Ảnh TQ tuyên truyền về “nạn kiều” thời kỳ này |
TIẾP DIỄN LIÊN QUAN TỚI TRUNG QUỐC THỜI KỲ 1975-1978.
Gửi các con, phần 3. Để tôn trọng tính khách quan, chúng ta chỉ nêu các vụ việc theo trình tự thời gian, không kèm bình luận. Trích dẫn hai chiều từ nhiều nguồn: Sách trắng về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB Sự thật. Tổng kết công tác Đảng 1975-1985, Tạp chí Dân tộc học. Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Ramses Amer 1991. Trang thông tin của Đà nẵng…
VẤN ĐỀ NGƯỜI HOA
- Thời điểm giải phóng Sài Gòn, ở Việt Nam có khoảng 1,2 đến 2 triệu người Hoa lập nghiệp từ lâu đời, so với khoảng 20 triệu người Hoa trong toàn vùng Đông nam Á. Họ là một trong những thế lực kinh tế mạnh mẽ nhất, đặc biệt là ở miền Nam Việt Nam.
- Từ ngày 11/9/1975 và kéo dài sau đó, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Quốc hữu hóa hơn 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều. Trung Quốc coi việc Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp như một sự công khai thách đố chính sách bảo vệ Hoa kiều hải ngoại mà Trung Quốc vừa công bố. [Bàn luận về một chính sách lặp lại sai lầm “Công tư hợp doanh” ở miền Bắc 1954 làm kiệt quệ kinh tế sẽ ở một bài khác]
- Tháng 02/1976, Việt Nam yêu cầu Hoa kiều đăng ký quốc tịch mà không có những bước chuẩn bị thấu đáo, đã gây ra những hiểu lầm và bất đồng. Báo chí tiếng Trung và nhiều trường học của người Hoa bị đóng cửa. Quyết định này được ban hành khi có cuộc điều tra dân số chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội.
- Lúc này, Trung Quốc đã thay đổi chính sách vì cần sự giúp đỡ của người Hoa ở nước ngoài để phát triển kinh tế. Bài viết của Liêu Thừa Chí, Chủ tịch Uỷ ban Hoa kiều Hải ngoại vụ, đăng trên Nhân dân nhật báo: “Trung Quốc sẽ giành quyền bảo vệ tất cả Hoa kiều hải ngoại còn mang quốc tịch Trung Quốc”.
- Một phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam được dấy lên.Trung Quốc đưa ra chính sách "đoàn kết với giai cấp tư sản Hoa kiều", kêu gọi chống lại chính sách "bài Hoa" của Việt Nam; đồng thời loan truyền trong cộng đồng gốc Hoa những luận điệu kích động về một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữ hai nước. Do sự khuyến khích đó của Trung Quốc và với sự im lặng ngầm của Việt Nam muốn tống xuất hiểm họa của "đội quân thứ năm", trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc.
- Giai đoạn từ 1975 Chính quyền Polpot thực hiện chính sách diệt chủng trong nước và gây chiến tranh biên giới, hàng vạn dân thường Campuchia và Hoa kiều từ Campuchia chạy sang Việt Nam, ở rải rác khắp các tỉnh sát biên giới, một số chạy sâu vào nội địa, nhất là thành phố Hồ Chí Minh.
- Ngày 12/4/1978, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 42 xác định: đối với số Hoa kiều từ Campuchia chạy sang Việt Nam sau ngày 01/4/1975, thì vận động đưa hết về Trung Quốc hoặc sang nước khác cư trú. Những Hoa kiều muốn xin về Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ làm việc với Chính phủ Trung Quốc cho họ hồi hương. Nếu Trung Quốc không nhận, phía Việt Nam sẽ nhờ HCR vận động các nước khác nhận rồi tổ chức cho họ đi. [Xin miễn bàn luận về chính sách này]
- Ngày 30/4/1978, Chủ nhiệm Văn phòng Hoa kiều Vụ TQ đã bày tỏ "sự quan tâm đối với hiện tượng Hoa kiều ở Việt Nam về nước hàng loạt", hứa hẹn "sẽ sắp xếp thích đáng cho những Hoa kiều đã trở về". Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng "nạn kiều", Trung Quốc lập ra các trạm đón tiếp dọc biên giới hai nước, tuyên bố sẽ gửi 2 tầu sang Việt Nam để đón "nạn kiều" về nước.
