Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

CHIA BUỒN TỚI NHÂN DÂN NA UY

Thay mặt gia đình, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân cũng như người thân của các nạn nhân và Nhân dân Na Uy sau vụ đánh bom làm rung chuyển thủ đô Oslo và vụ xả súng đẫm máu trên đảo Utoeya hôm qua 22/07/2011.

Chúng tôi cầu chúc những người bị thương mau chóng bình phục.

Chúng tôi gửi lời chia buồn đến chính phủ Na Uy, hy vọng rằng chính phủ Na Uy nhanh chóng khắc phục hậu quả của vụ khủng bố trên.

Nhân dân Việt Nam và nhân loại có lương tri trên toàn Thế giới luôn bên các bạn và sẽ làm tất cả để đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức!

HIẾN PHÁP 1946 VÀ CÔNG HÀM QUÁI CHIÊU - Nguyễn quang Lập

Báo Đại đoàn kết có bài Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (20/07/2011) được thiên hạ rất khen. Đấy, cứ công khai minh bạch như thế có phải hay không, cứ thậm thà thậm thụt, úp úp mở mở chỉ tổ làm dân sinh nghi. Ngẫm mà xem, xưa nay hễ ta để dân nghi điều gì là TQ lợi dụng ngay điều đó, đục nước béo cò mà. Ta thì khi nào cũng nghĩ đục nước là do bọn phản động khuấy lên, còn cò là các thế lực thù địch, nói trắng ra là Mỹ. Điều đó có thể có nhưng không đáng sợ bằng đục nước do chính ta làm vẩn đục lòng tin của dân; và con cò đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là TQ. Phải đắng cay mà nhận ra như thế, thưa mấy bác phòng chống diễn biến hòa bình. Nhưng thôi, chuyện này nói sau.

NHỮNG HUYẾT CẦU TỔ QUỐC - Đinh vũ hoàng Nguyên "Laothayboigia" -

Xin lỗi con!

Khi hôm qua ôm con

Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh

Ba làm con đau!


Bởi hôm qua

Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* tổ quốc.

Máu lại tuôn…, những mảnh ván tàu…


Con ơi

Ba sẽ kể con nghe

Câu chuyện những ngư dân

Đang hóa thân thành những hồng cầu*

để Trường Sa, Hoàng Sa

Vẫn là thịt trong huyết hình tổ quốc.


Con phải khắc trong tâm

Câu chuyện những bạch cầu*:

là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.

là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.

Những con số sẽ không là con số

Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.


Những con đường – mạch máu đất nước mình

Vết thương đạn bom vừa yên trong đất

Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.

Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi

Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển

Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển

Mạch máu này con phải thấy bằng tim

Nếu một ngày sóng nộ, cường lên

Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.


Thứ lỗi cho ba

Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!

Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình

Đất nước bốn nghìn năm trên sóng

Đừng quên sau lời thề, lông ngỗng…

Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.


Một ngày

Khi con nếm trên môi,

Con sẽ thấy máu mình vị mặn.

Bởi trong máu luôn có phần nước mắt

Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.


Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu

Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ

Để điều này lớn lên con hiểu

Bây giờ, ba phải kể cùng con.

HỎI AI BI CHỪ?

Trên trang Văn Hóa Nghệ An có đăng bài:
Học giả Trung Quốc: Chúng ta đã bị Chính phủ tuyên truyền, lừa dối như thế nào trong tranh chấp "Nam Hải" - Tác giả Dayi Dadao.

Dayi Dadao viết: "...Hãy xem vấn đề ““Nam Hải” (Biển Đông)”. Tàu giám sát, tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục đòi chủ quyền các quần đảo ở “Nam Hải” (Biển Đông), trực tiếp ngăn chặn hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Philippines, điều này rất hiếm xảy ra trong quá khứ. Đồng thời, các cuộc diễn tập quân sự của hải quân Trung Quốc không ngừng diễn ra, nội dung diễn tập bao gồm các chiến thuật có khả năng dùng tới trong chiến tranh khi giành các quần đảo đã bị chiếm đóng tại Biển Đông. Mặt khác, giàn khoan dầu khổng lồ hoạt động ở vùng nước sâu Biển Đông đã đi vào hoạt động tại đây. Có thể nói, chính bởi cách làm “mang tính chất áp bức” của Chính phủ đã khiến tình hình “Nam Hải” (Biển Đông) ngày một căng thẳng. Đây chẳng phải là hệ quả của chuỗi hành vi chủ động công kích và dùng chiến thuật chiến lược mới để giải quyết tranh chấp “Nam Hải” (Biển Đông) của Chính phủ hay sao?"
____________

Lẽ nào giàn khoan của Trung Quốc đã thực hiện sữ mệnh của mình trên vùng đảo Trường sa Của Việt Nam???

“Dầu khí Hải dương 981” dài 114m, cao 140m và nặng 31.000 tấn. Theo Công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc, giàn khoan này “có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m”.

Giàn khoan này “đặc biệt quan trọng” và “sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng khoan dầu sâu dưới đáy biển”. Các kỹ sư Trung Quốc nói “Dầu khí Hải dương 981” “được thiết kế đặc biệt để hoạt động ở những vùng nước sâu” thuộc Biển Đông.

Sau khi thử nghiệm, giàn khoan này sẽ được kéo tới Biển Đông và có thể hoạt động ngay từ cuối tháng 7/2011 hoặc chậm nhất là vào mùa thu năm 2011”

“Dầu khí Hải dương 981” được coi là một trong những giàn khoan lớn và hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm, thuộc thế hệ thứ 6 trên thế giới và là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất.


Philippines đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, yêu cầu Bắc Kinh nói rõ nơi nước này sẽ triển khai giàn khoan.

Nhật Bản nhận định. “Hiện nay, với việc Giàn khoan 981 đi vào hoạt động, Trung Quốc đã thể hiện tham vọng biến Biển Đông thành khu vực khai thác dầu khí lớn của nước này trong thời gian tới. Kế hoạch này sẽ trở thành “mồi lửa" mới gây căng thẳng trong khu vực và khiến tình hình tiếp tục leo thang”.

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

VỀ CHUYỆN "ĐÃ CÓ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC LO" - Trịnh Hữu Long

.............
Xét cho cùng, vị trí lãnh đạo của Đảng hiện nay đã được xây dựng và củng cố bởi sự hi sinh của hàng chục triệu người và hàng ngàn cuộc biểu tình. Do đó, nhân dân không đáng phải nghe cái câu "Đã có Đảng và Nhà nước lo" như một sự ban phát và càng không đáng bị tước mất cái quyền biểu tình mà nhờ đó Đảng có được như ngày hôm nay.
.............
.............
Tôi thực sự muốn nói rằng: đất nước này là của gần 90 triệu người Việt Nam, hàng chục triệu người đã đổ xương, đổ máu, đổ mồ hôi để có được dải đất hình chữ S này, vì vậy đừng nói rằng, chỉ có Đảng và Nhà nước mới có quyền được lo.,.
_______________

Đảng và Nhà nước lo cho gia đình những thương binh liệt sĩ việt Nam trong trận chiến với quân bành trướng Bắc kinh tháng 02/1979 một ngày để vinh danh đê!

MẪU MỚI

CHỦ NHẬT NÀY XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH SẼ CÓ MỘT SỖ MẪU THỜI TRANG MỚI ĐỂ BÀY TỎ LÒNG YÊU NƯỚC.

ĐÂY LÀ MỘT MẪU MỚI SẼ ĐƯỢC ƯA CHUỘNG DO NHÀ MẪU YÊU NƯỚC THIẾT KẾ VÀ CÁC NGƯỜI MẪU YÊU NƯỚC THỂ HIỆN QUANH KHU VỰC BỜ HỒ HOÀN KIẾM

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

LỜI CHÚC MỪNG

Nhiệt liệt chúc mừng kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa mười ba - Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành công tốt đẹp!

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Philip Rosler Đôi dòng suy ngẫm... - Xuân Lộc

Tôi thực sự không có thời gian và cả điều kiện cần-đủ để dành cho việc viết lách và đàm đạo chuyện nhân tình thế thái.Nhưng có lẽ,do bị kích thích và cảm phục tài năng của một con người trẻ tuổi mang cái tên Germany nhưng chảy trong người là dòng máu thuần Việtt mà tôi yêu thích : Philip Rosler.

Nên mạo muội gõ vài dòng suy nghĩ tản mạn này sau khi đã nghe toàn bộ bài phát biều như là một thông điệp của anh trước đảng FDP của nước Đức.

Philip Rosler đã thành một hiện tượng-không chỉ ở nước Đức mà còn ở phạm vi toàn cầu.

Thế kỷ 21 mới đi qua hơn mười năm,nhưng đã chứng kiến hai ngôi sao sáng chói trên chính trường thế giới, là Tổng thống Barack Obama của nước Mỹ và Phó thủ tướng Philip Rosler của nước Đức.


Hai ngôi sao tỏa sáng, trước hết là do tài năng-tất nhiên rồi-nhưng không thể không nói đến vùng trời tự do để cho những chú đại bàng tung cánh. Tự do và dân chủ thực sự, nếu không có nó thì dù có tài năng gấp vạn lần đi nữa, cũng không bao giờ hai dòng máu Á-Phi (Việt nam và Kenya) những dân tộc nghèo nàn và lạc hậu vào hàng nhất nhì thế giới lại có thể đứng đầu hai quốc gia vĩ đại và hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ và Đức.

Đây quả là một nghịch lý đáng yêu. Một sự vĩ đại của nền dân chủ và tự do phương tây.

Tôi thoáng có sự so sánh hơi khấp khễnh một chút về hai con người trẻ tuổi tài ba này và càng khâm phục Philip Rosler hơn.


Nước Mỹ là một hợp chủng quốc, nơi dung nạp vào lảnh thổ của mình những bộ óc tinh tú của nhân loại, nơi tự do cá nhân được tôn trọng hoàn toàn và mọi sự sáng tạo được vinh danh, bất kể họ đến từ đâu và bất kể màu da sắc tộc nào. Tổng thống Obama, một người da màu trẻ tuổi vươn lên đỉnh cao nhất của quyền lực tuy đã là vô cùng khó khăn rồi, nhưng phần nào có thể hiểu...

Còn nước Đức là một dân tộc thuần chủng (tỷ lệ người mang dòng máu khác không phải là chiếm tỷ lệ lớn). Người Đức vốn rất tôn thờ và tự hào về dòng máu dân tộc thượng đẳng của mình, sự vươn tới đỉnh cao quyền lực của Philip Rosler lại càng khó khăn gấp bội phần.

Vì sao hai chàng thanh niên da màu đó đạt được thành công chói sáng như vậy ?
Câu trả lời theo tôi, thật đơn giản. Chỉ có hai nguyên nhân mà thôi.

Đó là tài năng thật sự và nền dân chủ -tự do thật sự.

Thật ấm lòng và tự hào biết bao khi nghe Philip Rosler đứng phát biểu trước cử tọa là những người Đức ưu tú, đại diện cho dân tộc Đức lắng nghe.

Thông điệp Philip Rosler phát đi, quả thật tôi không hiểu. (tôi không biết tiếng Đức), mà chắc nó cũng không liên quan gì tới đất nước tôi, dân tộc đau khổ của tôi, mặc dầu tôi có nghe loáng thoáng hai tiếng Việt Nam trong bài phát biểu.

Tôi tự hào và ấm lòng vì anh là một người Việt nam máu đỏ da vàng như tôi.

Và vì bài phát biểu này chắc chắn là cả thế giới lắng nghe và họ sẽ biết có một người Việt nam như thế , như thế...

Dù có chủ ý hay không thì anh cũng đã góp phần rất lớn làm tăng thêm uy tín cho hai tiếng Việt Nam trước thế giới mà không có bất cứ vị đứng đầu nhà nước Việt Nam nào hiện nay làm được cho dù họ cầm giấy đọc dõng dạc từng chữ một ở bên tây bán cầu hay chém tay hùng hồn đọc ở thủ đô Hà nội.

Cái lý do chính để tôi viết những dòng này, đó là thái độ lắng nghe và niềm cảm kích không hề ngượng ngạo của những đảng viên đảng FDP. Những tràng vỗ tay không ngớt, những nụ cười đầy trìu mến họ dành cho diễn già - một người Việt Nam mang tên Đức-chính xác là một người Đức mang dòng máu Việt Nam.

Anh đã phát biểu một thông điệp rất dài trước cử tọa toàn những người ưu tú và lớn tuổi mà không có một mảnh giấy trong tay. Không hề giống với bất cứ quan chức nào của dân tộc anh hùng của chúng ta. Ngay cả việc đến chúc mừng ngày vui của một trường mẫu giáo cũng phải nhìn vào giấy soạn trước để đọc. Chao ôi ! Sự chênh lệch về đẳng cấp mới mỉa mai làm sao.

Chỉ vì cảm mến con người trẻ tuổi này ở một đất nước "tư bản giãy chết" mà tôi đã phải bỏ cả việc kiếm cơm sáng nay để gõ những dòng tâm tình này đấy.

Bạn đừng vội tin vào những gì tôi viết, hãy nghe những gì anh ấy nói ở đây để hiểu vì sao tôi lại phải hy sinh đến vậy!

Xuân Lộc
Thuận An,6/7/2011

Tâm sự với Philipp Rösler - Xuân Lộc

Dù anh có làm thủ tướng nước Đức đi nữa
Thì ý nghĩ của tôi vẫn chỉ một mà thôi
Tôi không nghĩ nhiều về anh đâu
Người Việt nam ta đã quá hiểu nhau rồi.

Tôi nghĩ về hai đất nước và hai chế độ.
Về nơi anh đang sống và đang phụng sự.
Về nơi tôi đang tồn tại và đang lo từng bữa kiếm ăn .
Về hai chúng ta cùng chung máu đỏ da vàng...

Khi tôi đứng bên đông bức tường Berlin
Anh ở phía bên tây còn là đứa trẻ
Khi tôi trở về quê hương làm một người tử tế
Anh sãi cánh bay trên phóng khoáng đại ngàn.
Khi bức tường Berlin đi vào viện bảo tàng
Sông Bến Hải đã mười lăm năm không còn ranh giới,
Dân tộc Đức của anh vui chung ngôi nhà mới
Dân tộc Việt của tôi vẫn kẻ thắng người thua...
Những trí thức bên đông trở về với tự do
Cô luật sư Angela Merkel. trở thành bà thủ tướng
Cậu thanh niên da vàng là anh trở thành ngài bộ trưởng
Người tử tế là tôi lại ngơ ngác ngả ba đàng..
Chẳng biết anh có hiểu gì về Các mác không ?
Người Đức trí thức này đẻ ra Tư bản luận
Để người Việt tôn vinh là bậc thầy cộng sản
Kiên định đến cùng mớ lý thuyết ông gieo.
Trí thức với dân đen phần lớn vẫn đói nghèo
Chỉ các quan chức trở nên giàu có
Một nhóm người trở thành Tư bản đỏ
Những nghịch lý thiên đường nở rộ ở nơi đây.
Tôi yêu đến thiết tha đất nước khổ đau này
Vinh quang lắm mà đắng cay cũng lắm
Hơn bốn ngàn năm tay cày tay súng
Nước độc lập rồi vẫn mơ đến tự do...

Anh mang một cái tên Đức Philipp Rösler
Nhưng chảy trong anh là dòng máu Việt
Tôi mừng cho anh trở thành chính khách
Không giám nhận họ hàng* lòng vẫn thấy vui lây.

Xuân Lộc
Thuận An 5/4/2011

* Lấy từ câu thành ngữ:Thấy sang bắt quàng làm họ

KHÔNG ĐỀ

Hơn một tháng nay, cứ thứ bảy chủ nhật là mình lại háo hức với ngày hội xuống đường. Nào là chuẩn bị mua cờ, chuẩn bị mua áo. Mà tệ nhất là cờ gần như tuần nào cũng phải mua lại, cũng mất thời gian ra trò. Chuẩn bị mẫu và thông tin trên biểu ngữ, rồi đi in, rồi nghĩ sao cho biểu ngữ không bị mất.
Tối thứ 7 thì không đi đâu để ngủ sớm, lại còn nhắn tin và trả lời tin nhắn.... Thế là chẳng cafe chi được.
Mấy hôm nay bị giận hờn quá đây nè!

Phiêu lưu điện hạt nhân - Hoàng Xuân Phú

Dâng Tổ quốc
những đêm dài trăn trở,
nỗi âu lo
đè nặng những lo âu

Để bác bỏ quan điểm cho rằng điện hạt nhân vừa rẻ lại vừa an toàn,[1] tôi đã viết hai bài “Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân”[2] và “Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ”.[3] Bài thứ nhất để chỉ ra rằng điện hạt nhân luôn rất nguy hiểm và không bao giờ có được công nghệ điện hạt nhân tuyệt đối an toàn. Bài thứ hai để khẳng định rằng điện hạt nhân đắt hơn hẳn tất cả các dạng điện năng khác và nó hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

LÁ GAN NGHỊ SĨ - Tuanddk

Điều gì mà nhân dân quan tâm khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII khai mạc. Nhân sự cao cấp? Không. QH chưa khai mạc nhưng danh sách từ tứ trụ triều đình, mười mấy vị bộ trưởng đã được TTX vỉa hè loan tin từ trước, dù đây là câu chuyện “mật của mật”. Cứ theo thông lệ Việt Nam mình thì tin TTX vỉa hè trúng đến 99,99%. Không có gì khó hiểu khi QH thực chất chỉ quyết theo những gì Trung ương đã quyết, chẳng bao giờ sai được. Có ai đó muốn hỏi TƯ là ai thì xin xem lại điều 4 Hiến pháp.
Nhân sự là câu chuyện không thuộc về dân chúng. Ai, ở đâu cũng là câu chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng có hai vấn đề QH không thể không bàn đến, tất nhiên nếu còn tồn tại thực sự với nghĩa là cơ quan dân cử và các nghị sĩ là đại diện cho nhân dân. Đó là lạm phát và vấn đề chủ quyền biển đảo. Có lẽ Chính phủ giờ rất dễ văng tục khi có bất cứ ai đó nói tới bất cứ gì đó liên quan đến lạm phát. Chẳng hạn có bị chất vấn thì thế nào cũng “Nguyên nhân là câu chuyện khách quan. Phía trước là tương lai tươi sáng”. Sáng đến đâu chưa biết nhưng một thực tế không thể chối cãi là lạm phát 6 tháng đã gấp đôi chỉ tiêu. Những con số rất khó tiêu này lại cần phải được đặt trong bối cảnh là đã 6 năm qua, lạm phát liên tục ở mức 11-12%. Chỉ tiêu có ý nghĩa gì. Nghị quyết cuối cùng là để làm gì khi lạm phát biến tiền lương thành giấy vụn và các con số nghèo đói, bần cùng hoá ngày càng tăng lên. Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá, trong bài trả lời PV DDK cách đây hai tuần đã khẳng định rằng: Lạm phát, nói cho cùng, không phải là vì nền kinh tế nhỏ bé, mà là do điều hành. Sẽ rất khó nghe nếu dùng từ bất lực. Nhưng thực tế là Chính phủ đã bất lực trước lạm phát. Một sự bất lực đã kéo dài trong suốt thời kỳ mãn dục 6 năm qua.
Dân đã quen với lạm phát, quen với cái nghèo. Nhưng nghèo không có nghĩa là họ sẽ chấp nhận cái hèn. Người Việt Nam chưa bao giờ quen với sự hèn hạ. Bởi thế khi hạ viện Mỹ lần lượt thông qua các nghị quyết về một vùng biển cách họ nửa bán cầu thì câu hỏi mà không một người Việt nào không đặt ra là liệu Quốc hội Việt Nam có đặt vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự. Câu hỏi này đáng lẽ là thừa. Thừa nhưng lại là cần thiết khi những kênh thông tin chính thống và thái độ của chính quyền liên tục bác bỏ sự tồn tại trong thực tế lòng yêu nước và sự phẫn nộ của dân chúng. Hôm qua, ông Vũ Mão, nguyên một quan chức cấp cao của QH cho rằng đưa vấn đề Biển Đông ra trước QH là việc làm “cần thiết”, “đúng đắn”, và “như vậy mới đảm bảo tính kịp thời”. Ông Mão cũng cho rằng: “Sản phẩm phải là một Nghị quyết”. Một nghị quyết để các nghị sĩ có thể ngẩng cao đầu. Một nghị quyết để nhân dân hiểu được trách nhiệm và thái độ của QH trước một vấn đề hệ trọng của đất nước.
Nhưng, vẫn phải viết ra một chữ nhưng, nhiều khả năng Chính phủ sẽ chỉ có một báo cáo về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự vùng biển đảo, liên quan đến tình hình biển Đông, để “các đại biểu tự nghiên cứu”.
Sẽ lại là một nụ cười đồng loã với lạm phát? Sẽ lại là sự trật tự trong im lặng với tình hình Biển Đông đang căng như dây đàn? Điều này phụ thuộc vào lá gan của các nghị sĩ dù quyền miễn trừ đối với những phát biểu công khai trên nghị trường vẫn là bất biến. Một Quốc hội thực sự xưng là đại diện không thể lảng tránh những vấn đề người dân quan tâm.
Trong một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược hồi cuối tháng 5 đã xuất hiện hình ảnh của ông Huỳnh Tấn Mẫn. Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫn, một biểu tượng cho phong trào học sinh sinh viên dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, người 11 lần ra toà, 6 năm trong lao tù. Trong Hồi ký không tên của Lý Quý Chung (Chánh Trinh) dân biểu đối lập nghị viện Sài Gòn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin có nói đến cuộc trao đổi tù binh tại phi trường Lộc Ninh. Tù nhân sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm, một người cộng sản, đã từ chối việc trao trả anh cho Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam với lý do anh không phải là người của Mặt trận. Từ chối tự do để tiếp tục ở lại, dù ngay sau đó bị đưa trở lại nhà giam, để đấu tranh cho hoà bình, cho dân tộc. Một con người như thế, giờ nếu “xuống đường” cũng chỉ là vì ông tiếp tục lý tưởng mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời.
Trong bài phỏng vấn ông Vũ Mão, có một câu hỏi về việc “người dân muốn về bày tỏ thái độ trước vấn đề chủ quyền ở biển Đông với các hình thức như thời gian gần đây”. Ông Mão nói thẳng quan điểm cá nhân: Các cấp lãnh đạo cần phải trân trọng lòng yêu nước của người dân. Cần phải có nơi để người dân bày tỏ.
Thiếu sót nhất trong bài phỏng vấn, được đăng tải trên tờ Dân Việt, một thiếu sót, dù biết nhưng không thể không chấp nhận, là một chữ “Nguyên”. Ông Mão trả lời với tư cách “Nguyên” Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội.
Nguyên nhân là tại lá gan.

BIỂU TÌNH CHÍNH KHÍ CA - Khuyết danh.

Hỡi ôi!

Hải đảo- Biển Đông; lòng dân trời tỏ.

Mười năm công đèn sách, chưa chắc còn danh nổi tợ phao; một trận chống Tàu, tuy là mất tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa:

Nhà báo nhà văn; giáo sư tiến sĩ.

Chưa quen tụ tập, đâu biết biểu tình; chỉ nghiên cứu sinh, ở trong trường bộ.

Cầm bút nghiên, cầm đèn sách, tay vốn quen làm; tập phản đối, tập đấu tranh, mắt chưa từng ngó.

Tiếng hải tặc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa; mùi bốn tốt vấy vá đã ba năm, ghét nhu nhược như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy ngư dân bị chấn lột, muốn tới ăn gan; ngày xem tàu Hải giám chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Biển Đông chủ quyền sáng rõ, há để ai bịa đặt lưỡi bò; hai quần đảo lớn của ta, đâu dung lũ cướp ngày chiếm chỗ.

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức biểu tình; chẳng thèm đắp tai cài trốc, chuyến này quyết giương cao cờ, biểu ngữ.
Khá thương thay:

Vốn chẳng phải thanh niên trai trẻ, theo dòng phản đối đấu tranh; chẳng qua là tiến sĩ, giáo sư, mến nghĩa xuống đường đi bộ.

Mấy chục ông nhân sĩ, nào đợi tập rèn; vài trăm chú sinh viên, không chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh cờ đỏ, nào đợi mang học vị học hàm; trong tay cầm biểu ngữ, băng rôn, chi nài sắm huân chương, giải thưởng.

Biểu ngữ viết bằng than đen mực đỏ, vạch mặt chỉ tên bọn hải tặc kia; băng rôn dùng bằng tấm vải thô, phản đối lũ bá quyền nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, cùng nhau lướt tới, cảnh sát cũng như không; nào sợ lính cơ động đám nhỏ, đám to, dấn bước xông lên, liều mình như chẳng có.

Kẻ hô vang, người hét ngược, làm cho Khương Du, Chiêu Húc hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ em Phương Nga líu lưỡi.
Ôi !

Những lăm Nhà nước đồng thanh; đâu biết biểu tình vội bỏ.

Một chắc chủ quyền rằng chữ quyết, nào hay bốn tốt bọc chữ vàng; trăm năm xã tắc ấy chữ thiêng, đâu ngờ chẳng thiêng bằng chế độ.

Đoái đường Điện Biên Phủ cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chốn Bờ Hồ, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.

Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà công an vây bắt cho cam tâm; vốn không ai xúi dục đấu tranh, bị đánh đập rủa nguyền cho đáng số.

Nhưng nghĩ rằng:

Tấc đất biên cương ơn Tiên tổ, tài bồi cho nước nhà ta; Hải đảo- Biển Đông Tổ quốc, mắc mớ chi ông cha nó.

Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui đồn lũy tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở chốn quan trường, chia dự án, gặm biên cương, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tàu, ở với lưu manh rất khổ.
Ôi thôi thôi !

Phạm Duy Hiển đau chân dân dìu cõng, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; Nguyễn Quang A bền bỉ giấu hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Đau đớn bấy, Hồng Kiên lên xe bus, bọn nít ranh gọi ông lão bằng thằng; não nùng thay, Xuân Diện chạy tìm đoàn, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi !

Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ.

Binh tướng nó hãy đóng ở đảo Hoàng Sa, ai làm nên bốn phía mây đen; ông cha ta còn ở Bản Giốc, Biển Đông, ai cứu đặng một phường con đỏ.

Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống vì dân, thác cũng vì dân, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó.

Nước mắt biểu tình lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nhân sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.

Hỡi ôi thương thay !

Có linh xin hưởng.

BĂNG RÔN PHẢN ĐỐI KHỰA HƠI BỊ ĐỈNH

Đây là hình ảnh mà tôi may mắn chụp được trong buổi sáng chủ nhật 17/01/2011 đau buồn, khi mà những con tim ái quốc bị xua đuổi, bị lên đồn, bị đạp vào mặt, bị rủa xả như những kẻ tội đồ bởi lực lượng công an và thanh niên băng đỏ.

Tôi không biết nói gì hơn bởi thế giới mạng, nhân loại có lương tri đã đang và mãi lên tiếng. Tôi chỉ đưa lên đây hai tấm hình cực độc.

Cũng là câu trả lời cho bất kỳ kẻ nào nói xấu và bôi bác tình yêu nước của nhân dân, rằng bất kỳ băng rôn - biểu ngữ nào trong cuộc biểu tình đều hoàn toàn là tự phát!


HAI BỐ CON CŨNG BIỂU TÌNH

Đầu tiên, xin lỗi anh Lê Dũng, người bạn mới quen biết trong những ngày hè đỏ màu cờ yêu nước 2011, xin lỗi vì tôi đã lấy cắp ý tưởng "Hai bố con cũng đi biểu tình" của anh.

Từ ý đó, hai bố con tôi làm cuộc tuần hành gấp gáp để còn kịp về thủ đô trong ngày chủ nhật tươi hồng tới đây!


Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

CHÍNH PHỦ ĐỪNG ĐI MỘT MÌNH. Bùi Quốc Huy

Vậy là bước sang tuần thứ bảy, những cuộc xuống đường (gọi là biểu tình cũng được, mà gọi là tụ tập đông người cũng chả sao).Lại chăng dây, lại bắt bớ.Ít nhất lần này tới 46 người…Không biết các anh ấy bắt người về đồn, ngoài câu hỏi xác định nhân thân và ai xúi bẩy, nhận được bao nhiêu tiền thì các ảnh còn biết hỏi thêm câu gì không.

Mình cũng từng …đi học,cũng từng biết là cái tình cảm yêu nước thương nòi là cái tình cảm tự nhiên,như ông Mạnh Tử nói là nhân chi sơ tính bổn thiện vậy.Bác Hồ ngày xưa sợ các cháu…quên nên cẩn thận nhắc ngay từ đầu yêu Tổ quốc,yêu đồng bào…chớ đứa nhỏ sinh ra,được mẹ cho bú mớm, được cha dạy dỗ, biết thương cha mẹ anh em, ông bà cô bác,chòm xóm láng giềng rồi rộng ra là quê hương đất nước.Cái tình cảm ấy nó chả mơ hồ gì.Vô cớ xúc phạm hay xâm hại anh em ,cha mẹ…đến làng xóm của mình thì …đơn giản là…chửi lại, dũng mãnh hơn là uýnh lại…pháp luật hơn là cáo quan.Tức là ít ra cũng tỏ một thái độ…

Chớ nay, đồng chí bốn tốt mười sáu chữ vàng không ngừng xâm lấn lãnh thổ ta ( năm 1974 ở Hoàng sa,và năm 1988 ở Trường Sa, tổng cộng giết hại hơn 150 người Việt ta) và liên tục đuổi bắt, thậm chí bắn giết bà con ngư dân ta.Nghĩ đến đấy, nếu không phải là cầm thú thì giống máu đỏ da vàng con Hồng cháu Lạc nào mà không căm gan, day tay mắm miệng trợn mắt nghiến răng nhìn về Phương Bắc.

Thái độ ấy, có đúng đạo lý không, có phù hợp với tinh thần độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà quốc gia nào cũng tuyên bố không?

Vậy, tại sao xuống đường thể hiện thái độ thì bị bắt.Không lẽ chúng dân chỉ được quyền chúi đầu vào gối khóc thầm, hay ra quán rượu chửi đổng.Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, huống hồ trong đội ngũ xuống đường có nhiều vị nhân sĩ, trí thức mà sự tri kiến của các vị ấy còn hơn cả một đối sách quốc gia.

Có người sẽ nói, chúng dân xuống đường sẽ ảnh hưởng đến tình hữu nghị.Vậy chúng ta phải xem lại cái tình hữu nghị đó xây dựng trên cơ sở nào? Trên cơ sở thiên tử chư hầu, hay trên cơ sở hiến chương Liên Hiệp Quốc, là sự bình đẳng của mọi quốc gia, dân tộc.

Có người sẽ nói, xuống đường sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa hai chính phủ.Thế thì sự đàm phán đó chỉ dựa trên ba tấc lưỡi của các vị sứ giả,còn sức mạnh của dân tộc thì không cần đến.Đã đến lúc vứt dân ra đường? Vậy thì không cần đến dân biết, dân bàn nữa sao? Vậy cái chính phủ này không còn của dân, do dân và vì dân nữa sao?

Dân muốn đồng hành cùng chính phủ.Dân muốn đứng sau lưng chính phủ, để trên cuộc đàm phán, bất kỳ thế lực ngoại bang nào cũng thấy, đằng sau vị sứ giả Việt là cả một dân tộc đang cuồng nộ, quyết đem máu để bảo vệ từng tấc đất cha ông.

Chính phủ đừng đi một mình.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

TẤM CHÂN TÌNH

Đọc bài "Con mình và con người ta..." bên nhà anh lái gió, thấy buồn quá, buồn vì những hoàn cảnh đau thương còn nhiều đến vậy trên mảnh đất này. Làm phiền anh lái gió đưa đến thăm hai cháu bé con chị Liễu, cũng là chia sẻ chút chân tình tới vong hồn người đã mất.
Từ chợ Bưởi đến nhà chị Liễu chừng khoảng 45km theo hướng đường quốc lộ 6 đi Hòa Bình.

Trên đường, trước khi đến nhà hai em bé mồ côi mẹ, ghé qua nơi mà chị Liễu đã ra đi vĩnh viễn, nó là đây, nhà máy Vật Liệu Xây Dựng Đặc Biệt Giai Đức, một doanh nghiệp do bọn Trung Quốc làm chủ.


BIỂU TÌNH NGÀY 17/07/2011

Mặc dù bị lực lượng an ninh - công an - dân phòng và phát sinh rất nhiều thanh niên băng đỏ ngăn cấm, chia rẽ và bắt bớ rất nhiều người. Nhưng cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm hại lãnh thổ, bắt bớ đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam vẫn diễn ra, mặc dù không thể tập hợp toàn bộ người yêu nước, nhưng với trang bị dùi cui - súng ống và các phương tiện kỹ thuật không thể làm nhụt chí người yêu nước, người yêu đồng bào.

Trên đường Điện Biên Phủ:

ÔNG LÊ NIN BỊ NGĂN CẤM

Đã từ lâu lắm rồi, cứ mỗi sáng chủ nhật là ông Lê Nin lại bị cấm đến gần, quay phim, chụp ảnh. "Tượng đài Lê Nin nằm trên đường Điện Biên Phủ quận Ba Đình, trung tâm của Hà Nội, đối diện cột cờ Hà Nội"
Thế là chúng ta đã - đang - bắt buộc phải xa ông lê Nin 1/7 thời gian của cuộc sống này rồi đó!
Ôi, muốn thăm ông, nhớ về ông nay chỉ còn 6/7 thôi...........