- Mỗi lần lên xe trực chỉ hướng Bắc, nhằm miền non cao núi thẳm là lại chộn rộn như lần đầu đến nơi hò hẹn khi còn tuổi chanh cốm. Lạ thế. Mình yêu lạ lùng vùng núi non hùng vĩ, huyền bí và quyến rũ này. Đúng hôm lên trời trong vắt, mây xanh biếc, núi xa lắc mà vẫn ẩn hiện trong mây bay, nắng hanh hao vàng…Chụp ảnh mỏi tay mà vẫn không thấy đã. Tính tham nổi lên ầm ầm vì chỉ sợ khoảnh khắc đẹp như tranh vẽ ấy sẽ biến mất, sẽ lọt vào ống kính của kẻ khác, sẽ…Nhưng rồi tất cả cũng trôi lại phía sau. Suối Giàng, con đường danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Lao Chải, Dền Thàng…
- Tất cả nơi này như được trở về nhà, gặp lại những cô cậu bạn nhỏ tuổi má đỏ hây hây, mắt buồn như núi chiều, gương mặt lấm lem thẹn thùng, tóc rối không cần chải…Đêm tối ở Suối Giàng nhận quần áo mới, tụi nhỏ đứa vừa, đứa bị chật khiến mọi người áy náy vì mua vội. Nhưng vẫn đủ ấm, đủ vui. Chúng mặc cả áo mới, đội mũ mới đi ngủ. Sợ quà tặng biến mất như giấc mơ nếu buông ra vậy.
Chọn áo mới Mặc áo mới đi ngủ - Sáng hôm sau rời Suối Giàng men theo con đường ruộng bậc thang Mù Cang Chải…Không còn lúa chín. Chỉ còn những ruộng rạ chưa đổ nước, khô khốc và hiu hắt. Vậy mà vẫn thấy đẹp. Vẻ đẹp cô liêu, điêu tàn mà vẫn hiên ngang.
Bếp ăn tạm của Lao Chải - Tiện đường rẽ vào Lao Chải thăm trường tiểu học. Sau khi nhận được tiền hỗ trợ từ quĩ “cơm thịt”, nhà trường đã tổ chức nấu ăn cho tụi nhỏ nội trú. Hiện tụi trẻ vẫn phải dùng chái nhà che bao dứa để kê bàn ăn cơm. Thế thôi mà đã vui lắm rồi. “Trứng gà, trứng vịt” ở Lao Chải không còn phải cúi rạp người thổi lửa nấu cơm sau buổi học nữa. Mà hơn chục trứng gà, trứng vịt này còn phải cõng thêm “trứng chim cút” nữa chứ. Vì em nhỏ học mẫu giáo gần đấy nên đến bữa lại sang anh chị chúng bên tiểu học để ăn…ké. Lần này lên, “cơm thịt” quyết định chi tiền luôn cho “trứng chim cút” để khỏi phải “ấp nhờ” ổ của anh chị. Tổ chim của chúng cheo leo bên sườn núi hiu hắt trong nắng chiều.
Thẹn gặp lại người quen - Vì muốn tụi trẻ nội trú có cái bếp góp gạo thổi cơm chung nên các thầy cô giáo đứng ra lo việc xây dựng gian bếp bằng tiền do quĩ “cơm thịt” hỗ trợ. Các thầy cô kể là đã mua miếng đất bé xíu hết 4,5 triệu và thuê san lấp 3 triệu nữa đang ngổn ngang đất đá. Nơi này đất ít, núi nhiều nên hiếm mặt bằng. Chiều chủ nhật lác đác có đứa xách gạo xuống trường để chuẩn bị bắt đầu một tuần học mới. Nghe các thầy cô nói, khu nội trú đã tăng lên 60 đứa so với gần 50 lúc cơm chưa có thịt.
Nơi đây sẽ là bếp ăn trong tương lai...(Lao Chải) - Hy vọng tụi trẻ được đến trường ngày càng nhiều hơn…Hy vọng lần sau, lần sau, lần sau nữa…lên đây sẽ nghe tiếng cười, tiếng hát, tiếng líu lo của đám trẻ thay cho những gương mặt buồn chả mấy khi cười, bẽn lẽn cúi mặt khi người lạ hỏi đến.
- Qua Lao Chải đến Dền Thàng, cũng là nơi chốn đã thân quen. Những bé mẫu giáo quen mặt từ lâu đang cắm cúi với bữa cơm trưa có thịt rim và rau bắp cải xào.
Con ăn ngoan mà...(Dền Thàng) - Trông chúng ăn ngon miệng lắm. Chả thấy người lớn phải quát tháo hay nhắc nhở chuyện ăn uống. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn người lạ ngơ ngác, trong veo rồi lại cúi xuống bát cơm ăn ngon lành. Thấy chúng ăn mà thèm…Tâm trong lắm mới có cung cách ăn ngon lành như vậy. Mấy anh chị tiểu học ngồi ăn nhờ ở bậc thềm nhà mẫu giáo. Chúng đi học mang theo cặp lồng cơm như công chức thời bao cấp.
Con ngồi ké chứ không ăn ké của em đâu - Tiện đâu ngả ăn đấy. Bữa cơm của chúng là cơm và đĩa rau cải nấu. Chỉ có vậy. Chúng ăn vẫn cứ ngon miệng như cơm có thịt, cá và…đặc sản. Mấy đứa con gái khác chơi nhảy lò cò, không ăn gì vì chắc không mang cơm theo. Không ăn thì chơi. May mà có mấy trăm bánh mỳ của một nhà hảo tâm nhờ mang lên cho tụi trẻ nên chia bớt cho Dền Thàng. Mấy cô bé nhảy lò cò có cái bánh mỳ lót dạ thêm ấm bụng. Chắc lát nữa đủ sức nhảy lò cò đến tối…
Giờ ra chơi của mẫu giáo Pa Cheo - Trên đường đi Y Tý rẽ qua Pa Cheo, một xã nghèo nhất của huyện Bát Xát. Quả danh bất hư truyền. Nghèo mạt rệp. Hai lớp học mẫu giáo của xã nằm không xa đường quốc lộ từ Sa Pa đi Y Tý nhưng cảm giác như bị bỏ quên. Xơ xác từ vật chất đến con người. Đám trẻ co ro trong cái lạnh 14 độ C. Quần áo phong phanh, có đứa đi chân đất, nhiều bé gái mặc váy lộ ra cẳng chân khẳng khiu tím tái. Thương các con chảy nước mắt.
Tập trung uống sữa dưới Quốc Kỳ - Đưa bánh kẹo và sữa cho chúng uống, một cô bé xíu vừa uống đã nôn thốc nôn tháo vì không quen. Có một thầy giáo dạy mẫu giáo vì thừa biên chế tiểu học. Thầy trò múa hát với nhau cho khách xem…Những bài hát múa chả hợp gì với cái sự nghèo mạt rệp này. Tự nhiên mình thấy có gì bất nhẫn không chịu nổi nên bỏ đi chụp ảnh. Cũng lại chỉ chụp được cảnh nghèo của thầy cô giáo nơi đây. Một ngôi nhà phên nứa che bao dứa để chống đỡ cái nắng đổ lửa mùa hè và cái lạnh sương giá tuyết rơi mùa đông.
Bếp ăn của mầm non Pa Cheo Nhà tập thể của giáo viên Pa Cheo Còn đây là buồng hạnh phúc của vợ chồng thầy cô - Như thế này mà dạy và học được quả là phi thường. Sẽ quay lại đây, Pa Cheo thương yêu…Mình có cảm giác khi lên xe rời Pa Cheo như là chạy trốn. Chạy trốn khỏi sự lãng quên, vô cảm, tội ác…Sau mấy mươi năm mà người dân vẫn phải sống như thế này ư? Không dám ngoái lại nhìn mấy thầy cô ngồi hiên nhà, dõi theo ba cái ô tô chạy xa dần, xa dần…Gương mặt họ vẫn là nụ cười không tắt trên môi, vẫn cái nhìn hiền lành không chút oán trách, tỵ hiềm. Ngày lại ngày ở góc núi ấy vẫn có những lớp học dạy điều hay, lẽ phải, sự công bằng, độc lập, tự do và hạnh phúc…của con người. Cám ơn tấm lòng của thầy cô.
- Phải qua trưa mới lên đến Y Tý, một địa danh đã nghe và chỉ mơ có lúc được đặt chân đến. Giờ thì đã đến. Sương mù giăng kín những ngôi nhà xa xa. Bầu trời như sắp sập xuống vì vác nặng những đám mây xám xịt. Y Tý nấp trong mây để giữ mình, giữ vẻ đẹp của riêng mình. Tụi con trẻ đã đi ngủ trưa. Chúng nằm như xếp cá trên chiếc giường gỗ thô kệch, đứa đã ngáy ầm ầm, đứa còn đang trằn trọc khó ngủ.
Nằm xếp cá để ngủ trưa (Y Tý) - Lần này các bé được nhận những tấm chăn từ con gái nhà văn Phạm Ngọc Tiến gửi lên làm quà nhân ngày cưới của cô. Vân Ngọc cũng là cô giáo mà. Chỉ đủ chăn đắp chứ chưa có đệm trải giường. Thôi thì ấm thêm được chút nào tốt chút đó. Quĩ “cơm thịt” chi thêm tiền để mua xốp trải sàn nhà cho các bé ngồi học đỡ bị hơi lạnh từ đất, từ núi xông lên lạnh người, lạnh chân. Mới được hai nơi nhận xốp như thế này, Dền Thàng và Ý Tý. Còn nhiều nơi khác cần lắm mà chưa biết bao giờ mới “phủ xốp” được? Sốt ruột, bất lực, vô vọng là cảm giác của mình mỗi khi biết thêm một địa danh, cùng bạn bè làm thêm một việc có ý nghĩa cho một nơi nào đó vì biết còn rất nhiều nơi cần được giúp đỡ hơn nhiều. Rồi lại mong muốn được lên đường…
Trường mẫu giáo Tả Ngải Thầu cheo leo dốc núi Vác củi mà cứ chạy ầm ầm Nô đùa trong mây - Ngay như trên đường từ Y Tý về Lào Cai, đã biết thêm ba trường mẫu giáo nghèo nữa là Tả Ngải Thầu, A Lù và Trịnh Tường. Toàn xã vùng biên.
Có bánh mì ăn lúc cuối chiều nên ngon ghê Anh chị đi đón em được ăn ké...Lần đầu ăn bánh mì đới... Những đứa trẻ trong hoàng hôn - Những ngôi trường mẫu giáo chỉ là những lán liếp che bao dứa chìm trong đêm tối thường là mất điện. Những lớp mẫu giáo nằm cheo leo trên dốc núi trơn tuột. Vậy mà hàng ngày những đứa bé “tuổi chồi, tuổi lá” vẫn ngược dốc đến lớp. Tự đi mà chả cần bố mẹ đưa đón. Mình vẫn không hiểu khi trời mưa đường trơn thì tụi nhỏ đi đứng thế nào? Các cô giáo bảo, đi được hết, quen rồi. Ừ, quen thật. Nhiều đời từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã leo dốc, đã quen với nghèo đói, khổ sở. Tụi trẻ này được học làm quen với cái nghèo trước khi học làm con người mới. Bản năng sinh tồn mạnh hơn mọi lí lẽ. Chả hiểu bản năng này duy trì thêm bao nhiêu năm, bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp nữa? Chả hiểu tụi trẻ này được học thích nghi với cái nghèo đến khi nào?
Lớp mẫu giáo ở Trịnh Tường Bếp ăn của mẫu giáo cắm bản (Trịnh Tường) - Đến khi nào thì chỉ số IQ của tụi trẻ miền núi được nâng cao để được sử dụng đường sắt cao tốc xuyên Việt? Giờ mình vẫn không thể, không dám nhìn thật lâu vào những đôi mắt buồn như mây trôi, gương mặt hiền như cây cỏ của chúng. Có lẽ tụi trẻ quen sống trong mây đang cần chỉ số EQ (Cảm xúc trí tuệ) của mọi người hơn là IQ cao…Cần lắm những đoàn tàu EQ cao tốc lao lên những thung mây ngút ngàn này. Để những đứa trẻ ấm lòng, ấm người trong những ngày đông giá lạnh…
- Về đến Hà Nội thì Lào Cai (và vùng núi phía bắc) mưa to bất ngờ. Giá lạnh ầm ầm kéo về. Ở Hà Nội, ngồi trong phòng ấm mà còn tê tái đôi chân trong tất. Không biết những đôi chân trần nhỏ xíu luôn tiếp chạm mặt đất băng giá, những thân chim núi bé bỏng sống vùi trong mây mù tê tái chịu cái lạnh thế nào đây?
Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011
Chủ nhân của IQ cao - "Thùy Linh"
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Điển hình của sự nghèo đói, lạc hậu. Vùng cao, ôi vùng cao, đến bao giờ mới hết được khoảng cách.
Trả lờiXóaMinh doc bai viet nay ma rot ca nuoc mat.Minh chi o nha ko duoc di den dau nen khong the nghi duoc la con co nhung noi ngheo nhu the nay. Thuong cac chau be qua! Va cung cam phuc nhung tam long nhan hau cua cac anh chi trong bai viet. Xa hoi con qua nhieu nhung nguoi vo tam, ho co the bo ra hang chuc trieu an bat pho buoi sang. Sao ho khong nghi duoc la o Viet Nam ta con co rat nhieu noi khong co com ngon de an, ao am de mac nhi?????
Trả lờiXóa@ PHN
Trả lờiXóaCậu chỉ được cái nói đúng!
Chúng ta hãy vững bước trên con đường chúng ta đang đi và đã lựa chọn!
@ DPY
Đọc những dòng suy nghĩ đầy xúc động của bạn, tôi cũng đã vũng tâm hơn để làm thêm được những công việc bé nhỏ của mình cho các em thơ còn thiếu thốn đói nghèo trên quê hương Việt Nam mình. Cám ơn Bnaj!
ủa có bát phở hàng chục triệu à bạn Thành?
Trả lờiXóa