Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Thư chị Kim Báo gửi em Cua Blogger - Hiệu Minh Blog

Chào em Blogger

Thay mặt cho anh chị em làm nghề báo, chị Báo xin cảm ơn em Blogger đã gửi thư nhân ngày báo chí 21-6. Những lời động viên, chúc mừng của bạn đọc đăng trên Cua Times đã làm chị rất xúc động, giúp cho người cầm bút thêm sức mạnh.

Nhìn lẵng hoa đầu trang và lời đề trân trọng tặng các nhà báo, chị đã suýt khóc. Nhưng đọc lá thư em gửi sau đó thì thấy cú đá hậu sao mà đau đớn, dù những điều em viết, chị phải thừa nhận, không phải không có lý.

Nhưng hãy đừng vô tình đến nỗi hoá vô tâm mà lên tiếng trách người cầm bút. Nhiều nhà báo cũng vì miếng cơm manh áo, vì gánh nặng gia đình nên đành phải làm trách nhiệm của một công nhân, một người bố, một người mẹ, chủ giao gì phải làm đó, nếu không muốn bị mất việc.

Giá như em đi sâu và tìm hiểu kỹ sẽ hiểu rõ ai gây nên cái nỗi nhọc nhằn bịt miệng, bịt mắt, bịt tai kia. Với 30 năm trong nghề nên chị hiểu rõ thế nào là chữ nghĩa và hệ lụy của nó trong đời. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận.

Chị muốn nói, nghề viết vừa vinh quang và không ít cay đắng. Có phải tất cả những gì trong đầu được viết ra như cánh Bloggers các em. Trên các anh chị là những tổng biên tập, ban bệ, những cú phôn thì thầm, những nhắc nhở bâng quơ.

Anh Nguyễn Xuân Diện, một người cầm bút xả thân với nghế, đã tự hỏi “Báo chí Việt Nam là một biệt lệ chăng khi tất cả im phăng phắc trước một sự thật không lồ có quan hệ đến tồn vong của đất nước? Vì lý do gì vậy? Vì không dám nhìn chính xác sự thật? Vì không biết ủng hộ biểu tình hay chống lại biểu tình là công bằng? Vì không thể tường thuật sự thật một cách khách quan?”

Trong lúc ấy, chính trên blog của anh Diện có tường thuật chi tiết sự kiện xuống đường những ngày qua. Rõ ràng, nhà báo có nhiều điều muốn nói hơn những gì viết ra trên báo chính thống.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chuyện không thể khác được. Báo chí nước nhà không thể giống blog. Vì thế mới có quyền lực theo thứ tự 4 và 5.

Một bạn đọc có nick “Hắn” viết trên Cua Times rằng, nếu trách các anh chị nhà báo, thì cả giai tầng trí thức, và bản thân chúng ta đây, cũng thật đáng trách.

Anh còn nhắc tới bài viết “Trả lại hào khí Diên Hồng” (Pháp Luật TP.HCM – 5-03-2006) nói về tâm tình của một đồng nghiệp rằng, để che giấu mặc cảm do nhu nhược, khắp nơi người ta kể nhau nghe những bài vè châm biếm hoặc lớn tiếng dè bỉu chuyện cung đình tồi tệ, nhưng lại trong… quán nhậu.

Chí khí kiểu ‘sĩ phu Bắc Hà’ ấy liệu sẽ giúp ích được gì cho công cuộc chấn hưng đất nước đang lúc cần hào khí Diên Hồng năm xưa? Muốn chấn hưng đất nước trong vận hội ngàn năm có một này cần phải rũ bỏ sự nhu nhược đó.

Muôn người xin hãy nắm tay lại, chế ngự sự sợ hãi, cùng tiến về phía trước, may ra khát vọng Đại Việt mới có cơ may biến thành hiện thực. Xin đừng để sự nhu nhược của những cá nhân trở thành sự bạc nhược của cả một dân tộc”. Khẩu khí của nhà báo ấy thật đáng trân trọng.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã thốt lên “làm báo nói láo ăn tiền” và “làm báo nói thật ăn đòn” nghe thật chua xót, nhưng đó là một sự thật song hành đang hiện diện.

Chuyện “làm báo nói thật ăn đòn” thì quá nhiều. Có người bị tù tội, bị chém, bị đe dọa, mất việc chỉ vì muốn nói lên sự thật. Có người gia đình ly tán chỉ vì con chữ. Chuyện đó xảy ra khắp thế giới, không riêng gì nước ta.

Trước PMU18, các nhà báo là những người hung vì xả thân chống tham nhũng. Nhưng sau PMU18 thì ai cũng thấy rõ hậu quả “báo chí là công cụ tuyên truyền” như thế nào. Trong bối cảnh đó, nhà báo phải thận trọng hơn rất nhiều, nếu không bị mắc lỡm bởi những thứ quyền lực vô hình.

Chuyện “nói láo ăn tiền”, xin kể một tai nạn nghề nghiệp vào đầu những năm 1970 ở Hà Nội. Một đồng nghiệp nhận giấy mời đi lấy tin về hạ thủy một chiếc phà chở khách qua sông phía cầu Thăng Long bây giờ. Trời mưa phùn lạnh, anh ngại nên quyết định không đi.

Nhưng với “trách nhiệm phải có tin bằng mọi giá” nên anh ngồi nhà viết tin “Trong sương lạnh của buổi ban mai, chiếc phà từ từ hạ thủy nhẹ nhàng. Một chiếc ca nô nổ máy và lôi phà đi trong tiếng vỗ tay của bà con hai bên sông Hồng. Từ nay, họ không phải đi đò bằng thuyền nguy hiểm qua sông”.

Báo in đăng lên ngày hôm sau thì vị giám đốc Công ty Đường sông hốt hoảng đạp xe vào tận tòa soạn, vì thời đó làm gì có điện thoại. Ông hổn hển “Trời ơi, phà đã hạ thủy đâu. Do cấp trên bận không về nên hôm qua đã hoãn”. Khỏi phải nói, tờ báo tẽn tò như thế nào trước bạn đọc.

Kết thúc thư này, chị Báo xin trích một đoạn mà Tổng Cua từng tâm sự về nghề báo dưới con mắt của anh chàng amateur, thông qua câu chuyện về đại bàng và cơn bão.

Khi biết bão sắp đến, đại bàng tìm chỗ cao nhất để đợi gió đến. Khi gió gầm rú thì cũng là lúc đại bàng tung cánh bay cao. Nó đã dùng cơn bão để đưa đôi cánh đi xa hơn thay vì ngồi sợ hãi trong giông tố như các loài chim khác. Có lẽ vì vậy đại bàng được phong là vua của các loài chim.

Nhà báo cũng như con đại bàng trong bão tố. Lúc khó khăn nhất chính là lúc họ cần cho nhân loại nhất. Không ngoa nếu gọi họ là những nhà vua cầm bút vì họ vừa có tri thức để vượt bão của đại bàng lại vừa có sức mạnh của “quyền lực thứ tư” trong ngòi bút.

Nghề báo luôn đòi hỏi sự dấn thân suốt cuộc đời, im lặng đúng lúc và lên tiếng khi cần.

Phải chăng đó là hạnh phúc và trách nhiệm lớn lao của những người mang nghiệp bút nghiên.

Chị tin rằng, cánh Bloggers các em cũng nghĩ như thế. Quyền lực thứ 4 (báo chí) hay thứ 5 (blog) đều là quyền lực của ngòi bút, sức mạnh và trí tuệ của đại bàng trong bão tố.

Chúng ta hãy nắm tay nhau để làm một ông vua không ngai trong thế giới truyền thông.

Chúc em Bloggers có nhiều entry vạn hít.

Chị Kim…Báo.

1 nhận xét:

  1. Còn nhớ các sử gia ngày xưa, cha chết chém vì ghi đúng sự thật của lịch sử, con lên thay lại viết y như vậy. Bản lĩnh và lương tâm, đôi khi phải trả bằng máu, chỉ còn lại trong huyền thoại thôi sao?

    Trả lờiXóa