Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

XÉO DÌN HỒ - MỘT CHUYẾN ĐI ĐÁNG NHỚ

Lê Thúy Hoan - Nguồn: guihuongchogio
Hòa cùng niềm vui và hạnh phúc cùng các em thơ
và bà con dân tộc H'Mông nơi đây.
Thế là chỉ sau mấy ngày ngắn ngủi, thay vì việc quyên góp và nhờ nhóm bạn Tờ rang giúp đỡ, chúng mình đã cùng phối hợp và tổ chức được chuyến đi của riêng mình. Để đến được với Xéo Dìn Hồ, phải kể đến sự giúp đỡ cực kỳ nhiệt tình của anh Hoàng Hải Bằng, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của các bạn nhóm Vì ta cần nhau của chị Chung Le, và sự quyên góp rất đáng kể (so với thu nhập) của các bạn làm cùng Bảo tàng với mình: chị Hương, chị Hà, của mình (hơi kể công nhể), đặc biệt của chị Tuyết Thanh và anh Hà - những người sẵn sàng tài trợ mọi khoản cần thiết để chuyến đi diễn ra tốt đẹp.


Lúc đầu đoàn dự định rời Hà Nội lúc 4h sáng. Ngay từ 8h tối thứ bảy, tất cả mọi người đã có mặt. Hàng hoá được tập kết tại tầng 1 nhà chị Tuyết Thanh ở ngõ 82 phố Chùa Láng. Vì đường vướng cây nên xe to không vào được, cả nhóm nghiễm nhiên trở thành những ‘cửu vạn’ khoẻ mạnh, chuyển hàng dưới trời mưa từ nhà ra xe. Thời gian xe lăn bánh được rút xuống là 2h sáng, sau đó lại là 12h đêm. Rời Hà Nội trong tiết trời lây phây mưa bụi, chiếc xe ù ì lăn bánh trong đêm. 7 rưỡi sáng thì đoàn dừng chân ở Tú Lệ ăn sáng. Tiết trời cuối đông miền núi mù sương mặc dù những tia nắng đã le lói ở đằng đông. Trên con đường trải nhựa, bò, chó tham gia giao thông cùng với ô tô, xe máy. Chị Giáng Hiền mải mê thử trang phục dân tộc Thái để chụp ảnh lưu niệm, cả đoàn còn mê mải ngắm và vặt những trái hồng cuối vụ vàng rực rỡ trên những cành cây trụi lá. Anh Hà hào phóng tặng mỗi chị em một chiếc khăn quấn đầu của người Thái nhưng hầu hết mọi người đều từ chối. Anh ấy cũng chả quên kiếm thêm một giỏ xôi nếp đầy ự để phòng thân, đoàn tiếp tục hướng về phía Mù Cang Chải thẳng tiến.
Càng đi, con đường càng khúc khuỷu gập gềnh, nhưng đất trời dường như càng bao la. Từ trên đỉnh núi cao, nhìn xuống phía dưới mới thấy hết vẻ đẹp của núi ấp mây, mây ấp núi. Nắng vàng rực rỡ như thể đang độ mùa thu. Mây trắng, trời xanh, cây cũng xanh, chỉ có con đường là bê bết bùn lầy và ổ voi. Chiếc xe thi thoảng cứ khựng lại rồi lại rì rì bò tiếp. Có lúc máy xe nóng quá, cả đoàn phải xuống để xe nghỉ. Anh lái xe vui tính bỗng trở nên âu lo và lặng lẽ.

Lên đến Mù Cang Chải thì cũng đã 2h chiều. Các thầy giáo của trường Xéo Dìn Hồ cùng với thanh niên trai tráng trên bản đã tập trung đông đủ cả 35 người đón đoàn trên đường cái. Hàng hoá nhanh chóng được chuyển xuống, ưu tiên đồ mới được chuyển lên trước, đồ cũ để lại chuyến sau. 11 anh chị em trong đoàn cũng được 11 con xe gồm Win, Min, Wave Tàu… thồ lên núi. Quãng đường (nếu có thể gọi là đường) 8km từ chiếc cầu treo vắt qua sông lên trường Xéo Dìn Hồ ở đỉnh núi có thể nói là một thảm họa cho bất kỳ ai, nhất là những người lần đầu lên núi. Chiều rộng của đường du di trong khoảng 1m đến 2,5m. Bên trái là núi, bên phải là vực sâu hàng trăm mét, sâu phía dưới là các thửa ruộng bậc thang. Mình luôn ở trong tư thế sẵn sàng quăng máy ảnh, bám vào những bụi cây dương sỉ thấp lúp xúp nếu xe đổ. Mình cũng nghĩ đến việc thi thể mình sẽ ra sao nếu lăn xuống dưới kia.

Rồi cũng lên đến trường. Hàng trăm người đã đợi đoàn từ sáng: già trẻ, lớn bé, tất thảy đều là người H’mông. Đoàn nhanh chóng phối hợp với các thầy cô giáo để phát áo ấm, dép, mũ len, chia bánh kẹo cho các con, rồi tặng quà (gạo, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo) cho 35 hộ. Khỏi phải nói các em vui thế nào khi nhận được quà. Nhưng một điều dễ nhận thấy là đồng bào ở đây có lòng tự trọng rất cao. Quà được tặng thì nhận, không thấy hiện tượng tranh giành, xin thêm, đòi đổi… Và họ chỉ nhận khi được trao tận tay. Các anh trong đoàn ân cần mặc quần, đội mũ, đi dép cho các con. Các chị thì dịu dàng chia kẹo. Chị Giáng Hiền vừa đưa kẹo bánh cho các con vừa chan hoà nước mắt. Mình thì lăng xăng với cái máy ảnh hỏng phía bên trái ống kính, nên toàn chụp ra những bức ảnh nhạt nhoà.

Chia hết đồ mới, đoàn tiếp tục lấy đồ cũ ra cho bà con và các em học sinh. Mình nhìn thấy quần áo của các con mình nay được trao lại cho các em bé H’mông mà cay hết cả sống mũi. Chỉ là những chiếc áo quần đơn sơ, nhưng nó gợi lại cho mình biết bao nhiêu kỷ niệm: mình mua nó ở đâu, con mình mặc nó vào những dịp nào... Dường như có một sợi dây liên kết vô hình giữa những đứa trẻ đang ôm vào lòng những tấm áo kia với những đứa con ruột thịt của mình, bỗng thấy các bé sao gần gũi, thân thương đến thế, và thấy xót xa cho sự sắp đặt của số phận. Nếu được lựa chọn, hẳn là các em chẳng bao giờ muốn được sinh ra và lớn lên ở cái vùng sơn cùng này, nơi đất đá khô cằn, cây không thể mọc lên, đến nước ăn cũng không có.

Phát quà xong, mình cùng các anh đi xem nơi ăn, chốn ở của các thầy cô cắm bản. Những căn phòng ọp ẹp nằm nép mình vào núi, chỗ tắm được quây bằng vải bạt, nơi vệ sinh xa tít trên núi cao, một khoảnh rau xanh tự tăng gia. Ở đây thiếu nước, mỗi thầy/cô sắm cho mình một chiếc can 20l, họ vào bản xin nước sinh hoạt của dân. Nghe nói chả mấy khi họ có đủ nước để tắm, chỉ lau người thôi, thế cũng còn là sạch chán so với người H’mông.

Đoàn xuống núi khi trời vừa nhạt nắng. Quãng đường xuống có vẻ còn hãi hùng hơn cả quãng đường lên. Mình ghì chặt hai tay vào gác ba ga xe máy mà cả cơ thể cứ đổ dồn về phía cậu lái xe nhìn nhỏ con chỉ như con trai mình. Nín thở và chẳng dám thốt lên một lời nào cho đến khi xe xuống đến chân cầu treo, mình đề nghị cậu lái xe cho mình xuống. Tự sướng vài kiểu ảnh nhạt nhoà trên cây cầu treo đã lỗ mỗ thủng vài nhịp, cả đoàn trở về xe. Ai cũng đói mềm vì hoá ra cả đoàn mới ăn sáng từ 7 rưỡi.

Về đến Hà Nội lúc 5 rưỡi sáng, quãng đường từ nhà chị Tuyết Thanh ở phố Chùa Láng về đến nhà mình trong cái giá lạnh buổi sớm sao mà dài đến thế. Sau khi tắm gội, dự định ngủ 1 tiếng, khi tỉnh dậy thì đã 10h trưa, vội vàng đi chợ để cúng ông Công ông Táo trước 12h. Chả biết ngái ngủ thế nào, mình hoá vàng nhầm lẫn hết cả, đốt hết cả bộ ông Ba mươi trước khi đốt bộ ông Công ông Táo. Thôi, mong là các cụ hiểu và xá tội.

Khi rời Xéo Dìn Hồ, mình chả dám hứa gì, bởi mình biết mỗi lời hứa sẽ làm lòng mình day dứt. Sự giúp đỡ của những người như mình chỉ như một giọt nước trong biển cả, song không phải ai cũng dễ dàng góp một giọt nước ấy cho cộng đồng. Chính mình cũng đã nhận được nhiều lời hứa giúp đỡ Xéo Dìn Hồ, nhưng cho đến hôm nay, nhiều lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Mình không trách ai, cuộc sống còn biết bao lo toan, chỉ biết tự nhủ với mình, sẽ cố gắng tiếp tục góp một phần nhỏ bé để đem đến cho những em bé nơi đây một cuộc sống tốt đẹp hơn.

6 nhận xét:

  1. Tem nhé. Bận ơi là bận em giai ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng chả có việc gì mà bận vãi chưởng chị ạ. Mưa gió sợ quá, ướt hết cả rồi.

      Xóa
  2. Em giai chị chỉ bận đầu tư ra TY toàn quốc thôi Zoe xinh ơi! Lo và chăm vợ chăm con chu đáo 3 ngày tết nha!
    Tạm biệt Cupid chị zìa wê đây. Hẹn gặp lại trên đỉnh núi mây mù với vốc thuốc chết người ấy nhé thằng em!

    Trả lờiXóa
  3. "Khi rời Xéo Dìn Hồ, mình chả dám hứa gì, bởi mình biết mỗi lời hứa sẽ làm lòng mình day dứt. Sự giúp đỡ của những người như mình chỉ như một giọt nước trong biển cả, song không phải ai cũng dễ dàng góp một giọt nước ấy cho cộng đồng." - Trích blog thanhvdgt1

    Ai có xu hướng hoạt động xã hội, từ thiện, hướng đạo (nếu có) gặp phải trường hợp của anh thì cũng sẽ có suy nghĩ giống anh. Bó tay.com

    2 ngày trước, em cũng phóng xe máy lòng vòng đi qua mấy tỉnh Tây Bắc xem bà con đón tết như thế nào (thỉnh thoảng cũng thế). Càng xa ngoài rìa thủ đô càng thấy khác, và càng trèo lên cao thì càng thấy khác. Dù có khá hơn so với 5-10 năm trước nhưng vẫn lệnh pha so với các vùng nông thôn đồng bằng bắc bộ.

    Những việc các anh/chị làm cũng có những người như thế đã-đang và tiếp tục làm. Nhưng cho dù tất cả những người hảo tâm, toàn thể dân mạng có dồn sức vào cũng chỉ nói lên tấm lòng nhân hậu, động lòng trắc ẩn, tình cảm "người Việt yêu người Việt". Về lâu về dài Điện-Đường-Trường-Trạm và Thông Tin là những cơ sở hạ tầng căn bản, những cái này thuộc tầm cỡ quốc gia, chúng ta chẳng có thẩm quyền gì để góp sức.

    Có chăng chúng ta phải lên án tham nhũng, thất thoát-lãng phí, vạch mặt bọn sâu bọ... như vậy bắt đầu bước 1 chân sang lĩnh vực chính trị. Tiền bạc của đám này ít nhiều xây thêm những con đường, các trạm viễn thông, trạm điện...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay lắm!
      Vừa tối qua tôi vừa nói chiện với một người bạn vè vấn đề: Sao không cho người dan nghèo cái cần câu mà lại cứ đi cho con cá?
      Tôi có chủ kiến rằng: Cái cần câu chính là điện - trường - đường đó, cái đó phải chính phủ thu tiền của Dân và tài nguyên của đất nước "cũng là của Dân" đầu tư cho những nơi còn thiếu. Có phải tiển củ riêng ai đâu, nhưng chúng nó cho vào đầy túi tham của chúng nó rồi "Bọn có quyền để có thể vơ vét ấy". Vậy nên điện - trường - đường còn nhiều nơi thiếu lắm.
      Còn ai đó nói: Sao không cho họ cái cần câu, tôi nghĩ đó là ngụy biện, mỗi cá nhân chúng tôi cho được con tép riu vậy cũng là cố gắng lắm rồi.
      Cám ơn chú em Đức!

      Xóa