Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

NƠI ẤY KHOEN ON (P3)

Tôi xin kể lại với các bạn chuyến đi tới xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu trong hành trình đi đến với gần 1300 em thơ đang độ tuổi đến lớp từ mần non đến hết trung học cơ sở. Trung tâm xã nằm trên độ cao từ 700m đến 800m so với mực nước biển, các điểm trường lẻ thường trên cao độ 1.000m.
Xã Khoen On thuộc diện phải di dời sau khi nhà máy thủy điện Lai Châu hoàn thành, tôi đã đi qua những nền nhà cũ của người dân tộc chỉ còn lại chỏng chơ sỏi cuội, cây cối xác xơ hoang tàn như vậy!

Một nền nhà cũ.
Thiên nhiên thì điêu tàn một màu đá núi. Đâu còn rừng vàng ở nơi đây, những cánh rừng đại ngàn có lẽ chỉ còn trong sách vở nơi đô thị, chứ những con người nơi đây chắc hẳn không biết điều xa sỉ đó. Thưa lưa vài cây hoa Ban đang trổ hoa, may mắn là tôi đã chụp được một cây to nhất và duy nhất còn lại của cả một vùng rộng lớn này:

Thơ mộng những cánh hoa, nhưng lấy gì để sống đây?

Oai phong nhất vùng

Những con đường liên thôn bản cũng đang được cải tạo hoặc chưa cải tạo, thật sự kinh hoàng bởi cheo leo vách núi, lỏng chỏng sỏi cuội hay mong manh tấm ván làm đường!

Đơn độc

Con đường vẽ lên hình trái tim trên triền núi và những cánh hoa Ban tô điểm

Để rồi có chút hàng hóa cần vận chuyển lên đây, chủ yếu là bằng sức người hoặc xe gắn máy. Nếu có đoàn thiện nguyện hoặc hàng hóa chi đó thì thường phải dùng sức cơm đẩy sức động cơ.

Tăng thêm mã lực

Thiên nhiên đã bị tàn phá đến tận cùng của hủy diệt, vậy nguồn nước của mỗi thôn bản thường chỉ là có 1 và lưu lượng nước sinh hoạt tỷ lệ nghịch với độ cao của bản làng nữa. Nó cứ ri rỉ ngày đêm teo tóp dần mỗi lúc ngược lên cao:

Nguồn nước sinh hoạt duy nhất của 1 bản cạnh trường chính K.O 2

Nguồn nước sinh hoạt của bản Noong Quang

Nhưng họ vẫn chăn nuôi và làm những công việc để đảm bảo cuộc sống. Những chú cún con, đàn vịt, đàn lợn vẫn vô tư sống giữa núi rừng nghiệt ngã. Những bà lão vẫn đi kiếm củi để đảm bảo sự sống, chiếc thuyền câu vẫn chài lưới hòng kiếm thêm chút thức ăn và cuộc sống vốn quá vất vả - đói nghèo:

Chở che

Tha thẩn kiếm ăn

Thuyền chài trên suối

Vô tư ra đón những nhà thiện nguyện đầu tiên

Bà tiều phu

Và những em thơ mần non vẫn đến trường với xuất ăn đạm bạc. Chúng sống hồn nhiên và tự lập như cỏ cây, và thiên nhiên dù khắc nghiệt đến đâu, chúng vẫn lớn lên -  trưởng thành trong tình thương yêu:

Hôm nay có 25 cháu đến lớp

Tự lập!

Em bé trên bản Noong Quang

Em bé này vừa tự tắm xong đấy

Những bà mẹ vẫn nở những nụ cười rạng rỡ mỗi khi các con họ có niềm vui được nhận sự chia sẻ của cộng đồng, lại nhớ một chị gái mình rất tôn trọng đã nói: "Chỉ số hạnh phúc ở nơi khốn khó này là cao nhất nhân loại".

Niềm vui trong chờ đợi!

Và những cánh tay của các em thơ dân tộc miền núi cao trên mảnh đất quê hương khốn khó này vẫn giơ lên như kêu gọi cộng đồng hãy làm gì đó cho các em, hãy để các em được sống trong những gì tốt đẹp hơn, trong rừng vàng - biển bạc!

Cùng chung tay nắm lấy bàn tay các em bạn nhé!
Tôi viết entry này để cám ơn 51 con người đã đi xuyên màn đêm vượt qua bao cánh rừng, con sông con suối, bao ngọn núi ngọn thác để lên tới nơi đây. Tôi cám ơn hàng vạn tấm lòng nhân ái đã ủng hộ, đóng góp và dõi theo. Tôi cám ơn bà con nơi đây, mảnh đất ấy đã truyền cho tôi cảm xúc thương yêu đến thế. Tôi cám ơn các nhà nhiếp ảnh đã cho tôi sử dụng những tấm hình!
Cầu mong mọi điều tốt lành và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta!


Mời các bạn theo dõi đầy đủ hơn: (Ở đây) (Ở đây nữa) (Và đây)

4 nhận xét:

  1. Em thích những bài viết như này, thích chuyến đi này của bác. Lần tới nếu bên OtoFun.net có tổ chức thì em sẽ quyết tham gia cùng.
    Cám ơn bác.

    FujiS5200
    (OFer)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hy vọng và mong đợi chúng ta sẽ có dịp đồng hành. Cuối tháng 4 này chúng tôi sẽ lại đến nơi cần có chúng ta, mời bạn nhé!

      Xóa
  2. Những hình ảnh đã nói lên tất cả! Lại nghẹn ngào và không thể dửng dưng.
    ----
    1 entry giản dị nhưng thật biểu cảm!
    Come on!

    Trả lờiXóa