Nguồn: Facebook Đào Lê Tiến Sỹ
Tác giả. |
Vậy là tôi lại đi biểu tình. Hôm chủ nhật vừa rồi 5-8 là lần thứ ba tôi xuống đường để phản đối những hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền trên biển Đông của nước ta, để đấu tranh đòi công lý và hòa bình cho dân tộc, để lên tiếng thức tỉnh triệu triệu người Việt Nam hãy quan tâm đến vận mệnh đất nước, và đơn giản là để được thể hiện lòng yêu
nước. Ấy, nói thì hay thế chứ để được đi cũng chẳng dễ. Người ta (nhiều người lắm, lề phải, rồi bạn bè…) bảo mày đi thế là theo đuôi phản động, chống Nhà nước, mày chết. Ở nhà thì mẹ lo, lo sự an toàn, lo chuyện học hành, lo công việc sau này, những là đủ thứ lo khi thằng con cứ đi… yêu nước như thế. Thế nên hè năm ngoái sôi sung sục chuyện biển đảo nhưng đang ôn thi đại học, xin mãi mẹ cũng không cho đi. Năm nay mới được đi.
Nhưng cái chuyện được đi đã lấy gì làm khó khăn so với khi xuống đường thực sự. Xuống đường mới lắm nỗi gian truân, và cả gian nguy: công an có thể đàn áp, bắt bớ bất cứ lúc nào, nhẹ thì bị giữ đến chiều, nặng thì vài ba ngày, có khi bị đánh, bị trấn lột tư trang, hơn nữa thì cho đi cải tạo vài ba tháng... Đi thì hào hứng mà thật ra cũng thấp thỏm chưa biết sẽ thế nào. Nhưng đến cuộc biểu tình vừa rồi thì tôi đã thực sự… nếm mùi đời. Lần đầu được biết thế nào là công an bắt (mà ở nước mình, đã nghe công an bắt thì người ta phải nghĩ ngay đến cái sự thể ghê gớm lắm, “phải thế nào người ta mới bắt chứ”, tuy rằng chẳng thế nào cả, thực tế là bị bắt cóc), sống gần một ngày trong trại công an, ăn cơm trong đó, và làm việc với công an khi họ nói mình… vi phạm (dù chẳng biết là phạm gì???).
Sáng chủ nhật ấy tôi dậy sớm hơn mọi ngày cả tiếng đồng hồ. Việc đầu tiên là lướt mạng xem “binh tình” thế nào. Tối trước đã hẹn trước với một chú quen trong cuộc biểu tình trước. Chú nhắc lại kinh nghiệm “tác chiến” : “ Không đi sớm quá. Chờ đúng giờ là ào vào luôn. Không cần đông. Thành đoàn là đi luôn”. Tôi hỏi “Tình hình căng không chú?”. “ Có vẻ căng, sẵn sang tinh thần bị bắt” (Mẹ tôi đang ngồi đấy, không dám kể cho mẹ biết, không là có nguy cơ… ở nhà). Chú thông báo lại địa điểm: trước cửa đền Ngọc Sơn chứ không phải tượng đài cụ Lý như lời kêu gọi trên mạng (đại ý chú bảo là để “dương đông kích tây”, tôi cũng chả rõ). Vâng thì OK chú: 8h30 trước đền Ngọc Sơn (tượng đài Cảm Tử).
Đi tắm sáng cho mát rồi nấu mì tôm ăn. Bố rủ đi ăn phở cho có sức, nhưng mà thôi không thích. Định đập trứng nấu thì bố bảo cho hai quả vào. Lần nào cũng thế, bố mẹ tôi rất là quan tâm chuyện ăn uống, chỉ sợ mình thiếu. Nhưng chịu, một quả là no lắm rồi. Xong xuôi lúc 7h30, lên tìm áo mặc. Không định mặc áo cờ nữa. Phân vân mãi không biết mặc cái áo đen No-U FC hay là áo trắng cũng No-U vì thấy cái nào cũng đẹp, cũng muốn mặc (đi biểu tình cũng phải mặc đẹp chứ). Cuối cùng chọn cái trắng cho nó…tươi.
Bắt xe bus, ra đến bờ Hồ lúc 8h25. Đi thẳng ra tượng đài Cảm Tử. Ra chả thấy ai, quay về tượng đài cụ Lý. Đến đó thấy khá đông công an sắc phục và cả công an chìm (đã có kinh nghiệm mấy vụ trước nên nhìn là biết). Gặp những khuôn mặt quen quen, nhưng số này thì không biết. Đi thêm chút nữa mới gặp những gương mặt thân quen như cô Phương Bích, bác Nguyễn Tường Thụy, bác CCB Nguyễn Văn Dũng (tuy chưa hề nói chuyện với bác) và một vài cô chú anh chị nữa đã từng gặp lần trước nhưng không biết tên. Thấy một em áo No-U còn rất trẻ ngồi cạnh bờ Hồ (sau này biết là em Hà mới 15 tuổi, con cô Lan giáo viên dạy toán). Vui thật, đi “chiến đấu” mà gặp được đồng đội mới thấy ấm áp và vững tâm thêm bội phần. Đặc biệt là với cô Bích và bác Thụy, những biểu tình viên dày dạn và can trường, thì bố mình đã gọi điện gửi gắm mình từ tối trước (vì lần này bố không đi).
Đứng bên này đường trông sang bên tượng đài LTT thấy hình như mọi người bên đó định mở màn (lúc đó là đúng 8h30). Thấy bên đó lẻ tẻ quá, mà lực lượng an ninh rất đông, đang sấn lên để dẹp. Tiếng loa lại eo éo vang lên. Tôi sốt ruột quá, định sang mấy lần nhưng thấy bên này còn chần chừ. Bác Thụy bảo từ từ xem thế nào. Mấy phút sau đã thấy tin chú Lê Dũng bị hốt lên xe bus (trước đó có hai xe số 24 đỗ bên mạn trái tượng đài). Bên này anh Trí Đức có vẻ cáu tiết vì trước cảnh đó mọi người cũng có vẻ hơi nản: “Bắt thì bắt, một người chứ mấy người cũng có gì. Quan trọng là mình”.
Mọi người tập trung ở đó một lúc. Có chị bế con nhỏ qua, thấy đông người hỏi tôi có chuyện gì thế. Tôi bảo chị không biết à, biểu tình đấy, Trung Quốc nó vào cướp biển Đông mình rồi, nó xua tàu cá nó vào, nó mời thầu trên biển mình, rồi sau nó lấy nước mình chưa biết lúc nào. Chị ấy cười, đứng ngó một lúc rồi bảo: “Thôi chào chú nhá, mẹ con cháu đi dạo tiếp đây”. Rõ là nản, vâng thế chào chị.
Lát sau thấy mọi người hô “cụ Đức đến rồi, cụ Đức đến rồi”. Cụ đi bộ, đầu đội mũ tai bèo, một bên chú Lân Thắng, một bên chú T.B.K “hộ tống”. Hình như đến giờ phút này cụ đã trở thành một điểm tựa vững chắc, một niềm tin sáng suốt mà người ta thấy cần có để làm nên một ngọn đuốc chỉ đường, làm một tiếng gọi của hôm qua để hôm nay tiếp bước. Mọi người hô đi thôi, rồi cả đoàn êm ả chuyển động. Nói êm ả vì lúc đó đoàn đi không hô hào, không biểu ngữ, chỉ đi thôi. Ngay đó có người đẩy xe lăn ra mời cụ Đức lên. Và cũng ngay tại đó, chưa đi được mấy bước đã gặp ngay một ông cao gầy, đầu hơi hói, áo nâu sơ vin (nói thật trông cái mặt cũng không được tử tế cho lắm, gian gian kiểu gì) sấn ngay vào chỗ cụ Đức, làm gì thì tôi cũng không rõ vì đi đằng sau. Sau biết đấy là an ninh khu vực chỗ cụ Đức ở, cụ biết mặt, còn bảo: “Được, cho thằng này nó đi cùng. Càng vui”.
Nhưng mà không xong. Tay này quả nhiên rất đểu. Để chặn xe của cụ, hắn đứng quay lưng vào mặt cụ, trông rất phản cảm về lối ứng xử vô văn hóa đó. Lại một tốp thường phục nữa xông ra, không biết lực lượng nào mà bảo mời cụ vào làm việc (cũng chẳng rõ vào đâu). Mọi người phản đối ngay, chủ nhật không phải ngày làm việc. Và thế là hỗn loạn từ đó. Chúng xông vào lôi kéo xe cụ Đức, du đẩy giằng kéo rất dã man. Còn một chỗ hở ở tay đẩy, tôi cũng nắm vào để giữ mà thấy rung lắc dữ dội. Đám đông hét lên: “Cụ già mà đối xử như thế à?”. Nhưng không ăn thua. Một tốp công an sắc phục mũ bảo hiểm ập vào, và rất đông thường phục cũng vậy. Cánh sắc phục to như hộ pháp, vung tay, thổi còi loạn xạ. Thật nực cười khi một tên thường phục đang cố gạt mình ra ngoài lại bảo: “Bình tĩnh đi bạn, bình tình, không có gì đâu”. Không có gì thì sao anh phải làm thế? Anh hung hăng thế mà đòi tôi bình tĩnh à? Đúng là hết chỗ nói.
Mọi người hô to “Phản đối bắt người yêu nước”. Trong lúc hỗn loạn đó, tuy chỉ đứng cách đó mấy bước mà tôi không biết cụ Đức bị đưa lên ôtô lúc nào và như thế nào. Chỉ có sau đó là nhìn thấy công an đang cố nhét xe lăn của cụ vào đằng đuôi xe. Còn đang ngơ ngác thì đã thấy anh Trí Đức mặt đỏ gay, vẫn rất hăng hái: “ Kệ mẹ nó, bắt thì cho bắt. Cụ Đức bị bắt thì đã làm sao. Cứ đi thôi!”.
Nhưng chưa kịp đi thì lôi kéo, bắt bớ xảy ra. Anh Trí Đức vừa đứng ngay đấy thôi mà tôi không biết bị bắt lúc nào. Đang loay hoay giữa rừng an ninh thì gặp một tên thường phục, dáng người nhỏ bé, áo kẻ sơ vin, đang sục sạo, mắt đảo liên láo bỗng chỉ tay vào tôi hô : “Cho thằng này lên”. Ngay lập tức hai tên cũng thường phục xông vào nắm tay tôi mà lôi ra xe bus. Kinh nghiệm học được là không phản kháng quá dữ dội để bảo vệ mình, nên tôi vừa đi vừa chùn lại và hô thật to: “Công an bắt người! Công an bắt người!”. Đến cửa xe bus, cứ mấy tên ở dưới ủn lên, mấy tên ở trên kéo vào. Lên trên đã thấy nhiều người bị bắt, có cả bác Thụy, cô Bích, anh Elnino (Thế Anh), anh Trí Đức, bác Lê Hùng (mãi sau này mới biết bác), bác CCB Dũng, bác Xuân (cũng sau này mới biết),…
Vẫn “máu” nhất là anh Trí Đức, áo sơ mi dài lượt thượt, nhễ nhại mồ hôi, cúc trên cúc dưới bị bung vẫn nhoài đầu ra ngoài cửa sổ hô: “Phản đối công an bắt người” đến nỗi mỗi tên an ninh phải canh chừng một cửa sổ không có đóng cửa này anh ấy lại chạy sang cửa khác. Sau này lúc ở trại anh còn kể : “Lúc chúng nó kéo anh lên xe, nó cứ kéo lên anh lại dúi xuống, cứ thế mãi nó cũng không làm gì được. Sau bọn dưới đẩy lên, có thằng trên kéo chân mới bị lôi vào”. Khỏe thật! Nhưng cũng chưa hết, lúc xe đang chạy, mọi người còn đang nói chuyện bỗng thấy anh ấy quát thằng an ninh thường phục: “Mày đeo băng đỏ vào. Đeo vào anh mới biết mày là an ninh không anh biết mày là ai. Mày đeo vào không anh đánh mày giờ”. Tay này định bơ, trơ mặt ra. Thế là anh ấy xông ngay vào, một tay bóp cổ nó, quát: “Mày có đeo vào không?”. Tưởng đánh nhau to. Tên ấy phải thom thóm lấy băng ra đeo. Vui thật!
Sau khi bị tống lên xe một cách thô bạo được ít phút thì xe chạy. Tôi nhắn tin ngay về cho bố, bảo: “Con bị hốt lên xe bus rồi. Trên này cũng có cá bác, các chú. Con vẫn bình tĩnh. Bố bảo mẹ không lo đâu”. Biết bố mẹ thế nào cũng lo, nhất là mẹ nên phải bảo vậy. Nhớ lần trước bố bị bắt, báo tin cho mẹ xong là mặt mẹ nhìn thất thần rồi. Lẽ ra ở một xứ sở có kỉ cương, luật pháp đường hoàng thì những người dân phải thấy yên tâm và an toàn khi có lực lượng an ninh bên cạnh bởi họ chính là người bảo vệ nhân dân. Còn ở ta thì sao? Làm sao mà yên tâm được khi bao nhiêu tin về người vào đồn công an tử vong vì… tự tử hay va vào cái này cái nọ rồi sứt đầu mẻ trán, chết bất đắc kì tử?
Trên xe bus, ba an ninh sắc phục đứng chặn ở cửa lên. Một tên thường phục chặn cửa xuống (chính là tên bị anh Trí Đức “bắt nạt”). Một tên thường phục nữa ngồi phía trên. Ba tên nữa ngồi sau, trong đó một tên ngồi sau cùng với cô Bích, một tên luôn lăm lăm máy quay nhưng không chăm chỉ tác nghiệp cho lắm (chắc lên xe rồi nó cũng chả cần). Một anh sắc phục nữa đứng giữa. Tất thảy (nếu tôi không nhầm) thì là 9 an ninh với 12 người yêu nước trên xe.
Tôi nhận ra ngay vết thương trên cổ bác Nguyễn Văn Dũng. “Ôi bác bị thương rồi này. Bị chảy máu bác ạ”. Những vết xây xát, những vệt lằn đỏ và một vệt dài rớm máu mà tôi không thể hiểu nỗi chúng đã dùng tay mạnh đến mức nào mà gây ra như vậy. Mà với ai? Những thanh niên lực lưỡng đi lôi kéo, ấn cổ, thô bạo với một người mà trên mái đầu màu trắng đã nhiều hơn màu đen, đáng tuổi cha hoặc ông của họ, và lại trong trang phục một cựu chiến binh. Trên xe bác Thụy mấy lần nói “Chúng tao đây cầm súng chiến đấu lúc chúng mày còn chưa sinh ra”. Tôi lấy khăn mùi soa ra thấm mấy vết máu trên cổ bác mà trước đó bác Thụy đã chụp lại được. Hỏi bác có đau không, bác kêu rát. Không hiểu những kẻ được gọi là an ninh kia, họ ăn cái gì, học cái gì mà đối xử với người có tuổi tàn nhẫn thế?
Xe chạy. Tôi chả để ý là đi đâu, sau qua cầu Chương Dương mới biết sang Gia Lâm. Cũng không rõ xe chạy thế nào mà lại thấy ở Đông Anh. Thấy mấy người bảo là xe đang thẳng tiến “Lộc Hà nhân phẩm phục hồi trại”.
Trên xe, tôi chạy xuống chỗ anh Thế Anh ngồi cho có bạn. Thấy anh công an đứng cạnh cầm cái tờ giấy của anh mà anh bảo là bùa hộ mệnh bạn tặng. Thấy anh nói gì lúc trước chẳng rõ, tưởng anh cho công an xem, gọi là gây thiện cảm. Nhưng mà tôi lầm, sau này anh kể mới biết là bị chấn. Rõ khổ anh.
Ngồi ngay trước là một anh cũng rất trẻ. Hơi bị ấn tượng vì thấy anh mặc áo cờ búa liềm (búa mấy chẳng liềm, này thì yêu nước, bắt tuốt). Hỏi sao anh không mặc áo cờ Tổ quốc. Anh bảo đây là áo hôm học lớp cảm tình Đảng nên lấy ra mặc. Anh ấy mới học xong ở trong Thanh Hóa, giờ ra đây tìm việc. Thì ra rất nhiều người yêu nước đi biểu tình tôi gặp có hoàn cảnh vất vả trong cuộc sinh nhai hằng ngày. Người mới ra trường chưa tìm được việc, người thất nghiệp, người đang làm thì bị đuổi việc, người chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi… Nhưng với tất cả họ, nỗi lo cơm áo gạo tiền làm sao sánh được với nỗi lo cho Tổ quốc, lo cho vận mệnh dân tộc đang từng ngày, từng giờ bị đe dọa. Cảm phục họ biết bao nhiêu, và xấu hổ biết bao nhiêu cho những kẻ lợi quyền không thiếu gì nhưng chỉ lo ki cóp cho bản thân, quên đi trách nhiệm với xã hội.
Lần đầu bị bắt kiểu này nên lúc đầu có hơi mất tinh thần (chỉ hơi thôi) dù trước đó đã chứng kiến rất nhiều những vụ bắt bớ thế này, dù đã được chuẩn bị rất kĩ về tinh thần khi bố tôi thường xuyên nhắc nhở là đã dấn thân thì phải chấp nhận (khiến tôi nhiều lúc không khỏi nhớ đến câu thơ “Đời cách mệnh từ đây tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ, sung kề tai”). Nhưng tôi cũng nhanh chóng bình tĩnh lại được, thấy các cô chú anh chị cũng ở đây, lại có cái cảm giác vui vui rất khó tả. Lạ thật! Chỉ hiểu rằng tôi đang bị lực lượng an ninh cưỡng chế bất hợp pháp, bị bắt trong khi bản thân không phạm tội gì. Và lúc đó cũng chẳng muốn nghĩ gì, muốn tâm hồn thảnh thơi để chờ đón những giờ phút căng thẳng sắp phải đối mặt khi trước mặt đã thấy lù lù cánh cổng “Trung tâm lưu trú Lộc Hà”.
Bỗng dưng nhớ lại câu thơ của cụ Phan Châu Trinh vừa đọc lại tối hôm trước:
“Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn”
(Đất nước trầm luân, dân tộc đau khổ;
Làm trai nào sợ đến Côn Lôn)
“Nam nhi” tôi không “phạ Côn Lôn”, “nam nhi” tôi thẳng tiến vào trại Lộc Hà.
(Còn tiếp)
Quá Ngưỡng Mộ!
Trả lờiXóaHai Lúa thích em, quý em. Đấ nước này cần lắm những người trẻ như em đấy
Trả lờiXóa