Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

KỶ NIỆM LAO CHẢI

Từ lâu lắm rồi, kể từ biết mộng mơ tôi đã ao ước. Ước ao được đi đến Nghĩa Lộ một lần để được ngủ đêm ở nơi ấy rồi nghe tiếng róc rách của những nguồn nước chảy suốt đêm ngày từ khe núi xuống thị trấn miền núi này.
Rồi mẹ tôi kể, Nghĩa Lộ -Mường Lò đẹp lắm, có nhà thờ rất đẹp, có câu hát mời của các cô gái Thái trong trang phục dân tộc ngày hội, áo chẽn trắng, hàng khuy bạc trên thắt lưng thổ cẩm xanh lục, váy dài thướt tha, cầm tay các chàng trai nhảy xung quanh đống lửa.

"Đêm Mường Lò, trăng lên dần, chiêng trống bập bùng,
Vào đây anh, cầm tay em, múa xòe cùng em, xòe cùng em...
Đừng để em cô đơn một mình..."

Mẹ bảo quê mẹ "Yên Bái" tết đến là nấu xôi bằng thứ nếp Tú Lệ. Gạo nếp Tan Lả Tú Lệ chẳng cần phải thêm đỗ, thêm dừa cho đậm đà mùi vị. Chỉ xôi gạo không thôi mới thấy hết sự mộc mạc của núi rừng, sự tinh túy của trời đất.
Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa, có một tộc người Thái được tiên hiện lên cho một vốc thóc quý và dặn rằng phải tìm được mảnh đất phù hợp thì thóc quý mới mọc và cho nhiều gạo dẻo thơm. Người Thái hành trình đi khắp vùng Tây Bắc, đến nơi nào thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng hạt thóc không nảy mầm. Không nản chí, người Thái vẫn tiếp tục đi. Đến chân đèo Khau Phạ, họ xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, đất trong thung lũng tươi tốt lạ lùng. Gieo hạt giống xuống thấy nảy mầm xanh tốt và cho gạo dẻo thơm. Thế là người Thái dừng lại, cất nhà dựng bản và trồng lúa nếp từ thuở ấy...
Mùa vàng Tây Bắc
Rồi lớn lên, thấy nhiều anh chị kể về những câu chuyện lên Tây Bắc xem con gái Thái tắm tiên. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, hiền thục...
Mới nghe có vẻ như thô lậu và phàm tục, nhưng với những người đã từng ở Tây Bắc, hoặc am hiểu văn hóa Thái thì cảnh con gái Thái tắm tiên như là một nghệ thuật và là một phần không thể tách rời trong văn hóa Thái. Nếu thiếu cảnh trữ tình, nên thơ ấy, suối ngàn Tây Bắc sẽ kém đi vẻ lung linh huyền ảo. Tây Bắc sẽ phần nào kém đi vẻ đẹp dung dị nhưng vô cùng lãng mạn, nên thơ.
Thế rồi bước chân cứ rộn ràng, cứ có dịp là đi Tây Bắc, nhưng đi rồi đi mãi chỉ thấy những em bé cưỡi Trâu về bản trong chiều tà. Những lớp học lưa thưa vách liếp. Những cháu mần non mũi xanh lè chân đất. Cậu bé H'Mông bụng phanh trong cái rét của núi rừng.
Thế là thôi, huyền thoại tắm tiên có lẽ không phải dành cho mình. Một huyền thoại khác đã nhen nhóm trong trái tim bé nhỏ của mình - là những chuyến hàng - là những chiếc áo ấm hơn hay đôi dép, cái cặp sách - trang vở trắng cho các em. Là những giọt nước nguồn trong mát cho các em sinh hoạt thay vì tiếng róc rách của suối nguồn hàng đêm quanh thị xã Nghĩa Lộ từng ao ước ngày nào. Và nhiều nữa những ước mơ còn đang ấp ủ!
Huyền thoại tắm tiên với tôi giờ là đây.
(Em bé này tắm tiên khi nhiệt độ trời là 11độC, ngày 18/12/2011)

Ánh mắt này cũng là huyền thoại

Hàng ngũ tề chỉnh nhưng những đôi chân trần và manh áo mỏng.
Tôi đã đam mê Tây bắc từ đấy. Nhiều chuyến đi lắm, nhưng riêng Lao Chải thì có 04 lần đến nơi đây. Thời trai trẻ cũng đã từng ước mơ lên với La Pán Tẩn - Lao Chải "Thuộc Mù Cang Chải" để được đi và xem tận mắt thế nào là "Nơi lễ hội của ruộng bậc thang Tây Bắc". Nhưng 04 lần đi này lại tạm quên đi điều đó, lên với các em thơ và người dân H'Mông nơi này.
Chuyến thứ nhất là chuyến xe thồ để chuyển hàng từ thiện cho trẻ em cả xã Lao Chải giúp một chương trình thiện nguyện, lần đó cũng vui và nhiều kỷ niệm. Mình bị ngủ quên mặc dù xe đã chất dầy hàng tối hôm trước, làm ảnh hưởng đến gần 50 chiếc xe cùng đoàn, nhưng rồi mọi việc cũng thành công tốt đẹp.
Chiếc xe thồ lưng đèo Khau Phạ bên cô gái H'Mông.
Chuyến thứ hai là sau khi thành lập "Cơm thịt" bên bác Tuấn. Bác Tuấn bảo lúc này là lúc cần phát triển thêm nhiều điểm "Cơm thịt" thế là mình nghĩ ngay tới Lao Chải. Thế là bảy con người lại khởi hành lúc nửa đêm để kịp vượt Khau Phạ và 300km đường đất cho kịp bữa cơm trưa của các con tiểu học Lao Chải. Thế là "Cơm thịt" lại lo được cho 60 em nội trú dân nuôi từ ấy.
Từ sau bữa cơm này các con gặp "Cơm thịt"
Sau chuyến đi thứ hai về nhà, Xúa - hiệu trưởng Lao Chải lại gọi cho mình, nói "Anh ơi, có người cho Lao Chải 07 bộ máy vi tính đã qua sử dụng, anh lên được thì chuyển lên cho Lao Chải giùm em". Vậy là chuyến đi thứ ba được thành lâp. Một mình mình chuyển 07 bộ máy lên đó thì hoài của quá, đằng nào cũng một công. Đang lăn tăn thì gặp một nhóm các Bác sỹ viện Lão khoa TƯ. Ok, có thêm thuốc - sách truyện và quần áo cho các con rồi. Lên đường nào và được một lần vượt Khau Phạ trong dò dẫm của sương mù đặc quánh như kem. Chuyến đi của giao thừa 2011 - 2012.
Các em thơ Lao Chải tiếp khách trong ngày nghỉ tết dương lịch
Và gần đây nhất, vừa xuống xe sau chuyến đi thăm một trung tâm bảo tr[j trẻ em ở Huế, một anh bạn gọi điện giục giã "Gặp nhau ngay! Có một số bạn bè muốn tặng quà tết cho bà con và các em nhỏ miền núi". Mệt quá, nhưng không thể chối từ bởi Xéo Dì Hồ "thuộc Lao Chải" có hơn 500 em thơ và những bà con H'Mông đang cần lắm những chiếc áo ấm, những đôi dép, gói bột ngọt để các con đón tết Nhâm Thìn thêm ấm áp. Thế là 12 người và hàng hóa được xuất phát trong đêm chực chỉ Tây Bắc sau khi khẩn trương mua sắm thu gom.
Mai là tết Ông Công - Ông Táo rồi, có áo ấm thêm rồi.

Chưa hết đâu thưa các bạn. Xéo Dì Hồ vẫn đang thiếu nước sạch, lại sẽ còn lên đây. Con đường đất đá cheo leo lỏn nhỏn dài gần 8km mà chỉ có bạn Thủy - "Sống thật chậm" mới có thể lột tả hết sự kinh hoàng như sau:
"Thói thường, khi sợ hãi thì ai cũng nhắm tịt mắt lại, nhưng tôi vừa thử nhắm mắt lại cho đỡ sợ đã phải mở choàng mắt ra vì một nỗi sợ còn lớn hơn: nhắm mắt nhỡ văng xuống vực thì biết đằng nào mà bám. Cái xe nhảy chồm chồm trên dốc đá hẹp, những hòn đá lớn bé trơn nhẫy lổn nhổn trên đường như những cái bẫy chỉ chực chờ bánh xe cán sượt qua. Một bên là khe sâu, một bên là vực thẳm, nghĩa là nếu xe đổ, ta chẳng có cơ may ngả về bên nào để tìm cơ hội sống sót cao hơn. Trước lúc đi chồng tôi có dặn mang mũ bảo hiểm khi nghe có đoạn đi xe máy vào trường, tôi luýnh quýnh vì giờ khởi hành thay đổi sớm lên nên quên béng. Ngồi trên chiếc xe máy đó tôi thực nghĩ, cần gì mũ cơ chứ, ngã xe ở đây thì có mặc áo giáp cũng nhừ xương chứ đừng nói đến đội cái mũ bảo hiểm con con…"
Có lẽ vì con đường ấy mà chúng tôi sẽ thêm quyết tâm mang lên đây một bể nước xây khoảng 8m3. Xéo Dì Hồ lại hẹn tôi và hẹn các bạn trong một huyền thoại Tây Bắc!

Mời các bạn đến với Tây Bắc!

17 nhận xét:

  1. Cho phép mình kéo bài này về Gánh hàng xén nhé. Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin chào bạn ,chúc bạn và gia đình một năm mới vui vẻ ,sức khỏe dồi dào ,an khang thịnh vượng để giúp đồng bào nhé .
      Ngày nhỏ tôi có đọc được một quyển truyện nói về vẻ đẹp miền Tây Bắc,với những đồi phủ trắng hoa mận ,và học thuộc bài hát:ứ ..a ,ứ a nừa...mây nhừa ..ứ ...ư.Mẹ thương con từ trên đỉnh núi....ứ a...ứ a nừa mây nhừa chim bay...Đại loại như thế ,giờ quên hết rồi.
      Những năm 1978 mình cũng đi vùng sâu thật sâu ,xa thật xa(phải có người thông dịch tiếng kinh,đàn bà con gái thì vú vê thả rông ,con trai thì đóng xà lỏn ),Xe bị lăn xuống vực ,nên khi quay trở lại thành phố phải đi bộ 2 ngày đường ,mới tới bến xe buýt ,để từ đó mới về thành phố Đà nẵng bằng xe .Lương thực hết ,bọn mình có sáng kiến ,dọc đường ghé vào các buôn làng khám bệnh để ...được ăn ,được ngủ . Mình nhớ gặp buôn làng này đang cúng thần gì không biết ,họ chắn đường vào buôn làng bằng một cành cây tươi ,cấm người vào .Ôi giời ,đói quá ,chân không thể lê được nữa .Chị thông dịch (người dân tộc ) vào dân vận ,họ liền cho vào ,và mình đã được chứng kiến tục đâm trâu từ đầu đến cuối.Sau cùng ,vì là khách (không mời )quý nên bọn mình mỗi người được chia một xâu gồm :tí gan ,tí tim ,tí thịt (còn cả da và lông ),tí phổi ...mình ngồi lọc lấy thịt,xem cái nào ăn được thì ăn ,còn không thì...bỗng chị thông dịch bảo :họ đang nói là cán bộ nó tởm ,không dám ăn đấy.Tôi sợ quá ..láo liên :cán bộ muốn chia cho dân ăn cùng (vì lúc đó dân làng vẫn chưa có phần )và lại lôi miếng da còn nguyên lông ra để chia ,không dám vứt nữa .Lắm lúc cũng xấu hổ vì lừa dối họ ,nhưng nói dối mà không làm hại ai thì chắc được .Phong cảnh thì rất đẹp ,nhưng ngày đó ngu lắm không biết thưởng thức gí cả ,kêu ca rừng núi âm u ,khỉ ho cò gáy ,giờ nghĩ lại tiếc quá .
      Mình rất tâm đắc bài tình bạn của 2 chú thạch sùng mà bạn sưu tầm ,rất cảm động ,cảm ơn bạn nhiều nhé.

      Xóa
    2. Xin chào,chúc bạn và gia đình một năm mới vui vẻ sức khỏe ,an khang thịnh vượng để còn giúp đồng bào ta dài dài.
      Mình rất thích câu chuyện tình bạn của hai chú thạch sùng mà bạn đã sưu tầm ,bạn giống chú thạch sùng mười năm đi tha mồi về nuôi bạn mình quá.
      Mình ngày còn trẻ cũng đi vùng sâu vùng xa,nơi mà trai đóng khố còn đàn bà con gái vú vê thả rông ,mà phải có thông dịch vì tiếng Kinh họ không hiểu ,mình đã được ngủ nhà rông ,ăn thịt nai rừng đựng trong ống tre gác trên gác bếp ,ăn cháo đựng trong lá chuối...được nói chuyện với Già làng (oai không ),không cần phiên dịch (Vì Già biết tiếng Kinh ,chứ không phải mình biết tiếng Dân tộc đâu )phong cảnh thì đẹp vô cùng ,nhưng ngày ấy chỉ lo :ăn cho no để lo nhiệm vụ thôi ,nên có biết thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng đâu ,còn chê là khỉ ho cò gáy ,bây giờ nghĩ lại tiếc quá .Cho nên mới nói bạn thật là hạnh phúc ,vừa giúp được mọi người lại vừa được thưởng thức phong cảnh đẹp.Trời thương bạn quá,mình ghen đấy .

      Xóa
  2. Tuyệt vời thanhvdgt1, ước gì tôi được rong ruổi cùng cậu lên với người dân vùng cao. Thương lắm không chỉ các cháu bé. Thương tất cả những gì thuộc về vùng cao. Nhất định sẽ có dịp tôi đi cùng cậu thanhvdht1 nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn chị Hường đã chia sẻ. Chị tính những năm đó ai mà nghĩ đến phong cảnh đâu chị, bụng còn chưa no mà. Năm 1993 em lần đầu tiên đi xa nhà theo chương trình làm đường ATK. Trọ trong nhà dân ở đỉnh ngọn núi Hồng - đầu nguồn con sông Công, gọi là Tỉn keo - Đèo De, đêm đến còn không dám ra khỏi nhà trọ. Vậy mà đã mấy chục năm rồi, không biết những người dân đã cưu mang mình ai còn ai mất. Từ bấy đến nay em vẫn còn mối nợ đó chưa trả được!
    Mong chị có thời gian ghé qua thăm trang blog này thường xuyên - chúc chị luôn sức khỏe và yêu quê hương Việt Nam!

    Trả lờiXóa
  4. Cam on thanhvdgt1 da goi link nay de minh duoc cung rong ruoi vung cao.
    Chuc ban mot ngay tuyet voi.

    Trả lờiXóa
  5. Lòng tham của con người uôn bất tận nên thường những người đang được hường sự yêu thương sẽ chẳng bao giờ biết dừng lại để hài lòng. Sự tham lam về sự yêu thương cũng chẳng tốt lành như việc tham lam tiền bạc đâu nếu như họ không kiềm chế được cách sống ích kỷ ấy. Nên thỉnh thoảng em cứ khoác ba lô rồi lên đường tới những người họ sống không bao giờ biết tham lam. Cho thì họ nhận chứ họ cũng chẳng cần và họ cũng chẳng thấy mình thiếu gì để mà xin.
    -----
    Em hãy sống tử tế thì nhất định sớm muộn gì em cũng sẽ được đáp lại bằng sự tử tế em trai thương yêu của chi ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói rất đúng,đã có lần tôi nói chuyện với một tín đồ Hồi giáo ở Ai cập (cũng nghèo nàn như vùng Tây Bắc mà Thành đến ),họ nói họ rất hài lòng với những gì mà thánh Ala ban tặng cho họ ,họ không đòi hỏi gì cả .
      Cái tốt nhất là kết hợp với chính quyền địa phương cùng các ban nghành nghiên cứu cải cách lao động trồng trọt ,chăn nuôi cho thích hợp với địa phương.Có ai đã nói "khi người ta đói ,hãy chỉ cho họ cách làm ra cái bánh để mà ăn ,thì tốt hơn là cho họ một cái bánh ".Nhưng để làm ra hoàn chỉnh một cái bánh ,cần cả một guồng máy xã hội ,các ban ngành...mà ở ta thì ...chắc còn chờ lâ..u lắm ,nên việc cứu đói ,cứu rét trước của Thành rất đáng hoan nghênh .Mong rằng chính quyền noi gương đó ,biết xấu hổ mà lo lắng cho người dân .Lúc đó họ sẽ mời Thành làm tổng giám đốc xóa đói giảm ngèo đây nhé.

      Xóa
  6. Phải có cách gì chứ ? Ai lại cứ xe cát thế này ư ?????

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu hỏi khó quá, em cũng thấy nản đôi khi, nhưng biết làm sao. Đường còn dài ngày mai ta đi tiếp anh ạ!

      Xóa
  7. Cứ đành tuổi nhỏ làm việc nhỏ chơ biết làm sao!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em nhất trí cao với Zoe đáng yêu nhất của em. Tùy theo theo khả năng và nhiệt huyết của từng người thôi. Mình đâu có phải là các nhà hoạch định ra chính sách. Mà chính sách của mềnh thì ai cũng đã rõ nên bàn cái làm gì Zoe nhỉ?

      Xóa
  8. 4"Câu hỏi khó quá, em cũng thấy nản đôi khi, nhưng biết làm sao. Đường còn dài ngày mai ta đi tiếp anh ạ!" - thanhvdgt1

    Hình như có lần em nói với anh là đi làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa không dễ, không phải cứ có tấm lòng, tiền là được.

    Phải có một dàn "đồng đội" cùng chí hướng và có những người trong giới nghệ sỹ tên tuổi viết bài thức tỉnh cho cộng đồng, kiểu như Bill Gate ở Mỹ lôi kéo nhiều đại gia tên tuổi khác vào cuộc. Cái quan trọng không phải là họ sẽ tham gia-nhập nhóm mà từ những người đó tự động làm một việc gì đó, huặc cũng lập nhóm để làm việc thiện.

    Trước có thời gian em sinh hoạt ở hội du lịch trên TTVNOL em biết, phải có một số anh "cộm cán" đi nhiều có số có má kêu gọi thì cộng đồng mạng mới hưởng ứng. Chứ có những nick (lạ hoắc) vào kêu gọi chẳng ai quan tâm mấy.

    Trong những cựu biểu tình viên của mùa hè 2011, thì anh là một người như thế, có tố chất cao làm thủ lãnh. Nếu blog Xuân Diện mà có chủ trương như của anh, rồi hội bóng đá gì đó mà còn gắn kết được thì rất hay. Cũng là giữa lửa tình yêu quê hương, tình yêu con người ...chứ không lẽ cái chuyện biểu tình nói mãi thì nhàm mà không cần thiết nữa.

    Còn nếu không những việc của anh đã làm nó sẽ đơn lẻ như rất nhiều trường hợp âm thầm, lẻ tẻ khác vì thực tế nhiều người làm từ hiện họ cũng chẳng cần/muốn ai biết để làm gì. Nhưng để tạo thành một luồng sinh khí, một phong trào cho tuổi trẻ thì phải có những người nhiệt huyết và có tên tuổi.

    Với một/nhóm cá nhân thì quả là khó khăn nhưng nếu có 1 vài trăm người thì tình hình lại khác. Khi đó có thể gây tiếng vang cho những nhóm tự do khác và biết đâu tác động tới chính những người lãnh đạo của Đoàn TNCHSCM, để họ tự phải đề ra một chủ trương, chính sách làm những công việc tự nguyện, miệt mài như của anh ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn em đã hơi quá lời khi nói anh có tố chất gì đó, bình thường thôi em ạ, chỉ có chút kinh nghiệm bởi anh đã từng làm một số công tác quản lý trước đây.
      Còn lại em hoàn toàn nói đúng về công việc từ thiện này, cũng vô vàn khó khăn vì điều đầu tiên là điều kiện tài chính, kế đến là niềm tin. Nhưng thôi cứ âm thầm em ạ, một hạt muối không làm thêm vị mặn mòi của biển nhưng cũng làm đậm thêm một chén canh. Anh chỉ nghĩ, một manh áo thôi cũng đủ mang đến đâu đó một chút ấm, vậy nên anh cứ làm, làm cho đến hết khả năng.
      Chí ít cũng đã có những người bạn nhất định đang đồng hành cùng mình, ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất để anh có thể làm tốt hơn, hướng đến một điều tốt đẹp hơn!

      Xóa
  9. Chương trình nước sạch cho Xéo dì hồ thế nào rồi đ/c Thành ơi, cho tôi được tham gia với?

    Trả lờiXóa