Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

NỘI CHIẾN?

Thùy Linh.


Mình viết entry này khi đang say…
Những ngày này mình muốn say để không đọc được những dòng thông báo về blog anh bạn văn vừa bị chặn. Chỉ vì anh nói hộ cho người dân không cất được lời than.
Mình muốn say mờ mắt để khỏi thấy bức hình chụp mấy cái xe ba bánh (nghe họ tự giới thiệu là cựu chiến binh) đến một viện nghiên cứu gây gổ với một tiến sỹ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa một quốc gia tuyên bố có nhà nước pháp quyền. Họ yêu cầu tiến sỹ này gỡ bỏ yêu cầu về ngừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên quê hương, yêu cầu đóng cửa blog, yêu cầu viện nghiên cứu nọ đuổi việc tiến sỹ kia…Chỉ vì anh tiến sỹ làm theo tiếng gọi của tinh thần công dân. Họ nhân danh ai? Không nhân dân nào nhờ họ làm việc đó?
…..
Quê hương, đất nước tôi đang ở đâu giữa nhân loại này?
Nhân dân tôi đang ở đâu giữa mảnh đất mà họ gọi là Tổ quốc?
Nhân phẩm, tính mạng con người là gì giữa một nhà nước tự nhận là nhà nước pháp quyền hùng hậu?
Đã gần lắm rồi cái ngày mở mắt ra không còn phải đau khổ vì chủ quyền đất nước bị xâm hại. Vì lúc đó chủ quyền còn nữa đâu mà đau khổ? Mảnh đất hình chữ S đang khép lại giữa những gọng kìm. Bầu trời xanh đã ầm ào những máy bay nước lạ xâm phạm. Trên biển Thái Bình Dương nhiều tàu nước lạ với súng ống đầy đủ đang chĩa thẳng vào ngư dân và bờ biển quê mình. Chữ S đang quằn quại đau đớn, đơn độc. Nhưng nhiều kẻ vẫn đang chia nhỏ chữ S ấy thành nhiều mảnh để qui đổi thành tiền.

Sẽ không còn lá cờ Tổ quốc bay ở cổng nhà mỗi ngày lễ, tết? Vì có thể sẽ là lá cờ khác. Không lẽ đành cắn răng, bấm bụng ứa máu để tự nhủ, lá cờ kia sẽ là lá cờ Tổ quốc mình? Không lẽ phải học quen với bài học về lãnh thổ mới. Quên câu thơ đi vào các bài giảng thuở nào: “Quê hương ta một dải / Từ mũi Cà Mau / Đến địa đầu Móng Cái / Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu / Đủ bốn mùa hoa trái…”. Có thể quê hương ta sẽ có tuyết trên nóc nhà thế giới. Biết đâu cái lạnh sẽ ướp đông nỗi đau mất nước kéo dài vài ngàn năm?
Sẽ thôi đau khổ vì nước mắt đã cạn, tim thôi thổn thức, trí óc nhẵn nhão quên hẳn tiếng mẹ đẻ để học tiếng người lạ với một tâm hồn trơ lỳ, gỗ đá. Vài người cười buồn: nhân gian này đâu cũng là nhân gian, đâu có đất và nước thì sẽ là đất nước để liếm vết thương rỉ máu trên cơ thể mình.
Tất cả sẽ nát bấy trong cuộc nội chiến đang từng ngày dâng cao. Nội chiến về Tư tưởng. Nội chiến về sự tận thu, tận diệt Tiền tài, Danh lợi cho vài cá nhân. Nội chiến về Niềm tin, về Con đường, về Tính người…
Không còn cả thất vọng vì làm gì có niềm tin để làm thành một đồng trinh hai mặt dù bé nhỏ cho mua bán, đổi chác, phấn đấu, hy sinh?
Không còn cả cái Đẹp để bám víu sống và hy vọng thì con người sẽ đi về đâu? Vào rừng hoang làm thú đói gầm thét đòi mạng sống? Cái Đẹp cũng thành mơ hoang khi nhiều người dân lam lũ kiếm từng miếng ăn mỗi ngày. Cái ăn khiến con người trở nên hèn nhát, đê tiện, thấp kém, bẩn thỉu…? Vì thế mà họ đang dồn dân tộc này đến chỗ không còn có thể kiếm được miếng ăn? Cái ngày con người thành thú đói không lẽ là sự thật?
Hồ Tây về chiều ở những ngày này tuyệt đẹp, nhất là khi mặt trời sắp lặn. Sen các hồ ngan ngát dệt vào hơi thở và đệm mát cho không gian oi ả. Dường như đó là cái Đẹp cuối cùng của mảnh đất này? Sau đó là cái gì khi cuộc nội chiến này qua đi?
Cái mất cuối cùng là cái Không còn gì để mất…
Nhưng bạn ơi, dù thế nhiều người vẫn đang làm một cái gì đó…Hãy nhớ lại nhân loại đã hành động ra sao khi phát xít Đức huỷ diệt nhân loại ở thế chiến 2? Nhưng nhân loại vẫn tồn tại và phát triển. Luôn có người dấn thân vì lẽ phải. Cao hơn là vì cuộc sống phải được tiếp diễn…
Chuyện kể rằng, dàn nhạc giao hưởng của nhạc trưởng Jeane-Claude Casadeur đã đưa dàn nhạc của mình tới những nơi tăm tối nhất mà con người phải chịu đựng để khơi dậy cái Đẹp ở những con người đang tuyệt vọng, cô đơn, giúp họ nâng cao tâm hồn mình…Dàn nhạc của ông đã tới nhiều nơi, trong đó có khu phố ổ chuột với nhiều tệ nạn xã hội. Mới đầu việc làm của ông bị chê cười, đả kích, thậm chí bị coi là điên khùng. Nhưng rồi ông và đồng nghịêp đã mở được cánh cửa nghệ thuật, chính xác hơn là cánh cửa cuộc đời của nhiều đứa trẻ nghèo đói, khổ sở đến với tương lai…
Câu châm ngôn của thi sỹ Ba lan Czeslaw Milosz, người được giải Nobel nhắc nhở rằng: “Dù bạn chỉ là một hòn đá ngoài đồng / Khối đá lở có thể đổi đường đi của bạn / Theo những hòn đá lăn lên nhau”.
Còn triết gia Pháp Enmanuel Mounier viết: “Chỉ cần một hòn đá đặt đúng chỗ có thể quay chiều được dòng sông”.
Hãy đọc lời nguyện này của tu sỹ dòng Đa Minh Louis-Joseph Lebret, cũng là lời nhắn gửi cho những ai còn ưu thời mẫn thế vào thời buổi con người thu mình lại để chỉ nghĩ cho bản thân mình:
Ôi Chúa ơi, xin Chúa gửi đến cho chúng con những người điên
những người dấn thân tận cùng,
những người biết quên mình,
những người yêu thương không bằng lời,
những người dấn thân đích thực và đến cùng.

Chúng con cần những người điên, những người đam mê, những người không hợp lý,
những người dám nhảy vào chỗ bất an,
vào vết thương rộng toác của nghèo khó,
những người chấp nhận
sống quên mình trong đám đông ẩn danh
không một ước muốn dùng bậc thang để tiến thân,
chỉ dùng khả năng của mình để phục vụ.

Bước nhảy không phải để cắt với môi trường sống,
đó là bước nhảy cắt thật sâu đậm con người ích kỷ,
mà đến giờ phút này tính ích kỷ còn thống trị.

Chúng con cần những người điên ở giây phút hịên tại này,
những người đam mê một nếp sống giản đơn,
giải phóng người nghèo một cách hiệu quả,
những nghệ nhân của hoà bình,
những người không bị ô danh,
không bao giờ phản bội,
hy sinh cuộc sống riêng của mình,
chấp nhận làm bất cứ gì, đi bất cứ đâu,
tự do và vâng lời,
hồn nhiên và kiên định,
dịu dàng và vững mạnh.
Và, bạn ơi, đừng tuyệt vọng…Tôi kêu bạn nhưng thực ra tôi đang cần kêu lớn cho chính tôi, kể cả lúc đang say này…

2 nhận xét:

  1. Thích bài viết này.
    Những tấm hình Hồ Tây thật đẹp nhưng buồn buồn.(Buổi chiều, hoàng hôn phải không bạn?)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn anh!
    Bên nhà anh cũng có những chiếc cổng thật thân thiện!

    Trả lờiXóa