Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

ĐẦU TUẦN ĐỌC BLOG NGUYỄN TƯỜNG THỤY

1. Lời rao thảm hại (Chuyện thật như bịa)



Xin nói ngay, đó là lời rao của Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện.
Ngoài việc băn khoăn về kinh phí tổ chức, mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ, anh còn có lời (tôi gọi nôm na là “rao”) để người đến dự buổi thuyết trình an tâm rằng “Một địa điểm an toàn tuyệt đối, không bị phá rối”.
Rõ khổ. Tổ chức thuyết trình về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà Xuân Diện cũng phải nhọc công rao như vậy!?
Ai không hiểu tình hình Việt Nam đều nghĩ rằng chắc mọi người lo thế lực thù địch, phản động phá rối (vì nội dung thuyết trình nhằm đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh lãnh thổ Việt Nam, bọn phản quốc ghét là phải) nên Tiến sĩ Diện mới phải làm thế. Họ đâu có ngờ sự lo ngại đó phát sinh khi người ta đánh mắt về phía an ninh, cảnh sát nước Việt Nam, nghĩa là đất nước có chủ quyền về 2 quần đảo ấy.
Hãy thử tưởng tượng: khi một công dân Nhật nào đó đứng ra tổ chức hội thảo về chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), nếu có sự gây rối hẳn không phải là do cảnh sát Nhật. Đối tượng đầu tiên họ nghĩ đến là an ninh Trung Quốc do đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo chỉ đạo.
Hay tại Trung Quốc, kẻ nào đó tổ chức thuyết trình về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tất nhiên là láo toét), nếu có bị gây rối thì tôi cũng dám chắc rằng không phải từ phía công an Trung Quốc. Họ sẽ nghi ngay: bọn Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc quá khích tìm cách phá hoại.
Ở ta, Tiến sĩ Diện tổ chức buổi thuyết trình với nội dung nói trên cũng phải lo tìm một địa điểm sao cho “an toàn tuyệt đối,  không bị phá rối” để trấn an cử tọa, cứ như là hoạt động bí mật.
Điều cần nói là, chắc chắn 100% người am hiểu cho rằng, cái sự bị phá rối nếu có thì chỉ có nguyên nhân từ phía công an chứ không phải từ bọn phản quốc hay bọn anh chị, đầu gấu, lưu manh, nghiện hút. Lạ vậy. Nhưng người ta hoàn toàn cảm thông cho Xuân Diện. Anh làm thế cũng có nguyên do của nó.
Số là buổi thuyết trình của Tiến sĩ Nguyễn Nhã về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hôm 24/9 ở Văn Quán đã bị gây khó dễ: cắt điện, ngừng phục vụ, yêu cầu giải tán. Rồi một kẻ xộc đến, thái độ và cách nói năng như kiểu dân anh chị. Chuyện này cụ thể như thế nào thì nhiều bài viết đã nói tới (Người buôn gió kể tỉ mỉ hơn cả)
Lại nhớ đến chuyện những nhóm sinh viên yêu nước đi dán (hoặc viết) dòng chữ HS-TS-VN lên gốc cây, cột điện, bức tường mà phải lén lén lút lút như quân ăn trộm, trong khi dán hay phun sơn khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt lên tường thì vẫn vô tư.
Người biểu tình không dám in chữ HS-TS-VN lên áo phông mà chỉ dám in hình chữ U rồi làm hai cái gạch chéo, ngầm ý phản đối đường lưỡi bò của TQ muốn liếm 80% biển Đông. Khi tôi mặc áo ấy, trừ người biểu tình và một vài người quan tâm hiểu còn phần đông không biết cái biểu tượng ấy nói lên điều gì. Như vậy là người biểu tình đạt được yêu cầu an toàn.
Hai cháu bé học sinh lớp 12 ở Hà Đông, chỉ vì đứng trong đám những người biểu tình bên bờ hồ Hoàn Kiếm (tuy không khởi động được) mà bị cả chục người bắt về đồn công an để làm rõ danh tính.
Người yêu nước ở Sài Gòn không làm sao thể hiện được thái độ của mình khi đất nước bị “nước lạ” gây hấn, bèn nghĩ ra sáng kiến mặc áo mưa có hình xóa lưỡi bò, dù trời đã tạnh vẫn cứ mặc. Khổ thế.
Vân vân và vân vân …
Hôm qua, tôi uống bia với mấy cháu thanh niên. Trong các buổi nhậu nhoẹt như thế, tôi chỉ thích uống và tán phét, nói chuyện tình yêu tình báo, đọc thơ tình … Chả nhớ như thế nào mà lại dẫn dắt đến chuyện Trung Quốc muốn thôn tính Biển Đông và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Nhân đó, tôi có kể vài chuyện trong số những chuyện nêu trên. Các cháu hết sức ngạc nhiên. Tôi bảo, nếu các cháu không tin thì chủ nhật này ra Bờ Hồ khoác lên mình hay giăng trên tay cờ Tổ quốc, không cần phải hô “Phản đối Trung Quốc” hay hô “Toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam” thì các cháu sẽ biết sự việc tiếp theo đó như thế nào. Chúng nó lè lưỡi: Vậy thì cháu không dám,  cháu còn phải lo làm ăn”.
Toàn chuyện lạ. Nhưng ở ta, hình như mọi người đã quen và chấp nhận như là chuyện bình thường. Thế mới lạ.
Cho nên cái sự Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện rao tìm địa điểm cho buổi thuyết trình “Chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” “đảm bảo an toàn tuyệt đối, không bị phá rối” nghe có vẻ thảm hại nhưng không lạ chút nào. Những sự việc như thế, người ta không thấy lạ mới là sự lạ. Thế là thêm một lần lạ nữa.,.

Thêm hai câu thơ của Yevtushenko"

Sống cái đời gì kỳ cục quá thôi
Dám lương thiện với mình cũng đủ thành dũng cảm.

2. ANH TRUNG QUỐC GHEN? (Chuyện phiếm)

      Em Việt Nam là một cô gái xinh đẹp nên khối anh muốn chim. Những anh giàu có, nhà mặt đại dương, làm to (ở Liên hợp quốc) như Trung Quốc, Nga, Pháp, Mỹ đều thích em cả.
     Em như thế sao lai không thích cơ chứ. Này nhé: gương mặt em rực rỡ như bông hoa buổi sớm. Các anh đi trên máy bay nhìn xuống em có cảm giác như đi trên một rừng hoa. Dáng em lại tuyệt vời, lộ rõ đường cong mềm mại hình chữ S trông thật gợi tình. Em nằm xõa tóc, tênh hênh bên bờ Biển Đông thơ mộng, hai núm bồng đảo Lưỡng Sa (Hoàng Sa, Trường Sa) ưỡn ra Thái Bình Dương, anh nào đi qua trông thấy chẳng nao lòng mà nhớ đến mấy câu thơ của Hồ Xuân Hương:
     Lược trúc chải cài trên mái tóc
     Yếm đào trễ xuống dưới nương long
     Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
     Nhà em VN ở giữa cái chợ phồn thịnh và sôi động nhất địa cầu. Nếu lấy chính điện nhà em (Hà Nội) làm tâm, quay một vòng tròn thì sẽ bao gọn cả xóm Đông Nam Á. Cha mẹ em lại để cho em bao nhiêu của hồi môn nên em có của ăn của để. Vàng cha mẹ em giấu ở Quảng Nam, than ở Quảng  Ninh, sắt ở Thái Nguyên, thiếc ở Quì Hợp, boxit ở Tây Nguyên … Lúa gạo thì nhiều vô kể từ hai thửa ruộng to nhất là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Em ăn không hết, mang ra chợ bán bốn năm triệu tấn một năm. Riêng dầu mỏ cha mẹ em chôn ngoài khơi Vũng Tàu và còn cẩn thận giấu ở chỗ ít ai để ý là vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa (nói ít ai để ý là hồi trước cơ). Thiên hạ còn xì xào rằng nhà em làm đúng trên rốn dầu của quả đất. Nếu hút hết dầu trong ao nhà em thì dầu của các anh Trung Đông, Nam Dương … tự nhiên lại dồn đến, làm cho mấy anh Ô-pếc đứng nhìn, tức mà ứ làm gì được. Nghĩa là các túi dầu dưới ao nhà em là túi dầu Thạch Sanh.
     Tuy vậy, em không thích sống xa hoa, chỉ cần mo cơm quả cà là xong bữa, có thể khai phá con đường đi lên thiên đường chủ nghĩa cộng sản được rồi. Cái chính em cần là cái tình, một tình yêu đích thực không vụ lợi.
     Xinh đẹp, hiền thục và có nhiều lợi thế khác nên việc em VN bị những thằng đàn ông tìm cách chiếm hữu cũng là lẽ đương nhiên. Hồng nhan thường là trắc trở về đường tình duyên. Cái đận 1954, sau khi đi hội nghị Giơ-ne-vơ về, em VN bị hai anh mê liền một lúc. Anh TQ cậy gần nhà, chỉ cách nhau cái giậu mồng tơi nên nhanh tay yêu được phần trên, tha hồ hôn hít xoa bóp. Anh Mỹ thì ở xa, đến chậm hơn nên yêu phần dưới. Nhưng ai cũng bảo anh Mỹ yêu phần dưới là vớ bở, là thực dụng, chứ phần trên thì ăn thua gì. He he. Ấy là chưa kể phần dưới em còn hòn ngọc Viễn Đông (Sài Gòn) nữa.
     Anh TQ dèm pha rằng thằng Mỹ tuy giàu và đẹp trai (thế mới gọi là Mỹ) làm ra vẻ hào phóng nhưng thực dụng, không hào hoa lãng mạn, thiếu chung thủy. Của nả nhà nó toàn do bóc lột giá trị thặng dư từ mồ hôi nước mắt của công nhân mà có. Phải như ở phe ta thì nó đã bị tịch thu hết tài sản, đem bắn từ lâu rồi. Nó lại là thằng đa tình, thấy cô gái nào cũng sán đến tán tỉnh. Nhà nào có con cái bị chèn ép, đối xử bất công nó cũng tìm cách nhúng mũi vào bênh vực hộ nên người ta mới gọi nó là sen đầm quốc tế.
     Còn anh Mỹ thì bảo thằng TQ nghèo, nghe thằng Nga suỵt chó vào bụi rậm, đi quàng đi xiên, lấy nó rồi khổ một đời. Bây giờ có tí của đã khoe nhặng lên mà giàu xổi thì không bền. Ấy là chưa kể đến tính nó hung hăng, cục súc. Nó chuyên dùng sức mạnh để bắt người ta yêu nó. Nó cho rằng tình yêu đẻ ra từ nòng súng, đầu tiên dẫu có bị cưỡng bức nhưng mãi rồi sẽ quen, tình yêu thực sự sẽ dần dần nảy nở.
     Nhưng em VN vốn là người có tình nghĩa, thấy anh TQ cho nhiều quá, khi thì bát gạo, lúc thì phong lương khô, đôi khi lại mảnh vải may quần áo trong khi nhà anh cũng chẳng khá giả gì nên sinh ra nể. Mặt khác, tuy hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay là vậy nhưng anh TQ cũng dẻo mỏ ra phết. Anh nóng tính đấm em một quả xong xoa dịu, bảo rằng chuyện vặt ấy mà, bát đĩa còn xô nhau huống chi bồ bịch (mà bồ thì phải bịch chứ nhỉ), hai đứa hãy khép lại quá khứ hướng tới hôn nhân, chớ để tụi đế quốc nó lợi dụng. Em VN ấm ức: “Anh khôn thế, không nhắc lại thì chỉ có lợi cho anh thôi bởi anh ra tay thì anh xấu, chứ em bị ăn hiếp thì xấu chi, kêu ra ai người ta chẳng bênh em”. Nhưng đến khi anh TQ mang 16 chữ vàng với bốn cái tốt ra tán thì em VN lại mê tít. Em vốn bao dung, vị tha mà.
     Trong tình trường, người ta có câu: “Nhất cự ly, nhì cường độ” nên em VN sau này ngả hẳn vào vòng tay anh TQ, không cho anh Mỹ yêu phần dưới nữa cũng là dễ hiểu. Nhưng qua thời gian tìm hiểu mấy chục năm (may mà chưa cưới), càng ngày em VN càng thấy anh TQ không thật lòng, có nhiều cái rất đáng khả nghi mà kẻ độc miệng gọi là mưu mô, nham hiểm.
     Anh TQ sang giữ nhà hộ em VN nhưng lại tranh thủ nghiên cứu đường đi lối lại để sau này sang ăn trộm. Nhà em hở hang ra cái gì là anh tìm cách chôm hay xâm lấn theo kiểu chó sói gửi chân. Anh sang nhà em đào ngạch khoét núi nói là làm trận địa nhưng thực ra là tìm của nả tổ tiên anh giấu, cho vào ô tô bịt kín chạy thẳng về, em nể không dám kiểm tra. Anh rất hay để ý đến cái giậu mồng tơi, thấy chỗ nào tiện là anh nhổ cọc giậu cắm lùi sang nhà em một tí. Anh mượn vườn nhà em làm lối đi, sau anh cãi đường anh làm nghĩa là đất của anh. Ấy vậy mà cuối cùng cũng được nhiều phết, toàn chỗ trọng yếu cả. Thác Bản Giốc trước khi các cụ nhà em mất, nó nằm hẳn bên này giậu mồng tơi. Hàng ngày em vẫn ra tắm và soi gương xuống suối. Thế mà anh vẫn đòi em chia cho một nửa rồi đòi tắm chung (thẹn chết đi được). Lối đi sang nhà anh, có cái cổng gọi là ái tình quan anh cũng bắt em dịch vào mấy trăm mét.
     Nhà em với nhà anh chung một cái ao, góc ao có bến tắm Tục Lãm, trước đây các cụ hai bên đã thống nhất chia rồi, nay anh bắt chia lại sao cho anh được lợi hơn. Anh xoa dịu: chia thế, nhưng cá bên anh sang bên em, em cứ việc bắt. Nói thế thì ai chả nói được. Em lè lưỡi.
     Cặp gò bồng đảo ngoài khơi của em VN, anh TQ mỗi lần ra chiếm một cái, nói là đất nhà anh vì có xương tổ tiên của anh ở đó. Em VN tức quá bảo vậy ở Gò Đống Đa có ối xương cụ tổ nhà anh, thế thì Hà Nội cũng là của nhà anh chắc. Anh TQ cay lắm nhưng không cãi được.
     Cứ thế, vừa yêu nhau vừa cảnh giác nhau, vừa cãi nhau vừa đánh nhau nhưng vẫn chả đứa nào bỏ được đứa nào. Em VN muốn khép lại quá khứ lắm nhưng nhưng cứ định khép thì lại phát hiện ra anh TQ ngày càng tỏ ra tham lam, muốn dỡ hẳn cái giậu mồng tơi đi để “tớ sang ở với mình cho vui”.
     Anh Mỹ thì tinh quái, thấy đôi tình nhân trục trặc, biết là cơ hội đã đến nên lại ra sức tìm cách ve vãn tán tỉnh em VN. Còn em VN trước đây chê đứng chê ngồi anh Mỹ bây giờ cũng liếc mắt đưa tình vì em đã chán thằng tình nhân kia rồi.
     Tháng trước, anh Mỹ đến nhà em VN chơi nhân dịp 15 năm hai đứa không ghét nhau nữa. Anh ngồi ở giữa nhà, lớn tiếng phản đối đứa nào âm mưu dùng vũ lực chiếm cái hồ xóm em làm anh TQ tức điên lên vì anh cho rằng cái hồ ấy là “lợi ích cốt lõi” của anh (khoản nhận vơ là anh TQ nhất). Anh Mỹ cho rằng anh í cũng có lợi ích ở đấy nhưng không nói là cốt lõi. Điều này làm cho em VN can đảm hơn, hình như em đang muốn thoát khỏi cái bóng của anh TQ. Tuy em vẫn còn yêu nhưng em muốn yêu bình đẳng hơn chứ không phải vừa yêu vừa sợ. Những nhà gần em thấy vậy thích lắm vì nhà nào cũng đã từng bị anh TQ chim chuột và bắt nạt, thậm chí bị cưỡng hiếp lấy mất một cái gò bồng đảo như chị Phi Luật Tân chẳng hạn. Họ đồng thanh cùng em VN đưa vấn đề tranh giành cái hồ xóm em ra làng phân xử chứ không muốn để anh TQ tán tỉnh và áp đặt cho từng em một mà anh gọi là đàm phán song phương.
     Anh TQ thấy thế nhảy dựng lên, tuyên bố, đe dọa đủ thứ, chắc là vừa ghen vừa sợ đụng chạm đến quyền lợi của mình. Anh mắng anh Mỹ xúi giục em VN và hàng xóm của em chống lại anh. Anh mang tàu với súng đạn ra khơi bắn ầm ầm để diễu võ giương oai. Anh cho đem cả phi đạn Đông Phong-21D ra khoe, nói đó là loại hoả tiễn bắn chính xác tới 1500 cây lô mếch để diệt tàu sân bay (ý là của anh Mỹ tình địch). Anh Mỹ thì vẫn nhởn nhơ hát karaoke, coi như không có chuyện gì: “Em yên tâm, ba thứ vặt vãnh đó trước khi đụng vào tầu của bọn anh thì nó đã tan xác rồi”. Khi lên tiếng, anh TQ không dám dọa trừng phạt xóm em về quân sự nhưng dọa trả đũa về kinh tế. Em VN và mấy chị hàng xóm cười hic hic, yên trí, có gì đã có anh Mỹ bao. Xóm em thừa biết anh TQ tuy hung hăng là vậy nhưng vẫn khiếp anh Mỹ vì anh ấy khỏe hơn, giàu có hơn và nói năng dễ nghe hơn, nhất là anh chẳng thèm tơ hào của nhà ai cái gì. Họ bảo anh này đúng là Lục Vân Tiên ở Tây bán cầu.
     Mấy hôm sau, anh Mỹ còn mang tàu sân bay đến gần ao nhà em VN, cho máy bay rước em ra chơi để khoe giàu khoe mạnh và để … chim cho kín đáo. Anh còn mang tàu khu trục vào tận bờ ao nhà em VN tán tỉnh, lại mang cả bệnh viện hàng không đến chữa bệnh cho em nữa:
     Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
     Cho thịt da em lại nở trắng ngần

     (Chắc không phải là bệnh giang mai, he he mặc dù bị anh TQ cưỡng hiếp ba lần, một lần ở giậu mồng tơi, một lần ở Hoàng Sa và một lần ở Trường Sa).

     Việc em VN đầu mày cuối mắt với anh Mỹ, tất nhiên anh TQ theo dõi từng ly từng tí nên biết cả nhưng có đứa nào dèm pha kích đểu thì anh cay đắng nói chuyện đó là chuyện của hai đứa chúng nó. Nhưng cô con gái yêu kiều xinh đẹp mà anh đã từng độc quyền ve vuốt ngót năm chục năm (đã trừ hơn 10 năm giận nhau ra) bây giờ để thằng khác chim chuột trước mặt mình sao lại không ghen cơ chứ. Tuy anh TQ không đặt nặng nề về khái niệm trinh tuyết, có thể cho anh Mỹ yêu chung nhưng cú nhất là em VN muốn thoát khỏi vòng cương tỏa của anh. Cứ đà này rồi bồ bịch của anh TQ trong cái xóm ấy phản lại anh hết, cuối cùng chỉ còn trơ lại anh với thằng Bắc Hàn chơi với nhau, mà thằng Bắc Hàn thì cả làng người ta ghét. Bụng nghĩ vậy nhưng lại không có lý do gì nên anh TQ đành phải nói chúng nó ôm ấp nhau ứ liên quan gì đến mềnh.

     Bạn bè của anh Mỹ thấy thế thì rào rào vỗ tay cổ vũ, bạn bè anh TQ cũng thấy hân hoan vì toàn bạn giả vờ cả nhưng không dám ra mặt. Còn mấy chị ở tận Bắc Âu trung lập như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan chẳng nói gì, quay sang ru con:
     Thân em như tấm lụa đào
     Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
12/08/2010

3.VỀ LẠI CHỐN XƯA (Thơ)



Đầu vườn nụ bưởi đơm hoa trắng
Góc rẫy bông mai trổ cánh vàng
Hỏi đến người xưa, người chẳng tới
Tìm về bạn cũ, bạn không sang
Thơ ngâm đã tủi đời hiu hắt
Rượu uống càng đau phận bẽ bàng
Thế thái nhân tình âu vẫn vậy
Còn mình mãi nặng kiếp đa mang.

1 nhận xét: