Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

HÃY TỪ BỎ THƯƠNG VỤ XUẤT KHẨU KHÔNG ĐEM LẠI LỢI ÍCH QUỐC GIA

Asahi (Nhật Bản)

Ngày 24-8-2012
Người dịch: TTH

Các quan chức chính phủ liên tục sang thăm Việt Nam để thúc đẩy sự hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử. Trong nước, Chính phủ đề xuất đường lối “từ bỏ điện nguyên tử”, nhưng mặt khác, lại thúc đẩy xuất khẩu. Tính nhất quán nằm đâu?
Tại Hà Nội, Edano Yukio, Bộ trưởng Kinh tế đã ký Bản ghi nhớ về việc Hợp tác xây dựng cơ chế bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố nhà máy điện nguyên tử. Ông nói, “tiếp thu bài học sự cố nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1, chúng tôi muốn hợp tác xây dựng nhà máy điện nguyên tử bảo đảm tính an toàn ở trình độ cao nhất thế giới”.
Nhưng, việc làm rõ nguyên nhân sự cố Fukushima vẫn đang dang đở. Những khoản bồi thường cần thiết còn chưa rõ sẽ gia tăng tới mức nào. Tình hình trong nước còn như thế, liệu Nhật Bản có tư cách cam kết dạy cho nước khác được điều gì?
Chính phủ hiện đang đưa ra 3 lựa chọn, là tới năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ phụ thuộc điện nguyên tử xuống mức (1) 0%, (2) 15%, (3) 20-25%.
Bộ trưởng Edano, một mặt, trong nước tích cực phát ngôn ủng hộ lựa chọn “điện nguyên tử 0%”, mặt khác, lại phất mạnh lá cờ xuất khẩu. Không thể hiểu được các hành động này.
Xây dựng và điều hành nhà máy điện nguyên tử, nếu tính cả thời gian hủy lò và xử lý chất thải nguyên tử, thì không thể so sánh được với các công trình khác vì tính dài hạn của nó.
Một khi sự cố xảy ra, thiệt hại vô cùng to lớn và lâu dài. Fukushima đã một lần nữa cho thấy điều đó.
Nhà máy điện nguyên tử, tư nhân không thể thực hiện nổi. Nhà máy điện nguyên tử có tính chất khác xa các dự án xây dựng khác như Shinkansen (tàu điện cao tốc), đường xá, cảng biển…, nhưng Chính phủ vẫn xếp nó vào danh mục “xuất khẩu hạ tầng”. Vấn đề nằm ở đó.
Nói đến “xuất khẩu”, ta thường nghĩ đó là hành vi thương mại. Nhưng lần này, Chính phủ ôm trọn mọi công việc, từ khâu điều tra tiền khả thi. Đại bộ phận chi phí cho dự án khoảng 1000 tỷ Yên (khoảng 270 ngàn tỷ VND-người dịch) này sẽ được lấy từ tiền ngân sách và cho vay với lãi suất thấp. Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ việc đào tạo kỹ sư. Phía Việt Nam cũng đang yêu cầu Nhật Bản phải hợp tác trong việc xử lý chất thải nguyên tử.
Phân chia trách nhiệm khi sự cố xảy ra chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, một khi đã tham gia sâu vào dự án như thế, thì trách nhiệm (mà phía Nhật Bản-người dịch) phải gánh sẽ không nhỏ.
Dưới đường lối “chiến lược phát triển” của Chính phủ Nhật Bản, một bộ phận các doanh nghiệp liên quan có thể sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận. Nhưng rủi ro và gánh nặng toàn dân phải chịu lại không hề nhỏ. Không thể nói, dự án này đem lại lợi ích quốc gia cho Nhật Bản.
Ở Việt Nam, đất nước độc tài đảng trị, tự do ngôn luận bị hạn chế. Không có gì bảo đảm thông tin về việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử, một dự án cần minh bạch hơn các dự án khác, sẽ được công khai.
Việc điều tra tiền khả thi, Cơ quan Điện nguyên tử Nhật Bản đã ký được hợp đồng, nhưng kết quả điều tra, theo thỏa thuận trên hợp đồng, là sẽ không công khai. Toàn bộ chi phí 2 tỷ Yên (540 tỷ VNĐ-người dịch) do phía Nhật Bản chịu. Nhưng người dân Nhật Bản lại không đựơc biết về điều này.
Chính phủ Việt Nam hầu như không cho phép các cơ quan truyền thông và các đoàn nghiên cứu đến địa phương dự kiến xây dựng là tỉnh Ninh Thuận. Các blog kêu gọi ký tên phản đối xây dựng nhà máy điện nguyên tử đều bị tạm đóng cửa.
Một dự án mà những thông tin cần thiết cho nhân dân cả 2 nước không được công khai như vậy cần sớm được bãi bỏ.

2 nhận xét:

  1. Chúng* cần nước ngoài để thí nghiệm, thích hợp nhất là VN ! Xây dựng ở một vùng mà nếu có " làm sao " cũng chẳng " làm sao " với chúng** !

    Trả lờiXóa
  2. Vâng đúng vậy bác Trà - chẳng có nhà tư bản nào không mong lợi nhuận cho mình, có thể lợi nhuận không là tiền, là vật thể. Chỉ có những cái đầu tham lam - hẹp hòi ích kỷ mới dấn thân để mang họa cho đời sau và bao nhiêu con người càn cù chất phác!

    Trả lờiXóa