Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI NHÂN NGÀY 17.2



17/02/1979 là ngày quân xâm lược Trung Quốc theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, trắng trợn trở mặt, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Chúng đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng phụ trợ khác ước tính hơn nửa triệu quân với hơn 500 xe tăng, hơn 2000 khẩu pháo, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, sát hại dân lành, đốt phá nhà cửa, cầu, đường, cướp bóc tài sản. Quân và dân ta đã ngoan cường chiến đấu, chống trả quyết liệt, đánh những đòn quyết định buộc chúng phải tuyên bố rút quân, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược nhục nhã, hàng chục ngàn chiến sĩ ta đã dũng cảm hy sinh.
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17/02/1979 đi liền với cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam do Pôn Pốt phát động, về thực chất là thực hiện đòn hiểm của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Việt Nam khi mà những vết thương chiến tranh trong cuộc chiến kéo dài chống thực dân và đế quốc chưa kịp hàn gắn, đời sống của nhân dân ta cực kỳ khó khăn. Hai cuộc chiến tranh này đã bộc lộ rõ quyết sách lâu dài của Trung Quốc là ngăn chặn một Việt Nam lớn mạnh, trở thành lực mưu đồ bành trướng về phía Nam, thực hiện mộng siêu cường bá quyền của chúng.
Mặc dầu cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 đã bị đập tan như mọi cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực phong kiến Trung Quốc trong lịch sử, chủ nghĩa Đại Hán vẫn chưa hề từ bỏ dã tâm bành trướng dưới nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn. Chúng đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 khiến 74 người con yêu của đất nước ta hy sinh và gây hấn tại Trường Sa năm 1988 khiến 88 chiến sĩ dũng cảm nữa ngã xuống vì chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong mấy năm gần đây, những thủ đoạn xâm nhập, gây hấn của Trung Quốc ngày càng thâm độc và trắng trợn, Biển Đông đang chứng kiến nhiều hành động bành trướng ngang nhiên, bất chấp đọ lý và luật pháp quốc tế. Thế lực bành trướng Trung Quốc tự phơi bày diện mạo vừa lừa mị, vừa tàn bạo, gây phẫn nộ trong nhân dân ta, nhân dân các nước Đông Nam Á và nhân dân yêu cuộng hòa bình trên thế giới.
Nhân dân ta luôn tôn trọng và mong muốn tăng cường tình hữu nghị láng giềng với nhân dân Trung quốc song không thể mơ hồ trước những thủ đoạn nham hiểm đang ngày càng bộc lộ trắng trợn của các thế lực bành trướng bá quyền trong giới cầm quyền Trug Quốc.
Nhân ngày 17/02/2013, chúng tôi thiết tha đề nghị toàn thể đồng bào ta trên cả nước hãy có hành động thiết thực tưởng nhớ đến những người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược. Trong mỗi nhà, trên mỗi sạp hàng ở chợ, ở cửa hàng, ở lớp học, ở các nghĩa trang liệt sĩ, các tượng đài anh hùng cứu nước hay ở bất cứ nơi trang nghiêm nào có thể trên toàn quốc, hãy thắp lên một nén nhang, cắm một bông hoa hay một bình hoa, vòng hoa với dòng chữ:

“Tưởng nhớ những người con yêu của Tổ quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc tại Biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa“.

Hãy viết hay dán dòng chữ đó trước cửa mỗi ngôi nhà, căn hộ của mỗi gia đình chúng ta.
Chúng tôi cũng thiết tha đề nghị bà con chúng ta đang sống tại nước ngoài hãy hưởng ứng cùng với bà con trong nước kỷ niệm ngày 17/02 bằng nhiều hình thức để biểu thị truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc cùng chung sức chống giặc ngoại xâm.
Chúng ta hãy bắt đầu công việc này trong một tuần bắt đầu từ 8h ngày 17/02/2013.
Nếu có điều kiện, xin chụp hình nén nhang và bông hoa, bình hoa, lẵng hoa, vòng hoa đi liền với dòng chữ trên tại ban thờ trong nhà mình hay tại nơi mình vừa đặt hoa rồi đưa lên mạng để mọi người cùng biết.
Chúng tôi trân trọng đề nghị chính quyền các cấp trong cả nước tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên thực hiện nghĩa cử cao đẹp trên, xem đó là một cách giáo dục lòng yêu nước, hun đúc tinh thần dân tộc, nâng cao ý thức đoàn kết, gắn bó cộng đồng, tạo nên một đời sống tinh thần trong sáng và cao đẹp trong nhân dân ta.
Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Ngày 16/02/2013

ĐỒNG KÝ TÊN :


Đại tá Phạm Xuân Phương, nguyên chuyên viên của Tổng cục Chính trị theo dõi Măt trận Biên giới phía Bắc 1979


Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Đại biểu Quốc Hội, TP HCM

Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học ,nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tuớng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải nguyên thành viên của Viện IDS

Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên UBTƯMTTQVN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin Sáng

Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí thư thường trực Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh, TP HCM

Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố HCM, TP HCM

Nguyễn Trung, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan, nguyên thành viên của Viện IDS.

Chu Hảo, TSKH, nguyên Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên thành viên Viện IDS, Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Tri Thức

Phạm Duy Hiển GSTS, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS

Lê Đăng Doanh, TS, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên thành viên của Viện IDS

Nguyễn Quang A, TS, nguyên Viện trưởng Viện IDS

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Trung Quốc