Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

NÂNG NIU

Một đoạn viết ngắn của chị Kim Dung, mình thấy rất hay, xin copy về! Xin đăng nguyên văn.

Kể thêm cho Thành về sự nâng niu hoa.

Một lần, đang đi trên vỉa hè, mình bỗng nhìn thấy một bông hồng đỏ tuyệt đẹp nằm chơ vơ. Có lẽ ai đó đánh rơi mà không biết. Người qua, kẻ lại, nếu ko cẩn thận, sẽ dẫm phải bông hoa thì tội nghiệp quá. Mà quán nước chè ở gần đó, rất đông người ngồi.

Thương bông hoa đẹp có số phận chẳng may, mình nhặt lên- một bông hồng tươi, cánh cứng cáp như vừa được hái trong vườn. Mấy chàng đàn ông ngồi trong quán đều cười, và mình- chẳng quen họ- cũng nhoẻn miệng cười, rồi bảo: Đem về cắm vậy, đẹp quá!

Mình đã cắm bông hoa đó trên bàn làm việc ở cơ quan. Như để cảm ơn, bông hoa nở to, tươi tắn, và rất bền, trông rất thương, Thành ạ.

Còn đây là chuyện một bông hồng khác: Dạo đó, là thời bao cấp. Đang đạp xe trên đê Yên Phụ, bỗng bắt gặp một chiếc xe đạp, đằng sau một thúng hoa hồng phấn, mầu hồng phơn phớt thật kiêu sa, thật trinh bạch, đẹp mê hồn.

Mà chẳng thấy ai ở gần đó. Nhìn xuống đê, mới thấy một chàng lính, đang hái hoa, chắc là của vườn nhà.

Mình gào lên: Có bán hoa ko?

Chàng lính cũng gào lên: Ko….ko….hoa đám cưới….. À, ra hoa đám cưới.

Mình gào tiếp: Ko bán thì tặng cho một bông nhá….!Hi…hi…

Chàng lính cười. Nhìn xa thấy đoán biết chàng cười, và thấy chàng gật gật đầu: Lấy đi….

Mình rút một bông, giơ lên, vẫy vẫy cho chàng xem và gào lên: Cảm ơn nhé

Chỉ thấy chàng lính gật gật đầu, chắc lại đang cười.

Mình phóng xe đi tiếp, mà thấy lòng vui vô cùng. Thấy yêu đời quá. Hi…hi… Trên tay vẫn là bông hồng “được tặng” một cách oái oăm. Và bông hồng đó, cũng được cắm một cách trân trọng.

Hoa hồng nhặt được, hay hoa hồng được tặng, đều được yêu như nhau. Và cũng thật tuyệt vời, bông nào nở cũng rất bên. Như tri ân người yêu chúng

Đó là câu chuyện 2 bông hoa hồng mình nhớ mãi.

Kim Dung 09/09/2011.

TẶNG NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ ANH HÙNG

Mùa hè yêu nước, mùa hè của mười mọt cuộc biểu tình đã qua, mùa thu Hà Nội đến rồi, nắng vẫn vàng rực rỡ. Lòng yêu nước vẫn sục sôi nơi huyết quản, sự căm thù bà quyền bán nước vẫn căng tràn ngực trẻ.
Thời gian thì không đợi ai, để đón mùa thu Hà Nội vàng hoa Cúc, tôi xin tặng entry này cho các mẹ - các chị - các em đã xuống đường biểu tình tại Thủ Đô phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Cũng khẳng định thêm một lần nữa rằng: HOÀNG SA - TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM!


Mẹ đã dành cả cuộc đời cho con cho cháu, nay mẹ đã già vậy mà giặc Tầu kia vẫn bắt mẹ phải xuống đường để nói lên tiếng nói của một người yêu nước Việt Nam. Mẹ là người đều đặn và kiên trì nhất, ngay cả những ngày này không còn đoàn biểu tình, mỗi sáng chủ nhật mẹ vẫn ra Bờ Hồ ngồi đợi đàn con hô vang; ĐẢ ĐẢO TRUNG QUỐC ĐÒI NUỐT TRỌN BIỂN ĐÔNG!


Mẹ mệt về sức khỏe nhưng mẹ mạnh về con tim và khối óc! Mẹ là tấm gương cho con cháu noi theo về tình yêu tổ quốc, yêu ngư dân Việt Nam vô tội bị cướp bóc trên biển.

Một người chị luôn mang đến cho đoàn người niềm vui và niềm tin chiến thắng.

Luôn những nụ cười thân thương ấm áp, chị là: "Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời…"



Hai vợ chồng Cô Vân Anh. Họ luôn bên nhau và luôn hết mình vì Tổ Quốc!


Họ là ai, là những cô gái như bao cô gái trên trái đất này!


Họ bình dị và lòng yêu nước của họ cũng rất bình dị!


Các chị thạt xinh đẹp, trẻ trung!


Yêu kiều, không ai là không phải liếc nhìn!




Họ rất giống nhau bởi có chung một tình yêu, Yêu Nước!



Chị luôn kiên định vậy, nét mặt luôn rạng ngời!



"Cắt ngay lưỡi bò thò ra biển đông" Hô to được vậy là người yêu nước!


Cháu bé Học sinh đang sống rất xa Hà Nội, cháu phải đi xe đạp 8km ra bến xe buýt rồi lên xe buýt đi 25km mới tới cuộc biểu tình, cháu tự nguyện và rất kiên định phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam!


Chị đang buồn lắm vì chồng chị bị giam giữ một cách oan ức, nhưng mỗi khi có điều kiện chị lại xuống đường hô vang "Không được giết hại ngư dân Việt Nam vô tội"










"........
Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên trái đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày... "
XUÂN QUỲNH


Hoa hậu biểu tình trước lễ đăng quang một tuần!







Để kết thúc entry này, tôi xin đưa lên đây tấm ảnh một bé gái, còn ngây thơ lắm, nhưng bé bắt mẹ cho vào đứng trong đoàn người biểu tình bên chân tượng đài cảm Tử. Tôi muốn nói rằng, mùa hè này thật tuyệt vời, đẹp đẽ và trong sáng như tâm hồn em bé trước lá cờ Tổ Quốc.

Còn nhiều lắm những mẹ, những chị, những cô gái và những cháu học sinh đã xuống đường biểu tình phản đối Trung quốc trong mùa hè 2011 tại Hà Nội. Một entry không thể chuyên chở hết được những lời tôi muốn nói, rằng chúc tất cả những người phụ nữ Việt Nam anh hùng sức khỏe - hạnh phúc và mãi mãi xinh đẹp trẻ trung, mơn mởn như tình yêu nước trong dòng máu họ vậy!

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

CÂU LẠC BỘ XE THỒ XUẤT QUÂN

Chương trình tài trợ giáo dục cho xã Lao Chải dự định chi tiết như sau:

Thời gian : 11-12 tháng 9 năm 2011. Cụ thể trưa ngày 11/09 khởi hành từ HN, ngủ đêm tại nhà sàn huyện Mù Cang Chải. Sau đó chia 2 nhóm đi 2 nhánh.
Diễn đàn OF có thể phụ trách nhánh 1, nơi xe 2 cầu có thể đi được. Em nghĩ chúng ta cần sự giúp đỡ của Offroad Club, TVC trong hoạt động này (15 xe).
Các bác lưu ý tháng 9 là cuối mùa mưa, việc đưa 15 chiếc xe này lên đỉnh núi có độ cao gần 2000m sẽ là 1 thử thách khó quên.
Nhánh 2 ta sẽ đổ hàng ở cầu treo, các bạn bên Because we care với sự giúp đỡ của các giáo viên sẽ gồng gánh, chở xe máy hàng đến tận từng điểm trường.
Em nghĩ ở nhánh 2 công việc rất vất vả, vậy bên Because we care sẽ bố trí nhiều nhân lực để chuyên chở. Tổng cộng cần khoảng 15 xe 2 cầu và 5-7 xe 1 cầu.

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Trung Thu vắng mẹ!

Được sự đồng ý của anh Hiếu, tôi copy entry này về nhà mình để có thể ai đó biết được hoàn cảnh của hai cháu bé sẽ bớt chút thời gian để đọc và cảm thông!
Cũng là một đồng sáng lập của chương trình từ thiện này, kính chúc các bạn có một niềm vui khi đọc hết entry đầy tình nghĩa!


Thoắt lại một trung thu sắp đến.

Một mùa trung thu rất xa, bố không về, con ngồi bên cạnh con chó vàng mơ ước bố về, đưa con đi Hàng Mã mua đồ chơi. Đến tối hôm rằm, bọn trẻ cùng phố bày cỗ, bọn bạn cùng lứa mỗi đứa một thứ đồ chơi. Bố vẫn chưa về, con biết bố sẽ chẳng về kịp được, con khóc. Con vàng liếm nước mắt trên mặt con. Con chui vào gầm cầu thang ngồi ôm gối, rồi ngủ thiếp đến sáng. Trung thu năm ấy tưởng đã qua nhanh, nhưng hình ảnh trung thu năm đó lại cứ về hàng năm vào dịp trung thu về.

Gần 30 năm sau trung thu ấy, khi thấy ánh trăng đầu tháng 8 bị chia làm nhiều mảnh bởi khe cửa xà lim trại giam B14. Con hiểu năm xưa bố cũng nhớ con thế nào. Vật duy nhất con mang được vào buồng giam là tấm ảnh Tí Hớn bé bằng nửa bao diêm. Khi người quản giáo bắt con cởi truồng để khám xét mọi ngõ ngách trên cơ thể. Con dấm nước bọt để dính tấm ảnh vào mu bàn tay, hai tay giơ lên trời phơi bày thân thể trần truồng trước mắt người khám xét. Tấm ảnh Tí Hớn theo con vào buồng giam một cách như vậy. Hàng đêm trong căn phòng giam kín mít và lạnh lẽo ấy, hình ảnh Tí Hớn giúp con minh mẫn rất nhiều.

Con về kịp đưa Tí Hớn đi Hàng Mã sắm đồ chơi. Tí Hớn vui lắm.

Tí Hớn giờ rất nhiều đồ chơi, nhiều bạn bè của bố gửi tặng nhiều đồ chơi cho Tí Hớn. Hôm nọ có hai bạn nhỏ đến nhà chơi. Con bảo Tí Hớn, hai bạn này nhà nghèo lắm, không có đồ chơi đâu, mẹ của bạn ấy chết rồi.Còn bố bạn ấy bị ốm lâu ngày. Tí Hớn có đồ chơi gì cho các bạn ấy đi.

Tí Hớn soạn đồ chơi, nó chọn những món đồ lành lặn, nguyên vẹn rồi cho vào túi đưa các bạn ấy. Nét mặt nó rất thông cảm và chân thành. Con thở phào nhẹ nhõm bố ạ, con chỉ lo Tí Hớn không cho, hoặc Tí Hớn sẽ chọn những thứ đồ chơi nó không còn thích nữa, hay đã hỏng rồi. Nhưng không như con lo sợ, Tí Hớn chọn cả những món đồ chơi mà nó vẫn yêu thích. Hai bạn nhỏ ấy chắc chưa bao giờ có được đồ chơi như vậy, các bạn ấy cắm cúi mãi mân mê từng món đồ chơi mà Tí Hớn cho. Tí Hớn lại mở đĩa phim hoạt hình, siêu nhân làm các bận ấy say sưa xem. Lúc các bạn về Tí Hớn lấy cho cả xấp đĩa phim, con bảo Tí Hớn nều cho các bạn ấy đĩa, phải cho cả cái đầu đọc, vì nhà các bạn không có, chỉ có tivi thôi, mà tivi người ta cũng mới cho nhà các bạn ấy sau khi mẹ các bạn chết.

Con nhìn cái đầu đĩa, nhìn Tí Hớn. Tí Hớn mỉm cười, nó rút giắc, và bê cái đầu đĩa đưa nốt cho các bạn.

Cần phải cám ơn Tí Hớn bố nhỉ, con nghĩ nếu bố còn có mặt ngày hôm nay trên đời, bố sẽ vui vì có thằng cháu nội như vậy.

Trung Thu Vắng Mẹ

Vào một ngày định mệnh đầu hè năm 2011, chị Nguyễn Thị Liễu mẹ của hai cháu Thảo và Hiệp đã rời bỏ vĩnh viễn hai đứa con thơ dại và người chồng mang bệnh tâm thần. Chắc chị Liễu không ngờ buổi đình công đòi tăng chất lượng bữa ăn trưa đó lại đắt ngang mạng người như vậy.

Bảo vệ công ty Liễu Giai đã dùng xe tải lao thẳng vào những phụ nữ yếu đuối, nghèo khổ đang đình công vì miếng ăn. Hành vi hung hãn này đã khiến chị Liễu chết tại chỗ và 5 phụ nữ khác bị thương, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai.

Những phụ nữ này đều là những công nhân nghèo khổ, mức lương bình quân 1, 4 triệu trên 1 tháng.

Hung thủ đã bị bắt giữ, cơ quan công an đang tiến hành điều tra, ít nhất trong vòng 6 tháng từ khi xảy ra vụ sát hại mới có được kết luận điều tra, nghĩa là còn lâu nữa mới tới phiên tòa.

Công ty Giai Đức được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chỉ một hai ngày sau khi xảy ra vụ việc, công ty Giai Đức ( một công ty tư nhân % vốn nước ngoài (TQ) đã hoạt động lại bình thường như chưa hề có gì xảy ra.

Một cái kết có hậu cho những nhà đầu tư, hay nói cách khác là những kẻ có tiền. Và còn có hậu hơn nữa khi sau này cơ quan cảnh sát điều tra Hà Nội kết luận chỉ có riêng bảo vệ Lê Tuấn Minh dùng xe đâm chết người là có tội. Còn công ty Giai Đức cùng với công ty Cổ phần An Ninh miền Bắc đều vô can.

Chắc chắn những công ty này có được những cái kết có hậu như vậy, sau khi tiếp xúc với chính quyền địa phương một ngày khi xảy ra án mạng. Thái độ của công ty Giai Đức trở nên ráo hoảnh với các nạn nhân, không như lúc vừa xảy ra án mạng nữa. Công ty Giai Đức nói rằng những hỗ trợ của họ trước đó là do tình nghĩa ( và hỗ trợ này sau đó được công đoàn công ty dự tính trừ vào lương công nhân nhà máy Giai Đức)

Chị Lam Hồng, một thành viên của hội từ thiện trên diễn đàn Làm Cha Mẹ đồng thời là luật sư của văn phòng luật INTERLA thương cảnh hai cháu bé, đã cùng các luật sư ở văn phòng mình đứng ra nhận bảo vệ quyền lợi miễn phí cho gia đình chị Nguyễn Thị Liễu.

Theo chị Lam Hồng cho biết, vụ việc này còn kéo dài, và chiều hướng chỉ một mình Lê Tuấn Minh chịu tội khả năng là nhiều. Mọi nỗ lực của luật sư và gia đình để chứng minh sự liên quan của các công ty kia đến án mạng đều rất khó khăn . Tất cả trông chờ vào sự công tâm của cơ quan điều tra.

Cơ quan điều tra là một bộ phận của chính quyền, mà chính quyền thì thường nói phải làm sao tạo môi trường, hình ảnh tốt, điều kiện tốt để thu hút và giữ chân được những nhà đầu tư. Công ty Giai Đức dĩ nhiên là một nhà đầu tư.

Bây giờ không phải là thời của những câu chuyện cổ tích, không phải là nơi mà những kẻ nghèo khó, hèn mọn được cái kết có hậu. Thời bây giờ chuyện cổ tích được kết thúc có hậu cho những kẻ có quyền thế, có tiền bạc.

Thế nhưng,thưa những bạn đọc entry này, dù chúng ta không đủ sức để thay đổi một câu chuyện có hậu. Nhưng chúng ta có thể chia sẻ phần nào với các cháu Thảo, Hiệp con chị Liễu tình cảm của mình. Để trong tâm hồn, ý nghĩ các cháu sau này còn thấy được một xã hội dù không còn lý công bằng cho các cháu, nhưng đâu đó trong mỗi con người Việt Nam chữ nghĩa tình vẫn còn tồn tại.

Trong cuộc gặp mặt giữa gia đình chị Liễu,chị Lam Hồng đại diện văn phòng luật INTERLA, Trịnh Kim Tiến và Người Buôn Gió. Tất cả thống nhất lập một tài khoản từ thiện mang tên

Văn Phòng Luật INTERLA, số tài khoản 0491000409448, ngân hàng ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Thăng Long.

Tất cả số tiền gửi vào tài khoản này được giám sát bởi văn phòng luật cùng với gia đình hai cháu nhỏ. Mọi việc cần rút ra chi dùng cho hai cháu nhỏ chỉ được thực hiện khi có sự nhất trí của cả hai bên.

Rất mong các bạn xa gần, chia sẻ cho các cháu có được một mùa Trung Thu ấm áp, mùa Trung Thu đầu tiên mà các cháu xa bàn tay chăm sóc của mẹ.

Không biết phải kêu gọi mọi người thế nào, nhưng chắc những bậc cha mẹ từng xa con nhỏ, hay những người mà tuổi thơ đã từng thiếu cha mẹ trong những ngày như thế này, hiểu được hơn ai hết về hoàn cảnh của hai cháu Thảo, Hiệp.

Cám ơn các bạn đã đọc entry này.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Kế hoạch từ thiện xây dựng điểm trường Dìn Phàn Sáng

Điểm trường Dìn Phàn Sáng nằm tại Xã Sơn Vỹ, Huyện Mèo Vạc, Tỉnh Hà Giang, đây là một xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Dìn Phàn Sáng cũng là một thôn nằm giáp đường biên giới với Trung Quốc. Từ Hà Nội đi Hà Giang theo quốc lộ 2 dài 300 km, từ Hà Giang đi Mèo Vạc theo quốc lộ 4C dài 165 km, từ Mèo Vạc đến trung tâm xã Sơn Vỹ đi theo tuyến Mèo Vạc - Đồng Văn đến chân Đèo Mã Pí Lèng thì rẽ phải đi dọc sông Nho Quế là đường cấp phối dài 50 km, từ trung tâm xã vào đến điểm trường dài khoảng 7-8 km trong đó 5 km đường ô tô 3k còn lại là đường dân sinh (xe offroad chuyên dụng có thể vào được).

Đối với điểm trường Dìn Phàn Sáng sẽ được OF "Diễn đàn Ôtôfun" xây dựng vào đầu tháng 9 với qui mô 3 lớp học và một phòng công vụ kết hợp làm phòng ở cho giáo viên trên tổng diện tích 90M2. Công trình được xây bằng gạch ba banh (gạch được đóng tại địa phương bằng đá xay trộn xi măng), mái lợp tôn xi măng, nền láng xi măng cát. Do đây là vùng biên giới, giao thông đặc biệt khó khăn nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng chủ yếu là thủ công và có giá thành rất cao. Dự toán sơ bộ công trình được xây dựng với kinh phí khoảng 380 Triệu đồng. Việc triển khai xây dựng sẽ được thực hiện với sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Hà Giang, đồn Biên phòng Lũng Làn và Đảng ủy - Chính quyền Xã Sơn Vỹ, việc triển khai cụ thể kinh phí sẽ được chuyển khoản tới Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh Hà Giang, số tài khoản: 946 90.00.00.012 Tại Kho bạc Nhà Nước Tỉnh Hà Giang. Chương trình này do đồng chí Trần Văn Cần số đt: 097 978 0410, Trưởng Ban Dân vận Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà giang chuyên trách thực hiện, khoản tiền này sẽ được chuyển làm 3-4 lần, thời gian xây dựng theo dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 9.2011 và hoàn thành vào cuối tháng 12.2011. Việc tiến hành chuyến đi nghiệm thu bàn giao gắn biển cho trường, tặng quà cho các cháu học sinh và đồng bào sẽ được tiến hành vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 (ngày 20-11 hoặc tết đồng bào Mông vào cuối tháng 12 âm lịch). Chuyến đi này sẽ được BĐH OF thông báo cụ thể sau. Chuyến đi sẽ xuất phát tại Hà Nội chiều thứ 6, đêm thứ 6 nghỉ tại Mèo Vạc, sáng thứ 7 xuất phát từ Huyện lỵ Mèo Vạc đi Sơn vỹ và Dìn Phàn Sáng, tổ chức nấu ăn trưa tại Dìn Phàn Sáng, chiều quay ra ăn tối và giao lưu với đồn Biên Phòng Lũng Làn - Chính quyền Xã Sơn Vỹ, tối về ngủ tại Huyện lỵ Huyền Mèo Vạc, sáng chủ nhật nghỉ ngơi tự do có thể xuất phát về Hà Nội, có thể thăm chợ phiên Vùng cao hặc đi thăm phố cổ Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, lâu đài dinh họ Vương.

Về vật chất kinh phí xây dựng theo dự toán 380 Triệu đồng, ngoài ra cần kinh phí, hiện vật quần áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập cho 50 cháu học sinh tiểu học, quà cho 55 hộ dân tại Dìn Phàn sáng có thể bao gồm chăn màn, quần áo ấm, nhu yếu phẩm thiết yếu, mỳ tôm…..

=======

Tiếp nối chương trình “Xây dựng các điểm trường” cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa trên mọi miền của Tổ Quốc mà OF đã triển khai từ mấy năm qua. Năm nay BĐH cùng Quỹ từ thiện OF đã tiến hành đi khảo sát và lựa chọn: Xây dựng điểm trường Dìn Phàn Sáng nằm tại Xã Sơn Vỹ, Huyện Mèo Vạc, Tỉnh Hà Giang, đây là một Xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Chuyến đi khảo sát đã được đại diện BĐH thực hiện và đây là một số hình ảnh về cơ sở vật chất hiện tại.


MỘT ĐẢNG VÀ HIẾN PHÁP - Huy Đức

Không hiểu vì sao Hiến pháp lại được đưa ra sửa khi những ý tưởng cải cách trong Đảng thì thiếu vắng và tình hình theo nhiều người là vẫn “chưa đủ xấu”. Nếu không xuất phát từ nhu cầu cải cách, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ là vá víu. Rất tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam thường chỉ chấp nhận cải cách khi bị dồn tới chân tường, Đại hội VI năm 1986 là ví dụ.

Chỉ chưa đầy 5 thập niên (1946-1992), Việt Nam có 4 lần thay Hiến pháp. Năm 1959, khi môi trường chính trị để vận hành một nhà nước dân chủ và đoàn kết toàn dân theo Hiến pháp 1946 không còn, Đảng Cộng sản hình thành ở miền Bắc một nhà nước do “giai cấp công nhân lãnh đạo”. Tháng 6-1976, sau khi chiến thắng người anh em ở miền Nam, trong tâm thế “ta đang tới đỉnh cao nhân loại”, Quốc hội Thống nhất quyết định thay thế Hiến pháp 1959, thiết lập trên cả nước một nhà nước chuyên chính vô sản hơn. Nhưng, đường lối Đại hội Đảng lần thứ IV và mô hình nhà nước theo Hiến pháp 1980 đã nhanh chóng đưa Việt Nam tới chỗ bế tắc. Đảng phải tìm lối thoát bằng cách chia tay với mô hình copy từ Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Hiến pháp 1992 đã từ bỏ bớt quyền lực tập trung. Từ chỗ không thể đưa ký gạo từ quê lên, đến thập niên 1990, người dân đã có thể lập công ty, được đi lại, được ra cả nước ngoài mua bán. Trong kinh tế cũng như trong chính trị, một quốc gia chỉ trở nên thịnh vượng khi người dân thực sự có quyền. Bản chất của “đổi mới” mà Đảng thường nói đến như một công lao chỉ đơn giản là trả lại cho người dân một phần quyền, trong đó có quyền được tự lo lấy cơm ăn, áo mặc.

Khi Quốc hội công bố sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều người đề nghị: Thay vì quan niệm Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, nên thiết kế Hiến pháp như một bản khế ước xã hội, theo đó, “con người chính thức đánh đổi quyền tự do tự nhiên để trở thành một công dân, chính thức trao một phần quyền tự do quyết định của mình vào tay một số người cầm quyền để có được sự chở che của xã hội”. Tuy nhiên, chỉ trong một chế độ thực sự dân chủ, hiến pháp cũng như các đạo luật khác mới trở thành một khế ước. Đảng biết trước câu trả lời khi các vấn đề sau đây phải trưng cầu dân ý: Điều 4; quyền tư hữu về ruộng đất cho người dân; mô hình chính trị…

Quyền sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa thuộc về nhân dân mà đang ở trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam, thay vì kiến tạo một nhà nước pháp quyền (rule of law), bản Hiến pháp mới chỉ có thể là bộ luật cơ bản để tiện bề “quản lý” (rule by law). Ngay cả trong điều kiện đó thì Đảng cũng phải biết mình muốn tổ chức một nhà nước theo mô hình nào: Tản quyền hay tập quyền? Cộng hòa tổng thống hay cộng hòa nghị viện? Mô hình ít xáo trộn nhất với điều kiện hiện nay là cộng hòa bán tổng thống: Chủ tịch nước vừa là nguyên thủ quốc gia vừa đứng đầu chính phủ nhưng chỉ nắm các quyền ngoại giao và an ninh, quốc phòng; Thủ tướng tập trung lãnh đạo các vấn đề kinh tế. Chủ tịch nước có thể được bầu bởi 2/3 đại biểu quốc hội hoặc được bầu bởi số phiếu quá bán của quốc hội cùng toàn thể đại biểu các hội đồng nhân dân ở cấp thành và cấp tỉnh.

Nhưng trước hết, cải cách phải được tiến hành trong Đảng. Đội ngũ cán bộ Đảng nên được phân công theo hướng: Có những người làm công tác Đảng chuyên trách và có những người được Đảng đưa sang ứng cử các chức danh nhà nước. Những người chuyên trách ở cấp Trung ương được gọi là Ban Bí thư, gồm các chiến lược gia, chịu trách nhiệm tìm kiếm nhân sự cho Đảng và chuẩn bị các vấn đề lý luận. Các văn kiện của Ban Bí thư chỉ có giá trị lưu hành nội bộ.

Đại hội của Đảng nên diễn ra theo hai vòng: Vòng một, tổ chức tranh cử trong Đảng để bầu các ứng cử viên ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân (ở các đảng bộ địa phương) và ứng cử đại biểu Quốc hội (ở đảng bộ toàn quốc). Số lượng ứng cử viên mà Đảng bầu ra phải nhiều gấp đôi số đại biểu cần thiết. Những ứng cử viên của Đảng trúng cử đại biểu Quốc hội đương nhiên trở thành trung ương ủy viên. Sau bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân, Đảng tổ chức đại hội vòng hai để cho các Trung ương ủy viên ra tranh cử ứng cử viên chức Chủ tịch nước và các ủy viên Bộ Chính trị. Đại hội giới thiệu ít nhất hai ứng cử viên để bầu Chủ tịch nước. Ai đắc cử Chủ tịch nước người đó đương nhiên trở thành Tổng Bí thư. Chủ tịch nước sẽ lập nội các bao gồm các thành viên trong Bộ Chính trị.

Quốc hội chỉ nên có không quá 400 người, trong đó: những đại biểu được bầu từ “bảng A”, gồm các ứng cử viên của của Đảng và những đại biểu được bầu từ “bảng B”, gồm các ứng cử viên độc lập. Chưa thể hy vọng bầu cử tự do được thiết lập trong lần sửa Hiến pháp này, nhưng nếu Đảng dành cho các ứng cử viên độc lập khoảng 100 ghế trong Quốc hội thì Đảng vẫn nắm quyền quyết định nhưng nhân dân sẽ có tiếng nói; các vấn đề kinh tế, xã hội sẽ được mổ xẻ, lương tri của các đại biểu là trung ương ủy viên sẽ được đánh thức; quy trình quyết định được giám sát chính trị một cách chặt chẽ hơn, tránh được các rủi ro do áp đặt và thiếu phản biện khi ban hành chính sách.

Tất cả ứng cử viên tất nhiên phải là công dân Việt Nam, nhưng hiện có hàng triệu người Việt đang sống ở nước ngoài và nhiều người trong số họ đang có hai quốc tịch. Nên quy định, chỉ những công dân Việt Nam không mang quốc tịch khác, hoặc đã từ bỏ quốc tịch khác, đã định cư trong nước ít nhất là 5 năm trước ngày bầu cử mới được quyền ứng cử. Chỉ có một đảng thì không thể đòi những cuộc bầu cử có hàm lượng dân chủ cao. Nhưng nếu những người tự ứng cử không được Đảng ủng hộ bị loại ra khỏi cuộc chơi bằng tổ dân phố và mặt trận tổ quốc thì không nên tổ chức bầu cử làm gì cho tốn kém.

Có thể áp dụng quy trình hiện hành đối với những người được Đảng đưa ra đề cử. Nhưng những ứng cử viên độc lập thì chỉ cần thu thập đủ một lượng chữ ký tùy theo đơn vị bầu cử: nếu ở các thành phố lớn thì có thể 10 nghìn; nếu ở miền núi thì có nơi chỉ cần 500 đến 1000 chữ ký. Tất cả các đại biểu Quốc hội, trừ những người tham gia nội các, là Trung ương ủy viên hay đại biểu độc lập, đều có quyền ngang nhau. Họ vừa có văn phòng làm việc ở Hà Nội và ở nơi ứng cử. Nội các và các đại biểu Quốc hội đều được bố trí nhà công vụ ở Thủ đô, hết nhiệm kỳ thì bàn giao lại cho những người kế tiếp.

Theo mô hình này, quyền lực được phân bớt cho các địa phương. Chính quyền trung ương chỉ nắm những quyền đủ để kiểm soát sự phát triển thống nhất của quốc gia. Các tỉnh trưởng không nhất thiết tham gia Ban chấp hành Trung ương, nhưng nhiều người trong số họ có thể là ứng cử viên hàng đầu của chức Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ kế tiếp.

Tòa án bao gồm: tòa địa phương, xử các tội hình sự liên quan đến giựt dọc, trộm cắp… thẩm phán tòa này do tỉnh trưởng bổ nhiệm, được phê chuẩn bởi hội đồng nhân dân; tòa quốc gia, xử các tội đại hình, các tội tham nhũng và các tội phạm về chức vụ… thẩm phán tòa này do Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn. Các ứng cử viên thẩm phán bao gồm các luật sư danh tiếng hoặc các thẩm phán liêm chính được chọn từ tòa dưới. Chính quyền Trung ương chỉ cần có bộ an ninh và cục điều tra quốc gia. Trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của các tòa địa phương, quyền điều tra nằm trong tay cục điều tra quốc gia. Lực lượng cảnh sát nên giao về cho địa phương, căn cứ tình hình, các địa phương sẽ quyết định lương thưởng, biên chế… Những thành phố đông dân như Sài Gòn sẽ tuyển đủ lực lượng cảnh sát cần dùng thay vì đưa thanh niên xung phong ra điều hành giao thông. Ở những địa phương mà người dân sống thân thiện với nhau họ có thể thay cảnh sát bằng vài “hiệp sỹ”.

Quân đội chỉ được xây dựng theo nguyên tắc chính quy, tinh nhuệ, chỉ được dùng để bảo vệ nhân dân và từng tấc đất của ông cha. Cho dù ai nắm quyền thì quân đội cũng chỉ trung thành với tổ quốc. Quân đội mà lo bảo vệ Đảng hơn bảo vệ biên cương, thì khi chính trị trong nước không ổn định, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm đảo.

Theo mô hình này, chỉ có một người thực sự là nguyên thủ quốc gia thay vì có tới 4 nhân vật được hưởng chế độ nguyên thủ như đang áp dụng. Trừ các vấn đề liên quan đến công tác Đảng do Ban Bí thư đảm trách, các quyết định của Bộ Chính trị đồng thời là quyết định của nội các. Không cần qua giai đoạn “thể chế hóa” mới có giá trị thi hành. Nó không chỉ chịu sự giám sát của Ban chấp hành Trung ương mà còn chịu sự giám sát của các đại biểu độc lập. Chức năng không bị trùng lắp, quy trình ban hành các quyết định được rút ngắn, địa chỉ để quy trách nhiệm cũng rõ. Vai trò lãnh đạo của Đảng cũng tương đối chính danh vì các nhà lãnh đạo chỉ có thể trở thành Tổng Bí thư, ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương sau khi được “nhân dân phúc quyết”.

Cho dù tiếp tục giữ quyền viết Hiến pháp thì Đảng cũng hãy vì sự thịnh vượng của quốc gia mà chia sẻ bớt quyền lực cho nhân dân. Đừng nghĩ là tình hình chưa đủ xấu. Đừng nhìn các mâu thuẫn xã hội dựa trên các báo cáo hay dựa trên mấy câu leo lẻo của những người vẫn tới tặng quà: “Anh lãnh đạo chúng em làm ăn được”. Nhân dân đang bị nhũng nhiễu. Cái ác đang hoành hành. Nhiều “chức năng” đang phải vận hành bằng tiền bạc trong khi đa số nhân dân thì thiếu tiền nhất là tiền để mưu cầu công lý. Nên nhớ là những cuộc nổi dậy thường bắt đầu từ những uất ức của người dân trước những bất công chứ không phải từ những trí thức đang lên tiếng nhằm thức tỉnh chính quyền. Thay vì đào những đường hầm để thoát thân khi có biến như Gaddafi, ngay bây giờ hãy khai thông các lối ra cho toàn dân tộc.

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

HOA TRÊN NÚI MỪNG TẾT ĐỘC LẬP

Những bông hoa li ti đủ màu sắc, khoe mình trong nắng, vươn mình trên núi cao.


Tím ngát trong nắng, trong lá.


Những giọt mưa long lanh long lanh để màu tím thương nhớ thêm, thủy chung thêm.


Chồi non vươn lên!


Cánh hoa nở tung giữa mây trời, gió núi. Ơn Đảng, ơn Chính phủ đã mang lại tự do cho muôn hoa khoe sắc!


Nở hết mình!
Ơn Đảng, ơn Chính phủ đã mang lại tự do để người thợ có thể tung tăng chụp ảnh - tha hồ viết blog!

Tôi yêu Tổ Quốc mà tôi bị bắt

Kính tặng nữ đạo diễn điện ảnh Song Chi, nhà văn nữ Trang Hạ và anh chị em từng bị “Công an Nhà Nước ta” bắt vì yêu nước "vô tổ chức", dám biểu tình chống Trung Quốc chiếm Trường Sa, Hoàng Sa.

Những ngày này
Tổ Quốc là cá nằm trên thớt
Tổ Quốc là con giun đang bị xéo quằn
Giặc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa
Biển Đông bị bóp cổ
Sóng bạc đầu nhe nanh sư tử
Biển đập nát bờ
Hồng Hà, Cửu Long giãy giụa thở ra máu

Tuổi trẻ mít -tinh
Đả đảo Trung Quốc xâm lược !
Sông Bạch Đằng tràn lên phố biểu tình
Sông Bạch Đằng bị bắt
Ải Chi Lăng theo tuổi trẻ xuống đường
Ải Chi Lăng bị bắt
Gò Đống Đa nơi giặc vùi xương
Sẽ bị bắt nếu biểu tình chống giặc !

Có nơi đâu trên thế giới này
Như Việt Nam hôm nay
Yêu nước là tội ác
Biểu tình chống ngoại xâm bị “Nhà Nước” bắt ?

Các anh hùng dân tộc ơi !
Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo ơi !
Nếu sống lại, các Ngài sẽ bị bắt !
Ai cho phép các Ngài đánh giặc phương Bắc ?
Sao vua Trung Hoa lại chiếm nước Trung Hoa :
“Bên kia biên giới là nhà
Bên đây biên giới cũng là quê hương !”
Thơ Tố Hữu năm nào từng xóa dấu biên cương !

Đường ra biển dân tộc ta đang bị tắc
Phải giành lại Hoàng Sa từ anh bạn Thiên triều
Tôi yêu Tổ Quốc tôi mà tôi bị bắt !
Tổ Quốc yêu Người phải lấy máu mà yêu !

Sài Gòn 20-01-2008
Trần Mạnh Hảo