Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

MÃI CÒN GẶP NHAU

Tôn Nữ Hỷ Khương


Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương
Chắt chiu một chút tình thương mến
Trãi khắp muôn phương vạn nẻo đường.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.
Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao
Vui câu nhân nghĩa tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.
Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.
Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý, lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ!

TỔ QUỐC RÙNG MÌNH TRONG CƠN NHẬU NHẸT

Bùi Minh Quốc

Còn ai kêu cho những cây thông không biết nói
Khi nhà thơ bị bóp cổ nghẹn lời
Rừng nguyên sinh vung lưỡi rìu quỉ đói
Rắc rắc cây xô cốc chạm quỉ vang cười
Chúng nó nhậu từng cánh rừng giải núi
Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi
Nhậu tất cả từ Vua Hùng để lại
Nhậu đến nàng Tô Thị rã thành vôi
Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch
Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom
Con mất xác dưới chân thành Quảng Trị
Mẹ khoét hầm nuôi tiếp biết bao con
Kìa mẹ về run rẩy dưới mưa tuôn
Qua cửa vi-la thấy đàn con ngồi nhậu
Những đứa con thoát chết vụ khui hầm
Đang tưng bừng nâng cốc tụng nhân dân
Tổ Quốc rùng mình trong cơn nhậu nhẹt
Có nghe chăng con cháu ngợi ca Người
Và hạ bút ký hợp đồng cái rẹt
Hợp đồng này giầu đẹp lắm Người ơi !
Đà Lạt 1993

THƠ CÂU GIỜ - Hà thiên Hậu

Nếu em là chủ Blog
Anh nguyện là Còm-sĩ
Để í ới cùng em
Suốt nghìn năm…Internet
Nếu như em là sắt
Thì anh là Carbon
Dẫu dài ngắn vuông tròn
Vẫn sắt son trong một
Nếu như em là cột
Anh xin làm căn nhà
Dù bão tố phong ba
Vẫn ôm em, che chở
Nếu như em là phở
Thì anh là nước lèo
Ðời có cuốn vèo vèo
Ta bên nhau em nhé.
Nếu như em là chỉ
Anh lại biến thành kim
Dù kim có khó tìm
Dù chỉ gầy dễ đứt….
Giả môi em có sứt
Thì anh cũng rốn lồi
Lồi rốn với sứt môi
Chúng ta đi cùng lối
Giả như em sợ tối
Anh sẽ là ngọn đèn
Dù dầu đắt xăng lên
Anh vẫn luôn toả sáng…..
Còn nếu em là ván
Anh sẽ xin làm đinh
Ðóng một triệu chuyện tình
Cũng không khi nào hết
Nếu em làm biển biếc
Anh làm sóng bạc đầu
Dù tận dưới lòng sâu
Cũng ngoi lên mặt biển
Nếu như em định tiến
Anh cũng không chịu lùi
Cả hai chẳng chịu lui
Thì ôm nhau chịu trận
Nếu tình là số phận
Anh sẽ năng lên chùa
Cầu khấn rõ là to
Mong lấy em là vợ
Nếu em là chủ nợ
Anh một kẻ thiếu tiền
Khe khẽ đến bên em
Rồi cuỗm tiền chạy mất
Hóa thân là hành khất
Anh gõ cửa nhà em
Trong lúc trời nhá nhem
Xin nụ hôn tình ái
Nếu như em củ chuối
Anh sẽ làm Chí Phèo
Chí và Nở gặp nhau
Hỏi sao không có cháo
Nếu như em là gáo
Anh sẽ xin làm que
Chọc một lỗ vào khe
Khối người dùng múc nước
Nếu có một điều ước
Anh ước đến bên em
“Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi”
Giả như em làm Vãi
Anh cạo đầu làm sư
Tu ở đền ông Từ
Vẫn vô tư mà sống
Nếu như em làm trống
Anh xin làm cái dùi
Trống với dùi quen mui
Lùi dần vào chỗ vắng
Giả như không còn nắng
Em sợ bầu trời đêm
Anh gọi mặt trời lên
Ðón bình minh rực rỡ
Có một khi nào đó
Muốn trở về tuổi thơ
Anh sẽ làm cây dừa
Tỏa bóng mềm em mát
Nếu vô tình chợt khát
Anh dòng suối mát trong
Dâng vị ngọt vô ngần
Ðể em… tu ừng ực
Giả như em ngủ gật
Anh sẽ đến bên mình
Xoa nhè nhẹ con tim
Vì trên tim… là ngực
Giả như em có bực
Anh lại cười hề hề
Thế thì ảnh hưởng giề
Anh chứ ai đâu nhỉ?
Em mắng anh: “Ðồ khỉ”
Rồi nhoẻn miệng cười khì
“Lần sau có làm gì
Tránh người ta nhìn thấy ….”
Giả như em là giấy
Anh biến thành bút chì
Chúng bạn có nói gì
Chì vẫn đi trên giấy
Nếu mà em có chấy
Anh thành dầu gội đầu
Chui vào mờ tóc nâu
Ở lâu lâu trong đó
Nếu như em ngại gió
Anh nguyện làm bức tường
Ðứng chắn giữa giáo đường
Cho em tôi cầu nguyện
Giả như em lắm chuyện
Nói ra rả cả ngày
Anh cãi cối cãi chày
Nói gì mà lắm thế
Giả như em mà ế
Anh cũng thành trai già
Gái ế với trai già
Cùng một nhà vẫn tốt
Không may mà em dốt
Anh nguyện làm ông thầy
Cũng chẳng chóng thì chầy
Thầy biến thành “thầy nó”
Giả như em sợ chó
Anh nguyện làm cây riềng
Chó mà gặp phải riềng
Thành thịt chó rựa mận
Giả như em có cận
Thì anh cũng mắt lồi
Hễ gặp nhau trên đồi
Ta đồng thời bỏ kính…
Nếu em học tài chính
Anh sẽ học ngân hàng
Nhà chúng mình màu vàng
Hai nhóc…thêm nhóc nữa
Khi mà em có chửa
Là anh sẽ ở nhà
Luôn ở bên em mà
Dù bạn bè có … nhậu
Qủa từ hoa mà đậu
Con chúng mình từ em
Anh cũng chỉ góp thêm
Cho gia đình hạnh phúc
Khi nào anh lên chức
Sẽ mua đất xây nhà
Trồng trước cửa vườn hoa
Phía sau là bãi tắm
Nếu người em toàn nấm
Anh lấy nước biển về
Em tắm thỏa tắm thuê
Cho đến khi hết bệnh
Trời hóa em là mận
Anh nguyện làm cây đào
Mọc ở cạnh cầu ao
Nơi chúng mình thề nguyện
Nếu đêm nào mất điện
Anh ngồi quạt cho em
Sau mỗi tối êm đềm
Tình nồng càng thắm đượm
Chuyện thường ngày ở huyện
Là lúc mình gần nhau
Hễ ngồi cạnh em lâu
Anh lại mơ cô khác
Nếu như em yêu nhạc
Anh xin làm cái đài
Ðể lúc em nằm dài
Luôn có anh bên cạnh
Dù bao giờ cô quạnh
Anh cũng gần bên em
Như ngọn bấc với đèn
Hòa trong nhau bừng sáng
Khi mà em đến …tháng
Là lúc anh phải chiều
May mà chẳng có nhiều
Tháng vài ba ngày lẻ
Bây giờ anh còn trẻ
Nếu mà anh có tiền
Anh mua một con thuyền
Cùng em đi khắp chốn
Chúng mình còn thiếu thốn
Chúng mình chẳng phải giầu
Nhưng mà có sao đâu
Em vẫn là tất cả
Anh là con trai cả
Em: dâu lớn trong nhà
Cùng phụng dưỡng mẹ cha
Vẫn thuận hoà sớm tối
Giả như em lạc lối
Anh tới đón em về
Vì chúng mình cùng quê
Có chi đâu mà lạ
Em thương anh vất vả
Anh nhớ em thật nhiều
Cũng chẳng còn bao nhiêu
Thời gian ta khó nhọc
Bỗng khi nào em khóc
Là những phút nhớ anh
Giọt nước mắt long lanh
Chảy trên hai gò má
Anh thương em anh quá
Người con gái chung tình
Những lúc ở một mình
Anh nhớ em từng phút
Nếu em là cây bút
Anh là giọt mực xanh
Mực bút vẫn song hành
Cùng em, anh tới lớp…
Nếu em là tia chớp
Anh như con thuyền kia
Lặng trôi dưới sao khuya
Tìm bến bờ em đậu
Nếu ai bảo em xấu
Ðập phù mỏ cho anh
Em là em của anh
Với anh em vẫn đẹp
Khi mà em hết đẹp
Thì anh cũng đã già
Hạnh phúc của hai ta
Là trái tim nồng cháy
Nếu em là xe máy
Anh sẽ là con đường
Trải đi khắp muôn phương
Cho em đi không ngại……
Giả như không bằng lái
Anh: cảnh sát giao thông
Em có gặp dân phòng
Hễ cần là anh đến
Giả như em là hến
Anh biến thành con trai
Ðể có khi ngày mai
Ðem bỏ vào nồi luộc
Nếu em không biết được
Cuộc đời trôi về đâu
Xin em hãy mau mau
Ta định ngày hôn lễ
Ðể một thời tuổi trẻ
Anh có em bên mình
Trọn vẹn cả nghĩa tình
Cho đến ngày ly dị
Thấy cuộc đời vô vị
Em lại tìm đến anh
Viết tiếp câu chuyện tình
Của Chí Phèo Thị Nở
Hoặc em là người ở
Anh sẽ bỏ vợ liền
Tối tối đến phòng em
Biến em thành bà chủ
Những lúc em buồn ngủ
Anh nguyện làm gối đầu
Ðể em ngủ thật sâu
Anh ngắm nhìn thoả thích
Em là con chim chích
Anh sẽ là chim ri
Dù chẳng hót được gì
Cũng bên nhau sớm tối
Nếu em hay nói dối
Anh nói dóc như thần
Hai chúng mình thành thân
Rủ nhau lừa thiên hạ
Em mà là con quạ
Anh hoá chú diều hâu
Dù xấu đẹp đến đâu
Cũng nghĩa tình chồng vợ
Chuyện bây giờ mới kể
Chắc chắn sẽ còn dài
Nếu còn có ngày mai
Anh cùng em viết tiếp…
Nếu em là Tóc giả
Anh nguyện làm chất keo
Để dính chặt vào em
Cùng chu du khắp chốn
Dù xa xôi…Nhật Bổn
Có Hà Linh….mộng mơ
Lão cứ ngồi thổi…Thơ
Đến khi nào…ngất xỉu
Với người đẹp…Tép-Riu
Và cả nàng Dã Quỳ
Phải đợi Hắn…li bì
Tôm mới dám tòm…Tép
Dù em không còn…đẹp
Anh cũng chẳng…xấu giai
Duyên Còm dù đúng sai
Đổi tại lão… Cua cả
Thùy Dương ở Nước Nga
Rất gần mà cũng xa
Lão cứ ngồi ngân nga
Vứt – hẳn – đi – ray rứt
Nếu nàng tên là Đức
Lão đổi tên thành…Đực
Thừa tiêu chuẩn…Man-ly
Thêm cả …Ro-man-tic
Dù thiên hạ xích mích
Mặc thời tiết đổi thay
Kệ Cua Tổng…ăn chay
Tên lão vẫn là…CÙ

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

HOÀNG HÔN HỒ TÂY


Vậy mà đã hơn mười năm rồi, mình không được ngắm hoàng hôn hồ Tây mỗi buổi chiều mùa đông cũng như mùa hạ. Bởi vì khu tập thể số 10 Thụy Khuê phải giải tỏa để trả lại khuôn viên cho trường chất lượng cao Chu văn An. Mười năm nhanh quá đã trôi qua, nhưng hoàng hôn hồ Tây vẫn còn đây.
Bờ hồ Tây giờ đã được kè hoàn chỉnh đến 99%, nghĩa là có thể đi vòng quanh hồ sát mép nước gần hết vòng hồ.
Hiện đại và văn minh hơn, nhưng còn nhiều nuối tiếc lắm.
Trong khu tập thể 10 Thụy Khuê đó, ngày xưa, có một bãi bơi gọi nôm na là bãi bơi sau trường Chu văn An hay bãi "Đầu mom" cũng vậy. Bãi bơi rất sạch vì có dòng nước lưu thông ngầm hay sao ấy, dưới đáy rất ít bùn và mặt nước không bao giờ bị rác hay bèo dồn lại. Thanh niên, người lớn khu phố cổ chiều chiều đến đây bơi rất đông, có lẽ vì nước sạch, vì không mất tiền mua vé như trên Quảng Bá và trong khu trường có một bể nước máy có thể tắm tráng lại "mặc dầu điều đó không cần thiết lắm".


Hơn mười năm rồi, không ai bơi ở đây nữa, có lẽ vì nước hồ ô nhiễm?
Có lẽ vậy.
Ngày trước, Ốc hồ Tây nhiều và ngon lắm, con nào con ấy béo trắng, Ốc đá và Ốc vặn đều béo như nhau và còn có vảy miệng. Chiều chiều đi bắt một lúc là mai tha hồ xì xụp cùng bát nước mắn gừng ớt cay xè vào trưa mai.
Lạm kể về món Ốc luộc, Ốc bắt lên cho vào chậu rộng ngâm đến sáng mai cho nhả bùn. Rửa sạch cho vào nồi luộc, lửa thật to, nhớ là không cần cho nước và bắt buộc phải có lá chanh hay lá bưởi. Nồi Ốc sôi bùng lên là ok. Nước mắm phải giã gừng, ớt, dấm thanh, đường. Ăn nóng xì xụp ôi mê ly!
Có một dạo, Ốc hồ Tây không còn vẩy miệng, thế là ai cũng ngại ăn.
Đến bây giờ Ốc đá hầu như tuyệt chủng chỉ còn Ốc vặn thôi. Ốc vặn thì có nhiều con con trong ruột hơn nên ăn không thích bằng Ốc đá.











Cá hồ Tây trước cũng nhiều loại, cá Mè, cá Chép, cá Vền, cá Dầu Dầu, cá Dầm Đất, cá Lành Canh, cá Rô. Nhưng bây giờ cũng có vẻ ít loại hơn và có một vài loại hầu như không còn nữa.
Nhưng chắc chắn, hồ Tây vẫn rộng như xưa và hoàng hôn hồ Tây vẫn tím!

NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA

NGUYỄN DUY

Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
Chân nhang lấm láp tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí tay bầu
Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò sung chát đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
Bao giờ cho tới mùa thu
Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
Bao giờ cho tới tháng năm
Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao…

Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn
Bà ru mẹ… mẹ ru con…
Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?
Nhìn về quê mẹ xa xăm
Lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

CÙNG SUY NGẪM

CÁC EM BÉ QUẢNG BÌNH

(Dân trí) - Hàng chục học sinh ngày hai buổi bơi qua sông đến trường. Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào...
Nhận được thông tin từ nhiều giáo viên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình về thực trạng học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc đi học phải bơi qua sông, chúng tôi đã vượt quãng đường hàng trăm km để có mặt tại khe Rào (thượng nguồn sông Gianh), tận mắt chứng kiến cảnh tượng buồn rơi nước mắt: Hàng chục học sinh, giáo viên phải bơi qua sông đến trường Tiểu học Hưng (xã Trọng Hoá, huyện Minh Hoá). Để áo quần và sách vở không bị ướt, các em chuẩn bị sẵn một bao nilon lớn, cho quần áo và cặp sách vào bao, buộc kín lại. Qua đến bờ sông bên kia, các em lại lấy quần áo ra mặc vào.
...
Trao đổi với PV Dân trí ông Hồ Phin - Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết: “Không riêng bản ông Tú mà bên trong còn có bản Ka Oóc mọi hoạt động đi lại cũng đều phải bơi qua sông. Để xây dựng cầu phải cần một khoản kinh phí rất lớn trong khi kinh tế xã lại đang còn rất khó khăn. Vừa rồi đã có một đoàn về tiến hành kiểm tra khảo sát nhưng nghe bảo với nguồn kinh phí 5 tỉ đồng là chưa đủ để xây dựng một cái cầu. Hiện chúng tôi đang mong các cấp ban ngành quan tâm hơn nữa để các em học sinh, giáo viên và người dân bản ông Tú, bản Hưng, bản Ka Oóc, xã Trọng Hoá sớm có một cây cầu nhằm thuận tiện và an toàn cho việc đi lại”.



TƯỢNG ĐÀI BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG


Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng theo nguyện vọng của mọi người muốn công trình tượng đài này được thực hiện mang tinh thần dân tộc, thời đại và có giá trị vĩnh cửu nên điều chỉnh quy mô to lớn và hoành tráng hơn
....

Ông Đinh Hài cho biết do một số nguyên nhân khách quan nên hiện nay, tổng mức đầu tư cho công trình phải điều chỉnh tăng so với tổng mức đã phê duyệt trước đây là 330 tỉ đồng (từ 81 tỉ lên 411 tỉ đồng). Tỉnh Quảng Nam đang đề xuất với Chính phủ bổ sung kinh phí để tiếp tục triển khai công trình này.
.......

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động: “Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, phải bỏ ra số tiền hơn 410 tỉ đồng để xây dựng một công trình tượng đài hoành tráng như vậy liệu có lãng phí không, lãnh đạo tỉnh nhìn nhận vấn đề này thế nào?”, ông Đinh Hài nói rằng nếu là công trình của cấp tỉnh thì tỉnh sẽ không thể bỏ ra kinh phí lớn như vậy để thi công. Nhưng đây là một công trình cấp quốc gia, thể theo nguyện vọng của đông đảo người dân nhằm tôn vinh và tri ân sự cống hiến, hy sinh lớn lao của hàng chục ngàn BMVNAH trên cả nước.
...
Khi phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đặt vấn đề: “Trong tình hình khó khăn chung hiện nay, nếu Trung ương không duyệt vốn, liệu công trình có ngừng lại không?”, ông Nguyễn Văn Hàm, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, phụ trách theo dõi mỹ thuật công trình tượng đài BMVNAH cho biết công trình đã và đang tiến hành thi công, dù khó khăn về vốn thì vẫn phải tiếp tục tiến hành, có thể vừa thi công vừa vận động kinh phí.
==============
THỬ HỎI CÁC MẸ XEM SAO? HAY BỞI VÌ CÂY CẦU CHO CÁC EM THƠ KHÔNG MANG CẤP QUỐC GIA?
VÀ CÓ PHẢI QUẢNG NAM CHẲNG BIẾT QUẢNG BÌNH Ở ĐÂU!!!!!!!!!!!!!!!!!!

THÔI BƠI NHÉ CÁC EM.................

HOA SỮA

Hoa Sữa lại bắt đầu tỏa làn hương nồng nàn đêm Hà Nội. Những bông hoa màu trắng sữa ly ty đã bắt đầu nở rải rác đâu đó, làm người qua đường không khỏi nao lòng nhớ một Hà Nội xưa, Hà Nội của yên bình và tĩnh lặng!
Hoa Sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm, có lẽ nào anh lại quên em!?


Và mình lại nhớ và thích bài thơ của Nguyễn Phan Hách:

Tuổi 15 em lớn từng ngày
Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ



Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh



Tại mùa thu, tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay




Đau khổ nhiều nhưng éo le thay
Không phải thời Romeo và Juliette
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương

Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của mối tình đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau…


MONG MANH

Những cánh hoa dại mong manh và long lanh!












Những giọt mưa long lanh trên sắc tím!


Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

MÀU TÍM HOA SIM

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. Đến năm 1938 - lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi - Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh văn Xuấn , Đỗ Thiện và …tôi - Nguyễn Hữu Loan.

Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất ,bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ , tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, Bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới.

Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà. Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái - lúc đó mới 8 tuổi- mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: "Em chào thầy ạ!" Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một "bà cụ non". Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt...

Có lần tôi kể chuyện "bà cụ non" ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành... Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ... Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: "Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu" Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi...

Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:

- Thầy có thích ăn sim không? Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuốn sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.

- Thầy ăn đi. Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ: - Ngọt quá.

Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo!

Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi...Tôi quay đầu nhìn lại... em vẫn đứng yên đó... Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa...

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ...

Chín năm sau, tôi trở lại nhà... Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em , hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp...

Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm " soạn kịch bản". Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: " yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả". Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay... lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long,huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!

Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại... Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.

Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.

Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn... Dường như càng kềm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội. Những em nàng có em chưa biết nói "Khi tóc nàng đang xanh ..." ...Tôi về không gặp nàng...

Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa... Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Đó là bài thơ Màu Tím Hoa Sim.

Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang "ở nhà trông vườn" ở làng Nguyên Hoàn - nơi tôi gọi là chỗ "quê đẻ của tôi đấy" thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : Chiều hành quân, qua những đồi sim. Những đồi sim, những đồi hoa sim.Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt. Và chiều hoang tím có chiều hoang biết. Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.

Màu Tím Hoa Sim

Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh
Tôi người vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như yêu người người em gái.
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê..
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương.
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa...
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu vàng cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai tôi hát trong màu hoa
(áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu...)

HỮU LOAN

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

CÔN TRÙNG ĐỀ NGHỊ ĐƯA VÀO SÁCH ĐỎ

Tôi đã chụp được một số bức ảnh về loài châu chấu trên núi Tam Đảo, nhưng không phải là nhà chuyên môn, nên muốn nhờ các nhà khoa học nghiên cứu và có thể kết luận hai loài côn trùng sau đây có phải là loài hiếm ở Việt Nam để đưa vào sách đỏ.

Đây là châu chấu bình thường, hay phá hoại mùa màng, còn sinh sôi và phát triển rất nhiều.

Nhưng con châu chấu này thì ít gặp.



Và con này nữa, thoạt nhìn tưởng cái cành tre, nhưng thực đó là một loại côn trùng rất hiếm gặp.


THÔI NHÉ, ĐỪNG MƠ MỘNG HÃO.

Hôm nay thứ 2, ngày 19/09/2011 lại có thêm một lá thư ngỏ nữa của mộ gia đình việt kiều gửi ông Sang, "Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước của một nữ Việt kiều cùng gia đình đi biểu tình yêu nước, bị bắt giữ, quấy rầy, trục xuất". Và trước đó rất nhiều thư ngỏ đã được gửi tới các vị trong chính phủ - đảng - nhà nước.
Chợt nhớ đã có bải thơ này của NHTS xuất hiện, xin copy về treo chơi cho nẫu cái sự đời!

Thôi nhé, đừng mơ mộng hão! - Nam Hải Trường Sơn

Thư ngỏ viết cho người yêu công lý
Biết lắng nghe, biết quý trọng nhân quyền
Quyết đấu tranh khi vận nước chưa yên
Khi Tổ Quốc cần đa nguyên và dân chủ

Khi quốc hội là cơ quan phục vụ
Lợi ích riêng của lũ cướp hung tàn
Dấu cao su hợp pháp hóa lầm than
Thì thư ngỏ chỉ là trò vớ vẩn

Khi chánh án làm bù nhìn lú lẫn
Thay đàn anh ký pháp lệnh bạo hành
Để báo thù kẻ tố cáo gian manh
Thì kiến nghị chẳng hơn gì giấy vụn

Khi vàng bạc được vun lên thành đụn
Trên máu xương, nước mắt của dân đen
Bằng cường quyền và thủ đoạn đê hèn
Thì thư ngỏ vẫn còn thua giẻ rách

Khi tướng lãnh và "công thần" khiển trách
Chúng răn đe, sai mật vụ viếng thăm
Hoặc nếu cần, cho nghỉ mát trại giam
Thì kiến nghị bốc mùi thiu sọt rác

Khi quốc sách phải trình vua đất Bắc
Tổng bí thư cần chú Chệt gật đầu
Đảng cam tâm với số phận chư hầu
Thì thư ngỏ là niềm tin khờ khạo

Khi hiến pháp là ngôn từ lừa đảo
Đảng lên ngai chiếm địa vị tối cao
Còn nhân dân chẳng đáng giá xu hào
Thì kiến nghị sẽ xuôi dòng phế thải

Thư ngỏ chỉ viết cho người nhân ái
Có lương tâm, biết phải trái, thị phi
Chẳng ngại ngần khi đất nước lâm nguy
Khi dân tộc còn gông xiềng, khốn khổ

Hãy vùng dậy để làm cơn bão tố
Quê hương cần hàng chục triệu hoa sen
Chẳng thiết gì mớ trí thức rùa đen
Đã đến lúc dẹp đi tuồng thư ngỏ

Màn kiến nghị rình rang bi kịch thỏ
Đàn gãy tai trâu, nước đổ lá khoai
Bài lăng xê "tính lịch sử" khôi hài
Những thứ ấy chúng xem trò giải trí

Khi đảng tự nguyện làm theo kiến nghị
Heo mọc thêm cánh, rắn sẽ trổ lông
Thôi nhé, đừng xây ảo mộng viễn vông
Khi đất nước chỉ cần người cách mạng

Tháng 9, 2011
===========================
Thương Dân

Dấu cao su hợp pháp hóa lầm than
Thì thư ngỏ chỉ là trò vớ vẩn
====

Vâng!
Thư ngỏ ”là trò vớ vẩn”?
nhưng làm gì? Khi bạn chỉ làm thơ
những dòng thơ thiếu trách nhiệm … hững hờ
không nghĩ suy kỹ điều bạn nói

Bạn không xuống đường, không ra câu hỏi
để ”gọi hồn” những kẻ thiếu lương tri
ngủ triền miên khi ”độc tài” trị vì.

HỎI :
Bao giờ mới có nền dân chủ?
Ta tạm ngỏ lời khi ”lòng người chưa tụ”
để ngày mai cờ khởi nghĩa tung bay
Lê Lợi, Bùi thị Xuân thét lên giữa ban ngày
Người viết thư ngỏ hỏi tội quê hương MÁC

Cái quê hương đẻ ra một tên ác
làm lầm than dân tộc Việt Nam

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

THƯ GỬI CÁC THẦY CÔ.

Nhân ngày khai giảng năm mới, bác Ai Nghĩ Dùm Tôi, đại diện cho tạp chí Cua Times, gửi bức thư ngỏ cho các thầy cô cùng với những lời van xin thống thiết của một người cha khi gửi con tới trường.

Kính thưa các thầy cô!

Rất mong các thầy cô đọc những lời bộc bạch của tôi khi gửi gắm đứa con tới trường. Tôi biết, cháu phải học rất nhiều về toán, lý, hóa, văn… Nhưng cũng mong thầy cô bỏ thêm thời giờ để hướng dẫn cháu những kỹ năng sống, cách suy nghĩ trước mỗi sự việc, để ra đời cháu là người có ích và nhất là cháu có thể học suốt cuộc đời còn lại sau khi rời mái trường.

Tôi biết, con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết, cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.

Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai của một người cha có tên rất lạ “Ai Nghĩ Dùm Tôi”.

Xin cảm ơn các thầy cô đã chú ý lắng nghe.

ANDT. Mình đọc đến cuối thì hóa ra là thư của Lincoln. He he he (http://www.wanderings.net/notebook/Main/AbrahamLincolnLetterSonsTeacher)
=====================

Thư gửi ngài Lincoln
Thưa ngài Lincoln,

Thấy bức thư mang danh ngài đăng trên Cua Times, tôi không thể không viết vài dòng.

Tôi biết ngài đang ngồi trên bệ đá cẩm thạch ở tòa nhà tưởng niệm mang tên ngài ở một đầu của National Mall (Quảng trường quốc gia Washington DC). Mắt ngài nhìn thẳng vào tòa nhà quốc hội cách đó 3 km.

Bên hồ Tidal Basin có tượng Jefferson và đôi mắt nhìn vào Nhà Trắng. Những cặp mắt của các ông gặp nhau tại cái bút chì mang tên Washington, biểu tượng của nền dân chủ, tự do Hoa Kỳ qua mấy thế kỷ. Phong thủy xứ cờ hoa mang mầu sắc chính trị hơn là mê tín. Cổ nhân đã đi xa mà vẫn giám sát được hai nhánh lập pháp và hành pháp nước Mỹ.

Thông điệp trong thư mà người ta đồn là do ngài viết, dù đã gần hai thế kỷ, nhưng vẫn được nền giáo dục Mỹ mang theo từ thế hệ này qua thế hệ khác, và trở thành một trong những sự nghiệp trồng người thành công trên thế giới.

Có lẽ vì thế mà nhiều quan chức to gửi con sang Mỹ học. Vài Bộ trưởng GD “mấy nước nghèo” cũng thế. Món “lẩu GD” mà “đầu bếp” không thèm “ăn” lại gửi cho “thời đại nếm”.

Ngài khuyên thầy giáo hãy dạy cách làm người, trong xã hội luôn có xấu xa và tốt đẹp song hành. Tiền do mồ hôi, nước mắt kiếm được giá trị hơn đồng tiền ăn cắp. Khuyên thầy cô dạy trẻ biết chấp nhận thất bại và hưởng niềm vui chiến thắng.

Rồi ngài nói về sách như những bảo bối cho suốt quãng đời còn lại sau khi ra trường. Và nhiều thông điệp thú vị khác. Giáo dục Mỹ thật khác người. Dạy làm người hơn là bắt học sinh thuộc lòng sách giáo khoa.

Quả thật, nếu theo đúng bức thư khuyên thì nền giáo dục của chúng tôi đã đi xa lắm. Nhưng ngoài đời không dễ thế.

Xin tranh cãi một chút vì những điều ngài viết là không tưởng với hoàn cảnh mang tính thời đại như ông Bộ trưởng Bộ GD vừa phát biểu.

Ngài Lincoln cho rằng, cứ mỗi kẻ vô lại thì đâu đó có một người chính trực. Nhưng tôi sợ rằng thời nay, người ngay sợ kẻ gian, người chính trực hiếm dần đi.

Các chính trị gia ít còn tận tâm như cách đây nửa thế kỷ khi cách mạng vừa chiến thắng. Đâu đó, thói vô cảm đã ăn sâu vào trái tim và khối óc một số người khi có quyền lực trong tay.

Đồng đô la kiếm được bằng mồ hôi bị cho là ngu dốt nếu ăn cắp được 10$ mà không tốn sức. Chỉ cần phiền hà dân đến cửa quan là có phong bì, dễ ăn hơn vác cuốc ra đồng.

Dân tộc này bất khả chiến bại trong mọi cuộc chiến. Vì thế, chúng tôi không thích đội bóng nhà thất bại. Hưởng niềm vui chiến thắng thì vô bờ. Vừa qua, có vài trận thắng trong vùng trũng khu vực mà nhiều dân chết thảm vì phóng xe như điên loạn. Cái đó thì học được ngài.

Dạy làm sao được rằng, những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất. Hàng xóm nhà này có thằng rất to Big Bad China toàn bắt nạt đàn em Việt Nam mà có làm gì được, ngài cứ quá lời.

Đọc sách ư? Có đấy. Nhưng các em toàn đọc sách Tầu, sách Nhật, thuộc sử Tầu hơn sử ta. Phim nước ngoài tràn lan mà muốn giữ gìn bản sắc dân tộc. Nghịch lý.

Sự bí ẩn muôn thưở của cuộc sống cũng không còn nhiều. Đồi xanh thay bằng đồi trọc. Môi trường ô nhiễm, không gian tự nhiên chật hẹp, chim muông bay đi hết, ong bướm làm gì còn. Các em học bằng mẫu vật trong phòng thí nghiệm.

Chấp nhận thi trượt ư. Trời ơi, ông Nguyễn Thiện Nhân lên đến chức PTT, Bộ trưởng Bộ GD mà không làm gì nổi trò thi gian lận, bệnh thành tích thì làm sao chấp nhận trượt vỏ chuối. Hẳn ngài còn nhớ “Người đương thời ĐVK” thành…thất thời.

Ý kiến riêng ư. Không thể. Ở cái nước tôi, mọi việc đã có nhà nước lo. Nói ngược là không được.

Dịu dàng hòa nhã khó lắm. Con tôi đi ngoài đường mà không đầu gấu thì khó mà thoát chỉ vì va chạm nhỏ. Cứ phải giương vây để dọa đối phương.

Tôi hiểu, biết lắng nghe rất quan trọng, nhưng bề trên chả lắng nghe thì kẻ dưới dỏng tai làm gì. Và bề dưới chả dại gì mà dạy các con biết mở màng nhĩ. Không nghe, tát cho một cái, thế là phải theo.

Trái tim và tâm hồn cũng rẻ lắm, ngài Lincoln à. Có phong bì mua được hết. Cái gì không mua được bằng tiền có thể mua được bằng rất nhiều tiền.

Thấy đám đông gào thét, phải chuồn, vì “đấu tranh, tránh đâu”. Niềm tin vào bản thân cũng vì thế mà thui chột. Nhân loại ở xa, vô lại rất gần.

Mỉm cười khi buồn ư. Vâng, tôi đang buồn viết thư này cho ngài và đang cười. Cười vì nỗi đau nhân thế, buồn vì thế hệ trẻ ngày nay không còn tuổi thơ, cười vì ngài ấu trĩ, nghĩ về thế giới quá đơn giản.

Có lẽ do ngài sống cách đây 200 năm nên lạc hậu. Hay do ngồi lâu, ôm ghế nên chả còn biết gì về thế giới bên ngoài.

Xin ngài hãy nghĩ lại chút và viết bức thư khác cho hợp với thời đại và môi trường mà chúng tôi đang sống.

Chúc ngài bền vững trên chiếc ghế đá cẩm thạch.

HM. 11-9-2011