Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

Thông báo đổi ngày kết thúc việc "Đấu giá thiện nguyện ủng hộ chương trình "Chung tay xây lớp cho em"!"



Trong hai ngày 11&12/05 chúng tôi đã có một nhóm lên Háng Đồng kiểm tra và đôn đốc công việc xây lớp học:


- Về việc xây lớp, tiến độ đang thực hiện theo kế hoạch cũ là đảm bảo. Nền đã san chỉ còn thiếu công đoạn đầm lèn, cột kèo đã chuẩn bị đầy đủ đang làm mộng và bào.

- Nhà trường và địa phương có ý kiến là mong chúng ta hoàn thiện sớm hai lớp học này để việc chia tách cấp 1-2 được thuận lợi, chứ để đến tháng 8 thì chậm mất. Và mùa mưa bão không biết sẽ diễn biến ra sao nên tiến độ cứ hoàn thành sớm để còn có khoảng thời gian mà lùi nếu có bất lợi.

Vậy nên chúng tôi thay mặt nhóm khởi xướng quyết định:

- Về tài chính đã tạm đủ nên chúng ta sẽ thúc giục nhà thầu thi công xong trong trung tuần tháng 6. Khi nào xong chúng ta sẽ lên nghiệm thu bàn giao ngay, việc này sẽ tổ chức khoảng 5-10 người đi cho gọn nhẹ.

- Đến tháng 9, khi các em học sinh khai trường (có thể đường xá sẽ tốt hơn vì họ đang thi công có vẻ rất khẩn trương) chúng ta sẽ tổ chức một đoàn những nhà hảo tâm lên thăm quan Háng Đồng và kết hợp khai trương lớp học. Khi đi, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi tới những nhà hảo tâm để mọi người được biết và tham gia.

- Về việc thu quỹ cho chương trình "Chung tay xây lớp cho em", chúng tôi sẽ chỉ thu đến hết ngày 07/06/2013 (Trong lời kêu gọi chúng tôi dự định kéo dài chương trình tới 15/08/2013).

VẬY NÊN VIỆC ĐẤU GIÁ SẼ KẾT THÚC VÀO 23H59' NGÀY 06/06/2013. (MỌI THỦ TỤC VÀ QUY ƯỚC KHÁC KHÁC VẪN KHÔNG THAY ĐỔI).

Ngày 16/03/2013, thay mặt nhóm "NO-U VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN" tôi đã viết kêu gọi những tấm lòng hảo tâm từ khắp nơi hãy cùng chúng tôi chung tay - góp sức để có được 200 triệu xây 2 phòng học cho các em thơ Háng Đồng - Bắc Yên - Sơn La trước năm học mới 2013-2014.
Ủng hộ cho chương trình đã có rất nhiều tấm lòng nhân ái, trong đó có một tấm lòng từ nơi xa gửi về cho chương trình hai chiếc bình quý được sản xuất tại Nhật Bản để chúng tôi - những người khởi xướng - tổ chức bán đấu giá thiện nguyện.


Cụ thể:


1. Bình gốm màu xanh ngọc, sản phẩm của làng Gốm Arita-Imari (Nhật Bản).

Chiếc bình được hoàn thành bởi những bàn tay nghệ nhân khéo léo và kỹ thuật đặc sắc vô cùng. Nó có tuổi thọ khoảng 100 năm. Sản phẩm được chế tác bằng một loại đá sứ và cao lanh tuyệt vời nhất của vùng Arita-Amari, và được nung 3 lần với kỹ thuật rất cao nên bề ngoài lớp men trong như gương.

"Nhân đây xin giới thiệu món đồ gốm của vùng Amari-Arita ở Nhật. Sản phẩm của vùng này hiện nay nằm trong hàng đỉnh về gốm sứ của thế giới. Những sản phẩm có giá vài nghìn dollars rất bình thường. Cùng với hoa anh đào, nghệ thuật trà đạo, sushi (về mặt văn hóa) núi Phú Sĩ, gốm Amari (về vật thể) là những thứ mà làm nên niềm kiêu hãnh vô bờ bến của người Nhật.

Có 2 thứ quyết định giá trị của hàng gốm Arita

- Nguồn nguyên liệu về đất đá và cao lanh ở vùng này, tất cả giới chuyên môn về gốm sứ đều công nhận vùng đất này có tuổi địa chất rất cao. Vì vậy, với người Nhật, bán đi một sản phẩm xuất khẩu là một thứ hao hụt tài nguyên giống như hút dầu lên bán đó bác. Họ nâng nui trân trọng vô cùng, sử dụng rất tiết kiệm và mua/khai thác chịu rất nhiều nguồn thuế.

- Về công lao động: (gốm làm từ đất sét, sứ làm từ đá sứ, hai thứ này khác nhau về độ đẹp, bền. Cách nhận diện là gõ vào sản phẩm, đá sức kêu như tiếng chuông, có độ ăm vàng xa, khi vỡ ra, sứ thì thường màu trắng tinh, còn gốm thì không dù có được tráng men).

Trước khi đất/đá sứ được dùng để làm phôi gốm, mỗi lò gốm thường có những hồ để lọc nguyên liệu rất to, truyền từ đời nay sang đời khác. Họ cho đất.mài đá sứ cho vào đó, đổ nước sạch vào, khuấy lên, sau đó, gạn bỏ nước nhằm loại những vẩn cặn và đặc biệt là các ion kim loại như nhôm/sắt. Những thứ này khi nung dễ làm xỉn màu sản phẩm, nó cũng là dấu hiệu để nhận diện đổ gốm cổ. Có những mẻ nguyên liệu họ cứ ngâm và lọc trong vài chục năm, có khi đời cha ngâm, đời con mới làm. Vì vậy sản phẩm gốm của họ tuyệt vời.

Sau đó họ tạo hình sản phẩm, bỏ vào lò nung lần thứ nhất 1300-1350oC tuỳ nghệ nhân và độ dầy của sản phẩm. Ở VN, chưa dám nung cao như thế vì sản phẩm dễ nóng chảy biến dạng méo mó. Sau đó lấy ra, họ bắt đầu trang trí, thường là công việc của họa sỹ. Các sản phẩm vẽ bằng tay thường là sản phẩm độc nhất vô nhị vì không cái nào giống cái nào, dù rằng cùng một người vẽ cùng một nghệ nhân. Sau đó nung lần thứ hai để cho mẫu vẽ đóng cứng lại, khoảng 800-900oC, sau đó họ chỉnh sửa mẫu và dùng lớp cao lanh tốt nhất nung lần thứ 3, để lớp cao lanh này bao bên ngoài sản phẩm, trong vắt như lớp gương trong suốt. Nó khác hoàn toàn với thứ gốm như của TQ hay Minh Long, vẽ bằng máy vi tính/vẽ bằng tay thì vô cùng đắt, vẽ bên ngoài sản phẩm, dùng vừa độc hại và vừa bay mau sau thời gian. Vì vậy mỗi một sản phẩm như một tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo, ngay cả người Nhật với họ cũng là những thứ dành cho giới quý tộc.
Lúa chỉ nói với bác rằng, sản phẩm càng cao tuổi sẽ càng đắt, và nếu bác mua những cái bình như vầy giá khoảng vài nghìn dollars thì rất là thường ở xứ sở Hoa Anh Đào."

(Hai Lúa)

GIÁ KHỞI ĐIỂM 5.000.000Đ (Năm triệu đồng)








2. Bình đồng đúc và khắc Cá chép (Koi) - Nhật Bản.

Là sản phẩm của nghệ thuật đúc và khắc đồng cao vào bậc nhất thế giới đầu thế kỷ 19. Cá chép (Koi) là một biểu tượng về sự thành đạt, may mắn và hạnh phúc của người Nhật. Hiện tại họ vẫn có sản phẩm giống như thế ra lò nhưng rất đắt.



GIÁ KHỞI ĐIỂM 7.000.000Đ (Bảy triệu đồng)





*. Mọi liên hệ để xem sản phẩm tại quận Ba Đình - Hà Nội xin thông qua địa chỉ Mail thanhvd_gt1@yahoo.com.vn hoặc qua địa chỉ FB Cuong Hoang Cong và tại Entry này.

*. Thời hạn cuối cùng của việc đấu giá là 23h59' ngày 06/06/2013. Người thắng sẽ là người trả giá cao nhất tại các địa chỉ đã ghi và trước thời gian trên.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc đấu giá này sẽ đóng góp vào chương trình thiện nguyện "Chung tay xây lớp cho em" tại Háng Đồng - Bắc Yên - Sơn La (Số tiền sẽ được hai bên xác nhận bằng biên bản và được thông báo rộng rãi cũng như thông báo đến chủ nhân của hai chiếc bình quý này.)

NHỮNG NHÀ HẢO TÂM ĐÃ TRẢ GIÁ:
1. Bình gốm màu xanh ngọc:

- Hương Vu (26/03): 6.000.000đ

- Hai Lúa (34/04): 6.000.000đ

- Bác Minh Hoàng (24/04): 10.000.000đ

2. Bình đồng đúc và khắc Cá chép (Koi):

Danbiet Danban (15/03): Mở hàng 7triệu 200 vnd.

Huong Vu (26/03): 8.000.000đ

Danbiet Danban: (28/03) Kỷ niệm Trường sa năm 1988: 8.864.000vnd.


- Trinhle Le: trả 9.000.000vnđ (01h30' ngày 27/05)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét