Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

NỖI SỢ HÃI TỪ HAI TỪ "PHẢN ĐỘNG"

Ánh Trăng

Nguồn: Hãy cùng tôi ghé thăm trái đất này Blog


Nỗi sợ hãi từ hai từ “Phản Động”


Công việc bộn bề, mai lại phải đi công tác mấy ngày, nhưng cuối cùng không thể không dừng công việc lại để chuyển hết ra khỏi đầu sự trăn trở chất chứa bấy lâu nay, hy vọng rằng đã viết ra một lần này rồi sẽ không phải nghĩ lại nữa.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nghe đến các cụm từ “các thế lực thù địch”, “phản động” là từ hồi còn học phổ thông, được cô giáo dạy Sử dạy. Tôi chỉ nghe và biết vậy, bởi có lẽ chẳng bao giờ nó có thể tác động tới cuộc sống của tôi, khi mà tôi chọn cho mình con đường nghiên cứu khoa học, không thích những chuyện chính trị. Và vừa rời mái trường đại học thì đã ra nước ngoài, mê mải với nghiên cứu khoa học nên tôi cũng ít có thời gian chú ý đến tình hình đất nước.
Cho đến tháng 6 vừa rồi, khi nghe tin giặc dám táo tợn vào tận lãnh thổ nước mình để cắt cáp tầu, thì tôi giật mình, và kể từ đây tôi bắt đầu để ý và bàn luận nhiều hơn về tình hình đất nước, gần gũi với cộng đồng người Việt nhiều hơn và quay trở lại viết tiếng Việt.
Thì đây cũng là lúc từ “phản động” bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi, và càng ngày càng khiến tôi bí bức.
Đã bàn luận đến việc Trung Quốc gây hấn thì không thể không bàn luận đến nguyên nhân, rồi cũng không tránh khỏi việc đề cập đến sự yếu kém của đất nước. Tôi nhớ một lần đang say sưa nghe một người anh gần nhà so sánh về kinh tế, về cách làm việc giữa Đức và Việt Nam, đột nhiên anh dừng lại và lo sợ hỏi: “Em có phải con quan chức nào ở nhà không đấy? Anh nghe nói đa số người được sang đây học đều là con ông cháu cha. Chết anh nói thế này em về mách với an ninh thì chết anh”.
Thực ra những gì anh chê trách chẳng có gì ghê gớm. Kinh tế Việt Nam thua Đức thì điều này ai cũng biết. Cái kiểu làm việc quan liêu, nặng về hình thức ở Việt Nam báo chí cũng đã từng nói đầy ra đấy khi tôi vẫn còn ở trong nước. Vì cớ gì mà anh phải sợ hãi đến thế? Vậy là từ nỗi sợ hãi của anh,  tôi trở nên dè dặt hơn khi nói chuyện với người Việt, chứ không thể như khi nói với đồng nghiệp người Đức, nghe họ phê phán công khai chính phủ của mình mà chẳng lo sợ sẽ có ai đó đi mách với an ninh.
Rồi tôi bắt đầu nghe thấy từ “phản động” gắn liền với “biểu tình” trong nước. Tôi chẳng hiểu sao đi biểu tình thì lại là phản động, khi mà nhìn những hình ảnh đẹp và xúc động đến nhường này:
Nhưng cho dù có tin hay không, thì cái mà mọi người nhìn thấy là công an bắt người. Vậy là nỗi sợ từ nửa vòng trái đất đã lan tỏa tới tận nước Đức này. Ngày người Việt ở Đức tổ chức biểu tình, tôi sung sướng vì đã có cơ hội để thét lên sự căm phẫn của mình. Tôi rủ các anh chị quanh tôi đi cùng, nhưng chẳng ai đi, bởi họ không muốn gặp rắc rối với an ninh. Anh lại còn ngăn: “Anh không đi đâu. Em đi rồi an ninh chụp hình, em về đến cửa khẩu họ chặn lại không cho nhập cảnh đấy.” Tôi gặng lại: “Nhưng mà mình biểu tình ở Đức, nếu có gây loạn thì cũng là ở Đức chứ  có phải ở Việt Nam đâu mà an ninh phải để ý đến mình”. Anh không trả lời, nhưng tôi thấy trong ánh mắt anh vẫn phảng phất nỗi sợ hãi mơ hồ.
Nỗi sợ của anh phần nào ảnh hưởng tới tôi, nhưng khi mà sự  căm phẫn đã lên đến đỉnh thì chẳng nỗi sợ nào có thể ngăn nổi. Vả lại tôi có quan điểm suy nghĩ riêng của mình,  kẻ xấu nào có thể lợi dụng được tôi. Cho dù chẳng may có bị chụp hình chung với ai đó là đối tượng của an ninh thì tôi sẽ đàng hoàng mà giải thích.  Chỉ có kẻ vô tri mới không hiểu được cảm xúc của một con người khi biết tin nhà mình bị xâm phạm. Vậy là tôi một mình đi tầu mấy trăm cây số để đến địa điểm biểu tình, hòa vào dòng người để mà gào thét cho đến tận cùng sức lực. Khi đó tôi mới hiểu một cách sâu sắc hơn vì sao cần phải biểu tình. Nó không chỉ giúp tôi xả giận, nó còn cho tôi cơ hội để nói với những bạn bè quốc tế rằng Trung Quốc đang nói dối. Không phải chúng tôi đang tranh chấp với họ, mà chính họ đã xâm phạm chủ quyền của chúng tôi. Chỉ đến lúc đó, khi nhìn thấy một rừng người ở quảng trường, thì người ta mới chú ý, và chúng tôi mới có thể có cơ hội để nói. Nó còn cho tôi cơ hội để nói với người Trung Quốc rằng: Nhìn nhé, không chỉ có người Việt trong nước, mà người Việt trên toàn thế giới cũng sẽ đoàn kết với nhau trước hiểm họa ngoại xâm. Sức mạnh toàn dân đó, tiếng nói nào của bộ Ngoại Giao có thể chuyển tải được?
Nhà văn Nguyên Ngọc tham gia biểu tình ngày 14/8/2011
Và chỉ lúc đó, tôi mới hiểu vì sao ở nhà, từ những bậc lão thành tóc đã bạc phơ cho đến những thanh niên trẻ đều không chịu chấp nhận cái câu: “Tất cả đều đã có Đảng và Nhà nước lo”. Đất nước là của chung tất cả mọi người. Không lẽ mỗi người dân đều cần phải ai đó kích động, hay trả tiền mới xuống đường sao? Bản thân tiền tầu mà tôi bỏ ra để đến nơi biểu tình bằng tiền ăn của tôi cả một tháng. Lòng yêu nước cũng như lòng yêu cha mẹ, yêu gia đình vậy. Đó là thứ tình yêu rất tự nhiên không vụ lợi. Sẽ là xúc phạm những người biểu tình yêu nước, khi nghĩ rằng họ đi biểu tình vì được trả tiền, hay vì một mục đích vụ lợi. Cũng kể từ  đó mà tôi công khai ủng hộ biểu tình trong nước. Bởi cho dù trong đám đông hàng trăm người kia có thể có những người có động cơ xấu thì cũng sẽ chỉ là những cá nhân rất nhỏ, và số đông còn lại, với chỗ dựa là những bậc trí thức đã có tiếng về nhân cách và những đóng góp cho đất nước, cũng sẽ biết làm thế nào để giữ được ý nghĩa của cuộc biểu tình. Nếu không thì chẳng phải số phận đất nước bi đát lắm sao, khi mà phần đông hàng triệu người không lên tiếng mà chỉ trông chờ vào tiếng nói đơn độc và bị động của Bộ Ngoại Giao, còn vài trăm người dám lên tiếng thì lại là do bị kích động bởi phản động?
Vậy mà dường như báo chí trong nước đang ép buộc dư luận phải tin rằng cái số phận bi đát đó là có thật, khi mà họ không ngừng nghỉ, liên tiếp nhắc đi nhắc lại rằng những cuộc biểu tình đang bị lôi kéo kích động bởi những thế lực xấu. Đến nỗi một người chị nhìn tôi có vẻ đề phòng và ngại ngần khi nghe tôi nhắc đếu từ “biểu tình” qua một cuộc điện thoại với một người bạn của tôi. Và ngay chính một người bạn của tôi cũng dò hỏi liệu tôi có thuộc tổ chức nào, chỉ bởi vì thấy tôi công khai bày tỏ sự tức giận của mình khi đài THHN xúc phạm đến cụ Nguyên Ngọc. Một phần ý thức về đất nước trong tim tôi là nhờ vào những áng văn chương của cụ trong những năm còn cắp sách tới trường. Người như  cụ, xông pha chiến trường trong những năm kháng chiến ác liệt, để lại những áng văn giáo dục lòng yêu nước, rồi bây giờ lại một lần nữa xuống đường cùng con cháu khi chủ quyền đất nước bị lâm nguy. Con người như  cụ, thật đáng tin cậy lắm.
Tôi không biết các tờ báo, rồi truyền hình, họ mong đợi đạt được kết quả gì khi họ quyết liệt khẳng định những cuộc biểu tình đang bị lợi dụng. Nhưng có lẽ hậu quả của việc đó còn nghiêm trọng hơn nhiều những gì họ mong đợi. Sự nghi ngờ giữa người và người ngày càng lớn hơn. Người thì đặt dấu hỏi vì sao có một số người nhiệt tình với biểu tình đếnvậy. Người thì nói chuyện với tôi mà không ngừng lo ngại liệu tôi có phải là an ninh đang dò hỏi họ, tôi có đang đặt máy ghi âm? Và chính tôi cũng tỏ ra ngại ngần khi bộc lộ thái độ chính kiến của tôi, điều mà tôi không cần phải nghĩ tới khi nói với đồng nghiệp người Đức, những người đã được giáo dục rất tốt rằng người khác người, có một trăm người là một trăm quan điểm khác nhau, sự khác biệt không phải lúc nào cũng là phản động.  Thì ra ngay cả khi đang ở trên một đất nước tôn trọng tự  do ngôn luận,  nhưng tư tưởng của người Việt vẫn có thể bị kìm kẹp bởi hai từ “phản động”.  Số phận của người Việt, có phải thật đáng thương? Có phải tôi chỉ có quyền tin rằng phải đến thế hệ sau, thì cái gông cùm “phản động” mới được cất bỏ?
Nguyễn Văn Phương đọc Tuyên ngôn về chủ quyền biển đảo của VN trong cuộc biểu tình ngày 3/7/2011
 Mấy ngày hôm nay, tôi trăn trở nhiều về việc em Nguyễn Văn Phương bị công ty ép đuổi việc. Trong số những thanh niên vô danh trong những cuộc biểu tình trong nước, tôi có cảm tình với em nhiều nhất. Cứ quan sát em qua gần 11 cuộc biểu tình là thấy toát lên một sự nhiệt thành với đất nước một cách chân thực và trong sáng đáng trân trọng vô cùng. Khi mà trong cái xã hội mà người ta đang đặt quyền lợi nhóm cao hơn quyền lợi của đất nước, thì cần lắm những con người sẵn sàng dấn thân một cách tình nguyện vô vụ lợi. Bởi vậy mà khi nghe tin em gặp khó khăn bởi sự nhiệt thành của mình, tôi thực sự  rất muốn giúp em một điều gì đó. Mà sức tôi nhỏ quá, tôi có thể làm được gì cho em đây ngoài những lời khuyên dành cho em.
Tôi tâm sự với một người bạn khá gần gũi và đồng cảm với tôi. Chú cũng nói rằng nhìn ảnh Phương, chú cũng tin rằng Phương hoàn toàn trong sáng. Tôi muốn nhờ chú có thể dựa vào mối quan hệ của mình với những thương nhân người Việt ở Đức, xem họ có mối quan hệ nào ở nhà có thể giúp Phương, hoặc sẵn lòng lên tiếng nhận Phương. Và để tránh khó xử cho chú sau này, tôi đã hỏi thẳng Phương nếu em là thành viên một đảng phái nào đó. Phương đã trả lời là không. Em đi biểu tình chỉ đơn thuần là căm giận sự  gây hấn của Trung Quốc.
Tôi báo lại cho chú biết, nhưng tôi chưa kịp nói ý định nhờ chú tìm cách giúp Phương, thì chú hỏi lại tôi: “Nếu cho dù Phương có thuộc đảng phái nào đó thì đời nào nó nói thật với cháu?”.
Tôi lặng người đi. Vâng điều chú nói không phải không có lý. Nhưng như vậy cuộc sống chẳng phải đáng sợ lắm sao, khi mà sự đề phòng và nghi ngờ đã lấn át tiếng nói từ trái tim mình, lấn át trực giác của mình?
1h18′ ngày 19/9/2011
Một đêm không ngủ được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét