Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Sự nhu nhược của triều đình

Lịch sử dân tộc VN ta là lịch sử chống xâm lăng gắn liền với những chiến công hiển hách. Nhân dân thì bao giờ cũng anh hùng, chỉ có “triều đình” hoặc là sáng suốt, dũng cảm hoặc là nhu nhược, khiếp sợ quân giặc. Chính vì vậy, nếu “triều đình” nào sáng suốt, dũng cảm, lãnh đạo giỏi thì bất cứ kẻ thù nào, dù mạnh đến đâu, cũng đều bị ta đánh bại.
Ngược lại, nếu “triều đình” nào nhu nhược, khiếp sợ quân giặc, lãnh đạo kém thì đều dẫn đến nguy cơ mất nước.
Ta hãy xem nguyên nhân do đâu mà nước VN mất về tay Pháp và phải chịu ách đô hộ hơn 80 năm trời?
Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là sự nhu nhược của triều đình Huế. Năm 1802, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn hai thế kỷ, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô tại Huế. Nguyễn Ánh lại sai sứ sang nhà Thanh cầu phong – An Nam quốc vương, cống nạp 3 năm một lần, 200 lạng vàng, 1.000 lạng bạc và các báu vật khác. Mặc dù phải triều cống, song không phải mọi cái Huế đều bắt buộc phải “thỉnh thị” Bắc Kinh.
Nền ngoại giao triều cống là sản phẩm lịch sử của các triều đại phong kiến, một mặt nó nói lên sự thần phục đối với “thiên triều”, mặt khác, nó thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt – một kế sách giữ nước vì sát ngay VN là “người láng giềng khổng lồ phương Bắc” lúc nào cũng sẵn sàng xâm lược, đặt ách đô hộ lên dân tộc ta.
Nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên quy về một mối, có một chính quyền duy nhất, việc quản trị đất nước hết sức chặt chẽ, nhưng lòng dân không yên. Dù thống nhất đất nước nhưng triều Nguyễn để mất lòng dân nghiêm trọng. Mà mất dân là mất tất cả. Chưa đến 100 năm tồn tại mà triều Nguyễn xẩy ra hơn 400 cuộc khởi nghĩa là đủ rõ. Sở dĩ có nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra là do chính sách cai trị hà khắc, người dân mất đất, ly tán quê hương, đời sống vô cùng cơ cực. Triều đình chỉ bày cách làm lễ tế trời, ăn chay vài bữa, vua quan làm vài bài thơ “sám hối” là coi như xong trách nhiệm, lại tiếp tục xây cung điện, lăng tẩm.
Chúng ta lưu ý, một trong những “triều đình”xây dựng nhiều cung điện, lăng tẩm nhất chính là triều Nguyễn.
Với cái nhìn thiển cận, triều đình Huế không dự kiến một cuộc xâm lăng từ phương Tây, không chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ độc lập dân tộc. Cho đến khi quân Pháp đánh chiếm Gia Định rồi mà triều đình vẫn còn lập luận rằng, Pháp xa ta lắm, họ lấy nước ta, cắt đất ta để làm gì. Họ chỉ cần mấy rẻo đất để lập thương điếm mua bán kiếm lời và truyền đạo, cùng lắm là gây chiến để đòi bồi thường chiến phí cao mà thôi!
Nói cho công bằng, triều đình Huế cũng chú trọng việc phòng thủ, nhưng không phải phòng thủ để bảo vệ đất nước mà là phòng thủ để chống lại các cuộc nổi dậy của nhân dân! Thời Gia Long đã có một đội quân thường trực tới 160 ngàn người. Thời Minh Mạng, Tự Đức quân đội còn đông hơn nữa. Nhưng quân đội chủ yếu vẫn được sử dụng trong nhiệm vụ trị an chứ không phải vào việc phòng thủ đất nước chống ngoại xâm.
Ngày 1.9.1858, quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Ngày 2.9 họ chiếm xong Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Quân VN rút lui về lập phòng tuyến chặn địch ở bờ biển. Quân Pháp lại vào chiếm Gia Định. Các đại thần triều đình Huế ngây thơ nghĩ rằng, lâu nay ta lạnh nhạt với họ, họ bị các nước láng giềng chê cười, cho nên họ đem quân đánh ta để được hòa! Làm quan đại thần mà lập luận quái gở như thế và nhà vua vẫn nghe – còn quái gỡ hơn nữa!

Bốn năm sau, ngày 5.5.1862, triều đình Huế ký kết hòa ước, nhận cắt ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường cho Pháp, lại còn phải trả cho Pháp 20 triệu quan chiến phí. Đổi lại, triều đình chỉ được Pháp hứa là sẽ cho chuộc lại ba tỉnh. Tất nhiên, làm gì có chuyện Pháp cho chuộc lại ba tỉnh, chỉ thêm sự khờ khạo tột bậc của vua quan triều đình Huế thôi. Việc cắt đất sao mà triều đình đồng ý dễ dàng đến thế. Triều đình cũng mù tịt, không biết gì về sự sa lầy của Pháp trong cuộc chiến tranh với Mê-hi-cô ngay trong những năm 1862-1863 để có thể lợi dụng tình thế ấy.

Sự nhu nhược của triều đình Huế còn tăng hơn nữa khi mà cuối năm 1870, chiến tranh Pháp – Đức nổ ra và Pháp đại bại. Quân Pháp ở Nam Kỳ nghĩ rằng chỉ còn chờ quân triều đình đến tiêu diệt. Bấy giờ, nếu quân triều đình tiến công quân Pháp thì hoàn toàn chắc thắng. Ấy thế mà không, ngược lại, Tự Đức lại cử một phái đoàn vào Sài Gòn, “chia buồn” về việc Pháp bại trận, đồng thời dò hỏi khi nào Pháp trả lại 6 tỉnh cho triều đình. Câu trả lời của Pháp là không bao giờ – tất nhiên.

Không dám đánh địch, chủ trương mềm mỏng, “hảo hảo” với kẻ xâm lăng, nhu nhược, tất yếu sẽ đưa đến đầu hàng, mất nước.

Không chớp lấy thời cơ đánh lấy lại Nam Kỳ lục tỉnh, triều đình Huế chỉ biết án binh bất động, kiên trì đường lối hòa bình với Pháp, mong được lòng Pháp để chuộc lại đất đã mất. Pháp không những không cho chuộc lại mà còn tiến quân ra Bắc Kỳ, đánh chiếm Hà Nội chỉ với 100 quân, 3 tàu chiến nhỏ. Quan quân triều đình chỉ biết bó tay quy hàng.

Thế nhưng, trong tình thế khẩn cấp, đại quân triều đình từ Tây Bắc và các tỉnh tự động kéo về Hà Nội, đánh trận Cầu Giấy, Gác-nhê bị tử trận, quân Pháp tháo chạy. Quân Pháp bị vây trong các thành Hải Dương, Nam Định và Ninh Bình đều không thể chạy về Hà Nội, chỉ còn chờ chết. Ấy thế mà Tự Đức cho rằng, giết được Gác-nhê chỉ là kết quả nhất thời, đột xuất mà thôi. Nếu đánh thắng họ cũng khó giữ lâu dài được? Tự Đức liền hạ lệnh cho tư lệnh chiến trường Hoàng Tá Viêm phải ngưng chiến để hiệp ước với Pháp được ký kết – ngay trước giờ quân Pháp bị tiêu diệt không còn một mống. Bấy giờ quân Pháp chỉ còn một dúm chờ chết trong Hà thành, bị cả vạn quân ta bao vây, chỉ còn sống được vài hôm nữa mà thôi. Thế mà, ngay trên thế mạnh của mình, triều đình Huế lại ký kết hiệp ước 1874 – một hiệp ước ngu ngốc nhất (lời Giáo sư Trần Văn Giàu). Hiệp ước 1874 đã công nhận chủ quyền vĩnh viễn của Pháp ở Nam Kỳ và nhiều điều khoản mất danh dự dân tộc khác. Từ đây, VN hoàn toàn lệ thuộc Pháp.

Dù sao, điều làm ta cảm kích là Lê Tuấn, một trong hai người ký hòa ước đã buồn rầu tự tử vì ông tự xét thấy đây là một hòa ước bán nước. Còn hơn trong lịch sử, nhiều kẻ ngang nhiên cầm bút ký bao nhiêu hiệp ước bán nước khác mà vẫn vênh vang!

Cho đến tháng 9.1945, với thiên tài Hồ Chí Minh, nước VNDCCH ra đời trong cái chớp mắt của lịch sử. Liền đó, nó đã phải đối phó với đầy rẫy thù trong, giặc ngoài. Hai mươi vạn quân Tưởng kéo vào miền Bắc. Ba vạn quân Anh vào miền Nam. Nước Pháp lăm le tái xâm lược với một sức mạnh ghê gớm. Họ tiến hành khiêu khích để tìm một cái cớ gây chiến. Chính phủ Hồ Chí Minh yêu cầu đồng bào, bộ đội, tự vệ bình tĩnh, nín nhịn, tránh sa vào âm mưu của đối phương. Không cần bắt bớ, dọa nạt, giam cầm, tất cả đều nghe lời chính phủ, vì đường lối ấy sáng suốt và vì mọi người thấy chính phủ đại diện cho mình. Mặt khác, khi cần, để biểu dương lực lượng, chính phủ đã tổ chức những cuộc mít tinh, tuần hành rầm rộ, làm kẻ thù cũng run sợ, vì thấy dân chúng ủng hộ chính phủ. Một chính phủ sáng suốt, dũng cảm như thế, một nhân dân anh hùng như thế, làm sao cuộc kháng chiến chống Pháp không giành thắng lợi được?

Câu hỏi, trong lịch sử, có “triều đình” nào nhu nhược hơn triều đình Huế đã làm nước VN mất về tay Pháp – có lẽ không cần tới các nhà sử học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét