Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

LỜI CHIÊU TUYẾT CHO CỤ PHAN BỘI CHÂU - Phần 2

Bài 2: CÓ PHẢI PHAN BỘI CHÂU VÔ TÌNH ĐÃ “CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ”, “RƯỚC VOI VỀ GIÀY MẢ TỔ”, MỞ ĐƯỜNG CHO NHẬT ĐÁNH CHIẾM VIỆT NAM SAU NÀY?
Đào Tiến Thi
Ông Hoàng Hữu Phước (HHP) viết về Phan Bội Châu rằng cụ đã “khóc lóc với Lương Khải Siêu khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”, mở đường cho sự quan tâm của Quân Phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp”.
Như vậy, tuy ông HHP như là có phần “bào chữa” cho cụ Phan về hành động “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ” bằng các từ ngữ “mà không biết mình rất có thể”, “phải nhờ Lương Khải Siêu … mới hiểu ra” thì dụng ý đoạn trên cũng quá rõ:
Thứ nhất, chỉ cần đặt một cái dấu nối vu vơ giữa việc cụ Phan Bội Châu sang Nhật theo chủ trương cầu viện hồi 1905 với việc quân đội Nhật vào Việt Nam sau này (1940 – 1945) đã đủ tạo mối hoài nghi về về việc làm “có hại” của cụ Phan Bội Châu. Vì cả hai sự việc đều có thật. Và sự thật đó càng dễ bị hiểu lầm khi môn lịch sử trong nhà trường luôn chỉ chú trọng giai đoạn từ 1930 trở đi, còn phần trước 1930 chỉ có sự kiện Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước là được chú trọng. Thi cử cũng chỉ xoay quanh như thế. Do đó dám chắc là những hoạt động cứu nước của hai cụ Phan hồi đầu thế kỷ XX, nhiều thế hệ học sinh nắm rất lơ mơ.
Thứ hai, theo cách viết của ông HHP, dù Phan Bội Châu sau đó có tỉnh ngộ thì việc cũng đã rồi. Cái việc cầu viện Nhật Bản là hành động đã dẫn đến việc đội quân phát xít Nhật vào Việt Nam sau này (1940 – 1945) và gây ra tội ác “giết chết nhiều triệu người Việt Nam”.
Thật là kinh khủng. Giá ông HHP chửi bậy cụ Phan một câu cũng không sao (con cháu bây giờ thiếu gì kẻ vô lễ với tiền nhân). Nhưng với kiểu ăn nói trên, ông HHP đã cả gan ném bùn vào vong linh cụ Phan!
Chúng tôi xin lược thuật một số sự thực lịch sử dưới đây để độc giả hiểu rõ.
1. Cụ Phan Bội Châu ra đi cứu nước trong bối cảnh “Á Đông mở hội duy tân”
Như ta đều biết, cho đến cuối thế kỷ XIX, hầu hết các nhà nho Việt Nam chỉ biết có sách Thánh hiền, chỉ biết có nước Trung Hoa (và nước Đại Nam của mình)  là “văn minh”, còn lại đều là “dã man”, kể cả người “Tây dương”. Nhưng đến khi đã hoàn toàn thua cuộc (phong trào Cần vương cơ bản bị dập tắt vào mấy năm cuối của thế kỷ XIX), họ mới thực sự thấy sức mạnh của “mưa Âu gió Mỹ” (chữ của Phan Bội Châu và các chí sỹ thời ấy hay dùng). Qua sách báo Tân thư (sách vận động duy tân ở Trung Quốc), giới sỹ phu tiên tiến còn biết cái nước Trung Hoa quân chủ khổng lồ mà bấy lâu ta vẫn tưởng là chúa tể thiên hạ nay chỉ là miếng mồi ngon cho các đế quốc chia nhau. Cuộc sinh tồn của các quốc gia trên hoàn cầu chẳng qua là một cuộc cạnh tranh mạnh được yếu thua, chứ chẳng phải do “mệnh trời” như lời dạy của Thánh hiền. Muốn mạnh thì phải biết duy tân (đổi mới). Các nước Âu – Mỹ chẳng qua biết phế bỏ chế độ chuyên chế mà trở nên hùng mạnh, mà khi hùng mạnh thì ắt phải mở rộng đất sống, phải đi thôn tính nước khác. Thế kỷ XIX, các nước Âu – Mỹ làm mưa làm gió trên hoàn cầu, nhưng từ cuối thế kỷ XIX, Á châu trỗi dậy. Nhật Bản từ một nước vô danh, nhờ cuộc Duy tân Minh Trị, đã nhanh chóng trở thành một cường quốc, ngang ngửa với Tây Phương trên bàn cờ chính trị thế giới.
Sau mấy năm ra Bắc vào Nam vận động, đầu năm 1904, Phan Bội Châu và các đồng chí của mình đã thành lập Duy tân Hội theo cách mô phỏng các phong trào duy tân ở Trung Quốc, Nhật Bản, do Cường Để, một người trong hoàng tộc làm hội trưởng và nhiều sỹ phu lớn đứng đầu như Nguyễn Hàm, Lê Võ, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân,…
Ngay trước khi Phan Bội Châu xuất dương lại thêm một sự kiện làm nức lòng giới sỹ phu nước ta. Đó là cuộc chiến Nga – Nhật (1904 – 1905) sắp đi vào hồi kết, trong đó Nhật Bản, một nước Á châu da vàng đã đánh bại Nga, một đế chế da trắng khổng lồ ở Âu châu:
Cờ độc lập đứng đầu phất trước
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn
Á Đông mở hội duy tân
Nhật Hoàng là đấng minh quân ai bì.
(Bài Á Tế Á)
Bước chân lên đất Nhật, được tận mắt thấy tai nghe, Phan Bội Châu càng khâm phục Nhật Bản, một nước từ quân chủ lạc hậu, nhờ công cuộc Duy tân mà nay trở nên văn minh, dân khí cường cường thịnh, dân quyền được tôn trọng:
– Kìa xem nước đồng châu Nhật Bản
Tàu với xe đưa đón hành nhân
Đãi nhau tử tế muôn phần
Khi ngồi khi đứng chỗ nằm chỗ ăn
Lúc đau yếu nom thăm đi lại
Lấy đạo người mà đãi giống người…
– Kìa xem Nhật Bản người ta
Vua dân như thể một nhà kính yêu
Chữ bình đẳng đặt đầu chính phủ
Bấy lâu nay dân chủ cộng hòa
Nghĩ như nông nỗi nước ta
Đến giờ mới mất cũng là trời thương…
(Hải ngoại huyết thư, 1906)
(Những điều trên ngày nay chúng ta vẫn phải ngưỡng mộ và học tập chứ không chỉ ở thời các cụ đầu thế kỷ XX còn “ấu trĩ” đâu)
Sơ qua bối cảnh trên để thấy Duy tân Hội và xu hướng “hướng Đông” là một trào lưu mới mẻ, tiến bộ, như là tất yếu của lịch sử Việt Nam lúc đó, chứ không phải do đầu óc bạc nhược và mù quáng của cụ Phan như ông HHP nghĩ. 
2. Phong trào Đông du: Từ chủ trương cầu viện chuyển sang tự lực cánh sinh
Nhờ sự giúp đỡ của Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu đã nhanh chóng tiếp xúc với các chính khách Nhật Bản. Hai chính khách Phan gặp đầu tiên là Bá tước Đại Ôi (Okuma Shigenobu), người đã hai lần làm thủ tướng Nhật và lúc ấy vẫn đang là lãnh tụ Đảng Tiến bộ và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi), một cánh tay mạnh của Đại Ôi, nguyên là Văn bộ đại thần (Bộ trưởng Giáo dục), còn lúc ấy đang làm Tổng lý Đảng Tiến Bộ (về sau ông cũng làm thủ tướng Nhật, 1931 – 1932). Buổi gặp đầu tiên được Phan kể lại là “tân chủ hoan hợp rất mực” – khách và chủ rất vui và hợp nhau (Phan Bội Châu niên biểu, in trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Thuận Hóa, 2001).
Trước mục đích cầu viện của Phan, hai chính khách Nhật trả lời rất thẳng thắn như sau:
“Lấy Dân đảng Nhật Bản giúp cho các ngài thì được, nếu lấy binh lực giúp các ngài thì nay là thì giờ chưa tới nơi. Hiện tình thế chiến tranh ở đời bây giờ chẳng phải vấn đề riêng ở Pháp với Nhật, mà là vấn đề Âu – Á đua hơn thua nhau. Nhật Bản muốn giúp cho quý quốc, thì tất phải tuyên chiến với Pháp. Nhật – Pháp tuyên chiến thì chiến cơ động cả hoàn cầu, lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh với toàn Âu châu, thiệt chưa đủ sức, các ngài có thể ẩn nhẫn được mà chờ cơ hội ngày sau không?”
(Phan Bội Châu niên biểu, sđd)
Tiếp đó, hai vị chính khách Nhật khuyên Phan phải có thực lực trong nước trước, đầu tiên là phải có một chính đảng các mạng, còn họ sẽ giúp đào tạo đảng nhân (cán bộ). Đại Ôi nói:
“Các ngài nếu đem được đảng nhân các ngài ra đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết. Hay là các ngài bây giờ ưng ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ vì các ngài sắp đặt chỗ ở, lấy một cách ngoại tân ưu đãi các ngài, sinh kế cũng không phải lo gì; chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc, là tính đặc biệt của người Nhật Bản”.
(Phan Bội Châu niên biểu, tập 6, sđd)
Tuy mục đích cầu viện không đạt được nhưng Phan Bội Châu rất phấn khởi, vì con đường cứu nước đã được mở ra. Ngay sau đó Phan gấp rút về nước vận động Cường Để và các thanh niên ưu tú xuất dương, đồng thời cũng bước đầu chuẩn bị thành lập các hội Nông, Công, Thương, Học để làm nguồn nhân lực và tài chính. Lần về nước thứ nhất chưa đón được Cường Để, và Phan cũng chỉ đem được 3 thanh niên xuất dương, vì “con em nhà giàu một bước chân không dám ra khỏi cửa, mà những người thiếu niên thanh hàn không khác gì trói chân” (không có tiền để đi – ĐTT). Lương Khải Siêu gợi ý Phan làm một bài văn cổ động những người hữu tâm trong nước giúp. Phan liền viết Khuyến quốc dân tu học văn. Bài văn chưa kịp gửi về thì lại được thêm 6 thanh niên Bắc Kỳ sang (trong đó có Nguyễn Hải Thần, có hai anh em Lương Lập Nham (tức Lương Ngọc Quyến, sau này là lãnh tụ của cuộc Binh biến Thái Nguyên – 1916) và Lương Nghị Khanh, con của cụ Lương Văn Can, chí sỹ Đông Kinh nghĩa thục). Thời gian đầu, việc ăn ở cực kỳ khó khăn, vì sự quyên góp trong nước ít ỏi. Đói rét là chuyện thường xuyên, thậm chí có lúc phải đi ăn mày. Cụ Phan kể câu chuyện sau đây trong Phan Bội Châu niên biểu: Lương Lập Nham nhịn đói đi bộ một ngày từ Hoành Tân (Yokohama) đến Đông Kinh, lẻn vào “ngủ nhờ” ở sở cảnh sát. Khi cảnh sát hỏi, ông không biết tiếng liền lấy bút ra để bút đàm, cảnh sát Nhật mới biết ông là người Ấn Độ Chi Na (Việt Nam) bị “lạc đường”, liền cấp cho tiền tàu và tiền ăn vài ngày để ông quay về Hoành Tân. Lương Lập Nham tận dụng những ngày có tiền đó để đi tìm việc làm và tìm những người hào hiệp giúp đỡ và đã thành công.
Đầu năm 1906 Đặng Thái Thân đưa được Cường Để sang Nhật. Cường Để là người hoàng tộc (triều Nguyễn), tổ tiên vốn gắn bó nhiều với dân Nam Kỳ (và đến lúc đó người Nam Kỳ vẫn còn rất “luyến chúa”), cho  nên việc vận động Nam Kỳ, nhất là giới nhân sỹ và điền chủ giàu có được thuận lợi. Tuy vậy việc tận dụng ngọn cờ Cường Để cũng gây cho Phan Bội Châu những rắc rối trong quan hệ với Phan Châu Trinh, vì Phan Châu Trinh luôn luôn kịch kiệt đả phá chế độ quân chủ.
Không chỉ chú ý vào việc du học, Phan Bội Châu còn mở rộng giao du và liên kết đồng chí, ví dụ liên kết với lãnh tụ Hoàng Hoa Thám[1], tiếp xúc với Tôn Trung Sơn để tìm sự hậu thuẫn của cách mạng Trung Quốc, thành lập Hội Đông Á Đồng minh (gồm những người yêu nước Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Philipine đang lưu vong ở Nhật), thành lập Hội Điền – Quế – Việt liên minh[2].v.v..
Trong thời gian hoạt động của Duy tân và Đông du, ở trong nước xảy ra nhiều vụ đấu tranh chống Pháp (do ảnh hưởng gián tiếp từ các hoạt động của Phan Bội Châu, nhất là do thơ văn đầy nhiệt huyết yêu nước của Phan thôi thúc), lớn nhất là vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ. Thực dân Pháp ra tay khủng bố. Hàng loạt chí sỹ là bạn bè hoặc đồng chí của Phan đã hy sinh (Đặng Thái Thân, Tăng Bạt Hổ,…) hoặc bị tù đày (Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn,…). Nghĩa quân Hoàng Hoa Thám bị bao vây, cô lập. Tiền quyên góp từ trong nước ngày càng khó khăn. Và cuối cùng do yêu cầu của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán các học sinh Việt Nam[3]. Phan Bội Châu lánh sang Quảng Châu, Trung Quốc rồi sang Bạn Thầm, Thái Lan, tụ tập số đồng chí còn lại, mặc áo tơi, đội nón lá đi làm ruộng để chuẩn bị một phương án cứu nước mới (Việt Nam Quang Phục Hội, 1912). 
Về thời gian Phan Bội Châu hoạt động ở Nhật, chúng tôi chỉ điểm qua như thế,  không thể thuật chi tiết trong phạm vi một phần của một bài báo, nhưng có lẽ qua đó cũng đủ thấy Phan Bội Châu và các đồng chí của mình đã tự lo toan, nếm mật nằm gai như thế nào. Cái chủ trương cầu viện Nhật Bản mang theo lúc ra đi thực ra đã tiêu tan ngay khi đặt chân lên đất Nhật. Nhưng cụ Phan và các đồng chí của cụ không những không nản chí, mà trái lại đã hoạt động rất tích cực. Bởi vì, khi đi ra ngoài, nhận thức đã thay đổi rất nhiều. Thực sự cụ Phan đã chuyển từ chủ trương cầu viện sang chủ trương tự lực cánh sinh, chứ nếu không thì chắc cụ đã bỏ về sau khi Nhật từ chối viện trợ.  
Sự giúp đỡ của Nhật Bản cho Duy tân Hội của Phan Bội Châu tóm lại chỉ nhận đào tạo giúp cán bộ và ủng hộ về mặt tinh thần. Thời gian cũng rất ngắn ngủi. Hai năm đầu thì học sinh còn rất ít, đến năm thứ ba (1908), vừa lúc số học sinh sang nhiều nhất (200 người) thì tháng 10 năm ấy, chính phủ Nhật đã lệnh trục xuất. Và cũng nên lưu ý điều này: Những nhân vật trọng yếu của Nhật Bản đứng ra giúp phong trào Đông du lúc ấy thực ra không nắm quyền trong chính phủ. Vả lại, có đứng đầu chính phủ đi chăng nữa cũng không dễ gì, theo thể chế của họ. Họ chỉ nhân danh đảng Tiến bộ của mình, còn nếu nhân danh chính phủ thì nước Nhật phải có lý do gây hấn với nước Pháp, điều đó họ chưa đủ sức (xin xem lại lời của Đại Ôi và Khuyển Dưỡng Nghị ở trên). Cho nên dù các ông Đại Ôi và Khuyển Dưỡng Nghị rất có thiện chí, sự giúp đỡ của các ông cũng rất hạn chế. Nghĩa là Phan Bội Châu không phải “nợ” gì người Nhật để đến nỗi sau này phải “cõng rắn cắn gà nhà”, rước voi về giày mả tổ” như Ông HHP tưởng (hay cố tưởng) như vậy.
Sự “dính líu” của Phan Bội Châu với chính phủ Nhật cũng chỉ có thế. Phần hoạt động tiếp sau đó của Phan Bội Châu trong Việt Nam Quang phục Hội chỉ có một chi tiết nhỏ liên quan đến chính phủ Nhật Bản. Năm 1917, vừa mới ra khỏi nhà lao Quảng Đông (4 năm bị giam ở đây), được tin một người Việt Nam ở trong nước mới qua Nhật có đem theo tiền ủng hộ, Phan liền đi Nhật. Ngoài mục đích lấy tiền ủng hộ, Phan muốn thăm dò thái độ của Nhật Bản trong cuộc Thế chiến I, vì nghe tin Nhật sắp có một hiệp ước kín với Đức (Đức là kẻ thù của Pháp trong Thế chiến I nên các lãnh tụ Việt Nam Quang phục Hội muốn lợi dụng, và họ đã liên lạc được với sứ quán Đức ở Truug Quốc). Kết quả thế nào không thấy Phan Bội Châu kể, các nhà sử học cũng không có tư liệu về việc này. Chắc là không đạt được gì, vì ngay cả việc “thông Đức” trên đất Trung Quốc cuối cùng cũng không thành công. Sau đó cụ Phan còn đi Nhật vài lần nữa, nhưng chỉ là những việc ân nghĩa cá nhân. Ví dụ, năm 1918, cụ đến Nhật để dựng bia mộ cho một người Nhật là ân nhân của mình. Những năm 1921 – 1922 cụ qua lại Nhật để thăm Cường Để (đã định cư ở Nhật Bản từ 1915). Cụ đã kể điều này trong Phan Bội Châu niên biểu“Năm Canh Thân, Tân Dậu (1920 – 1921), luôn vài năm ấy, tôi thường đi lại ở Bắc Kinh, Hàng Châu, Quảng Đông, cũng có khi qua Đông Tam Tỉnh, do Yên Đông đến Triều Tiên qua Nhật Bản, có đôi ba lần đi thăm Kỳ Ngoại Hầu (tức Cường Để – ĐTT). Chẳng qua là du lịch xoàng, thực không quan hệ gì công việc cách mện”. (Phan Bội Châu niên biểu, Sđd)
3. Từ chủ trương “Pháp – Việt đề huề” để chống họa xâm lăng từ Nhật Bản đến chủ trương “văn minh cách mạng”
3.1. Như đã nói trên, Duy tân Hội mới chỉ gây những ảnh hưởng gián tiếp ở trong nước mà thực dân Pháp đã đàn áp dã man. Nhiều đồng chí, bạn bè của Phan Bội Châu bị hy sinh, bị tù đày. Sau này lại gặp Phan Chu Trinh, người trước sau theo chủ trương bất bạo động, luôn phải nghe người bạn đồng chí đáng kính kịch liệt phản đối dùng bạo động, cụ Phan Bội Châu bắt đầu nghĩ lại về phương pháp cách mạng của mình. Lúc thành lập Việt Nam Quang phục Hội (1912), cụ Phan đã phải phân vân về đường lối “kịch liệt bạo động”. Cụ kể trong Phan Bội Châu niên biểu:
“Viết đảng sử đến đây, thiệt là muốn đau, quẹt nước mắt mà viết. Có các điều không nỡ viết, nhưng lại không nỡ không viết. Bởi vì hy sinh mất những người đồng bào có chí khí, tâm huyết để mong cho vận nước nhà được sống lại; nín cái thống khổ của thiểu số mà lo cho đa số, như Liệt Ninh (Lê Nin – ĐTT) tiên sinh đã từng nói”: “Sát kỳ nhứt dĩ sinh kỳ nhị” (giết một mà cứu sống được hai), chúng ta cũng không thể nào tiếc được!
Than ôi, việc đời quá chừng trắc trở, cơ trời quá khó đo lường, chỉ giết oan đồng bào ở trong đám hy sinh mà không kết quả, thật là đại tội cực ác của tôi, mà tôi phải thiên vàn thừa nhận lấy!”.
(Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, sđd)
3.2. Sau Thế chiến II, Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương (1919 – 1923). Sarraut thuộc đảng Cấp tiến Pháp, là một đảng khuynh tả. Ông chủ trương làm đúng tinh thần liên hiệp, cho tổ chức lại trường đại học, cho mở mang thêm các trường học các cấp, nới rộng các hội đồng quản trị cho người Việt tham gia. Chính sách cai trị mềm mỏng của ông tạo nên không khí dễ thở phần nào cho dân thuộc địa. Toàn quyền Sarraut cũng cho người gặp Phan Bội Châu. Một số đồng chí của Phan muốn nhân cơ hội này mà tạm “hòa hoãn”. Về phía Phan Bội Châu, cụ cũng đã chuyển hướng phương pháp cách mạng như trên đã nói. Vì vậy năm 1918, cụ viết Pháp  – Việt đề huề luận (khi được in có tiêu đề là Pháp Việt đề huề chính kiến thư, nay in trong Phan Bội Châu toàn tập, tập 5, sđd).
Trong Pháp  – Việt đề huề luận, Phan Bội Châu nêu rõ cái họa Nhật Bản nguy hiểm như thế nào cho cả nước Pháp và nước Nam. Cụ phân tích:
1. Nước Nhật đang ngày càng hùng mạnh và đầy tham vọng. Chứng cớ là Nhật đang gặm dần Trung Hoa, giành cả những phần đất mà liệt cường (cường quốc) đã lấy. Cụ viết:
“Nhật Bản kia là một nhà nham hiểm nhất trong thế giới, cũng là một bác nhanh chân nhất trong phường đi săn. Bắt đầu khi liệt cường đua nhau dúng tay cầu lợi ở Trung Hoa thì Nhật Bản đã vớ ngay được mấy miếng thịt béo là Đài Loan và Nam Mãn, đến nay cả vùng Phúc Kiến và Sơn Đông đã hình như của trong túi người Nhật (...) Cái lòng tham hăng hái muốn vơ vét cả cõi Á châu kia, người Nhật quyết không phút giây nào quên được”.
“Cuộc Âu chiến khởi phát chưa đầy nửa năm mà Thanh Đảo, Nam Dương của Đức đều thấy cờ Nhật phất phới, báo cho chủ cũ cái cảnh tượng ông khách cường ngạnh đã đến. Cái then khóa người Đức ở Trung Hoa đã phải hai tay đệ dâng người Nhật rồi”.
2. Nếu như cuộc thế chiến vừa rồi là “Âu châu chọi với Âu châu” thì cuộc thế chiến sắp tới sẽ là “Á châu chọi với Âu châu”. Á châu chỉ có mình Nhật Bản nhưng các liệt cường Âu châu lại thường chia rẽ nhau, và vì chính sách liên minh tay đôi của Nhật với mỗi liệt cường làm cho họ không thể kiên kết với nhau.
 Khi người Nhật tấn công vào Việt Nam thì người Pháp sẽ thua, bởi vì:
+ Pháp đã kiệt sức trong cuộc Âu chiến vừa qua (thua nước Đức – ĐTT).
+ Quân Pháp ở Việt Nam mỏng, không thể chọi lại quân Nhật. Mạnh như quân Nga ở Liêu Đông 10 năm trước mà còn thua Nhật.
+ Khi Nhật vào, quan lại Việt Nam sẽ mở thành đón giặc, vì bọn này “mang cái  tư cách trâu ngựa, tôi tớ, cứ khỏe là sợ, cứ lợi là theo”.
+ Pháp có Anh là đồng minh nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì Anh còn phải lo giữ Ấn Độ, Hương Cảng, Nam Dương (các thuộc địa của Anh lúc đó – ĐTT).
+ Nếu Nhật vào Việt Nam thì quân Điền Việt (Vân Nam, Quảng Đông) cũng nhảy vào trợ chiến cho Nhật, mục đích là để chia phần, nhưng Nhật cũng sẽ đồng ý (giống như Đức lợi dụng đế quốc già nua Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Âu). 
Khi Nhật thay chân Pháp thì tình cảnh nước Nam còn còn tệ hại hơn, vì:
+ Người Nhật hung hiểm gấp trăm lần người Pháp. Gương Cao Ly (Triều Tiên), Đài Loan còn đó.
+ Việt Nam không thể giành độc lập được nữa, vì bấy lâu nay nước Pháp ở xa mà ta còn không đánh nổi, huống chi Nhật ở gần, chiến hạm sáng đi tối đến.
+ Nước Nhật đất chật lại xấu, người thì đông, phải cố liều chết tìm đất thực dân, túi tham vơ vét bao nhiêu cũng không đủ, lấy đâu thừa thãi mà còn bố thí cho ta.
Vì những lẽ trên, Phan Bội Châu kêu gọi Pháp – Việt hợp tác để cùng chống  Nhật. Mà nếu hợp tác thì sẽ thắng Nhật.
3.3. Tiếp theo, năm 1921, Phan Bội Châu công bố chủ thuyết về “văn minh cách mạng” trong luận văn Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa, tức Chủ nghĩa mà tôi ôm ấp mấy năm nay (Phan Bội Châu toàn tập, tập 5, sđd).
“Văn minh cách mạng” là đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường bất bạo động, ngược với chủ trương “dã man cách mạng” (bạo động) mà cụ đã theo đuổi bấy lâu. Lý luận của cụ có thể tóm tắt như sau:
1. Làm cho đất nước mỗi ngày một phú (giàu), dũng (mạnh) và mọi người biết hợp quần (đoàn kết) thì tự kẻ thực dân không dám khinh ta nữa, lúc ấy không trao trả độc lập cũng không được. Chứng cớ theo con đường này đã có Ba Lan, trước thuộc Nga và Phi Luật Tân (Philipine), trước thuộc Mỹ, nay đều độc lập.
2. Làm cách mạng như chơi cờ tướng. Nghĩa là cục diện thế giới luôn biến đổi. Các nước đế quốc tuy mạnh nhưng chúng luôn mâu thuẫn, tranh giành nhau. Cho nên điều quan trọng là ta nuôi hạt giống (xây dựng nội lực) để chờ thời; gặp thời cơ, người Pháp sẽ buộc phải trao trả độc lập, nếu không muốn đương đầu với các liệt cường.
3. Làm bạo động cách mạng gây rất nhiều tổn thất, điều Phan Bội Châu không hề muốn.
Trong tác phẩm Y hồn đơn (Bài thuốc chữa hồn), viết đầu những năm hai mươi của thế kỷ XX, cụ Phan hết sức đề cao phương pháp bất bạo động của Gandhy (Ấn Độ). Theo cụ đó là cách “lấy nhu thắng cương”. Mặc dù lúc ấy Gandhy còn đang bị giam, cụ vẫn tin tưởng nhân dân Ấn Độ sẽ giành được thắng lợi[4].
Ở đây, chúng tôi không bàn chuyện đúng sai của chủ trương “Pháp – Việt đề huề” lẫn chủ trương “văn minh cách mạng”. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn thêm chứng cớ về việc Phan Bội Châu đã đi rất ra so với chủ trương cầu viện Nhật Bản hồi mới xuất dương (1905). Với các phương pháp giành độc lập nói trên, kể từ sau Thế chiến I trở đi, cụ Phan Bội Châu không những không nghĩ đến sự can thiệp của Nhật Bản mà còn cảnh giác trước họa xâm lăng của đế quốc Nhật Bản (sau này điều đó đã diễn ra đúng như cụ tiên đoán).
Tháng 9-1940, quân Nhật vào Việt Nam (vào từ từ, lấn dần người Pháp, chứ không rầm rộ) thì cụ Phan đã là một người tù giam lỏng từ lâu (1925 – 1940), cụ chỉ còn là “ông già Bến Ngự” 74 tuổi đang nằm trên giường bệnh chờ chết. Có lẽ cụ cũng chẳng biết có sự kiện trên, còn nói gì có thể “cõng” Nhật “rước” Nhật được nữa, thưa ông HHP. Và cụ qua đời ngay sau đó một tháng, ngày 29-10-1940.
Tất cả những gì trình bày ở phần 2 của bài này cho thấy việc người Nhật có mặt ở Việt Nam những năm 1940 – 1945 chẳng liên quan tí gì đến những hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật cũng như sau khi cụ chính thức rời khỏi Nhật (3-1909).
Thế mà ông HHP đã cố tình nhập nhằng chỗ này, hành động đó xin quý vị độc giả tự phán xét.
(Còn nữa)
Đ.T.Th

[1] Mùa thu năm 1906, Phan đóng giả người Hoa để về nước qua đường biên giới Trung Việt. Đây là một cuộc đi đầy mạo hiểm. Bởi vì ngoài phải lọt qua con mắt kiểm soát của người Pháp còn phải chống chọi với với nhiều đội quân thổ phỉ, lục lâm người Hoa quấy nhiễu khắp vùng thượng du Bắc Bộ, thậm chí có những thủ lĩnh làm chủ cả một vùng thay vì người Pháp. Nhưng nhờ quen biết một số quan chức Lưỡng Quảng, Phan được họ giúp đỡ nên đi chót lọt, sau lại còn được một lục lâm đưa đường xuyên sơn vào căn cứ địa Phồn Xương để gặp Hoàng Hoa Thám. Sau này, có lúc Phan Bội Châu mua được 500 cây súng từ Nhật để gửi về cho nghĩa quân Yên Thế nhưng việc không thành.
[2] Hội gồm những học sinh Vân Nam, Quế Châu (Trung Quốc) và Việt Nam đang học ở Nhật. 
[3] Một số vẫn tìm cách ở lại, tự đi làm thuê lấy tiền ăn học, trong đó có hai anh em Lương Lập Nham (Lương Ngọc Quyến), Lương Nghị Khanh.
[4] Điều dự đoán đó rất đúng. Ấn Độ giành độc lập ngày 15 tháng 8 năm 1947.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét