn đạp và rút kinh nghiệm đánh tiếp các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa và các đảo còn lại.
- Từ ngày 13 đến ngày 28/4/1975, Hải quân Việt Nam DCCH đã giải phóng và tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đang quản lý.
- Ngày 05/6/1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Ngày 09/9/1975, đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng thế giới đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của Tổ chức Khí tượng quốc tế với ký hiệu 48.860 và khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (việc này trước đây CP bảo hộ Pháp đã làm có hệ thống).
- Ngày 24/9/1975, trong cuộc gặp đoàn Việt Nam DCCH do Tổng Bí thư Lê Duẩn dẫn đầu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố sau này hai bên sẽ bàn bạc về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung quốc gọi là Tây Sa và quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
- Ngày 05/6/1976, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có quyền bảo vệ chủ quyền đó.
- Ngày 02/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25-4-1976, đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
- Ngày 12/5/1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam có các vùng biển và thềm lục địa riêng. Đoạn 5 của Tuyên bố: các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải nói ở Điều 1 đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, 4 của Tuyên bố này.
- Tại phiên họp thứ 7 cuộc đàm phán về biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cuộc đàm phán này bắt đầu từ ngày 09/10/1977, Trưởng đoàn Việt Nam Phan Hiền, đã bác bỏ vu cáo của phía Trung Quốc đối với việc Hải quân Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Phan Hiền đề nghị với ông Hàn Niệm Long, Trưởng đoàn Trung Quốc, về việc đưa vấn đề hai quần đảo vào chương trình nghị sự, nhưng phía Trung Quốc từ chối.
- Ngày 30/12/1978, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố bác bỏ luận điệu nêu trong Tuyên bố ngày 29/2/1978 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề quần đảo Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhắc lại lập trường của Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp hoặc bất bình bằng thương lượng hoà bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét