Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Một lần mua vé tàu

Người Buôn Gió
Dạo này ở nhà ga Hà Nội có thêm cái máy lấy số mua vé tàu, rất tiện lợi y như hàng không. Chi cần bấm nút và lấy số rồi đợi đến lượt người ta gọi, không phải chen lấn xếp hàng.

Mình lấy tích kê số và ngồi đợi, điều hoà mát. Ngồi mãi đến 20 phút thấy cái số báo ở cửa bán vé vẫn dừng ở con số 2130. Trong khi số mình chờ là 2149. Đi loanh quanh ngắm ga chán , uống trà đá, hút thuốc thêm nửa tiếng quay vào thấy nhích lên thêm một số 2131.

Người mua đứng đầy ô bán vé, mặc dù thông báo là lấy tích kê.

Mình bắt đầu nản, thường thì mình đủ kiểu xoay sở lên tàu, thậm chí là lâu lắm rồi không mua vé. Mình mua cái vé tiễn 2 nghìn đến gặp một ông trên tàu dáng dấp oai nhất, đưa vé ra hỏi.

- Anh ơi vé này nằm ở toa nào?

Ông nhà tàu xem vé rồi trợn mắt.

- Đây là vé tiễn, sao đi tàu được.

Mình nói tình bơ.

- Thế thì em mới hỏi anh mà.

Ông nhà tàu hiểu ý, hỏi ngay

- Thế chú đi đâu.

Trả lời.

- Em đi Quảng Bình.

Nhà tàu.

- Chú vào phòng anh.

Ông nhà tàu dẫn mình vào phòng ông ấy, hoá ra ông ấy là trưởng tàu. Hôm đó vé tàu đi Quảng Bình là 500 nghìn, ông ý tính mình 400. Mình nói còn chuyến về mà, ông ý bảo thế thì 700 tất cả, khi nào về gọi điện anh đón.

700 nghìn, khi giá vé là 1 triệu lại  chen lấn xếp hàng, vào phòng 6 người. Đằng này nằm phòng trưởng tàu, chỉ có 4 giường, trà nóng rẫy. Phòng 4 người nhưng thực ra chỉ có mình và ông ấy, ông trưởng tàu đi quan sát tàu suốt hầu như có mỗi mình. Thuốc lá đốt thoải mái, trà uống ung dung, ngồi lướt mạng 3g, nghe nhạc, vào trang lề trái không bị ai làm phiền. Cả lúc đi lẫn lúc về đều vậy.

Nhưng lần này mình cho Tí Hớn đi, muốn đàng hoàng một chút, thân mình thế nào cũng xong. Ngồi chờ lâu quá mà cò vé cứ lượn ra lượn vào hỏi han. Đợi thêm gần tiếng nữa thì còn 15 người nữa đến lượt mình.Nhìn sang ông ngồi bên cạnh cầm tích kê 2177 ngao ngán thay, cứ đà này mình đến chiều mua được vé, còn ông ý chắc rạng sáng mai.


Cửa vé vẫn đông người, giờ mình mới nhận ra có một em nhân viên ga lượn lờ, ai đến hỏi là em mua vé hộ, cứ mỗi vé em ý làm 50 nghìn hoặc 100 nghìn. Mình định nhờ em ý cho xong, nhưng nghĩ nếu nhờ thế thì thiếu gì cách. Tóm lại là mình muốn một lần đưa con đi, ngay khoản đầu cũng phải đàng hoàng, không muốn luồn lách kiểu giang hồ.


Chen vào mua vé, thương binh mặc  thương binh

Đưa vé cho khách, nhận tiền thù lao
Lại làm giá với khách khác


Chen vào vòng tay qua người khách đang mua vé để dành mua trước.

Xong em ý quay ra, và lại tiếp tục cuộc hỏi han những người đến sau.

Cuộc mua bán cứ diễn ra liên tục, nhanh chóng, còn mình ngồi cười mỉm chờ đợi đến lượt mà mình biết sẽ không đến vì sắp đến giờ nghỉ trưa.

Thế là mộng xếp hàng đến lượt mua vé tan biến, vì Tí Hớn gửi tạm nhà người quen từ sáng, phải về cho cậu ý ăn trưa. Mình đưa cái tích kê cho anh ngồi bên cạnh mang số 2177 nói.

- Thôi anh dùng của em, của anh bao giờ mới đến.

Anh kia ngỡ ngàng cầm vé, cám ơn và hỏi.

- Không đợi nữa à?

- Không , em phải về cho con ăn cơm.

Mình đi ra cửa, bụng chửi thầm, đm muốn làm người ngay ngắn ở xã hội này thật khó. Chả lẽ lại đi lên phòng giám đốc cho xem ảnh rồi phản ánh. Nhưng nghĩ cũng tội con bé kia, mà không muốn chuyên đi hai bố con mất vui. Thêm nữa mình thiếu gì cách để mua vé, thậm chí không có vé còn đi được nữa mà. Cái xã hội nó cứ điêu chác, loạn lạc thế này những thằng đường phố như mình bao giờ cũng dễ xoay sở hơn. Nhưng buồn cái nếu cứ thế này mãi thì đời con mình cũng chả có luật lệ gì, thằng nào luồn lách giỏi thì sống. Mình rất ước muốn sau này con trai mình không giống bố nó chút nào ở cái tính khôn ranh như vậy. Chính vì thế mình đã kiên nhẫn xếp hàng mua vé từ sáng.

Rút cục thì vẫn phải lựa chọn phương án gọi điện thoại cho người quen.

Sáng nay mình đến nhà họ lấy vé, giá gốc, lại còn ưu ái về giá như Tí Hớn 7 tuổi, nhưng được tính là 5 tuổi để mất nửa vé thôi, giảm được gần 1 triệu.

Mong muốn mua vé đúng giá, xếp hàng đến lượt tan tành, mình không vui hay tự hào gì vì mua vé dễ dàng hơn người cả. Sáng nay chở con đi lấy vé, Tí Hớn hỏi bố ơi sao lại lấy vé ở nhà bác ấy. Phải nói quấy quá với con, hôm qua bố mang thiếu tiền nhờ bác mua hộ, hôm nay mới có tiền trả.

Hơn 30 năm trước ở bến Nứa, tức bến xe phía Bắc Hà Nội. Bố mình đưa mình đi, bố đưa tiền cho phụ xe hai bố con lên ngồi ghế đầu, khi bố cũng xếp hàng mãi không đến lượt.

Chắc cứ thế này, 30 năm sau Tí Hớn dẫn con nó đi đâu, cũng vậy thôi.

6 nhận xét:

  1. Đọc buồn, mấy câu kết càng buồn hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi bỗng liên tưởng đến câu nói cuối cùng của Chí Phèo với Bá Kiến " nhưng ai cho tao lương thiện?" Đúng là sau 2/3 thế kỷ mà cái thiên đường XHCN này vẫn không thay đổi. Xã hội không có tôn ty trật tự, rõ nhất là tại những nơi công cộng. Mình đã từng xếp hàng đi mua vé đi NA tại bến xe phía Nam. Khi lên xe thì đã có khá đủ khách rồi tưởng xe sẽ chạy sớm vì đồng hồ cũng sắp đến giờ xuất bến (ghi trên cửa bán vé). Nhưng đến khi xe ra khỏi bến thì mới biết phần lớn khách ngồi trên xe là cò mồi vì họ lũ lượt xuống gần hết. Khi xe chạy được mấy km thì lại quay đầu về bến lượn thêm gần tiếng nữa thì mới đi thật. Tưởng nó đi thật đã mừng vì xe thoáng quá, mỗi người 2,3 ghế. Nhưng khi ra khỏi cửa ngõ HN thì nó dừng lại để bán chúng tôi cho xe khách khác của tư nhân, sập xệ và bẩn thỉu kinh khủng. Rõ ràng tôi có mua vé nhưng lên xe kia thì phải ngồi có nửa mông vì phải ghép với khách khác. Đã muốn chửi bố chúng nó lên nhưng là thôi vì không phải nghề của mình. Giả sử có cãi cọ chửi bới nhà xe thì thêm mất thời gian mà không biết chừng còn bị đuổi xuống. Kiện ai bây giờ, chờ được vạ thì má đã xưng. Thật là có muốn làm người tử tế ở xã hội này cũng khó, vì tử tế sẽ đồng nghĩa với thua thiệt. Đọc truyện này mà không nén nổi tiếng thở dài....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã chia sẻ, chia buồn với bạn.
      Nhưng bạn hãy luôn chuẩn bị cho mình những bất lợi sẽ đến với mình ở muôn mặt đời thường trong cái xã hội này để không thấy ngỡ ngàng! Việt Nam ta đó.

      Xóa
  3. Buồn chán đến bao giờ....?
    Nhưng chả làm gì được đâu! Thôi đi đâu ta lại chủ động làm như bữa rày ấy cho lành! Khổ thế không biết!

    Trả lờiXóa