Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

VIẾT CHO MỘT NGÀY CUỐI NĂM 2012


Nguồn: Hai Lúa
Nhiều lúc tôi tự hỏi, tôi muốn gì cho tương lai của mình? Một căn nhà mặt phố sang trọng? một chiếc xe du lịch đời mới? hay một vị trí quản lý/địa vị xã hội cao để mọi người phải trầm trồ hay ít ra cũng phải nghiêng mình? Ngày cuối cùng của năm, thường tôi tự chọn một ngày cô độc, thu mình vào vỏ ốc, cắt đứt mọi liên lạc trốn tránh người thân để chiêm nghiệm cuộc sống. Và tôi gần như tôi trơ dại cảm xúc, không còn một ham muốn nào nữa tồn tại trong suy nghĩ của mình, một kẻ tuổi đời mới chưa chạm ngõ 40. Lứa tuổi sung sức nhất, chín muồi nhất về sự cống hiến, dấn thân và tư duy, với một mớ kiến thức mà người ta hay gán cho chữ “kẻ có học”.
Tôi chẳng giàu đến độ không biết thèm muốn tiền hay những thứ tiện nghi cho cuộc sống. Tôi cũng chẳng có một vai vế gì trong xã hội. Nếu cho rằng vì tôi chẳng là gì nên buột miệng nói ra “khômg thèm thuồng/không ham muốn” là một cách an ủi mình thì có phần oan uổng. Đã có những cơ hội thăng tiến, những khoản thu nhập hậu hĩnh, những phong thư đến với tôi nhưng tôi khước từ. Bởi tôi không đủ khả năng chịu đựng sự dằn vật lương tâm, không thể dửng dưng để tiếp tay với sai trái, dối trá. Tôi không thể là kẻ dối trá hay phụ họa cho dối trá. Vì quan điểm sống rõ ràng này mà tôi bị nhiều người gọi là kẻ gàn dở, sĩ diện hão, họ bảo tôi, “ai cũng vậy, mình cũng phải thế thôi…” Và rồi một cái chặc lưỡi… mọi thứ được quay theo một guồng máy, nếu muốn giẫy ra thì chỉ còn cách tự “vặn mình” cho lệch khỏi bánh xích.
Tôi đọc Bên thắng cuộc của Huy Đức, chưa đọc hết vì tôi càng đọc càng tan nát. Những sự thật được bày ra, rõ như một cuốn phim quay chậm, nó giải thích những thắc mắc, mâu thuẫn của tôi về những nghịch lý diễn ra trong đất nước này, đất nước mà “đi đâu, ở đâu mình cũng muốn tìm về”. Hồi còn học cấp một, tôi được tham gia một tiết mục ca múa “hát mừng đảng mừng xuân năm 1985- mười năm sau giải phóng miền Nam”. Lời của bài hát như sau: 
“Em nhớ năm xưa sống kiếp lạc loài
Đời em nổi trôi theo tháng ngày chìm nổi
Sài Gòn sáng đẹp nhưng đời em u tối
Mái hiên gầm cầu không che kín thân đời em
Ai cho em trở lại kiếp người
Và ai cho em những tiếng cười tươi
Cuộc sống hôm nay là nhờ ơn có đảng
Ánh sáng cách mạng đã soi sáng cuộc đời em….
Ai cho em trở lại mái trường
Và ai cho em ấm áp tình thương….”
Tôi đã bảo với cô giáo chủ nhiệm rằng, “chúng em đều sinh ra trong thời gian giải phóng (khoảng 1974-1975), vậy tức là tuị em không có sống kiếp lạc loài, sao lại hát là sống kiếp lạc loài, vậy ai sống kiếp lạc loài, thế nào là lạc loài, mình không lạc, mình sống ngay ở quê hương mình thì sao gọi là lạc loài?” Cô giáo bảo “bài hát vậy thì em cứ hát theo, em hỏi làm gì?” Và hôm đó, đứng trong hàng tốp ca, tôi chỉ nhép miệng. Tôi thấy có cái gì không thật, mà không thật thì phải lên án vì tôi được dạy như thế.
Tôi đã thèm những viên kẹo mút rất thơm của cô bạn gái ngồi bên cạnh khi cô ấy có người nhà “ở bên bển”, thèm ngửi cả cái mùi chai phấn rôm mà cô ấy bôi vào cổ vào nách hằng ngày. Cứ 2-3 tháng, họ đóng một thùng hàng gửi về cho gia đình, từ cái bàn chải đánh răng, cây bút bi đến cái mũ, quần jean, áo thun… Gia đình bạn ấy chẳng làm gì cả, cứ lâu lâu nhận được 100-200 dollars là họ sống ung dung. Tôi tự hỏi, cái tờ tiền mà bạn kể, ở giữa là cái hình một người đàn ông tóc dài mũi to có cái đầu hói, xung quanh được trang trí họa tiết màu xanh rêu tường kia ẩn gì trong đó mà sao nó giá trị đến thế? Cô bạn nói tới nó với tất cả sự thán phục. Trong đầu của một con bé hơn 10 tuổi, tôi chẳng hình dung ra được giá trị của tiền tệ do cái gì quyết định, chỉ biết nó là một tờ giấy, có in những họa tiết không giống như tiền của nhà mình. Cái gì đã làm nên giá trị đó?
Suốt từ lớp 2 cho đến lớp 12, con đường từ nhà tới trường của tôi chẳng có hoa, có bướm, không có những hàng cây rợp bóng đẹp đẽ như trong sách vở. Mùa mưa thì ngập lụt, lội bòm bõm, lúc nào cũng thủ một bộ quần áo để thay khi đến trường, mùa nắng thì đoạn đường sỏi đá gồ ghề, đoạn thì bụi đất trắng xóa hai bên. Thế nhưng tôi nghĩ, phải học, học sẽ thoát nghèo, rồi tôi sẽ đi làm, sẽ có tiền mua những viên kẹo thơm phức, những bộ quần áo đẹp như của bạn,… Khi con người sống luôn ước mơ, luôn có mục đích phấn đấu thì gần như những khó khăn chẳng là gì.
Vào Đại học, bắt đầu tự lập, vì nhà nghèo nên tôi chỉ được cho một số tiền khoảng 120-150 nghìn/tháng cho tất cả các chi phí sinh hoạt, trong khi bạn bè của tôi, trung bình là 300 nghìn. Tôi cũng chẳng so bì, vì bố mẹ giao kèo rồi, chỉ cho như thế không thể lo hơn được nữa. Tôi tiết kiệm từng đồng mua rau, ngay cả việc kéo nhau ra quán ăn một bữa ya-ua cũng là họa hoằn.
Tôi đi dạy thêm, 4buổi/tuần, số tiền mà tôi kiếm được đủ để tôi bù đắp thiếu hụt mà bố mẹ không lo nổi, giúp tôi tham gia các khoá học thêm ngoại ngữ, vi tính. Cuộc sống thật vất vả thiếu thốn nhưng tôi luôn thấy vui, hạnh phúc vì có động lực, “mình chỉ vất vả tạm thời, tương lai sẽ khác”… cứ thế, vượt qua hết khó khăn này tới khó khăn khác nhưng sao tôi vẫn tràn đầy năng lượng.
Vậy mà giờ đây… dù chẳng phải dư dả nhiều nhưng những điều kiện cơ bản cho cuộc sống ở mức trung bình đều đạt được, tôi lại rơi vào sự tuyệt vọng, mất niềm tin ghê gớm, chán chường, chán đến không buồn nói, không thèm một cái gì hết. Nhìn những người nông dân mà thiếu ăn, công nhân thì sống chật vật, trộm cướp, giết người, sự sa đoạ về văn hóa đạo đức của rất nhiều người, những mảnh đời bất hạnh được kể, được ghi chép đầy trên mặt báo,…..dân tộc tôi đó, niềm tự hào của tôi đó… tan vỡ như bọt xà phòng. Sự tử tế của con người gần như là một thứ xa lạ, thậm chí xa sỉ trong thời buổi này. Làm sao để khi bưng một bát cơm ăn, đầu óc tôi không phải nghĩ tới những đôi mắt dao dác bới tìm rác, gặm một miếng hột soài mốc xanh của những em bé lẽ ra phải được cắp sách đến trường? Họ chính là tương lai của chúng tôi, những con người đói khát về thể chất, què quặt về tâm hồn, không tri thức, không hiểu biết, bị ném vào đời quá sớm để tìm cái ăn mà tồn tại. Dân tộc tôi đó với bao nhiêu mỹ từ “anh hùng”, để chiến thắng ai? Mỹ ư? Pháp ư? Hay là Ngụy? Tất cả những kẻ mà chúng tôi chiến thắng bây giờ họ đều hơn chúng tôi, họ được tôn trọng hơn, sống sung sướng hơn trong một xã hội phát triển với tất cả những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và đảm bảo. Một dân tộc “chăm chỉ cần cù” ư? để làm gì hay chỉ mong được đi xuất khẩu lao động, để hầu hạ, làm tôi tớ cho những dân tộc trong khối ASEAN mà những năm 1975s họ chẳng hơn gì chúng tôi. “đất nước giàu đẹp, rừng vàng biển bạc” ư? Chỉ trông mong vào những khoản viện trợ, cúi đầu nhận những ưu đãi của thế giới ban ơn cho những nước nghèo, những tài sản quốc gia ấy bị tàn phá, khai thác tận diệt. Vậy mà có những kẻ mang tiếng là trí thức lên mặt báo to mồm phát ngôn:
“Tôi không dám đại diện cho cả thế hệ chúng tôi. Nhưng cá nhân tôi thấy: thế hệ chúng tôi đã hút gần hết dầu, đã đào gần hết than, đã dùng lưới cào và thuốc nổ khai thác hết cá ở biển, từng đi chặt rừng để bán sang Nhật.
Như vậy, cái chúng tôi để lại cho thế hệ sau là gì? Là hết than, hết dầu, hết cá, hết rừng nhưng tôi rất tự hào về cái đó. Bởi vì chúng tôi để lại cho thế hệ trẻ một con đường duy nhất là phải học là không còn dựa vào tài nguyên thiên nhiên nữa. Đó là điều mà tôi tự hào để lại cho thế hệ sau” (chuyên gia kinh tế Bùi Văn).
Xã hội thiên đường mà phân chia lợi ích bất công vô lý đến tàn bạo, những kẻ đầu cơ cộng với những thế lực chống lưng, chúng có thể kiếm những khoản tiền khủng bằng những chính sách/nghị định mà phe cánh tạo ra, sống phè phỡ sa hoa bằng những đồng tiền mà chúng “cướp được có bảo kê”, còn người dân là những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội thì nghèo đói, tồn tại sự sống một cách lay lắt. Tôi không tốt tới mức chết vì người khác, đang đói sắp chết nhưng có thể nhường phần ăn của mình cho người khác nhưng tôi tin nhiều người có tâm trạng giống tôi, bất kỳ ai mà hai chữ “đồng bào” hai chữ “tổ quốc”, hai tiếng “Việt Nam” thân thương vẫn còn khắc khoải, những ai mà “niềm tự hào dân tộc” luôn luôn được tôn thờ, chắc chắn họ sẽ đau, một nỗi đau chất chứa bao nghẹn ngào không thể thốt nên lời. 
Bác sĩ bảo tôi bị bệnh, tên gọi là “tâm thần phân liệt”, tưởng tượng quá sức và cảm giác mình bất lực trước một vấn đề… Nếu kéo dài sẽ rất khó chữa, ban đầu sẽ sống mất phương hướng, không thiết làm gì, không ham muốn bất cứ điều gì, sau đó là sống trốn tránh mọi người, rơi vào sự trầm cảm, rồi xuất hiện những cơn đau mà không rõ nguyên nhân... Buồn cười quá, ai lại muốn đeo vào người những ý nghĩ điên rồ như thế?
Liệu có ai lại muốn mình là một kẻ bị bệnh tâm thần?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét