Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

LỜI CHIÊU TUYẾT CHO CỤ PHAN BỘI CHÂU - Phần 3

Bài 3: CỤ PHAN BỘI CHÂU CHỐNG CỘNG?
Đào Tiến Thi

Xin trích lại lời ông Hoàng Hữu Phước (HHP) trên trang mạng của ông ngày 13-2-2011:
“Việt Nam hoàn toàn khác: tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ, hoặc tự bươn chải chỉ biết dùng nước mắt bạc nhược cố tìm “đường cứu nước” (như Phan Bội Châu khóc lóc với Lương Khải Siêu khi nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với Nhật xin giúp kéo quân sang Việt Nam đánh Pháp, mà không biết mình rất có thể đã “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về dày mả tổ” (riêng chỗ này chúng tôi xin để nguyên chữ sai chính tả trong nguyên bản của tác giả – ĐTT), mở đường cho sự quan tâm của quân phiệt Nhật tàn bạo đánh chiếm và giết chết nhiều triệu người Việt Nam sau này, và phải nhờ Lương Khải Siêu ban phát cho lời khuyên can mới hiểu ra sự nguy hiểm của lời yêu cầu Nhật đem quân đến Việt Nam giúp đánh Pháp), và tất cả đều chống cộng. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đánh thắng tất cả (chúng tôi nhấn mạnh – ĐTT), tạo dựng nên đất nước Việt Nam thống nhất”.
 (http://www.emotino.com/bai-viet/18997/da-dang)
Ở hai bài trước chúng tôi đã phân tích hai ý đầu: quan hệ của Phan Bội Châu với Lương Khải Siêu và với các chính khách Nhật Bản để bác bỏ những lời xuyên tạc và thóa mạ nhà chí sỹ yêu nước lỗi lạc của dân tộc. Nay trước khi nói sang ý thứ ba, xin độc giả đọc lại đoạn văn trên của ông HHP, để thấy rõ ràng ông HHP gộp cả cụ Phan Bội Châu vào số “tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị…”  sau khi bêu xấu cụ Phan về việc “dùng nước mắt bạc nhược cố tìm đường cứu nước”, vô tình “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi về giày mả tổ”, ông hạ tội thứ ba, rằng cụ Phan, cũng như tất cả các cả các phe nhóm và đảng phái chính trị, “tất cả đều chống Cộng”.
Cái “tội” thứ ba này của cụ Phan chắc mọi người không dễ tin như hai cái đầu nhưng cũng dễ nghĩ không đầy đủ về cụ Phan, cho nên tôi xin cung cấp và phân tích một ít tư liệu lịch sử dưới đây.
Như chúng ta biết, sau khi Duy Tân Hội và Đông du bị vỡ, các lưu học sinh Việt Nam bị trục xuất khỏi Nhật Bản, cụ Phan Bội Châu sang nương náu ở Thái Lan một thời gian để tìm phương hướng cứu nước mới. Thì chẳng bao lâu, Trung Quốc nổ ra cách mạng Tân Hợi, nhà Thanh bị lật đổ, chính phủ Trung Hoa Dân quốc được thành lập (10-1911), cụ Phan và các đồng chí của mình trở lại Trung Quốc lập tổ chức cách mạng mới là Việt Nam Quang phục Hội vào đầu năm 1912. Với tổ chức này, Phan bỏ hẳn tư tưởng tôn quân để chuyển sang tư tưởng cộng hòa dân quốc (dân chủ tư sản). Tuy nhiên công việc vừa khởi sự thì cụ Phan Bội Châu đã bị chính quyền Quảng Đông theo lệnh của thực dân Pháp bắt và sau đó giam cầm suốt 4 năm (1913 – 1917). Năm 1918, trong một tình hình mới, Phan Bội Châu chủ trương “Pháp – Việt đề huề” (đã nói ở bài 2 – ĐTT) nhưng cũng không kết quả, vì thực dân Pháp đặt ra những yêu cầu bất bình đẳng, không thể chấp nhận được.
Trong khoảng thời gian 1919 – 1923, thời gian mà cụ Phan gọi là “thường lúc ngồi buồn vô liêu thì lại chạy rông một độ”, cụ bắt đầu có những tiếp xúc với người Nga. Cụ kể trong Phan Bội Châu niên biểu:  
“Năm Canh Thân (1920), tháng mười một, tôi nghe được người của Đảng Xã hội Cộng sản nước Hồng Nga nhóm họp ở Bắc Kinh khá nhiều, mà đại bản doanh của họ chính là nhà Bắc Kinh đại học. Tôi vì tính sẵn ham lạ mà nghiên cứu chân lý của đảng cộng sản, nhưng không biết lấy gì mà tự giới thiệu với đảng họ, mới đem sáchNga La Tư chân tướng điều tra ký của người Nhật Bản là Bố Thi Di Trị (Fuse Tatsuji) làm ra, tráo đi lật lại, tìm ngầm ý chỉ dịch ra thành sách Hán văn, cộng trên dưới hai mươi bản, chủ nghĩa của Chính phủ Lao nông với chế độ của họ, diễn dịch cực kĩ. Tôi làm xong sách, cắp đi Bắc Kinh. Tới nơi thì vào nhà Bắc Kinh đại học, thăm Thái Nguyên Bồi tiên sinh. Thái xem bản sách của tôi cũng tương đắc với tôi lắm. Thái mới giới thiệu với tôi hai người Nga, một người Lao nông Nga La Tư du Hoa đoàn đoàn trưởng (tên chữ Nga tôi không nhớ được[1]), một người là Hán văn tham tán Lạp tiên sinh[2], là thuộc viên của đại sứ Gia Lạp Hãn[3]. Lần này là lần thứ nhất mà tôi trực tiếp kết giao với người Nga. Tôi có hỏi Lạp tiên sinh rằng: “Người nước tôi cũng muốn đi du học quý quốc, nhờ tiên sinh chỉ vẽ đường lối cho”. Lạp nói rằng:
“Chính phủ Lao nông đối với đồng bào thế giới ở nước Nga rất là hoan nghênh, người Việt Nam nay du học lại tiện lợi lắm. Do Bắc Kinh đến Hải Sâm Uy (Vladivostok), đường thủy, đường bộ thông được cả. Do Hải Sâm Uy đến Xích Tháp (tức Chita, một địa danh ở Viễn Đông nước Nga) có đường sắt vào Tây Bá Lợi Á (Sibir), đi thấu vào được Mạc Tư Khoa (Moskva), kể hành trình chỉ có 10 ngày mà thôi. Học sinh tới Nga tất trước phải đến Bắc Kinh, có đại sứ Lao nông ở đó, vào xin lĩnh chứng thư và giấy giới thiệu. Được chứng thư của đại sứ thì từ Xích Tháp đến Mạc Tư Khoa, các tổn phí tiền xe và thực dụng thảy có chính phủ Lao nông ưu đãi cho. Kể từ Việt Nam đến Nga, nhu phí chỉ trong 200 đồng, chắc dễ biện lắm. Nhưng du học sinh trước khi vào học, tất phải quyết tâm thừa nhận những điều kiện như dưới đây:
1. Tín ngưỡng chủ nghĩa cộng sản.
2. Học thành rồi về nước mình phải gánh lấy những việc tuyên truyền của chủ nghĩa Lao nông.
3. Học thành rồi về trong nước mình phải gánh làm những sự nghiệp cách mệnh.
Còn như phí tổn trong khi tại học và khi về nước, nhất thiết do chính phủ Lao nông đảm nhiệm.
Bấy nhiêu lời như trên là những lời mà lúc ấy tôi hội thoại với ông Lạp. Ông Hoàng Đình Tuân dùng tiếng Anh thông dịch cho tôi.
Còn có một việc khiến cho tôi không quên được là, người Nga khi nói chuyện với tôi, biểu hiện một cách hòa ái thành thực, tư cách rành thấy là không đạm không nồng (nhã nhặn, điềm đạm – chú của người biên soạn). Tôi còn nhớ một câu rằng:
“Chúng tôi được thấy người Việt Nam là bắt đầu từ ông. Ông nếu dùng được chữ Anh làm một bản sách, kể cho hết chân tướng người Pháp ở Việt Nam đem cho chúng tôi, chúng tôi cảm tạ mà không dám quên”.
Khổ vì tôi không làm được sách Anh văn, nên không lấy gì trả lại thịnh ý ấy”.
(Phan Bội Châu toàn tập, tập 6, Thuận Hóa, 2001)
Sau này, còn vài lần Phan Bội Châu nhắc đến người Nga với sự thiện cảm. Khi kể về liệt sỹ Phạm Hồng Thái và các đồng chí của mình chế tạc đạn để ám sát Toàn quyền Merlin, cụ cũng nhắc đến một người Nga như sau:
“May lúc đó có người nước Nga là nhà hóa học đương làm giáo viên ở trường Hoàng Phố Quân quan Hiệu. Đảng nhân ta học chế tạo tân thức chá đạn với người ấy. Người ấy cũng vui lòng giúp cho, chế thành hai trái đạn bằng máy điện, hình đạn vừa bằng trái quýt, nạp vào trong cặp da nhỏ, dạng thức cũng in như cái cặp tay của người Tây hay mang xách”.
(Phan Bội Châu niên biểu, sđd)
Vụ ám sát Toàn quyền Merlin được báo chí Trung Quốc đưa tin và bình luận rất nhiều. Phan Bội Châu thuật lại thái độ của đại sứ Nga: “Đại sứ Nga ở Bắc Kinh Gia Lạp Hãn nghe được tin ấy, đập án nói rằng: “Ngày cuối cùng của nhà tư bản tất có như thế”. (Phan Bội Châu niên biểu, sđd)
Tháng 7-1924, Phan Bội Châu mưu tính cải tổ Việt Nam Quang phục Hội thành Việt Nam Quốc dân Đảng. Vừa khởi thảo xong Việt Nam Quốc dân Đảng chương trình và Việt Nam Quốc dân Đảng đảng cương thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Moskva về Quảng Đông. Nguyễn Ái Quốc có góp ý[4] cho Chương trình  Đảng cương. Cụ kể:
“Sau tôi về Hàng Châu mới được hai tháng, tức là tháng 11 năm Giáp Tý (1924), Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc Tư Khoa kinh thành nước Nga về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy Chương trình, Đảng cương làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi, bảo phải sửa sang nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội.
Còn như Chương trình và Đảng cương của Việt Nam Quốc dân Đảng bây giờ (tức lúc cụ Phan viết hồi ký này, khoảng  1937 – 1940) có thể thay đổi như thế nào tôi không được biết”.
(Phan Bội Châu niên biểu, sđd)
Những gì nói ở trên cho thấy, Phan Bội Châu ngay từ buổi đầu đã có nhiều cảm tình với những người cộng sản Nga và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc cũng có cảm tình với Việt Nam Quốc dân Đảng của Phan Bội Châu. Còn với cá nhân Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc đã dành những lời hết sức trân trọng để ca ngợi (xem bài 1).  
Phan Bội Châu cũng hết sức ngưỡng mộ những thanh niên các mạng Việt Nam trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản sau này, chẳng hạn như Tâm Tâm Xã (tổ chức mà sau này Nguyễn Ái Quốc cải tổ thành Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội), đặc biệt là Phạm Hồng Thái, người trực tiếp ám sát Toàn quyền Merlin. Ngay sau vụ ám sát Merlin, cụ viết Bài tế văn thay anh em truy điệu Phạm liệt sỹ, Phạm liệt sỹ Hồng Thái truyện, Tuyên ngôn thư của Việt Nam Quốc dân Đảng (để nói “cái cớ sở dĩ có Sa Diện chá đạn án”). Và ngay sau 2 tháng Phạm Hồng Thái hy sinh, cụ về Quảng Châu dựng bia mộ, “để cho nhớ dằm mả, chờ ngày sau cải táng”.
Còn tổ chức cộng sản chính thức ra đời năm 1930 –  Đảng Cộng sản Đông dương –  thì lúc đó cụ Phan đã bị giam lỏng ở Huế, những người cộng sản và cụ Phan muốn gặp nhau cũng rất khó khăn.
Nhưng rất nhiều thế hệ thanh niên yêu nước, trong đó có những người sau này tham gia Đảng Cộng Sản Việt Nam, do thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu và chính tấm gương xả thân vì đất nước của cụ thôi thúc mà đi làm cách mạng. Trong cuốn Phan Bội Châu, nhà văn Hoài Thanh viết:
“Cả khi Phan sa vào lưới giặc thì sự không may ấy của Phan lại là một dịp may cho phong trào cách mạng, vì nhân đó Phan lại xuất hiện trước nhân dân như là người tiêu biểu nhất hồi bấy giờ cho tinh thần quật cường của dân tộc. Có thể nói Phan đã truyền ngọn lửa yêu nước từ lớp sỹ phu hồi đầu thế kỷ đến một lớp thanh niên mới (ý nói những người cộng sản – ĐTT) rồi đây sẽ theo một con đường khác với con đường của Phan nhưng một phần do chính lòng kính phục đối với Phan mà đi vào cách mạng. Tết 1972, nói chuyện với một số văn nghệ sỹ, đồng chí Lê Duẩn nói: “Lúc còn thanh niên, mỗi lần đọc thơ Phan Bội Châu, tôi thấy trong lòng có cái gì náo nức, như thúc giục lòng mình vùng dậy, thúc giục mình xông lên làm một điều gì đó cho Tổ quốc. Đó thực sự là những bài thơ tác giả viết ra từ bầu nhiệt huyết, bằng tất cả óc tim”.
Ngay giờ đây văn thơ ấy, tấm lòng ấy, cuộc đời ấy, vẫn có sức cổ vũ lớn đối với chúng ta”.
(Hoài Thanh, Phan Bội châu, NXB Văn hóa, 1978)
Chỉ bấy nhiêu thôi ta đủ thấy cụ Phan chỉ có “yêu cộng” và những người cộng sản thời ấy cũng như sau này cũng rất kính yêu cụ Phan.
Thay lời kết
Nhân những lời của ông HHP – những lời xuyên tạc, phỉ báng cụ Phan Bội Châu nói riêng và xuyên tạc, phỉ báng tất cả những trào lưu, tổ chức ngoài Đảng Cộng sản nói chung – chúng tôi muốn nói thêm về các phong trào yêu nước trước 1945 và cả phần nào đó sau 1945 không thuộc ý thức hệ cộng sản, hoàn toàn không đúng như lời kết tội của ông HHP.
Nhìn lại các phong trào cách mạng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, ta thấy đó là một quá trình tiếp nốikế thừa, thường là giai đoạn thoái trào của trào lưu này thì lại xuất hiện một trào lưu mới, chứ không phải song song tồn tại mà sinh ra chuyện đấu đá tranh giành quyền lãnh đạo. Vả lại cũng rất khó có chuyện tranh quyền lãnh đạo, bởi các phong trào đều xuất phát từ lòng yêu nước, đều có mục tiêu giải phóng dân tộc. Cá biệt chỉ có những năm 1945 – 1946, một bộ phận tàn dư thoái hóa của Việt Nam Quốc dân Đảng chống phá cách mạng, nhưng tàn dư này tan vỡ rất nhanh vì đi ngược lại quyền lợi dân tộc, không được nhân dân ủng hộ.
Nếu để ý những con người cụ thể thì ta thấy vừa có những con người của một phong trào, một thời kỳ, vừa có những con người của nhiều phong trào, nhiều thời kỳ kế tiếp nhau. Thường là vào giai đoạn thoái trào của trào lưu cũ, họ đã kịp thời gia nhập vào trào lưu mới để đi tiếp con đường giải phóng dân tộc.
Ví dụ Lê Văn Huân (1876 – 1929) là một văn thân tham gia chống Pháp từ thời Cần vương của cụ Phan Đình Phùng, sau theo Duy tân Hội và Đông du của Phan Bội Châu, sau nữa lại sáng lập Hội Phục Việt, rồi Phục Việt cải tổ thành Tân Việt Cách mạng Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông dương.
Ví dụ, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu đã từng tham gia phong trào yêu nước trước khi gặp Nguyễn Ái Quốc. Lê Hồng Sơn là người từng theo cụ Phan từ năm 1920 trong Việt Nam Quang phục Hội, sau tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội của Nguyễn Ái Quốc và là người giữ một vai trò quyết định trong việc thành lập An Nam Cộng sản Đảng (1929), tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông dương. Hồ Tùng Mậu là cháu Hồ Học Lãm (một chí sỹ Đông du, rồi Việt Nam Quang phục Hội), Hồ Tùng Mậu từng hoạt động ở Xiêm từ 1916, rồi tổ chức Tâm tâm Xã (1923). Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu sau đều là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông dương.
Nhiều trí thức lớn ban đầu hoạt động trong các tổ chức yêu nước không phải cộng sản. Ví dụ, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh,… ban đầu sáng lập tổ chức yêu nước Phục Việt, sau đổi là Tân Việt Cách mạng Đảng, rồi cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông dương. Nhà sử học mác-xít Trần Huy Liệu, người từng vào Huế động viên cụ Phan viết Phan Bội Châu niên biểu, người cùng Cù Huy Cận, Nguyễn Lương Bằng vào Huế tiếp nhận việc thoái vị của Bảo Đại năm 1945, trước khi là đảng viên cộng sản cũng từng tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng.
Để có cuộc cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, là cả một quá trình chạy tiếp sức đầy gian khổ hy sinh của cả dân tộc và là quá trình dân tộc ta trưởng thành từng bước. Tất cả các phong trào yêu nước trước Đảng Cộng sản dù cuối cùng bị thực dân và tay sai tiêu diệt thì trước hết đều có công vun trồng, chăm lo ngọn lửa yêu nước, để nó không bao giờ lụi tắt. Chỉ riêng mặt này thôi cũng đủ cho mỗi người chúng ta hôm nay phải cúi đầu kính trọng tất cả các thế hệ yêu nước đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu thịt vì mảnh đất này. Và quan trọng hơn, các phong trào yêu nước kế tiếp nhau cũng là quá trình trưởng thành của ý thức dân tộc và dân chủ, từ quan niệm đất nước của vua (Sống thờ vua thác cũng thờ vua – Nguyễn Đình Chiểu) đến quan niệm đất nước là của nhân dân (Dân là dân nước, nước là nước dân – Phan Bội Châu), đến quan niệm nhân dân là người quyết định vận mệnh đất nước của Hồ Chí Minh: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa (chúng tôi nhấn mạnh – ĐTT). Ngoài ra, mỗi phong trào yêu nước, dù thất bại đều để lại những bài học về phương pháp đấu tranh để những phong trào sau khôn ngoan hơn, đỡ tổn thất hơn. Ví dụ, đầu thế kỷ XX, cụ Phan Bội Châu theo cách bạo động, cụ Phan Chu Trinh theo cách bất bạo động (chỉ đấu tranh chính trị công khai), đến thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Đông dương lãnh đạo 1930 – 1945, và cả sau này trong kháng chiến chống Mỹ đã kết hợp cả hai cách trên, tùy tình hình cụ thể. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc do biết kế thừa, rút kinh nghiệm tất cả các phong trào trước đó.
Chỉ cần lược qua mấy điều trên cũng đủ thấy câu nói của ông HHP “Tất cả các phe nhóm và đảng phái chính trị đều hoặc làm tay sai cho Pháp hay Nhật hay Hoa hay Mỹ” và “tất cả đều chống cộng” là những nhận định vơ đũa cả nắm, sai sự thực và hỗn xược biết chừng nào.
Trong quá trình làm cách mạng dân tộc dân chủ, Đảng Cộng sản Đông dương trước kia và Đảng Cộng sản Việt Nam sau này không bao giờ tự mình đối lập với các lực lượng khác không phải là đế quốc, tay sai. Trái lại, Đảng luôn tập hợp các lực lượng yêu nước và dân chủ khác nhau (thường thông qua một tổ chức mặt trận thống nhất, từ Mặt trận Phản đế Đông dương, Mặt trận Dân chủ Đông dương những năm ba mươi, qua Mặt trận Việt Minh những năm bốn mươi, qua Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống Pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc), Mặt trận Giải phóng và Liên minh các Lực lượng Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (ở miền Nam) trong chống Mỹ),… để cùng kháng chiến kiến quốc. Đảng chưa bao giờ đứng riêng một mình để làm cách mạng!
Kiểu phát ngôn như ông HHP chỉ làm cho nhân dân cả trong và ngoài nước mất lòng tin vào Đảng. Vì theo nhận thức của ông HHP, Đảng đứng riêng một cõi, không chung đội ngũ với ai! Những lời lẽ hùng hổ của ông HHP chẳng những không đề cao Đảng mà còn trái với quan điểm, đường lối của Đảng và làm hại thanh danh của Đảng biết chừng nào.
Đ.T.T

[1] Trưởng đoàn Lao nông Nga du lịch Trung Hoa, có thể là Iunine hay Voatinski (chú thích của người biên soạn).
[2] Có thể là Khodorov, Tham tán Đại sứ quán Nga (chú thích của người biên soạn).
[3] Karakhan, Đại sứ Nga tại Bắc Kinh lúc đó (chú thích của người biên soạn).
[4] Các nhà sử học vẫn chưa rõ Phan Bội Châu có gặp trực tiếp hay chỉ qua thư từ. 

7 nhận xét:

  1. vấn đề ni mềnh chưa đọc kỹ được, để mềnh đọc sau rồi thì mềnh có ý kiến " chỉ đạo" sau hấy!hihihihi

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà
    Phan bội Châu cõng rắn cắn gà nhà
    Nếu sự kiện biển đông không suôn sẻ có xẩy ra cõng rắn nữa không hầy .

    Trả lờiXóa
  3. @ hl
    Nhất trí, cho ý kiến chỉ đạo sau nha!

    @ Chị Lan
    Nói chung lịch sử VN mềnh do mấy tay bồi sử viết nên chả còn gì gữa nguyên được giá trị chị nhở!

    Trả lờiXóa
  4. Hóa ra nhiều cái đếch tin được em nhể. Lẫu

    Trả lờiXóa
  5. Có một điều nên tin : Đảng CSVN sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng Dân tộc thành công và vì áp đặt chế độ Đảng trị nên đã bị lợi dụng khi Nhóm hoặc cá nhân nhân danh Đảng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Dân tộc và Nhân dân. Dấu hiệu của thoái trào!

    Trả lờiXóa
  6. @ Chị Zoe
    H này mà chị còn mơ hồ vậy ư? Lẫu quá, lẫu quá!

    @ Bác Đồ.
    Thoái trào gì mà lâu thế, giống y choang HIV, mà thói đời "Ốm lâu tốn thuốc quá!"

    Trả lờiXóa
  7. Tư tưởng bè phái đã đầu độc thế hệ trẻ trở thành những tên "hậu sinh khả ố " như hoàng Hữu Phước

    Trả lờiXóa