Nguồn: Facebook Đào Lê Tiến Sỹ
Tác giả là một cầu thủ No-U xuất sắc |
Tầm 12g, mọi người lục đục quay lại sau khi đã làm việc xong với công an. Căn nhà lại đông như lúc sáng mới vào, nhưng không khí không còn được sôi nổi như trước. Ai cũng mệt mỏi và có phần căng thẳng hơn. Tuy vậy mọi người vẫn rất vui vẻ.
Buồn cười nhất là có mấy công an cứ bám theo chú Lê Dũng đòi chụp ảnh. Chú ấy hất kính lên đầu, nhắm mắt n
hắm mũi lấy dáng, cười toét cái, bảo “Chụp thế này cũng được hả?”. Công an gật đầu. Rồi tạch, thở cái đánh phù. Cứ làm như là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn!
Bên ngoài trời vẫn nắng chang chang. Cô Nga bụng bầu thế vẫn đi đi lại lại dưới nắng đòi được gặp con, mà nghe đâu cô còn bị công an xô đẩy vào bụng. Cứ thế mãi rồi cô cũng được ra trước. Em Hà có mẹ đến đón cũng được về.
Sau này lúc được thả tôi mới biết cô Nga và Hà đều chưa về. Nhiều người bên ngoài đến từ sáng, cũng chịu đựng nắng nóng, vất vả để chờ anh em bị giữ ở trong. Từ cu Phú mới vài tuổi đi theo mẹ, đến cụ Lê Hiền Đức hơn 80 tuổi bị công an lôi về nhà lại tìm cách đến đây. Thì ra tình yêu nước lớn lao có thể dung chứa tất cả mọi người, nó gắn kết những con người xa lạ từ mọi miền đất nước đến bên nhau thành những người đồng chí hoạn nạn có nhau. Tất cả đều xa lạ mà hóa thân thiết, và trong những cơn nguy biến như thế, dù vất vả đến mấy họ cũng không bỏ rơi nhau.
Lại chuyện trong trại giam Lộc Hà. Tôi tận dụng ngay cơ hội bắt chuyện với anh Aduku để học hỏi thêm, vì tôi biết anh là “dân chuyên nghiệp” trong chuyện đối phó với công an rồi. Hai anh em đứng nói chuyện mãi. Thú vị nhất là anh kể chuyện làm sao tạo không khí vui vẻ, ôn hòa với công an, tránh gây căng thẳng: “Họ làm thế nhiều khi vì lệnh cấp trên, vả lại nhiều điều họ cũng chưa hiểu ra. Mình là người hiểu, mình đi trước nên chấp nhận khó khăn em ạ. Rồi tất cả xã hội sẽ hiểu ra thôi”. Anh kể lúc làm việc thì anh uống nước rồi lấy nước mời công an thế nào; làm việc xong lại mượn công an cái cắt móng tay, cắt xong gói móng tay cẩn thận vào tờ giấy đem bỏ sọt rác; rồi anh hỏi công an cho ngả lưng ra ghế cạnh đó nằm nghỉ…
Mãi 1g chiều công an mới mời mọi người ăn cơm. Nóng, mệt, khát nước, mà cơm thì khô nên ai cũng ăn nhuếnh nhoáng cho xong. Tôi thì đói nhiều, và có mấy cái và là hết hộp cơm nhưng cũng ngán ngẩm không ăn hết được chỗ thức ăn vì khô quá.
Có bác Xuân là không ăn vì lúc trước bác đã tuyên bố tuyệt thực. Tôi trông bác gầy mà lại có tuổi rồi nên cũng lo lo, nhưng chả biết khuyên bác thế nào. Bác luôn luôn phản đối công an, không làm việc với họ vì bác bảo bị đưa về đây trái phép thế thì không phải khai báo với họ cái gì cả.
Ăn xong, nghỉ ngơi được lúc, rồi chủ yếu cánh trẻ chúng tôi bị gọi đi làm việc vì các bác lớn tuổi đã làm việc ban sáng rồi. Lúc đó tôi mới biết là làm việc chính thức, còn ban sáng mới chỉ là màn dọa dẫm thôi.
Tôi làm việc với anh tên Lê Tiến Đạt số 115-054. Anh này nhìn cao ráo, hiền lành, nói chuyện rất từ tốn, nhẹ nhàng, đến nỗi tôi phải bỏ thái độ lạnh lùng lúc mới đầu.
Vừa ngồi xuống ghế tôi bảo ngay: “Em không ký gì đâu đấy. Anh hỏi gì thì em trả lời chứ em không ký gì hết”. Anh ấy gật đầu bảo OK, rồi ghi ghi chép chép cuộc nói chuyện vào tờ biên bản lời khai. Xong anh lôi ra tờ xử phạt vi phạm hành chính, tôi lại bảo em chả vi phạm gì cả, em chả ký đâu. Anh ấy lại “OK!”, cũng chả hỏi lằng nhằng gì nữa. Lúc trước tôi đã chuẩn bị tinh thần cuộc làm việc sẽ căng thẳng những cuối cùng cũng không đến nỗi.
Đối diện với tôi là anh Bách và chú Gốc Sậy cũng đang làm việc. Tôi rất phục anh Bách vì trông anh hiền lành, da ngăm đen, ăn nói nhỏ nhẹ mà trả lời rất rắn rỏi và rành rọt. Nhìn chú Gốc Sậy mà tôi mấy lần phải phì cười vì cái vẻ tưng tửng rất chi là bất cần đời. Chú mồm thì trả lời công an mà tay thì cứ vân vê sửa cái dây máy ảnh, chân rung rung như là đắc chí cái gì lắm.
Tôi ngồi chờ anh Đạt ghi chép cái gì không rõ đến 30 phút rồi anh ấy dẫn tôi đến một phòng nhỏ mà lúc sau tôi mới biết là để chụp ảnh, lăn tay. Khi vào trong tôi bảo ngay “Em không lăn tay đâu, em có phạm tội đâu mà lăn tay”. Anh ta bảo:
- Chỉ để xác minh thôi mà.
- Thông tin gì cần thiết em nói hết rồi, có gì mà xác minh nữa?
- Chỉ để chắc chắn đó đúng là em thôi.
Lúc đó tôi ngốc quá, chả ra làm sao. Thấy mấy anh vào trước cũng đang lăn tay thành ra tôi chẳng cãi gì nữa. Thế là chịu để người ta lăn tay.
Sau này lúc về biết nhiều người không lăn tay họ cũng chẳng làm gì được. Phục nhất là mấy anh chị bé bé còi còi mà anh hùng ghê. Anh Gió Lang Thang bị họ bẻ cổ bẻ tay mà cứ lè lưỡi ra cười, họ cũng chịu. Chị Hư Vô nữa, chả lăn tay lăn tiếc gì cả, lại còn mắng cả công an khi thấy công an chửi dân (lúc đấy cứ nghĩ chị ít tuổi hơn mình nên càng phục tợn). Lần trước đi biểu tình thấy chị này với mấy bạn nữa hô hét suốt buổi sáng đã hãi rồi (tôi hô được lúc đã khàn tiếng). Lần này cũng thế, cả ngày mệt mỏi mà giọng chị nghe cứ lanh lảnh. Tôi nghĩ chị này đích thị là dòng dõi Bà Trưng, Bà Triệu chứ chẳng vừa! Càng nghĩ thế tôi càng giận tôi lắm, nghĩ mình chẳng to cao nhưng cũng kha khá, thế mà không bằng những Hư Vô, Cát Bụi, Gió Lang Thang...
Dần dà mọi người đều làm việc xong. Ngồi nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ thì công an họ tập trung tất cả lại và tuyên bố là chúng tôi “gây rối trật tự công cộng” nên bị xử phạt đưa về đây, giờ mọi người có thể giải tán. Tất cả nghe thế đều bừng bừng phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ. Chưa ai kịp nói thì nhóm công an Hoàn Kiếm (những người trực tiếp làm việc với chúng tôi) đã nhanh chân chuồn mất, để cho công an Lộc Hà chặn chân chúng tôi lại.
Mọi người thấy còn thiếu chú Ngoan là Việt kiều Thụy Sỹ chưa được thả nên tất cả nhất chí ở lại chờ chú ấy ra. Chờ mãi đến hơn 6g tối. Bố tôi ở ngoài nhắn tin vào: “Cứ phải chờ đủ mới ra nhé. Ở lại qua đêm cũng được”.
Gần 6g30 chú Ngoan được ra. Trông chú ấy mà thấy thương. Mọi người vỗ tay rầm rầm nhưng chú chỉ lặng lẽ đi ra, mặt bần thần có vẻ rất mệt mỏi. Hỏi thăm mới biết chú bị giữ suốt trưa, không được ăn gì, mà họ thì cứ hỏi lôi thôi, lại tịch thu của chú máy tính, điện thoại, máy ảnh.
Cổng mở. Những người đi đón ùa vào. Bố tôi ôm lấy tôi, bảo: “Giỏi lắm, con trai của bố”. Rồi bố vội buông tôi để ôm những “bạn tù Mỹ Đình ” cũ của bố: bác Lê Hùng, bác Tường Thụy, chú Chí Đức,…
Những người vừa được thả được sự hỗ trợ từ những người đi đón nên lại thêm phần hăng hái, phấn chấn hẳn lên. Tất cả lại làm một cuộc biểu tình ngay trước cửa trại Lộc Hà, hô vang những khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược khiến dân tình tò mò, mà công an cũng được phen mở mắt. Cuối cùng đến hơn 7g tối, mọi người mới quyết định ra về. Việc chú Ngoan họ đã buộc phải viết giấy biên nhận, mai chú sẽ đến công an Hoàn Kiếm nhận lại đồ đạc.
Mọi người ra về khi phố xá đã lên đèn. Một ngày vô cùng mệt mỏi nhưng cũng vô vàn niềm vui. Trong đầu tôi chợt nghĩ, bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu con người đã đi qua cuộc đời tôi, và bao nhiêu điều nữa sẽ đến, nhưng có những điều, có những con người mà tôi không thể quên được. Đó chính là ngày chủ nhật hôm ấy và những con người hôm ấy tôi đã gặp. Tôi thấy tôi trưởng thành hơn rất nhiều, tôi thấy tôi có thêm sức mạnh. Những người bạn cũ, và những người bạn mới. Những bài học. Những câu chuyện. Tôi không biết phải gọi ngày hôm đó là một cái may hay là không may đối với tôi. Tôi chỉ thấy lòng mình niềm vui man mác khó tả, thấy cái gì rất thân thiết, gần gũi mà lại rất thiêng liêng.
Vậy là tôi đã kể lại một ngày đi biểu tình của tôi. Nhiều người kể rồi, tôi cũng kể. Tôi kể lại đây những điều, những con người bằng xương bằng thịt tôi tận mắt chứng kiến. Những câu chuyện giản dị thôi, nhưng là để lưu vào ký ức tôi một ngày đặc biệt, và để ghi một sự kiện nhỏ bé vào trang sử bi tráng chống ngoại xâm ngày hôm nay của dân tộc.
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét