Nguồn: Facebook Đào Lê Tiến Sỹ.
Tác giả trong trại Lộc Hà ngày 05/08 Đứng thứ 3 từ trái sang. |
Xe bus tiến vào trại Lộc Hà. Đến một sân nhỏ, hai bên hai dãy nhà cấp 4 thì xe dừng. Mấy an ninh định xuống trước thì anh Trí Đức nói gần như quát: “Ơ cứ thế mà xuống à? Không mời xuống à?”. Một công an nói: “Mời các chú, các anh xuống ạ”. Anh Trí Đức: “Ờ thằng này được. Cái gì cũng phải có trình tự hẳn hoi chứ”. (Đúng là kinh nghiệm bị bắt có khác).
Xuống sân đã thấy khá đông công an đứng chờ đó. Mọi người được dẫn vào trong một căn nhà rộng như cái hội trường, nhưng chẳng có đồ đạc gì. Vào trong đã thấy chú Lê Dũng tươi như hoa đi ra đón. Rồi thấy bác Trương Dũng và một chú nữa (sau này biết là chú Lê Thiện Nhân). Mọi người hỏi thăm nhau mừng mững rỡ rỡ. Không thể nghĩ là mình đang ở trong trại công an.
Công an đứng dày đặc ở hai đầu cửa ra vào, dù cái cửa bé tí. Tôi lượn quanh một vòng trong căn nhà. Mé bên trái là một dãy những căn buồng hôi hám, mờ mịt chỉ được chiếu sáng bởi một hàng dài song sắt quấn chằng chịt dây thép gai ở mãi phía trên cao. Những căn buồng trông rất tồi tàn, cái có cửa, cái chỉ còn trơ bản lề đã hoen gỉ. Mỗi buồng kê bốn chiếc giường mà chiếc thì đã mất giát, chiếc không chiếu, chiếc sập sệ như muốn đổ (sau này khi ngồi vào một chiếc tôi đã suýt ngã ngửa vì nó đã thiếu mấy cái thang).
Tôi đi ra gần cửa sổ, đến “nghía” cái bảng nội quy đỏ choét ở cuối phòng. Tôi không biết những bản nội quy như thế này được đặt ở tất cả các trại giam khác trên đất nước hay đây là “của độc” của trại này mà thấy đầy lỗi chính tả (lúc đó đọc sơ qua đếm được 5 lỗi, chưa kể các lỗi khác). Mãi sau tôi nói cái đó với chú Gốc Sậy, chú bảo mày chỉ dỗi hơi. Đúng là dỗi hơi mới đến chốn này mà tìm lỗi chính tả ở một cái nội quy của công an!
Chỉ lát sau thôi đã thấy một đoàn nữa đi vào. Thấy mấy bạn trẻ đã gặp lần biểu tình trước, có anh Aduku, chú Gốc Sậy. Đông vui quá. Mọi người rủ nhau ra sân chụp kiểu ảnh kỷ niệm. Xong rồi một nhóm lại vào trong nhà, tôi cùng nhóm khác ngồi lại trên bậc thềm căn nhà đối diện.
Bên ngoài nắng nóng quá, nhưng được cái thoáng. Mấy bạn trẻ vẫn rất bình thản, vui vẻ, hồn nhiên như cô tiên. Chị Hư Vô với chị Cát Bụi chạy ra chỗ mấy cái lồng chim để ngổn ngang ở góc sân, cẩm lên xem. Chú Gốc Sậy quát “Chúng mày đừng có nghịch chim công an. Bỏ xuống đi”. Mấy người ngồi đấy kêu ầm lên “Chim công an đấy, đừng nghịch của người ta”. Vui ghê cơ!
Chú Gốc Sậy trông buồn cười, cứ cầm mãi cái dép mòn gỉ không biết từ đời nào lên xem, sau mới biết là sửa dép. Nhìn cô Nga (cô cứ chị em với mình, nhưng gọi cô quen rồi) thấy thương thương cô. Lần trước thấy cô đi mà cứ chân đất hành quân khắp đường phố Hà Nội, lần này bụng bầu mà cũng bị lôi kéo về đây. Sau mọi người nói chuyện biết mẹ con cô mỗi người một nơi. Bé Phú đang ở ngoài cổng trại chờ mẹ ra. Rõ khổ! Nhưng mà rất phục cô. Cô tinh thần vẫn rất vừng vàng, vẫn hiên ngang quát mắng công an đã chia tách mẹ con cô, vẫn hăng hái đấu tranh quyết liệt để ra gặp con. Thấy tôi nóng quá, mồ hôi ròng ròng cô lại lấy quạt giấy ra quạt cho.
Ngồi mãi thế cũng mệt mỏi dưới cái nắng oi bức 37 độ. Mọi người vào trong một phòng nhỏ. Bỗng có một anh trẻ đi vào, nói chuyện gì với mấy bạn, cũng chả rõ nói gì vì tôi đang lúi húi vào cái ipad chú Gốc Sậy mới mượn được. Sau anh này đi ra thì một anh khác vào. Lần này tôi ra hóng cùng. Anh ta cứ nghênh mặt lên, chân bắt chữ ngũ, mặt cười khinh khỉnh, tay vân vê cái cằm nhẵn thín. Anh ấy hỏi các em đều là sinh viên à, anh thấy các em còn trẻ thế sao đã đi biểu tình. Anh khuyên mấy đứa hãy học thật giỏi, thế là yêu nước. Chả ai thèm bắt chuyện, có anh Tiến Từ Từ là lý luận lại, sau chú Gốc Sậy xoáy cho mấy câu nữa, thế là lảng biến.
Lúc sau có mấy người vào gọi sinh viên đâu, sang bên kia làm việc. Tôi với 3 bạn nữa (anh Tiến, chị Giang, và em Hà) sang căn nhà lúc sáng đã vào. Thấy mọi người bên đó đã đi đâu hết, chắc là bị gọi đi làm việc. 4 đứa trẻ thôi mà không biết bao nhiêu an ninh. Tôi không đếm, nhưng ước chừng có 6,7 công an sắc phục, 4, 5 công an thường phục mà tất cả họ trông đều dữ dằn và nhìn chúng tôi với ánh mắt hình viên đạn. Lúc này tôi bỗng hiểu họ đưa chúng tôi vào đây với mục đích gì. Tôi hiểu chúng tôi đang bị đẩy vào tình thế lép vế và đơn độc mà tuổi trẻ chúng tôi chưa hề được trang bị để đối phó với những tình huống như thế này. Và tôi cũng hiểu ngay rằng tôi sẽ phải làm gì để vượt khỏi áp lực, tránh những sai phạm do chính sự yếu đuối của bản thân gây ra.
Họ bảo mấy đứa ngồi xuống ghế nhựa. Ngay lập tức, một anh cao to, áo cộc đen, kính đen cài trên ngực, quần đùi kẻ xanh, chân đi tông, ngồi ưỡn mãi ra đằng sau mà hất mặt về phía chúng tôi: “Giờ anh sẽ làm việc với các em. Các em đưa chứng minh thư (CMT) anh xem”. Tôi bảo: “Thưa anh, trước hết em muốn hỏi anh là ai đã mà đòi xem CMT của bọn em?”.
Anh ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên (chắc không ngờ bị bật) rồi dằn giọng: “Anh là công an. Anh phụ trách bên học sinh, sinh viên”.
- Anh bảo anh là công an? (nhìn từ trên xuống dưới). Anh lấy gì làm bằng mà bảo anh là công an? Anh không phải công an, em không làm việc với anh.
- Thế giờ em muốn anh làm gì để em tin anh là công an? (Hỏi thế có chết không?!)
- Anh phải mặc sắc phục, phải có biển tên, có thẻ công an.
Anh ta có vẻ đuối lý, không nói thế nào được vì tôi biết chắc anh ta không có những thứ đó ở đây. Một người thường phục khác ngồi kế bên đó, tay lăm lăm cái bút và một xấp giấy dày, chữa cháy: “Thái độ làm việc với công an của em như thế mà được à?”
- Anh bảo thái độ của em làm sao ạ?
- Em cãi công an nhem nhẻm thế mà được à?
- Anh bảo em cãi cái gì ạ? Em đang yêu cầu các anh chứng minh các anh là công an. Có thế em mới làm việc, không thì thôi.
Anh ban nãy xen vào: “Muốn biết anh là công an chứ gì? Thì đây”. Anh ta rút trong túi ra một cái ví căng phồng, tìm mãi mới lôi ra được cái thẻ. Tưởng thẻ công an, ai dè… Bà con biết là cái gì không? Là cái giấy phép lái xe. Trời ơi.
- Đấy xem đi, xem có phải anh là công an không?”. Giấy lái xe chụp ảnh một ông đội mũ công an (cũng giống ông này), ghi tên, nghề nghiệp, chức vụ…
- Được chưa, còn gì hỏi nữa không?
Thấy anh ta có vẻ muốn sừng sộ, tôi không muốn căng thẳng, nhưng vẫn kiên quyết: “Thôi được, em tạm chấp nhận cho anh là công an, em nói là tạm chấp nhận thôi nhá. Còn em không làm việc với anh. Anh xem tác phong làm việc của một công an như thế được không? Làm việc với dân mà anh ăn mặc thế à, anh nói năng thế à?”.
Từ nãy đến giờ, rất nhiều ánh mắt công an xoáy vào tôi. Một ông lùn béo, đầu hơi hói (có vẻ là xếp ở đấy) hung hăng xông vào hét: “Cậu Hiếu đâu, vào giải quyết trường hợp này cho tôi. (chỉ tay vào tôi) Lập riêng trường hợp này đặc biệt cho tôi. Thích làm việc với công an à? Công an đấy”.
Một ông sắc phục đi vào, bảo “Tôi sẽ làm việc với các anh các chị. Đây, biển tên đây, Hoàng Xuân Hiếu, 122-331. Còn đây là thẻ công an, được chưa?”. Tôi cầm xem, lật đi lật lại. Lần đầu được biết mặt cái thẻ công an, chắc là đồ thật.
- Nào bây giờ các anh các chị đưa CMT đây tôi kiểm tra.
- Thưa chú, sao cháu lại phải đưa CMT cho chú xem? Cháu có phạm tội gì đâu mà tự dưng chú đòi kiểm tra.
- Tôi là công an, tôi có quyền kiểm tra. Các anh các chị vào đây thì phải chấp hành.
Trong mấy anh em chỉ có anh Tiến Từ Từ là đem CMT, còn mình, em Hà và chị Giang thì không. Ông Hiếu bảo:
- Các anh các chị đã vi phạm nghị định chính phủ khi không đem theo CMT.
Quái lạ! Nghị định nào buồn cười thế:
- Thế giờ cháu sang nhà bạn , cháu đi thể dục cũng phải đem CMT đi à?
- Tất nhiên, luật pháp đã quy định thì phải chấp hành.
- Chú cho cháu xem cái nghị định đó ạ.
- Được, tôi sẽ cho các anh chị xem. Ngồi đấy chờ tôi.
Chừng năm phút sau ông ta quay lại với một tập các thứ nghị định về vi phạm hành chính. Ông ấy chỉ cho xem: “Đây, nghị định… (bẩy mấy gì đó tôi không nhớ), điều 12, khoản a, quy định ra đường phải đem theo CMT (nếu không bị phạt 6 chục thì phải).
Tôi xem kĩ, lật đi lật lại xem có rơi vào trường hợp đặc biệt gì không thì không thấy. Đúng là bó tay cái nghị định này. Một chị công an ngồi cạnh từ nãy (khi trước đem theo một camera, thấy để lên bàn, ống kính chĩa về số chúng tôi, chắc bật quay tự động rồi) bảo: “Các em đã vi phạm còn chối cãi gì nữa”. Tôi bảo:
- Nước ta là nhà nước pháp quyền, người dân sống và làm theo pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vậy chị cho em xem CMT của chị ạ.
Chị ta lúng túng ra mặt: “Chị có mang theo. Nhưng chị không để ở đây”. Ông Hiếu mắng át đi:
- Cậu là ai mà đòi kiểm tra chúng tôi. Chúng tôi mới có quyền. Các cô các cậu đừng nghĩ mình có ăn có học mà bắt bẻ này nọ. Các cậu học cao nhưng đầy kiến thức pháp luật các cậu không biết.
Chết cười. Chỉ có đại học với lớp 10 mà kêu học cao. Cao với ai chả biết?
- Tại sao chỉ có công an mới có quyền bắt người dân thế này thế nọ? Chúng cháu là công dân, chúng cháu có quyền kiểm tra lại chứ.
- Cậu không có quyền. Cậu ở trong đây thì phải chấp hành!
Em Hà quay sang tôi: “Ở đây là Việt Nam chứ không phải ở Mỹ anh ạ”. Hai anh em nhìn nhau cười, bó tay chấm com.
- Giờ các anh các chị cho tôi biết thông tin họ tên, hộ khẩu, trường,…
Thấy không khí có vẻ căng thẳng nên tôi cũng không đôi co nữa, vì cái chuyện thông tin ấy cũng không quan trọng, cho cũng chẳng hại gì. Nhưng mỗi lần chịu lún như vậy tôi vẫn rất đau, vì tôi bị đưa vào đây trái phép, tôi chẳng phạm tội gì mà phải khai báo với họ thế.
Mọi người lần lượt đọc cho ông ấy chép lại. Chép xong ông ấy bảo: “Tôi sẽ báo cho nhà trường của tất cả các anh các chị để trường đến đón. Chứ không cứ thích làm cái gì là làm được” rồi ông ấy bỏ đi luôn, sau không thấy quay lại nữa. Còn cái câu “Chứ không cứ thích làm cái gì là làm được” tôi cũng không hiểu ý tứ ra làm sao, không biết ai làm, làm cái gì nữa???
Nhớ lúc bị dẫn vào tra hỏi, nhìn mặt em Hà hơi tái, mắt nhìn ngơ ngác, tôi thấy thương quá. Trong số người bị bắt, em là nhỏ tuổi nhất. 15 tuôi đầu, chỉ vì thể hiện lòng yêu nước mà em bị công an trấn áp thô bạo về đây. Tôi vỗ vai em động viên: “Bình tĩnh em ạ, không sao đâu. Mình làm đúng, không có gì phải sợ”. Tôi chợt nhớ lại tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán mà tôi đã đọc đi đọc lại 3, 4 lần. Nhớ lại cái lúc Lượm, người chiến sỹ nhỏ tuổi bị Pháp bắt giam, cảnh cậu bé 14 tuổi bị tên quan ba Sô-lê, tên Hai Điếu thẩm vấn, tra tấn, và mua chuộc. Nhưng người vệ quốc quân dũng cảm của “Đội thiếu niên trinh sát Trần Cao Vân” vẫn bình tĩnh và hiên ngang đối chọi với mọi thủ đoạn của kẻ thù. Sau tôi rất mừng khi thấy Hà bình tĩnh lại. Trong khoảnh khắc, tôi chợt nhận ra điều mà trước đây tôi chỉ thấy trên sách vở, ấy là tất cả cái hào hùng và bi tráng của mỗi người dân trong những giờ phút lâm nguy của Tổ quốc. Chỉ có điều đáng buồn là chúng tôi chẳng được vào nhà tù của kẻ thù, chúng tôi bị lôi vào ngay chính nhà tù của đất nước mình, chỉ vì lòng yêu nước!
Mấy anh em cứ ngồi chờ vậy cả tiếng đồng hồ. Rồi không biết sao em Hà và chị Giang bị một ông kéo ra một góc nói chuyện, rồi ra sân lúc nào tôi không rõ. Lúc em Hà bị kéo đi, tôi ngốc quá không dặn dò gì. Đến lúc chị Giang sắp đi ra ngoài, tôi mới dặn với theo: “Bình tĩnh chị nhé. Nhớ là đừng ký cái gì”.
Trong nhà chỉ còn lại tôi, anh Tiến, một chị công an và một anh thường phục. Họ ngồi đấy tán gẫu với nhau. Có người xách vào 3,4 túi cơm hộp to ú, ụ. Tôi nghĩ thầm: “Thôi, thế là ở lại trưa nay rồi”. Lúc ấy là khoảng 11g30.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét