Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

VĂN TẾ THẰNG ĐỘC TÀI

“…trốn trong một cái ống cống bằng bê tông và van xin đừng bắn”

———————————————————————————————
VĂN TẾ THẰNG ĐÔC TÀI

Sụt Sịt


Nhớ thưở xưa…mày giàu thủ đoạn
Kết đảng tự phong, khinh thường dân chúng
những muốn thay cả Trời !

Lòng mày hung ác, Tính mày cuồng bạo
Mồm mày dối trá, Tim mày tối đen
Mắt nhìn xảo quyệt, Tay thò vét của
…Quyền lực trong tay, mày bỏ mặc dân nghèo, chăm chăm thụ hưởng mấy món lợi tài phi nghĩa. Lấy thứ đó mà nuôi dưỡng bọn hổ báo giết thuê, lấy thứ đó mà tậu cho thêm nhiều hung khí tàn độc chỉ để đàn áp giết hại dân đen. Làm ác lo xa, mày lại tung đồng tiền tội lỗi để mài bén nanh vuốt, bảo kê lợi quyền cho cái con, dòng tộc…
…Cứ thế suốt mấy mươi năm trời ! Được chút thành công, mày lại quen thói ngạo mạn huênh hoang, vỗ ngực làm Trời, mua chuộc bọn điếm đàn, dùng bọn nô tài bồi bút mà cùng nhau “tự ca, tự sướng”….Tôi ác chồng chất đã nhiều, nhưng mày vẫn cứ thẳng đường tạo ác, cứ tiếp tục mê đắm quyền lực, cứ vung cao đôi tay đồ tể nhuộm đầy máu dân lành để tròn cái mộng bạo quyền… Không có lấy một ngày dừng lại đặng mà hướng thiện nghĩ suy…Có biết đâu Trời kia, hễ sắp lấy đi lớn thì tạm ban cho lớn đấy thôi !
Than ôi! Tức nước vỡ bờ, lịch sử tái lập … Một sớm kia, lòng dân phẫn nộ, người người xắn tay áo cùng nhau kéo đến hỏi tội mày . Than ôi ! Ngọc đá ra tro, cơ đồ thành bụi …Những tưởng “ hy sinh đời bố, củng cố đời con” là một cái lý hay , ai ngờ chẳng những bố, mà cả đến con cái dòng họ đều cùng nhau chìm lụy vào cơn lũ dữ ? Cả một đời mày vinh thân phì da, nay đành phơi cái xác trần truồng đỏ hỏn, nằm chết thãm bên vệ đường như con lợn. Thế ấy mà kẻ qua lại vẫn chưa thôi giận, vẫn trợn mắt nghiến răng đứng nhìn, đứa phun nước bọt, đứa dẫm, đứa đạp, đứa hất, đứa đá…Xác mày lăn lóc, máu mày tuôn thấm đỏ bụi đường …Thãm thay ! Thương thay !
Nay ! Thân mày đã về lại với cát bụi, cơn điên cuồng của đời mày đã chấm dứt cùng lúc với cơn ác mộng của dân lành ! Hồn mày có thiêng, chốn âm cung dài dằn dặc , hãy cố mà sáng suốt để mà biết hối quá, chịu lấy nghiệp báo sắp đến mà lòng chẳng nên có hận thù mà chi. Chút “gạo sạch, nước trong” dùng nơi bài văn tế này, tao đây dọn sẵn, nếu hồn mày còn lẩn quẩn chốn hồng trần, hãy đến mà thọ hưởng !
TB:
Chết thật hay chết giả thì cứ “tế” trước đi đã . Mà loại bài “tế” này chắc … đến năm sau 2012, còn phải mang đi đọc dài dài … ở mấy chỗ “hồng trần” khác nữa ! Hic ! Mệt thật !


----------------

HÀ NỘI KHÓC GADDAFI
Ái Phạm Nguyễn
Gaddafi đã thôi rồi
Nước mây tan tác ngậm ngùi lòng ta
Nhớ sao thuở một nhà ngày trước (*)
Bác cùng tôi hẹn ước linh tinh
Nhân dân nghĩ cũng… hết tình
Lòng nào lại nỡ hành hình, bác ơi!
Nhìn thấy bác tả tơi thân xác
Nghĩ lại mình lòng nát như tương
Hỡi ơi, thôi đã đôi đường
Đôi dòng lệ nhỏ nén hương tiễn người!
Bác linh thiêng độ giùm tôi nhé
Báo mộng ngày dân sẽ vùng lên
Để tôi mua cái… phi thuyền
Bay lên… sao Hỏa sống yên kiếp này!
* Hà nội và Tripoli là hai thủ đô kết nghĩa, lãnh đạo từng một thời “tình thương mến thương”
----------------------

Đônga khóc Độc...


Gaddafi ! Gaddafi !
Sao anh lại bỏ ra đi lúc này
Chủ nghĩa xã hội đang xây
Anh đi bỏ lại biết ngày nào xong
Thương anh chết thật đau lòng
Thiên đường chẳng ở lại nhằm cống chui
Dẫu sao cũng một kiếp người
Sống sao mà chết giống loài chó hoang
Đang từ tột đỉnh vinh quang
Chỉ vì chữ ĐỘC nên mang họa rồi
Khuyên ai tỉnh lại đi thôi
Nếu không chẳng thoát lưới trời đã giăng .


22/10/2011

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

NHỮNG HƠI THỞ NHẸ

Thùy Linh

"......

Ấn chứng Thiền định (tu tập)

Có 4 ấn chứng quan trọng của Đạo Phật: Thiền định (tu tập) - Xúc địa (tiếp xúc với cuộc đời) - Chuyển Pháp luân (giảng giáo pháp) - Vô úy (không sợ hãi). Bạn có thể nhìn và chiêm nghiệm 4 ấn chứng này ở nhiều pho tượng Phật với 4 tư thế thủ ấn ở “tứ động tâm” và chùa chiền khắp nơi.

Ấn chứng Xúc địa
 Nhưng có lẽ nhiều nhất là tư thế Chuyển pháp luân và Xúc địa. Đó chính là tinh hoa của tinh thần nhập thế của Đạo Phật. Mối quan tâm của Đạo Phật là Cuộc đời và Con người. Hiện nay thế giới có xu hướng sản sinh ra những tập đoàn độc tài, lưu manh mà mục đích chỉ là lợi nhuận hay quyền lực, cũng có thể vì sự cuồng tín thức hệ nên họ đã tự cho mình quyền áp bức, bóc lột người khác, thậm chí tước đoạt mạng sống con người. Nhưng nếu lấy bạo lực để đáp trả bạo lực thì con người mãi chìm sâu vào hận thù, khổ đau. Đạo Phật cho rằng, vẫn cần phương tịên để khắc chế tội ác, nhưng muốn diệt trừ tận gốc chỉ có một lối thóat duy nhất là phải có một cuộc cách mạng chuyển hóa tâm thức của từng cá nhân. Không làm được điều này thì vĩnh viễn nhân loại không thể có một hạnh phúc bền vững và sâu sắc. Con người chỉ thực sự an lạc khi được thỏa mãn về tinh thần.

Ấn chứng Chuyển Pháp luân


Hơn mọi tôn giáo khác, Đạo Phật đặt con người vào vị trí trọng tâm của sự quán sát và chuyển hóa, giác ngộ chứ không phải là Thượng đế hay thần linh. Con người là trung tâm của xã hội lòai người. Xã hội ấy tiến bộ, phát triển hay không là tùy thuộc vào con người. Đc Phật và Đạo Phật không chủ trương làm cuộc cải cách bằng chính trị bạo lc, độc đoán. Ngài chỉ hướng dẫn loài người làm một cuộc cách mạng về tâm, bắt đầu từ mỗi cá nhân, từng ngôi nhà, tất cả nơi nào chúng sinh đang sống lầm lạc, vô minh và khổ đau. Cuộc cách mạng của Đức Phật vì thế không cần đến s áp chế, độc đoán, mê lỵ, thần bí, cầu xin, nô lệ…Ngài hướng dẫn con người quay ngược cái nhìn vào bản thân họ qua những hơi thở nhẹ của thiền định. Khi con người quán chiếu bản thân, lắng dịu hết tham-sân-si thì sẽ chiến thắng những dục vọng đen tối, đem trải lòng thương yêu, từ bi, hỷ, xả với mọi người xung quanh, với xã hội…Tâm bình thế giới bình là vậy. Phải trải qua rất nhiều thế kỉ với những cuộc chiến tranh đẫm máu, tranh giành đấu đá vì sự tham lam vô độ, con người mới chợt nhận ra rằng, nền chính trị sẽ không có giá trị gì nếu không quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của con người với sự an toàn, hạnh phúc và tính nhân văn cao cả. Chỉ khi hướng về con người thì lúc đó xã hội mới bảo đảm có một nền hòa bình vững chắc. 

Ấn chứng Vô úy


Bạn sẽ băn khoăn hỏi, vậy Đạo Phật là gì? Là tôn giáo, triết học, luân lí, tâm lí, khoa học…? Học giả Hoàng Phong cho rằng: “Đạo Pháp dưới vài khía cạnh là tôn giáo nhưng đồng thời cũng vượt lên trên tôn giáo, ít nhất theo nghĩa của Tây phương về chữ này. Đạo Pháp mang nhiều sắc thái triết học nhưng không phải là triết học vì Đạo Pháp vượt lên trên triết học rất xa. Đạo Pháp được xây dựng trên nền tảng luân lý, nhưng không đơn thuần là luân lý vì Đạo Pháp vượt cao hơn luân lý thông thường. Đạo Pháp và khoa học gặp nhau trên nhiều lãnh vực, nhưng Đạo Pháp không phải là khoa học mà vượt lên trên khoa học rất xa”. Vậy Đạo Phật là gì? Tôi mượn lời Thiền sư Kôdô Sawaki: «Khi nhìn vào thế giới bằng con mắt của một vị Phật, tất cả sẽ là Phật...Tất cả chúng sinh dù có giác cảm hay vô tri tất cả đều là Con Đường: cỏ dại, cây cao, quê hương này, hành tinh này, tất cả đều là Phật. Thân xác của ta đang như thế này cũng là Phật...Khám phá bản chất đích thật của hiện thực có nghĩa là quán thấy tất cả vũ trụ bằng cái nhìn duy nhất. Khi nào thực hiện được cách nhìn ấy, ta sẽ hiểu được giáo lý của Đức Phật là gì?”. Còn Thiền sư nổi tiếng S.N.Goenka thì nói: Tôi không quan tâm đến chữ ism (tức là chữ...giáo trong từ tôn giáo). Khi Đức Phật thuyết giảng Đạo Pháp, Ngài không hề nói đến chữ “ism” mà chỉ thuyết giảng về một cái mà mọi tầng lớp con người đều có thể hấp thụ được: đấy là nghệ thuật sống...Làm thế nào để trở thành một người tốt – đấy mới chính là điều quan trọng”.

Tháp Chuyển Pháp luân ở Vườn Nai
Tôi hình dung cái ngày xa xưa cách đây 2600 năm, Đức Phật với hào quang tỏa rạng ngồi trên bãi cỏ xanh trong vườn Nai cùng 5 anh em Kiều Trần Như…Trên cao là bầu trời xanh, dưới đất là rừng cây xanh. Quanh Ngài là những chú nai chạy nhảy tung tăng, có chú nằm dài bên chân Ngài để nghe pháp…Câu chuyện của Ngài rất giản dị: cuộc đời vốn là khổ, có nguồn gốc của sự khổ ấy, phải dịêt khổ đó đi nếu muốn sống an lạc. Và quan trọng nhất là Ngài chỉ ra Con đường Bát chánh đạo để đi tới Giải thoát – Đạo lộ đó có tên là Trung đạo. Chỉ vậy thôi mà là Tất cả…Cả thế gian hữu hình, vô hình, cả thiên hà chúng ta đang sống và khắp Đại thiên thế giới vẫn là vậy…Một điều kì diệu là càng quán chiếu sự đau khổ thì con người càng thấy nhẹ lòng, buông thư.


Cách đây 2600 năm, Đức Phật đã dạy con người hướng về cuộc sống đạo đức và trí tuệ mà hiện nay lòai người đang loay hoay kiếm tìm qua tu tập, quán chiếu “16 hơi thở nhẹ”…Nếu nói rằng loài người tinh tấn thực tập 16 hơi thở nhẹ từng năm, từng tháng, và mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút thì sẽ thoát khỏi luân hồi sinh, già, bệnh, chết; sẽ hết sân hận, chiến tranh; hết đau khổ, nước mắt thì bạn có tin không? Bạn hoàn toàn t do quyết định số phận mình bắt đầu từ kiếp sống này, giây phút này. Bạn tự do lựa chọn lối sống, cách hành xử, việc làm xấu tốt…Bởi bạn đang tự tạo Nghiệp cho mình và nó sẽ là hành trang của bạn mang theo trong chuyến đi. Hành trang ấy có thể thay đổi, thêm bớt cũng là chủ đích của bạn…Đạo Phật bảo đảm sự dân chủ để bạn lựa chọn và giúp bạn lựa chọn một cách minh triết. Bạn và tôi, không lẽ còn chần chừ tham gia một cuộc cách mạng êm ái như vậy sao? Chẳng lẽ bạn không muốn trở thành một người chân chính mà nhân loại đang chờ mong: Con Người Mới thấm đẫm Từ - Bi – Hỷ - Xả và tràn đầy tinh thần tự do của Trí – Dũng? Chỉ 16 hơi thở nhẹ đó thôi bạn sẽ quán tưởng được nguồn gốc đau khổ, vô minh. Và tới ngày bạn sẽ hiểu chính vô minh đã nuôi dưỡng chiến tranh, lòng căm thù, độc đoán, chuyên quyền và tất cả những gì đem lại khổ đau triền miên cho con người. Rồi có thể ngay kiếp này hay kiếp nào đó, bạn sẽ trải qua một thực chứng tuyệt vời nhất làm đảo lộn tất cả những gì bạn đã biết trước đó. Bạn sẽ tới một cái đích không có lối về. Bạn cũng không ước muốn quay lại…Bạn đã chạm tới Niết bàn. Bạn có muốn cùng tôi thực hịên chuyến đi không cần mua vé khứ hồi đó không? Hãy nhanh chóng thoát khỏi ảo tưởng hẹp hòi, tăm tối, những ham muốn ích kỉ khiến bạn bị trói buộc trong nhà tù vô hình nên bỏ lỡ sự chia sẻ, yêu thương những gì không gần gũi với bạn, mà đáng ra bạn có thể ôm trọn trái đất này, bầu trời này, ngọn cỏ lá cây này…Phật giáo có câu: “Trong vịêc học Đạo ta luôn gặp khó khăn ban đầu, còn trong việc đời các khó khăn đến vào lúc cuối”…Đạo Phật mở ra cho bạn sự khoan dung, cởi mở, vị tha và tự tin, đồng thời bạn cũng tìm thấy một khoa học tâm linh giúp bạn bình an trong tâm hồn…Đạo Phật chỉ hiến dâng mà không hề áp đặt bất cứ điều gì, cũng không tìm cách cải đạo bạn qua sự chia sẻ kinh nghiệm với thái độ cởi mở. Bạn có thể học hỏi ở Phật giáo mà không nhất thiết để trở thành Phật tử. Giáo pháp của Đức Phật giúp bạn hiểu sâu hơn con người bạn và cuộc đời bạn đang sống…Con người tâm linh là Phật tử không cần phải thay đổi suy nghĩ, tư duy, cách hành xử, niềm tin…để phù hợp với Con người xã hội mang nhiều trọng trách trong chính họ bất kể vì lí do gì.

Sẽ có ngày Vô ưu lại nở hoa...


Vô ưu vốn là loài cây không ra hoa. Nhưng vào ngày Vô ưu bỗng đơm bông thơm ngát là ngày nhân loại được chào đón vị Đạo sư vô tiền khóang hậu đản sinh. Tôi mong ước sẽ có ngày Vô ưu lại nở hoa thêm lần nữa – ngày đó tôi có thêm bạn và nhân loại đều trở thành người con ưu tú của Đức Phật. Thế giới hòa bình, an lạc. Tâm linh chúng ta có một quê hương để trở về, ngưỡng vọng, yêu thương, nhớ nhung – đó là “Tứ động tâm”. Một quê hương mà ta có thể đặt trọn tâm hồn mình với cõi lòng thanh thản và tràn đầy cảm xúc. Chúng ta sẽ đồng hành trên cùng Con đường với Tình thương, lời Ái ngữ, sự sẻ chia tình Đạo hữu, Từ bi và Trí tuệ…Đó sẽ là những tình bạn chân chính và bền vững. Nào, tôi và bạn cùng cất bước lên đường chứ?   

Mùa Phật Đản năm 2554

THƯ NGỎ GỬI BỘ TRƯỞNG ĐINH LA THĂNG


Thưa bà con và thưa với mềnh!


Là một cựu "Hiện đang thất nghiệp" kỹ sư cầu đường, đêm nay lang thang sang nhà bác Trần Nhương thấy có bức thư ngỏ này rất tâm đắc và đây là tâm huyết của bác Lê Duy Phương. Bèn rinh về nhà mặc dù chưa hỏi han câu nào. Cũng xin "nói leo" thêm đôi lời trong thư ngỏ này để tự răn mềnh mà thôi!

Cầu mong lá thư ngỏ "Chỉ cần là nguyên bản" của bác Phương đến được tay ngài bộ trưởng!


Thưa bộ trưởng, rất vui là nhiệm kỳ chính phủ này nhiều bộ trưởng bước đầu đã thể hiện trách nhiệm trước dân nói và làm như bộ trưởng tài chính, ngân hàng, kế hoạch, y tế.v.v…
Riêng bộ trưởng, thành thật tôi rất hiểu và hoan nghênh những ý đồ quyết sách của bộ trưởng như vấn đề xử lý xây dựng ở sân bay Đà Nẵng. Cán bộ lãnh đạo của ngành không chơi golf (thực ra golf là một thứ chơi quý tộc của những người giàu thuộc diện ăn chơi mà cán bộ ta đang sống trong một nước chưa giàu nên không nên sa vào ăn chơi kiểu đó, đây là vấn đề đang tranh luận nhưng tôi cho bộ trưởng làm như vậy trong ngành là cần thiết vì nhiệm vụ của bộ đang nhiều vấn đề nổi cộm cần phải được giải quyết nhanh) hay vấn đề hủy xe của bọn đua xe trái phép cũng là cần thiết vì chỉ cần để xe lại là sẽ có ngay những cú điện thoại và xe được trả về với chủ, (Hoặc có thanh lý đi chăng nữa cũng lại rơi vào một nhóm lợi ích nào đó mà thu về cho ngân sách chẳng còn được là bao - vậy nên cái mất đi vô hình sẽ lớn gấp nhiều lần cái được về tài chính) tôi thừa biết trình độ bộ trưởng rất hiểu về sự lãng phí và môi trường nhưng đó là giải pháp cần thiết, không có chuyện con nhà nghèo có xe đua xe.

Còn vấn đề giao thông nói chung và chống ùn tắc nói riêng tôi thấy bộ trưởng đã có ý đồ rất hay nhưng sự việc lại không đơn giản. Vấn đề này tôi có mấy ý kiến như sau:

1. Từ rất lâu tôi có nghe ông Đậu Ngọc Xuân – người giúp việc cho tổng bí thư Lê Duẩn và ông phó tổng giám đốc Công ty cầu Thăng Long nói rằng:
- Về thành phố Hà Nội đồng chí Lê Duẩn nói: - Để Hà Nội cũ như vậy, xây dựng một Hà Nội mới như kiểu Niu-Đê-Li Ấn Độ.
- Về xây dựng cầu Thăng Long đồng chí Lê Duẩn nói: Các đồng chí cứ yên tâm mà làm, trên sông Hồng này rồi phải có đến năm bảy cầu.

Đầu năm 1977 tại Hà Nội có hội nghị bàn về xây dựng đất nước, một đồng chí ở địa phương đề nghị nhà nước nên vay vốn nước ngoài để tập trung xây dựng đường sắt và đường 1A thật hiện đại thì kinh tế sẽ được phát triển, đồng chí ấy còn trích câu nói của Xta-lin: “Giao thông vận tải là quyết định của nền kinh tế”. Nhưng bị ý kiến một nữ cấp vụ của bộ tài chính phán đối với lí do vay nợ tạo ra gánh nặng cho con cháu.
Đấy, bộ trưởng xem cái đúng không phải bao giờ cũng thuận lợi.

2. Nay tôi đề nghị bộ trưởng cho tập trung lo đường 1A, trước hết rà soát lại toàn bộ (10 năm qua ít nhất tôi cũng đã có 4 lần đi suốt đường bộ từ Bắc vào Nam thấy rằng các cột số đều bị che lấp, bị hỏng, biển báo hơi lộn xộn, cầu thì đang làm, đang chữa và cũng rất lâu, đường thì vá víu… rất thương cho lái xe tải, xe ca và xe công-ten-nơ đi thật vất vả.) Phải có một dự án toàn diện và làm khẩn trương trong 3 năm 2012 – 2014. (Bộ trưởng nên quyết liệt trong công việc chọn lựa các nhà thầu có kinh nghiệm thi công cầu đường - có đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ sư có chuyên môn - có lực lượng máy móc thi công hiện đại. Tránh trường hợp lựa chọn nhà thầu không có chuyên môn như tôi thấy năm 2010 nhà thầu thi công sửa chữa nâng cấp đoạn đường qua tỉnh Ninh Bình. Thi công vừa xong được vài tuần, mặt đường - nền đường lại hỏng như cũ)

Còn đường sắt đừng vội bàn chuyện cao tốc mà khẩn trương xây dựng tầu nhanh với khẩu độ 1,4m và tốc độ 100-150km/h, thời gian cũng từ 2012 – 2014. Tất cả đường ngang cho phép đều có ba-ri-e.
Từ nay đến cuối năm là khảo sát và xây dựng dự án. Không vội nhưng cũng không được chậm trễ. (Bộ trưởng có thể tham khảo thêm ý kiến của KTS Trần đình Bá - Hội kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam)

Còn (Về) việc chống ùn tắc ở Hà Nội, thưa bộ trưởng, tôi đã sống ở Hà Nội trên 10 năm nay, chủ yếu là đi xe máy, thỉnh thoảng có đi taxi, xe buýt, ô tô con, thấy rằng việc phân luồng Hà Nội có nhiều cố gắng. Nhưng phân luồng như đóng cọc vừa rồi của một số đường thì thật là không hay. Bộ trưởng cứ đi mà xem, một số xe máy có thực hiện đâu, nhất là giờ cao điểm. Do nhiều đường 1 chiều quá nên người đi phải tính toán để tránh đường 1 chiều mà nhất là giờ cao điểm, dồn hết vào đường 2 chiều nên sinh ra chật chội ùn tắc, trong lúc đó đường 1 chiều lại rất rảnh. Để giản bớt người trên các con đường và thuận lợi cho việc đi lại, hơn nữa dân cư ở Hà Nội lại phân tán trong lúc đó các tụ điểm trường học, bệnh viện, cơ quan lại còn ở nội thành cho nên tôi đề nghị xe máy, xe đạp, xích lô đều được phép đi 2 chiều trên tất cả các đường. Riêng ô tô thì có thể đi 2 chiều trên những con đường rộng như đường Bà Triệu chẳng hạn. Việc này tôi thấy bộ trưởng nên cho nghiên cứu thật kỹ, tôi tin rằng nếu thực hiện sẽ giãn được người ra và đỡ ùn tắc, nhất là giờ cao điểm. (Phân luồng giao thông nội đô phải tính kỹ cả yếu tố xe buýt ra vào bến trả - đón khách)

Còn bộ trưởng hi vọng cán bộ, học sinh, sinh viên cũng như nhân dân đi ô tô buýt là sự hi vọng rất đúng đắn, nhưng cơ sở hạ tầng và xe buýt của chúng ta chưa thể phù hợp được như các nước vì 2 lẽ: Một là đường của chúng ta vừa hẹp lại nhiều phương tiện cùng đi; Hai là xe buýt của chúng ta lại lớn quá (đường Hà Nội mà dùng xe buýt lại nước ngoài). Ta nên nghiên cứu phương tiện công cộng loại nhỏ, phù hợp với đường như kiểu xe lam ở miền Nam trước đây.

(Bộ trưởng đề nghị Thủ tướng chính phủ chỉ thị bộ Công an phối hợp nghiêm túc hai công việc sau:
Một là: Tăng cường công tác an ninh tại các điểm bến xe khách, bến trung chuyển xe buýt nhằm trấn áp mạnh tội phạm trộm cắp - móc túi - lừa đảo hành khách đi xe khách đường dài cũng như xe buýt.
Hai là: Cảnh sát giao thông không được nhận tiền mãi lộ, sử lý nghiêm minh - phạt nặng các chủ phương tiện và lái xe vi phạm luật lệ giao thông.)

Tôi rất hi vọng ở bộ trưởng và chúc bộ trưởng mạnh khỏe thành công.

Lê Duy Phương
Địa chỉ: 325/105/1/3 Kim Ngưu – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Điện thoại: 0903234639

(Chữ đỏ và nghiêng là í kiến í cò của mềnh)

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

VÕ MỒM CHINA

Trên trang TTXVH Ba Sàm có đăng bài: "KHÔNG THỂ CHỊU ĐỰNG THÊM MỘT SỰ KHIÊU KHÍCH NÀO NỮA! CẦN TẠO RA SỰ CỌ XÁT KHIẾN CHO HỢP TÁC VIỆT – ẤN BỊ PHÁ SẢN" - Global Times. Do Quốc Trung dịch từ Hoàn Cầu Thời báo, Ban Hoa ngữ.

Xin đăng lại để thấy trình võ mồm và âm mưu của Khựa đối với Hiệp định hợp tác khai thác dầu khí ở Nam Hải (tức Biển Đông – ND) giữa Việt Nam và Ấn Độ vào thời điểm sau khi có chuyến thăm của TBT ĐCS Việt Nam đến Trung Quốc.

KHÔNG THỂ CHỊU ĐỰNG THÊM MỘT SỰ KHIÊU KHÍCH NÀO NỮA! CẦN TẠO RA SỰ CỌ XÁT KHIẾN CHO HỢP TÁC VIỆT – ẤN BỊ PHÁ SẢN

15-10-2011
Hàng không mẫu hạm CG do một cư dân mạng vẽ đã thể hiện
mối quan tâm đối với quyền lợi ở Nam Hải của Trung Quốc.
Dùng phương thức quấy rối để buộc sự hợp tác Án Độ – Việt Nam phá sản
Vào ngày 12 [tháng 10] Ấn Độ và Việt Nam đã ký Hiệp định Hợp tác Khai thác Dầu khí ở Nam Hải, vùng biển tranh chấp, cả hai nước đều biết rằng họ đang gây khó cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không tạo ra một vài rắc rối cho bản hiệp định này của họ, thì điều này được xem như sự thành công trong việc khiêu khích Trung Quốc, mưu đồ bắt tay nhau để ứng đối với Trung Quốc của một vài quốc gia sẽ được đẩy cao hơn.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam đi thăm Trung Quốc và Ấn Độ gần như cùng lúc, ở Bắc Kinh thì vun đắp lại mối quan hệ với Trung Quốc, còn ở New Dehli thì lại ký bản hiệp định rõ ràng là chống lại Trung Quốc, hiện vẫn chưa thể xác định được xem, rốt cuộc thì đây là cách làm của “hai phe phái” của Việt Nam, hay là có sự bất đồng ý kiến về vấn đề cụ thể Nam Hải trong lãnh đạo cấp cao Việt Nam hay không.    
Khi Ấn Độ và Việt Nam ký Hiệp định, điều cần xem xét có thể không chỉ là một chút lợi ích nhỏ nhoi trên mấy thùng dầu, mà là sự cân nhắc lớn hơn, mang tầm chiến lược khu vực. Ấn Độ rất khoái chí khi khuấy lên được vấn đề Nam Hải, làm gia tăng thêm sức ép của họ đối với Trung Quốc ở những vấn đề khác. Ấn Độ dường như cho rằng, tiến vào đắc tội với Nam Hải chỉ có mình Trung Quốc, mối lợi thu được có thể làm tiêu hủy một chút tổn hại đến mối quan hệ Trung – Ấn. 
Động cơ chính trị của sự hợp tác Ấn – Việt rất mạnh, sự chống trả bằng miệng của Trung Quốc sẽ không có tác dụng. Trung Quốc phải áp dụng hành động thực tế, để sự hợp tác Ấn – Việt này bị phá sản, hoặc phải gây ra thật nhiều sự rắc rối cho hai nước. 
Trung Quốc cần tuyên bố Hiệp định Ấn – Việt là phi pháp, khi Ấn – Việt bắt đầu công việc thăm dò trên biển, Trung Quốc cần cử lực lượng tác chiến trên bộ để tiến hành quấy rối công việc thăm dò này trước, tạo sức ép nhẹ nhưng cũng đủ để gây nên sự tranh chấp và va chạm nhau về thành quả thăm dò giữa hai nước, Nói một cách khác, phải để cho sự hợp tác Ấn – Việt gặp rủi ro cao tới mức sự hợp tác này không còn chút giá trị kinh tế nào.
Đẩy tranh chấp ở Nam Hải leo thang thành xung đột nghiêm trọng là sự mạo hiểm chung của các nước. Dĩ nhiên Trung Quốc không muốn như vậy, nhưng ngăn cản sự hợp tác khai thác dầu Ấn – Việt bằng cách quấy rối là phơi bày sự mạo hiểm này ra để cho các nước cùng gánh chịu. Không phơi bày nó ra thì chẳng khác nào Trung Quốc dùng sức của một nước để triệt tiêu sự mạo hiểm chung vốn thuộc về tất cả.
Do một vài nước thiên về mạo hiểm và cho rằng Trung Quốc sẽ nhượng bộ trước những mạo hiểm của họ nhằm tránh xung đột, nên hiện nay những hành vi khiêu khích nhằm vào Trung Quốc ở khu vực Nam Hải có chiều hướng ngày càng thêm hung hăng. Hiệu quả của sự phản đối bằng con đường ngoại giao của Trung Quốc đang suy giảm, chỉ có bằng biện pháp kiên nhẫn một vài lần rồi Trung Quốc đánh trả cho thật kiên quyết thì mới có thể làm nguội dần sự xung đột mạo hiểm ở khu vực này.
Ngăn cản sự hợp tác khai thác dầu Ấn – Việt ở vùng biển đang tranh chấp là một điểm hết sức xác đáng, thể hiện được tính kiên quyết của Trung Quốc. Do Ấn Độ không phải là quốc gia Nam Hải, nên sự lôi cuốn nước này vào cũng không thể làm tăng lên được tính chính đáng về sự tranh chấp giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy tham vọng chính trị của Ấn Độ đối với Nam Hải là lớn, nhưng sự chi viện mà tiềm lực quốc gia không thể đáp ứng hùng hậu, hơn nữa điều này không phải là ưu tiên hàng đầu để Ấn Độ xây dựng một quốc gia hùng mạnh. Ngay cả khi xét đến lợi ích của Ấn Độ, thì điều này cũng phảng phất mùi vị xía vô chuyện của người khác. Cộng đồng Ấn Độ không chuẩn bị tư duy cho sự xung đột mạnh với Trung Quốc ở Nam Hải.
Thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc là sự pha trộn giữa lợi ích với sự cân nhắc, tính toán hết sức phức tạp, về vấn đề có thể rút lại những hành vi nóng vội ở Nam Hải được hay không, Hà Nội thường tránh né. Bề ngoài Việt Nam tỏ ra rất cứng rắn, không chịu nhượng bộ bất cứ điều gì, nhưng cũng giống như Trung Quốc, mục tiêu quốc gia của Việt Nam hiện nay có nhiều cấp độ, mà vấn đề lãnh thổ chỉ là một trong những cấp độ đó.    
Trong bản tin ngắn đánh đi từ Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan,
Ria Novosti nói nhà máy đóng tàu Gorkiy vừa giao cho Việt Nam chiếc
thứ hai trong hợp đồng hai chiếc tàu chiến hạng Gepard-3.9.
Trước đó, một công ty Nga khác là RET Kronshtadt cũng đã được
 lựa chọn để cung cấp hệ thống
 huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu chiến này.
Công việc huấn luyện được thực hiện ngay trong năm 2010.
( theo Tamnhin.net ngày 20/10/2011)
Điều cần nhấn mạnh là, cộng đồng Trung Quốc khó có thể chịu đựng nổi sự khiêu khích trên biển nhiều lần của một vài quốc gia. Nước Trung Quốc trỗi dậy cần mang trong lòng sự chịu đựng nỗi nhục tạm thời, song cõi lòng có như thế nào rồi cũng có ngày được bù đắp. Dùng thủ pháp cứng rắn để chấm dứt sự khiêu khích của một vài nước là mạo hiểm đối với Trung Quốc, nhưng để cho công chúng Trung Quốc phải chịu đựng sự oán giận mà chỉ có những nhà đại chiến lược gia mới có thể chịu đựng nổi, thì với một đất nước được hợp thành từ 1,3 tỉ Khổng Minh như Trung Quốc, sự mạo hiểm này mới là điều không thể dự báo nổi.
Những việc khiến cho Việt Nam và Ấn Độ phải lo lắng không đáng để Trung Quốc phải bận tâm. Khả năng thực sự chịu được sự cọ xát quốc tế của Trung Quốc rất có thể là mạnh nhất thế giới. 

basamnews

ANH CỬ ĐI TÀU

Huỳnh Ngọc Chênh
Khi anh lên đứng đầu đất nước thì tôi mới nhớ ra anh đã từng đứng đầu Quốc Hội. Lỗi nầy do tôi vì tôi rất ít để ý đến vị trí ấy trong hệ thống nhà nước mà cái gì đảng mình cũng quyết.
Ở vị trí chủ tịch Quốc Hội dường như tôi chỉ nhớ đến hai người, đó là bác Trường Chinh và anh Nông. Bác Trường Chinh quá lớn nên không ai không biết. Còn anh Nông hồi phụ trách QH thì tôi có một kỷ niệm vui (thôi để kể sau) nên vẫn nhớ. 
Trở lại chuyện anh Cử. Bây giờ thì cả nước đang quan tâm đến anh, nhất là thời gian anh hành phương Bắc. Mọi người dõi theo từng bước chân anh đi, từng lời anh nói, từng cử chỉ của anh và cả đến cái cách bắt tay của anh với xếp lớn bên ấy. Rồi mọi người hồi hộp trông chờ anh trở về và bây giờ ai cũng thở phào nhẹ nhỏm, anh đã về an toàn. Đi sứ sang cái xứ ấy là hiểm nghèo lắm chứ đâu phải chuyện chơi. Sứ thần Giang Văn Minh đã từng bị chúng xé xác đấy. Quang Trung được Càn Long trọng vọng là thế nhưng khi được mời qua, ngài có dám đi đâu vì ngài vừa mới tẩn cho thằng con hoang của y một trận tan tác giáp hoàn nên phải dùng các_ca_đơ đấy thôi. 
An toàn trở về, anh mang theo một món quà là bản tuyên bố chung dài đến hai trang báo mà báo nào cũng bấm bụng đăng nguyên văn không sót một từ. Có anh đài báo nào đó ở Hà Nội tí tỡn lập công đăng trước lại bày trò biên tập cho gọn, cho hay chắc là đang bị gõ cho u đầu. Bình về bản tuyên bố dài dòng đó, dân mạng (mà chỉ dân mạng có nhiều mạng hoặc liều mạng mới dám bình chứ ai nào dám) cho rằng chỉ nổi lên hai điểm, một điểm rất rõ ràng và điểm kia rất không rõ ràng. Điểm rõ ràng là sự gắn chặt như keo giữa hai đảng anh em, giữa hai dân tộc anh em được nâng thêm nhiều bước. “Gắn cứng vào em sâu hơn nữa đi anh !” Điểm không rõ ràng mà dân mạng nói là cái vụ Biển Đông. “Trước khi giải quyết dứt điểm tranh chấp trên biển, hai bên cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông, giữ thái độ bình tĩnh và kiềm chế, không áp dụng hành động làm phức tạp hóa hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Biển Đông”
Dân mạng bảo, nói nghe sướng tai lắm nhưng chẳng rõ ràng gì hết vì cái  vụ tranh chấp ấy là tranh chấp bên trong đường lưỡi bò hay bên ngoài đường lưỡi bò. “Bên trong là của anh rồi đấy nhé, anh em mình chỉ có một chút vướng mắc ở mé rìa rìa bên ngoài thui. Chỗ ấy còn tranh chấp, đừng cho thằng Chà Và vào khoan bậy nhé! Hắn đang trở thành thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước và hòa bình, ổn định ở Nam Hải đấy, là tình địch của anh đấy, nó khoan em là làm đau anh đấy. Muốn khoan thì để anh khoan cho, sướng lắm!” Một thằng dân mạng than lên bên tai tôi, rõ ràng cũng bầm dập mà không rõ ràng cũng bầm dập. Số phận nàng Kiều là vậy, phen này lại bầm dập, tơi tả sướng với ông anh to xác mà xấu bụng rồi. 
Ấy là dân mạng nhận định như vậy. Còn với tôi thì ngay cái điểm rõ ràng là gắn cứng vào nhau cũng chẳng rõ ràng gì. Vì tôi vốn lạc quan. Tôi tin các anh đã tính hết rồi. Khi anh Cử đi Tàu thì anh Tư đi Ấn. Các anh chơi ngon theo kiểu chính sách cây gậy và củ cà rốt. Cây gậy là anh Ấn Độ đó, củ cà rốt là trinh tiết của Kiều. “Anh em ta cùng lý tưởng mà, lúc nào em chả thủ tiết chờ anh, lúc nào lại không ham muốn gắn cứng vào anh vì cái lý tưởng đó, anh hãy dắt tay em cùng đi lên sung sướng nhé! Nhưng anh cũng nương nương cho, chứ anh làm mạnh quá là em để anh ấy vác gậy nhảy vào đấy. Cây gậy ấy ngó vậy chớ to lắm đó vì đằng sau ảnh là Mỹ là Nhật, là Úc chớ không phải đùa.” Tôi nhớ lại Quang Trung, thời ấy cho các_ca_đơ qua vâng vâng dạ dạ nhưng ở nhà thì nói rằng: ” Chờ tao mười năm nữa thì tao há sợ mầy”. Tôi nghĩ anh Cử cũng đang có những động thái như vậy. Tay bắt, miệng cười bên ngoài chứ trong lòng chẳng tính chuyện keo sơn gì với ông anh Tàu đâu mà lo. Chờ đó vài năm nữa khi tàu kilo về, tên lửa, máy bay hiện đại ầm ầm xuất hiện, rồi Ấn xuất Đông, rồi Nhật du Nam, rồi Úc hướng Tây và Mỹ come back again thì ông sẽ tính. 
Hì hì, tôi lạc quan nên mơ vậy. Chứ thật ra chơi trò hai mặt ấy thì VN chưa đáng hàng đồ tôn  của sư thầy TQ. Cho nên có khi, bình luận và lo lắng của dân mạng là đúng. Thôi bỏ đi chuyện đau đầu ấy để tôi trở lại kỷ niệm vui của tôi với anh Nông trước đây mà tôi chợt nhớ lại vừa rồi.  Hồi đó tôi tập tễnh ra viết bài về Quốc Hội. Lúc ấy bản hiến pháp 1992 cũng còn mới rợi. Tôi phỏng vấn anh rằng các nước trên thế giới thường dựa trên nền tảng đạo lý: hoặc là Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền hoặc là triết lý tôn giáo truyền thống hoặc là cả hai để xây dựng hiến pháp, thế Việt Nam dựa trên nền tảng đạo lý nào của dân tộc để xây dựng nên hiến pháp 1992. Hẳn là mọi người cũng biết là anh Nông trả lời rất tròn trỉnh mà không cần nói ra nhưng ai cũng biết: Đó là chủ nghĩa Mác Lê Nin!  Không còn gì để hỏi, tự dưng lúc đó tôi vụt nhớ ra một chuyện thế là buột miệng hỏi: Thưa chủ tịch, dư luận trong nước cũng như báo chí nước ngoài nhận xét rằng chủ tịch có những nét rất giống bác Hồ. Chủ tịch bình luận gì về nhận xét nầy? Lúc đó có anh Tâm Chánh báo Tuổi Trẻ vừa bước đến đứng bên cạnh. Anh Nông trở nên rạng rỡ, nở một nụ cười rất tươi và nói: “Cái nầy thôi đừng ghi âm nhé”. Tôi vâng lời tắt máy ghi âm. Anh nói một câu dường như đã chuẩn bị sẳn : “Trên đất nước chúng ta, ai không là con cháu bác Hồ”. Tôi hơi ngớ ra vì đâu có hỏi như vậy.  Sau nầy tôi nghe anh Nguyễn Công Khế, tổng biên tập báo Thanh Niên là xếp của tôi kể lại, ngay tối hôm đó anh Lê Văn Nuôi, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ nhận được một cú điện thoại nói rằng có phóng viên của Tuổi Trẻ hỏi về mối quan hệ giữa chủ tịch Nông và Bác Hồ, chớ mà đăng cái đó lên đấy nhé. Hồi đó báo Thanh Niên còn hơi yêu yếu nên anh Nông hiểu lầm tôi là PV của Tuổi Trẻ. Tâm Chánh bị Lê Văn Nuôi điện ra phàn nàn, y đính chính không kịp. Và từ đó, y bực tôi lắm nên đến bây giờ vẫn luôn nhìn tôi bằng đôi mắt mang hình… lưỡi bò. Nhưng y đã mất chức rồi nên tôi chả sợ. 
Mới nhận được giấy thông báo nghĩ hưu nên đâm ra thờ thẫn, viết lung tung không đâu vào đâu, bạn bè vào đọc có gì xin bỏ qua. Và có khi đây cũng là những tâm sự ở những giây phút cuối cùng vì khi nghỉ hưu thì tôi cũng dự định nghỉ luôn blog.

VỊNH TẤM ẢNH OBAMA

Vịnh tấm ảnh Obama uống bia cùng người lao động!
Trần Nhương

Ông Obama uống bia vỉa hè
Ngồi bên những người lao động
Một đĩa bim bim hay đậu phộng
Tổng thống cùng nhâm nhi
Có thể ông ấy mị dân
Nhưng dám mị dân giữa đồng bào là vĩ đại
Ở một quốc gia kia
Có những người
Không đi chợ cùng nhân dân
Không ăn gạo trên cánh đồng nhân dân
Không nằm bệnh viện nhân dân
Không ăn thịt ở trang trại nhân dân
Không uống sữa đàn bò nhân dân
Không chịu cảnh mất điện cùng nhân dân
Không tắc đường cùng nhân dân
Con cái họ không học trường nhân dân
Nhân dân là nơi người ta cái gì cũng có
Không tiêu chuẩn không băn khoăn đắt rẻ
Có nhân dân lo cả họ cả nhà…
Obama Obama
Ông đi ăn quán
Ông uống bia vỉa hè
Ông mang Tổng thống đến nhân dân
Ông mang nhân dân vào dinh Tổng thống
Có thể ông mị dân
Nhưng mị dân giữa đồng bào là vĩ đại…
17-10-2011

MÙA VÀNG 4

Đi chơi đây, mùa màng xong hết rồi, áo đẹp tớ đi phố huyện!

Hai bà mẹ đang rất thanh bình bên những đứa trẻ của họ.
Người phụ nữ H'mông luôn luôn có một mảnh vải, cây kim và họ thêu thùa mọi lúc mọi nơi!

Ánh mắt trẻ thơ quá bình yên!


No ấm

Chút duyên

Hoa dại đua sắc cùng lúa vàng.

Họ luôn thêu thùa.


Nhởn nhơ những chú Trâu, đôi ba người đang dọn lại đồng để trồng vụ tiếp.

Như một hàng quân sẵn sàng nhận nhiệm vụ, nuôi sống con người!