Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

THƯ GỬI CÁC THẦY CÔ.

Nhân ngày khai giảng năm mới, bác Ai Nghĩ Dùm Tôi, đại diện cho tạp chí Cua Times, gửi bức thư ngỏ cho các thầy cô cùng với những lời van xin thống thiết của một người cha khi gửi con tới trường.

Kính thưa các thầy cô!

Rất mong các thầy cô đọc những lời bộc bạch của tôi khi gửi gắm đứa con tới trường. Tôi biết, cháu phải học rất nhiều về toán, lý, hóa, văn… Nhưng cũng mong thầy cô bỏ thêm thời giờ để hướng dẫn cháu những kỹ năng sống, cách suy nghĩ trước mỗi sự việc, để ra đời cháu là người có ích và nhất là cháu có thể học suốt cuộc đời còn lại sau khi rời mái trường.

Tôi biết, con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết, cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố, thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.

Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai của một người cha có tên rất lạ “Ai Nghĩ Dùm Tôi”.

Xin cảm ơn các thầy cô đã chú ý lắng nghe.

ANDT. Mình đọc đến cuối thì hóa ra là thư của Lincoln. He he he (http://www.wanderings.net/notebook/Main/AbrahamLincolnLetterSonsTeacher)
=====================

Thư gửi ngài Lincoln
Thưa ngài Lincoln,

Thấy bức thư mang danh ngài đăng trên Cua Times, tôi không thể không viết vài dòng.

Tôi biết ngài đang ngồi trên bệ đá cẩm thạch ở tòa nhà tưởng niệm mang tên ngài ở một đầu của National Mall (Quảng trường quốc gia Washington DC). Mắt ngài nhìn thẳng vào tòa nhà quốc hội cách đó 3 km.

Bên hồ Tidal Basin có tượng Jefferson và đôi mắt nhìn vào Nhà Trắng. Những cặp mắt của các ông gặp nhau tại cái bút chì mang tên Washington, biểu tượng của nền dân chủ, tự do Hoa Kỳ qua mấy thế kỷ. Phong thủy xứ cờ hoa mang mầu sắc chính trị hơn là mê tín. Cổ nhân đã đi xa mà vẫn giám sát được hai nhánh lập pháp và hành pháp nước Mỹ.

Thông điệp trong thư mà người ta đồn là do ngài viết, dù đã gần hai thế kỷ, nhưng vẫn được nền giáo dục Mỹ mang theo từ thế hệ này qua thế hệ khác, và trở thành một trong những sự nghiệp trồng người thành công trên thế giới.

Có lẽ vì thế mà nhiều quan chức to gửi con sang Mỹ học. Vài Bộ trưởng GD “mấy nước nghèo” cũng thế. Món “lẩu GD” mà “đầu bếp” không thèm “ăn” lại gửi cho “thời đại nếm”.

Ngài khuyên thầy giáo hãy dạy cách làm người, trong xã hội luôn có xấu xa và tốt đẹp song hành. Tiền do mồ hôi, nước mắt kiếm được giá trị hơn đồng tiền ăn cắp. Khuyên thầy cô dạy trẻ biết chấp nhận thất bại và hưởng niềm vui chiến thắng.

Rồi ngài nói về sách như những bảo bối cho suốt quãng đời còn lại sau khi ra trường. Và nhiều thông điệp thú vị khác. Giáo dục Mỹ thật khác người. Dạy làm người hơn là bắt học sinh thuộc lòng sách giáo khoa.

Quả thật, nếu theo đúng bức thư khuyên thì nền giáo dục của chúng tôi đã đi xa lắm. Nhưng ngoài đời không dễ thế.

Xin tranh cãi một chút vì những điều ngài viết là không tưởng với hoàn cảnh mang tính thời đại như ông Bộ trưởng Bộ GD vừa phát biểu.

Ngài Lincoln cho rằng, cứ mỗi kẻ vô lại thì đâu đó có một người chính trực. Nhưng tôi sợ rằng thời nay, người ngay sợ kẻ gian, người chính trực hiếm dần đi.

Các chính trị gia ít còn tận tâm như cách đây nửa thế kỷ khi cách mạng vừa chiến thắng. Đâu đó, thói vô cảm đã ăn sâu vào trái tim và khối óc một số người khi có quyền lực trong tay.

Đồng đô la kiếm được bằng mồ hôi bị cho là ngu dốt nếu ăn cắp được 10$ mà không tốn sức. Chỉ cần phiền hà dân đến cửa quan là có phong bì, dễ ăn hơn vác cuốc ra đồng.

Dân tộc này bất khả chiến bại trong mọi cuộc chiến. Vì thế, chúng tôi không thích đội bóng nhà thất bại. Hưởng niềm vui chiến thắng thì vô bờ. Vừa qua, có vài trận thắng trong vùng trũng khu vực mà nhiều dân chết thảm vì phóng xe như điên loạn. Cái đó thì học được ngài.

Dạy làm sao được rằng, những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất. Hàng xóm nhà này có thằng rất to Big Bad China toàn bắt nạt đàn em Việt Nam mà có làm gì được, ngài cứ quá lời.

Đọc sách ư? Có đấy. Nhưng các em toàn đọc sách Tầu, sách Nhật, thuộc sử Tầu hơn sử ta. Phim nước ngoài tràn lan mà muốn giữ gìn bản sắc dân tộc. Nghịch lý.

Sự bí ẩn muôn thưở của cuộc sống cũng không còn nhiều. Đồi xanh thay bằng đồi trọc. Môi trường ô nhiễm, không gian tự nhiên chật hẹp, chim muông bay đi hết, ong bướm làm gì còn. Các em học bằng mẫu vật trong phòng thí nghiệm.

Chấp nhận thi trượt ư. Trời ơi, ông Nguyễn Thiện Nhân lên đến chức PTT, Bộ trưởng Bộ GD mà không làm gì nổi trò thi gian lận, bệnh thành tích thì làm sao chấp nhận trượt vỏ chuối. Hẳn ngài còn nhớ “Người đương thời ĐVK” thành…thất thời.

Ý kiến riêng ư. Không thể. Ở cái nước tôi, mọi việc đã có nhà nước lo. Nói ngược là không được.

Dịu dàng hòa nhã khó lắm. Con tôi đi ngoài đường mà không đầu gấu thì khó mà thoát chỉ vì va chạm nhỏ. Cứ phải giương vây để dọa đối phương.

Tôi hiểu, biết lắng nghe rất quan trọng, nhưng bề trên chả lắng nghe thì kẻ dưới dỏng tai làm gì. Và bề dưới chả dại gì mà dạy các con biết mở màng nhĩ. Không nghe, tát cho một cái, thế là phải theo.

Trái tim và tâm hồn cũng rẻ lắm, ngài Lincoln à. Có phong bì mua được hết. Cái gì không mua được bằng tiền có thể mua được bằng rất nhiều tiền.

Thấy đám đông gào thét, phải chuồn, vì “đấu tranh, tránh đâu”. Niềm tin vào bản thân cũng vì thế mà thui chột. Nhân loại ở xa, vô lại rất gần.

Mỉm cười khi buồn ư. Vâng, tôi đang buồn viết thư này cho ngài và đang cười. Cười vì nỗi đau nhân thế, buồn vì thế hệ trẻ ngày nay không còn tuổi thơ, cười vì ngài ấu trĩ, nghĩ về thế giới quá đơn giản.

Có lẽ do ngài sống cách đây 200 năm nên lạc hậu. Hay do ngồi lâu, ôm ghế nên chả còn biết gì về thế giới bên ngoài.

Xin ngài hãy nghĩ lại chút và viết bức thư khác cho hợp với thời đại và môi trường mà chúng tôi đang sống.

Chúc ngài bền vững trên chiếc ghế đá cẩm thạch.

HM. 11-9-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét