Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

NGÀY TẾT NGUYÊN TIÊU - DẠO CHƠI VĂN MIẾU

Nguồn: anhtho3649
Nghĩ đến ngày Tết Nguyên Tiêu, nhớ ngay là ngày thơ Việt Nam. Mình và T.A đã rủ nhau từ mấy ngày nay. Mình cứ lo hôm ấy phải lên lớp không đi được. T.A thì đã sắp xếp xin nghỉ sáng thứ Hai rồi. Vào mạng thấy tổ chức ngày thơ trước ngày Tết Nguyên Tiêu, gọi cho T.A, em hơi bị bất ngờ. Quả thật mình cũng không thấy hay lắm, phá đi cái truyền thống thiêng liêng đã đi vào tiềm thức những người yêu thơ quan tâm đến thơ. Nhưng thôi, không bàn về sự tùy tiện của mấy anh Thỉnh anh Thiều nữa. Cứ biết Chủ nhật hai chị em có cơ hội đi cùng nhau là vui rồi.
Sáng nay mình dậy rõ sớm. Hì, mấy hôm nghỉ Tết dài dài toàn ngủ nướng sướng con mắt. Chồng hỏi mưa thế này mà em vẫn đi à? Cả năm có một lần mà anh! Năm ngoái chủ đề ngày thơ liên quan quá nhiều đến chính trị chính em mình không khoái nên không đi. Năm nay thuần túy chỉ có thơ và thơ trăm miền, không chính trị chính em gì thì đi cho hay. Thú thực vào trang của trò Thông thấy em "viết xoáy nói xoay" về thơ phú Nguyên Tiêu cũng làm mình hơi mất hứng tí. Dưng mà cứ đi, ít ra là đổi không khí cho khỏi bí dí bí dì, hi hi!
Sớm quá, vào mạng coi ngày thơ cả nước xem sao thấy thèm được vào Quảng ngãi dự thế. Chủ đề ngày thơ của họ "Trường lũy Biển Đông" rất hấp dẫn, mang tính thời sự và vô cùng ý nghĩa. [...]. T.A gọi điện đến hỏi chị nghĩ sao trời mưa gió rét thế này có nên đi không. Bảo chị dậy từ sớm, ăn sáng, thay quần áo rồi, đang đợi em đây. Ôi, thế thì em mặc quần áo rồi đi đây. Hic, chẳng thể gì ngăn nổi chúng ta đi!
Hai chị em "nhà Gàn" cố tình đi sớm chút để hưởng không khí thanh bình của Văn Miếu. Đến nơi, không đông lắm, nhưng cũng có ối người "điên" như mình. Và thế là tha hồ ngắm nghía chụp ảnh. Ấn tượng đầu tiên so với một số lần trước đây, trang trí quá sơ sài làm mình thấy hơi hụt hẫng. Năm nay chỉ có hai sân khấu chính dành cho thơ truyền thống và thơ Quốc tế. Không có sân khấu cho thơ trẻ và thiếu nhi. Chắc cũng như mọi lần, sau màn diễn văn khai mạc là đọc thơ này nọ. Rồi là hát hò gì đó cho rôm rả, và rồi là thả thơ theo bóng lên trời. Lần đầu tiên chứng kiến thả thơ cũng thấy rung rung xúc động, nhiều lần lặp lại thấy nhàm không hứng nữa. Hai chị em quyết định đi lang thang khắp Văn miếu, đọc thơ, mua sách và tranh thủ vào lễ cụ Chu Văn An và các vua trên tầng Hai.
Có khá nhiều các câu lạc bộ thơ như câu lạc bộ thơ Đường, thơ Lục bát, thơ Công nhân. Có cả thơ điện, thơ bưu điện nữa, sặc mùi kinh doanh. Có chỗ bán cả chè, có quầy ATM tiện cho mọi người rút tiền mua bán nhé, nhưng làm giảm đi cái thanh tao cao quý của thi ca. T.A mua mấy quyển sách, mình mua mỗi "Xem đêm" của Phùng Cung, một tài hoa bị vùi dập thời Nhân văn giai phẩm. Xung quanh hồ Thiện Quang là những tấm pa_nô giới thiệu 80 năm thơ mới với các nhà thơ tên tuổi mà thời mình vô cùng ngưỡng mộ. Chỉ tiếc có quá nhiều sạn. Lại "tội thằng đánh máy" đây. Thế những người có trách nhiệm đâu mất cả rồi hử anh Thỉnh anh Thiều? 
Tuy nhiên, hai chị em ra về vẫn vui vẻ hài lòng vì có được một buổi sáng dạo chơi trong không khí nhẹ nhàng khác hẳn ngày thường cơm áo gạo tiền.
            
Ngày thơ Việt nam lần thứ 10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà nội.

            

Lối đi vào được trải thảm đỏ với cờ hoa hai bên.


         

Các cô gái Mường trong đội cồng chiêng biểu diễn tiết mục
"Đẻ đất, đẻ nước"
         

Các em bé đang chỉnh chang trang phục chuẩn bị lên sân khấu
hát bài "Trái đất này là của chúng mình".
           

Năm chục cô gái này xếp hàng tập dượt cho việc thả thơ.

           

Có nhiều khách nước ngoài đến tham dự ngày thơ Việt Nam.

           


Mấy bạn trẻ ngoại quốc cũng say sưa quan sát tiết mục 
trên sân khấu.
          

Hồ Thiện Quang được trang hoàng bóng bay trên cao,
xung quanh là những tấm pa_nô to giới thiệu các nhà thơ
và các thi phẩm nổi tiếng của 80 năm thơ mới.
          


Tinh hoa hội tụ ở cả nơi đây.

          


Đây Xuân Diệu và Huy Cận.

          


Đây Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử.
          
Đây Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân.

Người đội mũ trong ảnh là con gái Nguyễn Bính từ miền Nam ra.

          


Đây Thâm Tâm và T.T. Kh.

Thật tiếc có quá nhiều hạt sạn không thể chấp nhận nổi. Ngay tên nhà thơ bí ẩn có tên T.T.Kh. gây xôn xao dư luận và tốn bao giấy bút tranh cãi là ai có bản thơ tình trác tuyệt mà ở đây cũng in nhầm thành T.T.K.H. Thế thì lại phải tốn thêm giấy bút nữa ư?


          



Trong bài thơ "Hai sắc hoa ti gôn", câu thứ tư của khổ thơ đầu tiên "Tôi chờ người đến với yêu đương" và câu thứ ba của khổ thơ thứ sáu "Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ", hai từ yêu đương và từ Nhưng ở đây đã làm hỏng tứ thơ. Đành rằng trên mạng có những dị bản có những câu này, nhưng trong một ngày thơ Việt nam phải in cho đúng. Tôi từng đọc bài thơ này từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước với những câu "Tôi chờ người đến với yêu thương" và "Sắc hồng tựa trái tim tan vỡ".        
  


Hay trong bài "Sầu chung" của Trần Huyền Trân tặng nghệ nhân Quách Thị Hồ cũng vậy, làm sao có thể đọc câu thơ "Tay yếu gieo lòng suống chiếu hoa" cho nổi?

         
Tế Hanh mà sống lại, ông sẽ đau lòng bao nhiêu khi người ta biến những ngư dân trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của ông ra nông nỗi này "Dân chài lưới làn ra ngăm rám nắng"!

          

Bài Tỳ bà của Bích Khê là một bài thơ hay không chỉ về ý tứ mà vì nhạc điệu có sẵn trong tứ thơ với những vần thơ nhẹ nhàng sâu lắng toàn vần bằng không hề có một vần trắc nào, vậy mà người ta ngắt từ một cách dã man làm hỏng cả một khuôn ngọc thước vàng. Đáng ra phải ngắt thế này theo cách nói giản dị thông thường thì mới giữ được nhạc điệu cũng như ý thơ "Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng / Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông." Vậy mà người ta tùy tiện ngắt "Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng" thì thấy buồn cho hội nhà văn nhà thơ quá cơ!



May còn có các quán sách thu hút các độc giả yêu thơ 
chọn sách và mua sách.
          

Và may có câu lạc bộ thơ Công nhân có các thành viên/khán giả lớn tuổi yêu văn nghệ hát các bài hát quan họ hay hát chèo rất hay thu hút người nghe làm hai chị em ra về cũng thấy đỡ buồn phần nào.


16:02 05-02-2012

5 nhận xét:

  1. Ôi! giá mà chị góp ý với hội nhà văn thơ ,hay ban tổ chức ,trước khi tổ chức ,nên có một tổ "lão thành "xem lại ,câu văn,ý thơ ...có đúng không ,mới đưa ra in ấn hay trưng bày..,chứ cắt xén ,hay nhầm dấu phẩy ,sai ngữ pháp ...như chị phát hiện thì thực nguy quá ,không còn ý nghĩa gì cả .Nếu tác giả còn sống,hay thân nhân kiện (phải có luật riêng )nếu không đúng với bản gốc thì in ấn kiểm duyệt phải chịu bồi thường "bôi nhọ " tác giả ,phạt thật nặng ,mới mong họ có trách nhiệm được .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xứ Vịt ta vưỡn vậy bác ơi. Có ban bệ đủ cả đấy nhưng lỗi vẫn hoàn lỗi bởi ban bệ bầu ra chỉ để có và để lĩnh phong bì.

      Xóa
  2. chời, may mà mình chưa được dịp để đi :_

    Trả lờiXóa
  3. Thế mà chị không biết để đi. Tiếc quá Thành ơi.

    Trả lờiXóa