- Ngày 27/5/1978, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam cho 2 tầu Trung Quốc đến Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh chở người Hoa về nước, Trung Quốc tuyên bố rằng, tàu sang Việt Nam không phải để đón người Hoa, người Việt gốc Hoa, hay Hoa kiều muốn đi Trung Quốc mà đón "nạn kiều" rồi đơn phương đưa tàu sang. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho phía Trung Quốc đề nghị Trung Quốc không dựng lên việc Việt Nam khủng bố, bài xích, xua đuổi người Hoa.
- Ngày 02/6/1978, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố 4 điểm và đồng ý cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội được phái Tổ công tác đến cảng Chùa Vẽ và Vũng Tàu để chứng kiến người Hoa xuống tàu. Đối với việc Trung Quốc yêu cầu được lập Tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam hứa là đến quý 4/1978, sẽ thu xếp để Trung Quốc có thể thực hiện. Trung Quốc còn đòi quyền lập danh sách xét duyệt cấp thị thực xuất cảnh. Đây là những đòi hỏi trái với thông lệ quốc tế và luật pháp của Việt Nam, không tuân theo thỏa thuận năm 1961 giữa hai nước nên Việt Nam phản đối. Ngoài ra TQ còn đòi neo tàu vô thời hạn trong khi VN chỉ chấp nhận tàu đậu từ 3 tới 5 ngày. Thời gian này đã có 20 cuộc họp đàm phán nhưng đều bế tắc.
CẮT VIỆN TRỢ - ĐÓNG CỬA BIÊN GIỚI
- Trước làn sóng ồ ạt người Hoa ra đi, TQ lại đóng cửa biên giới ngày 12/7/1978, người Hoa vẫn cố vượt biên bằng nhiều con đường khác nhau, con số người Hoa ra đi cụ thể từ tháng 4/1978 đến cuối tháng 12/1979 là 25 vạn người.
- Giảm dần và tới 1978 Trung Quốc cắt viện trợ cho Việt Nam. Điều kiện đầu tiên Trung Quốc đặt ra cho Việt Nam để nối lại viện trợ là phải từ chối tất cả các khoản viện trợ của Liên-xô. Theo các nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ (đăng trên Dân Trí) vào tháng 8/1978, Việt Nam có 4.000 cố vấn và chuyên gia Liên Xô, đến giữa năm 1979 con số đã tăng lên đến 5.000-8.000. Tháng 9/1978, Liên Xô bắt đầu thực hiện việc cung cấp vũ khí mới (máy bay, tên lửa phòng không, xe tăng và vũ khí, đạn dược, cơ sở vật chất phục vụ quốc phòng) cho Việt Nam bằng đường hàng không và đường biển.
- Trong khi đó, một số người Hoa quá khích gây rối ở Hà Nội và các cửa khẩu, nổi bật là vụ hành hung ở cầu Bắc Luân ngày 8/8/1978 làm bị thương 20 người Việt Nam. Vụ hành hung ở Hữu nghị quan ngày 28/8/1978 hy sinh 2 chiến sĩ an ninh của Việt Nam, 25 người khác bị thương.
- Ngày 07/9/1978, phía Việt Nam đưa ra tuyên bố 4 điểm.
- Ngày 26/9/1978, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc bị phía Trung Quốc đề nghị hoãn lại. Đặc biệt, tại những phiên họp cuối cùng ở cấp Thứ trưởng, Việt Nam đã đề cập đến vấn đề Trung Quốc ủng hộ Campuchia Dân chủ, còn Trung Quốc tố cáo Việt Nam quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, buộc tội Việt Nam tìm cách xây dựng một Liên bang Đông Dương.
- Ngày 03/11/1978, Việt Nam ký kết Hiệp ước Hợp tác toàn diện và Hữu nghị với Liên Xô, hiệp ước có được những cam kết quan trọng về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước." Ngay lập tức, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng các bài tố cáo Việt Nam tiến hành xâm phạm và khiêu khích trên biên giới với Trung Quốc.
(còn tiếp phần 4: CÔNG LỰC CỦA HIỆP ƯỚC HỢP TÁC TOÀN DIỆN – NHÌN QUÁ KHỨ NGHĨ VỀ HIỆN TẠI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét