Phan Bội Châu (1867 - 1940) |
(Trước những lời xuyên tạc và thoá mạ Cụ của một vị đại biểu quốc hội)
Đào Tiến Thi
Đang lúc dư luận nóng lên vì những phát biểu hùng hổ của ông Hoàng Hữu Phước (HHP), đại biểu TP. Hồ Chí Minh, trước diễn đàn Quốc hội thì lại được độc giả cung cấp những trích đoạn trong các bài viết khác của ông về các vấn đề của đất nước. Cũng giống như GS. Ngô Đức Thọ, tôi phải kêu lên “kinh khủng quá” khi đọc những dòng dưới đây:
“Việt Nam hoàn toàn khác: tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ, hoặc tự bươn chải chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” (như Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu [2] (Dấu chú thích này là của ông HHP; ông chú là lấy ở Lời tựa của Lương Khải Siêu in trong Việt Nam Vong Quốc Sử - ĐTT) khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho sự quan tâm của Quân Phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp), và tất cả đều chống Cộng. Chỉ có Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh thắng tất cả, tạo dựng nên đất nước Việt Nam thống nhất, nên việc “đòi quyền lợi” hay “đòi quyền tham chính” của tất cả các cá nhân, tất cả các phe nhóm chính trị bên ngoài Đảng Cộng Sản Việt Nam là điều không tưởng, vô duyên, khôi hài và bất công, nếu không muốn nói là hành vi bất lương của kẻ cướp muốn thụ hưởng quyền lực chính trị trong khi đã không có bất kỳ công sức đóng góp nào cho Đảng Cộng Sản Việt Nam, ngoài sự chống phá ngay từ bản chất”.
Như vậy, ông HHP đã coi cụ Phan là người:
1- Chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” – nguyên văn trong ngoặc kép của ông HHP(như “khóc lóc với Lương Khải Siêu” khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật…
2-Vô tình đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ”, mở đường cho Nhật đánh chiếm Việt Nam sau này, và may nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm ấy.
3- Phan Bội Châu cũng nằm trong số các tổ chức ngoài Đảng CSVN, “tất cả đều chống cộng”.
Theo địa chỉ, tôi tìm đọc nguyên gốc của bài trên chính website của chủ nhân Hoàng Hữu Phước (http://www.emotino.com/bai-viet/18997/da-dang), và thấy đúng là như vậy. Bài đăng ngày 13-2-2011, tức là trước ngày bầu cử QH khoảng hai tháng, có liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của ông HHP, vì ông là một đại biểu tự ứng cử.
Đọc xong tôi càng bàng hoàng, lại phải thốt lên mấy lần nữa: Trời ơi, chỉ để thuyết phục mọi người “Việt Nam không cần đa đảng” mà ông HHP phải lôi cả cụ Phan Bội Châu ra để “trảm” ư? Cái ghế của ông HHP ở QH đắt đến thế ư? Sau Phan Bội Châu, đến lượt ai bị “trảm” tiếp đây, nếu như ông HHP không chỉ tham vọng là đại biểu QH mà còn muốn leo cao hơn nữa?
Dù biết đây chả chắc đã là nhận thức của ông HHP mà có khi chỉ là một cách “đón gió” của ông thôi, nhưng vì thấy lâu nay ngay trên sách báo phổ thông cũng có một số nhận định chưa chính xác về cụ Phan Bội Châu, và nhận thấy giới trẻ hiện nay có một bộ phận coi khinh lịch sử dân tộc nên cũng dễ tin theo những nhận định băm bổ kiểu như trên, tôi thấy cần viết bài này với mong mỏi cung cấp một ít tư liệu về Phan Bội Châu, để hiểu thêm về con người cụ Phan, nhất là trong mối quan hệ với Lương Khải Siêu, với chính phủ Nhật Bản và với Đảng CSVN, để độc giả xem có đúng như ông HHP nói không.
I- VỀ VIỆC PHAN BỘI CHÂU DÙNG “NƯỚC MẮT BẠC NHƯỢC” ĐỂ CỨU NƯỚC, CHẲNG HẠN NHƯ “KHÓC LÓC VỚI LƯƠNG KHẢI SIÊU”
1. Cụm từ “đường cứu nước” mà ông HHP dùng để chỉ chỉ hoạt động của cụ Phan được ông để trong ngoặc kép, nghĩa là với hàm nghĩa giễu cợt, chứ không còn là đường cứu nước theo nghĩa đen nữa, đó là một cách sổ toẹt vai trò cứu nước của cụ Phan Bội Châu. Thật chưa ai dám vô lễ như ông HHP trước một bậc tiền nhân đã xả thân vì đất nước như cụ Phan. Ông HHP nên học lại lớp 7 để biết rằng chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhiệt liệt ca ngợi cụ Phan, từng gọi cụ Phan là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu người trong vòng nô lệ tôn sùng” (Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu, Ngữ văn 7, tập 2).
2. Chúng tôi xin kể vài sự kiện, chi tiết về Phan Bội Châu trước khi gặp Lương Khải Siêu để thấy bản chất con người Phan Bội Châu có phải là con người “bạc nhược” như ông HHP nói không.
Giai thoại kể, năm lên tám, khi thầy giáo ra vế đối:
Nhật nguyệt hai vầng treo trước mặt
Cậu bé San đã đối lại:
Giang sơn một gánh nặng trên vai
(Hoài Thanh: Phan Bội Châu, NXB Văn hóa, 1978)
Năm 1883, khi Pháp đánh ra Bắc Kỳ, mới 17 tuổi, cậu học trò San đã viết hịch Bình Tây thu Bắc, kêu gọi đánh Tây, thu hồi đất Bắc. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Phan tự mình thành lập đội sỹ tử cần cương 60 người. Chỉ vì chưa có danh lẫn thực lực nên đội nghĩa sỹ nhanh chóng tan vỡ.
Thời gian trước 1900 là thời gian còn phải “ẩn nhẫn chờ thời”, còn học hành, thi cử để có kiến thức và chút danh phận, và nhất là còn phụng dưỡng cha già đau yếu, thì cái chí cứu nước ở Phan vẫn không dễ che giấu, như bài thơ Chơi xuân tràn đầy khí chất ngang tàng sau đây:
Nước non Hồng Lạc còn đây mãi
Mặt mũi anh hùng há chịu ri
Giang sơn còn tô vẽ mặt nam nhi
Sinh thời thế phải xoay nên thời thế
Phùng xuân hội may ra ừ cũng dễ
Nắm địa đầu vừa một tí con con
Đạp toang hai cánh càn khôn
Đem xuân vẽ lại cho non nước nhà
Hai vai gánh vác sơn hà
Đã chơi chơi nốt ối chà chà xuân.
Năm thi đỗ giải nguyên, cũng là năm cha mất (1900), từ đấy Phan ra Bắc vào Nam tìm bạn đồng tâm, để rồi năm 1904 lập Hội Duy tân và đầu năm 1905, lên đường sang Nhật. Từ đây, con đại bàng thực sự cất cánh. Bài thơ Xuất dương lưu biệt mà theo Hoài Thanh (TL đã dẫn) là bài thơ khẩu chiếm trong tiệc rượu đưa tiễn đó:
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di
Ư bách niên trung tu hữu ngã
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy
Giang sơn tử hỹ sinh đồ nhuế
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si
Nguyện trục trường phong Đông Hải khứ
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
(Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai
Non sông đã chét sóng thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài
Muốn vượt Biển Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)
3. Những chính khách Nhật Bản lần đầu tiên gặp mấy chí sỹ Việt Nam do Phan Bội Châu dẫn đầu đã hết sức cảm phục. Nghị sỹ Bạch Nguyên Văn Thái Lang nói:
“Bây giờ gặp các ông tưởng như đọc truyện hào kiệt thời trung cổ; bởi vì người Việt Nam đến đất nước Phù Tang cùng sỹ phu nước tôi trao đổi ý kiến, chính các ông là người đầu tiên”.
Như vậy, chưa cần nói đến hai mươi năm (1905 – 1925) lừng danh hăng hái dấn thân cứu nước, chưa cần kể những vần thơ khi hùng tráng, khi lâm ly mà đến nay vẫn đánh thức mỗi tim Việt Nam yêu nước, chưa kể khí phách khi ra tòa nhận án tử hình, chưa kể ngay thời kỳ cuối đời dù bị giam lỏng mà vẫn giữ trọn tấm lòng son, mà vẫn làm nhiều việc có ích, thì chỉ riêng vài chi tiết “vặt” nói trên, những chi tiết trước khi HHP gọi là “dùng nước mắt bạc nhược”, đã đủ cho ta thấy Phan Bội Châu bậc sỹ phu, bậc hào kiệt đáng để chúng ta muôn đời ngưỡng mộ, thế mà ông HHP lại gán cho cái gọi là “dùng nước mắt bạc nhược” tìm cứu nước thì thật là một sự xuyên tạc quá quắt.
4. Với cách dùng ngôn từ “Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu”, ông HHP còn cố tình tạo ra hình ảnh thảm hại của cụ Phan, với mục đích gì thì có lẽ mọi người tự hiểu.
Thực chất việc này như thế nào?
4.1.Chúng ta đều biết Lương Khải Siêu (1873 – 1929) là nhà cách mạng lớn của Trung Quốc cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, là người có ảnh hưởng lớn đối với Phan Bội Châu, là người đã giúp đỡ Phan Bội Châu, khi lần đầu tiên Phan đặt chân đến đất nước Nhật Bản xa xôi, cũng như sau này, khi Phan nhiều lần qua lại, tá túc trên đất nước Trung Hoa. Một người như thế, kể cụ Phan, vì mục đích cứu nước, có phải khóc lóc cũng không có gì xấu, nhưng sự thực cũng không phải cụ Phan khóc để cầu xin Lương điều gì. Hãy đọc những dòng sau đây của chính Lương Khải Siêu khi viết tựa cho Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu:
“Gần đây ta gặp một người Việt Nam vong mệnh, thường khi nói chuyện với ta, ông hay giàn giụa nước mắt. Ta biết nếu không tự biết thương mình mà lại thương người khác, thì có khi người lại thương cho số phận của mình đấy.
Ta đọc sách này chẳng những đã thương mà còn sợ nữa”.
(Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, NXB Thuận Hóa, 2001)
Như vậy, cụ Phan hay giàn giụa nước mắt khi nói chuyện với Lương Khải Siêu là vì đau xót trước thảm cảnh mất nước của nước của Việt nam, chứ có phải khóc xin Lương cái gì đâu. Mặt khác, đọc sách của Phan, Lương cũng tỉnh ngộ thêm cái thân phận của Trung Hoa, cho nên mới chẳng những đã thương mà còn sợ nữa. Phan khóc cũng còn là chia sẻ nỗi niềm vong quốc cùng người chí sỹ yêu nước của Trung Hoa, người cũng đang tìm đường cứu Trung Hoa lúc đó. Điều này càng rõ khi đọc Lời mở đầu của Phan trong Việt Nam vong quốc sử:
“Không có gì đau bằng người mất nước, cũng không có gì đau bằng người bị mất nước mà bàn việc nước! Tôi muốn viết đoạn sử mất nước này, nhưng đã bao phen lệ cạn huyết khô, mà cơ hồ không viết nổi nữa.
Nay nhân Công chủ Ẩm Băng Thất (tức Lương Khải Siêu – ĐTT) nói: Than ôi, tôi (Lương Khải Siêu – ĐTT) với ông (Phan Bội Châu – ĐTT) thật là đồng bệnh. Những việc làm tàn ác của người Pháp thi hành ở Việt Nam, cả thế giới chưa ai biết đến. Ông hãy nói cho tôi rõ, tôi sẽ vì ông mà truyền bá (…). Hơn nữa, tôi cũng muốn nói riêng với ông một điều: Nước chúng tôi hiện giờ, tình thế không khác gì nằm trên đống củi mà dưới thì lửa đỏ đang bốc cháy, thế mà mọi người vẫn dửng dưng chơi bời, cho là vô sự, nếu có ai nói đến nguy cơ mất nước, cũng làm lơ rồi bỏ qua. Vậy xin ông hãy vì tôi mà kể chuyện nước ông bị mất, may ra có thể làm cho phần đông người nước tôi nghe ra mà giật mình thức tỉnh giấc mê để rồi có ngày thấy lại ánh sáng mặt trời, thì chẳng những người nước tôi được nhờ mà người nước ông cũng được nhờ đó.
Tôi (Phan Bội Châu – ĐTT) nghe nói lấy làm cảm động, gạt nước mắt và viết cuốn Việt Nam vong quốc sử này”.
4.2. Tạm dừng lại để nói về tác dụng cuốn Việt Nam vong quốc sử ở Trung Quốc. Theo GS. Chương Thâu, sách được Lương Khải Siêu cho in vào tháng 6-1905, nhưng sau đó Lương vẫn cho đăng tải trên Tân Dân tùng báo (9-1905), ở mục “Tùng đàm” do chính Lương phụ trách. Đứng ở góc độ kinh tế của người làm xuất bản, chỉ có chuyện in báo xong mới in sách chứ không ai làm ngược như vậy, nhưng chắc là nhận thấy giá trị tuyên truyền cao của cuốn sách nên nhà cách mạng Lương Khải Siêu đã ưu tiên như thế. Khi đăng tải, sách mang tên Ký Việt Nam vong nhân chi ngôn (Chép lời người Việt Nam mất nước) là cũng có dụng ý của nó. Cũng theo Chương Thâu, tính đến năm 1955, sách được in đến 5, 6 lần ở Trung Quốc. “Việt Nam vong quốc sử được xuất bản nhiều lần, chứng tỏ nó có giá trị nhất định. Nó không những là một tài liệu tuyên truyền cách mạng ở Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng ở Trung Quốc nữa” (Chương Thâu, Phan Bội Châu toàn tập, tập 2, sđd). Và một gian dài người ta tưởng tác giả của nó là Lương Khải Siêu.
Phan Bội Châu phải cảm ơn Lương Khải Siêu, một “bà đỡ” cho đứa con tinh thần của mình, nhưng giá trị khai dân trí của cuốn sách cho người Trung Quốc thì Lương lại phải cảm ơn Phan.
Phong trào duy tân ở Trung Quốc sớm hơn Việt Nam một chút. Lương Khải Siêu đi trước Phan Bội Châu một chút. Chính Phan Bội Châu trước khi xuất dương đã đọc sách của Lương, rất ngưỡng mộ Lương, nên nếu coi Lương là bậc đàn anh, bậc thầy (về cách mạng dân tộc dân chủ) thì cũng được. Nhưng mặt khác, quan hệ giữa hai người là quan hệ giữa những người đồng chí hướng, cùng hoài bão cứu nước. Ngay khi đến Nhật, Phan đã viết một thư gửi Lương (lúc này, cách mạng dân chủ ở Trung Hoa đang thời thoái trào, Lương đang nương mình ở Nhật Bản), trong đó có câu: “Lạc địa nhất than khốc, tức dữ tương tri; độc thư thập niên nhãn, toại thành thông gia”(Lọt lòng một tiếng khóc, tức đã thành tương tri, đọc sách trong mười năm, thành ra tình nghĩa thông gia). Sau này, cụ kể lại trong Phan Bội Châu Niên biểu: “Lương được thư, cảm động lắm, tự động ra mời tôi vào”. Thế mà ông HHP lại biến Lương Khải Siêu thành một nhân vật kẻ cả giống hệt những nhân vật thuộc phái diều hâu ở Bắc Kinh hiện nay, chỉ nhìn người Việt Nam bằng nửa con mắt: “phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát (ĐTT nhấn mạnh)cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm…”. Phải chăng kẻ quen cúi lạy, quen nhận ban phát nên suy bụng ta ra bụng người?
4.4. Nhân đây nói thêm, cái điều mà Phan Bội Châu rất cảm ơn Lương Khải Siêu, ngoài việc Lương giới thiệu Phan với các chính khách Nhật, là việc Lương phân tích về phương pháp cách mạng, chứ không phải chuyện khuyên đừng “cõng rắn cắn gà nhà” như ông HHP đặt điều.
Trong một buổi gặp, sau 3 tiếng đồng hồ bút đàm với Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã ghi lại mấy điều cốt yếu trong lời khuyên của Lương như sau:
j Quý quốc không phải lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không dủ độc lập
k Kế hoạch lo cho đến quang phục, yếu kiện chỉ có 3 điều:
a- Có thực lực ở trong quý quốc
b- Nhờ sức viện trợ của Lưỡng Quảng
c- Nhờ Nhật Bản vện trợ bằng thanh thế.
Nhưng nếu ở trong quý quốc không có thực lực, thời hai điều dưới đó, thảy không phải là hạnh phúc của quý quốc.
Ông Lương viết tiếp đến đó, lại có phụ chú rằng: “Thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài. Lưỡng Quảng chỉ giúp cho quân thướng (lương thực cho quân đội – ĐTT) với khí giới. Nhật Bản chỉ giúp cho trên đường ngoại giao. Hễ khi nước mình độc lập rồi, tất phải yêu cầu liệt cường thừa nhận, mà nhờ Nhật Bản là cường quốc ở châu Á, có thể thừa nhận trước hết được”. (Phan Bội Châu niên biểu, Sđd)
Như vậy Lương Khải Siêu không phủ nhận chủ trương cầu thân Nhật Bản của cụ Phan. Tuy nhiên Lương cũng cảnh báo cụ Phan, không quá phụ thuộc vào Nhật Bản. Phan Bội Châu viết tiếp như sau:
“Lúc ấy tôi nói đến cầu viện nước Nhật Bản, ông Lương nói rằng:
Mưu ấy sợ không tốt, quân Nhật Bản đã một lần vào nước, quyết không lý gì đuổi nó ra được. Thế là muốn tồn tại được nước mình, mà thiệt là làm cho chóng mất mà thôi! Quý quốc chớ lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ lo không có nhân tài hay chụp được cơ hội. Hễ đến ngày Đức – Pháp chiến tranh với nhau tức là một cơ hội tốt cho quý quốc độc lập đó vậy”.
Cái điều Lương Khải Siêu đi trước Phan Bội Châu nói trên cũng dễ hiểu: Trung Quốc lúc ấy tuy chưa mất hẳn độc lập nhưng đã bị các nước đế quốc, trong đó có Nhật Bản, bao vây xâu xé[1].
Tuy nhiên, cần biết thêm điều này: cái điều khuyên trên của Lương Khải Siêu đối với Phan Bội Châu thực tế không có tác dụng bởi hai lẽ:
1 - Chính phủ Nhật Bản lúc ấy không có điều kiện can thiệp vào Việt nam.
2 - Chỉ khoảng hơn 10 năm sau, khi Nhật thực sự thành nước đế quốc, thì chính Phan Bội Châu nhận ra nguy cơ từ Nhật Bản và đã chủ trương hợp tác với người Pháp để chống đế quốc Nhật.
Hai điều trên chúng tôi sẽ trình bày trong phần hai của bài này.
Để kết lại phần thứ nhất, tôi khẳng định cụ Phan Bội Châu là một bậc anh hùng hào kiệt, khí phách ngang tàng. Cụ khóc là vì thương tình cảnh đất nước Việt Nam, chứ không phải nước mắt bạc nhược. Việc Lương Khải Siêu giúp Phan Bội Châu phần vì quý trọng một nhà yêu nước, phần vì sự hợp tác trong công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của cả hai nước. Lương Khải Siêu là bạn của Phan Bội Châu. Cái tư thế “ban phát” của Lương cho Phan chỉ do cái đầu óc thần phục “thiên triều” của ông HHP tưởng tượng ra. Nó không những xúc phạm cụ Phan mà còn xúc phạm một danh nhân Trung Quốc.
Còn nữa
Đ.T. T
Còn nữa
Đ.T. T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét