Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Ai đã bỏ hai câu thơ trong bài thơ được giải? - Bùi Hoàng Tám

Nguồn: trannhuong

Ngày 17/2, tôi đã đăng trên BLOG Người yêu thơ của báo Dân trí bài thơ Gặp lại các em của Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến. Đây là tác phẩm viết về những người lính hi sinh trên chiến trường biên giới phía Bắc và từng đoạt Giải nhất cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ năm 1982. 

Sau khi bài thơ được đăng tải, nhiều bạn đọc gửi thư về tòa soạn bày tỏ tình cảm. Có người còn gọi điện trực tiếp cho mình để chia sẻ vì đây là tác phẩm duy nhất về đề tài này được đăng tải nhân kỉ niệm 33 năm Chiến tranh biên giới (1979 – 2012). Đặc biệt, một giám đốc trẻ đã mời tôi đi nhậu để cám ơn vì đã đăng bài thơ trên.

Bài thơ này tôi sưu tầm trong cuốn Giải nhất văn chương do NXB Hội Nhà văn ấn hành 1998. Chịu trách nhiệm là Nhà thơ Hữu Thỉnh và Nhà thơ Ngô Văn Phú. Chịu trách nhiệm biên tập là các nhà thơ Hữu Nhuận và Trương Vĩnh Tuấn. Biên tập là Nhà văn Lê Minh Khuê. Sưu tầm là Nhà thơ Hữu Nhuận.

Thế nhưng điều tôi băn khoăn là bài thơ in trong sách này thiếu mất hai câu (mình không nhớ chính xác): “Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia – Nước ngập cầu Khánh Khê xe ca chưa sang được” so với bài thơ tôi được đọc cách đây hơn 30 năm. 

Tôi rất muốn hỏi các bác trong ban biên tập là vì sao lại không có hai câu này. Điều này rất quan trọng vì chính nó đã định vị bài thơ được viết ở Lạng Sơn, về cuộc chiến tranh Biên giới 1979 chống Trung Quốc xâm lược. Do nước ta tiếp giáp với ba nước là Trung Quốc, Lào và Campuchia nên thiếu hai câu này, người đọc sẽ khó nhận biết hoàn cảnh như thời gian, địa điểm… ra đời của bài thơ.

Điều thứ hai, tôi cũng rất muốn biết lý do bỏ hai câu này và ai là người chủ trương bỏ? Có ai ép chúng ta bỏ không và chả lẽ các nhà văn chúng ta lại hèn và khiếp nhược đến vậy? 


Gặp lại các em
Nguyễn Đình Chiến 
Các em nằm yên nghỉ bên sông
Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất
Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt
Trời biên cương xanh ngắt
Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi
Đây là vị trí hai câu thơ in thiếu:
“Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia
Nước ngập cầu Khánh Khê xe ca chưa sang được”.

Anh vòng qua lối tắt
Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì
Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè
Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ
Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ
Nhưng gương mặt nào anh cũng thấy thân quen
Anh thì thầm gọi tên mãi từng em
Như gọi tên những người thân yêu nhất
Những đứa em chung chiến hào giữ đất
Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này
Chưa tròn tuổi quân nhưng các em đã sống trọn đời
Với đồng đội, với tình yêu biên giới
Các em ơi, có nghe lời anh gọi
Cả đội hình đơn vị sắp qua đây.

Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài
Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất
Thấy tan đi những suy tư vụn vặt
Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng
Cho anh về sống lại những đêm
Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên
Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác
Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt
Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng…

Các em đi khi mười tám tuổi xuân
Và để lại những trái tim trong trắng
Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa
Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong….

Thôi các em nằm yên
Quân ta đang tiến về phía trước
Đường bình độ cả trung đoàn thầm nhắc
Phải giữ yên mảnh đất các em nằm
Lửa cháy rồi trên cao điểm bốn trăm….

1 nhận xét:

  1. Tôi đã khóc khi đọc lại bài thơ này! Hãy trả cho bài thơ 2 câu bị thiếu. Qủa thật bài thơ này xứng đáng nhận giải nhất!

    Trả lờiXóa